Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Trước hết nói về Đảng” trong Di chúc của Bác Hồ

Kỳ 1: Về nỗi trăn trở, suy tư của Bác Hồ 

Cập nhật ngày: 13/09/2024 - 17:11

BTN - 55 năm trước, trước khi về với “thế giới người hiền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc bất hủ, nay đã trở thành cẩm nang chỉ đường dẫn lối để đất nước Việt Nam tiến bước trên con đường văn minh, hạnh phúc.

Bản Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại chỉ có 1.000 từ nhưng Bác công phu chuẩn bị 4 năm liền. Ảnh tư liệu

55 năm trước, trái tim Bác Hồ ngừng đập. Trong những ngày đau buồn của dân tộc tiễn biệt Người, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ “Bác ơi!” trong đó có đoạn:

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau

Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu

Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ

Cho hôm nay và cho mai sau...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời mình cho dân, cho nước. Trái tim và khối óc suốt cả cuộc đời Người đã luôn đập cùng nhịp đập và suy nghĩ với nhân dân của Người. Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt từng viết, với một người mẹ bình thường chỉ có thể lo sữa, tã lót cho con; còn với Hồ Chí Minh, Người lo xa đến cả việc con sẽ học trường nào, ra sao, đó chính là điều mà nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ/ Cho hôm nay và cho mai sau…”.

Một trong những nỗi lo muôn mối ấy chính là nỗi lo về xây dựng một chính đảng thật sự vì nước, vì dân, một chính đảng của những con người luôn tận tâm, tận lực với đất nước, dân tộc, luôn sống trong cùng niềm vui và cả nỗi đau của dân tộc.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, những quan điểm cốt yếu trong tư tưởng của Người, vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam cả cho hiện tại và tương lai. Trong Di chúc, trước muôn vàn nỗi lo “muôn mối như lòng mẹ” ấy, điều mà Người căn dặn đầu tiên là: “Trước hết nói về Đảng”: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau (1)”.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, trong suốt cuộc đời mình, Bác luôn làm hết sức mình vì một chính đảng tiên phong, cách mạng, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. Điều căn dặn “đầu tiên” của Bác trước khi đi xa, một lần nữa thể hiện tấm lòng bao la của Bác đối với một chính đảng do chính Người sáng lập và rèn luyện.

Những lời căn dặn này cũng chính là những điều trăn trở, băn khoăn của Bác. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, hẳn nhiên Bác đã nhìn thấy và dự báo trước những khuyết tật mà một đảng cầm quyền sẽ mắc phải. Đây cũng chính là những điều mà Marx, Engels đã chỉ ra, đó là quan liêu, mất dân chủ, xa rời nhân dân…

Do đó, không phải đến Di chúc mà trong suốt cuộc đời mình, Bác luôn quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức cách mạng, chống lại những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, thường xuyên quan tâm xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Bài học đầu tiên của các học viên Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên tại lớp tập huấn ở Quảng Châu - Trung Quốc là bài học về tư cách của người cách mạng: “Tự mình phải: cần kiệm. Hoà mà không tư.

Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất, bí mật (2)”.

Người luôn lo âu và phê phán nghiêm khắc những thói hư, tật xấu của nhiều cán bộ, đảng viên trong bộ máy công quyền mà Người cho rằng những tệ đoan ấy còn nguy hiểm hơn cả kẻ thù bên ngoài. Ngay khi Cách mạng tháng Tám mới thành công, tháng 10.1945, trong thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Bác đã cảnh báo và nêu những lỗi lầm như: trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo…

Trong rất nhiều bài viết, bài nói, trong các tác phẩm và đặc biệt đến Di chúc, Bác luôn nghiêm khắc với những sai phạm, những vi phạm của cán bộ, đảng viên. Trong bài nói chuyện trong buổi lễ bế mạc hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu, ngày 18.1.1949, Bác căn dặn: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến.

Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước (3)”.

Năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Bác đã dành hẳn một phần quan trọng để nói về việc phải sửa đổi lối làm việc của Đảng, trong đó Người chỉ ra rất nhiều những “căn bệnh” mà đảng viên hay mắc phải. Bác căn dặn “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh. Đồng bào sung sướng (4)”.

Khi xem lại các bản Di chúc của Bác Hồ, chúng ta thấy bản viết lần đầu tiên, năm 1965, Người ghi “Trước hết nói về Đảng (5)”. Tháng 5.1968, khi sửa Di chúc, ngoài những căn dặn những công việc phải làm sau chiến tranh, Người viết “Theo ý tôi, việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân (6)” và Người khẳng định nếu làm được như vậy, “thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi (7)”.

Trong Di chúc, Người khẳng định “Đảng ta là một đảng cầm quyền” và Người đã dành một đoạn để nói rõ thêm về trách nhiệm của Đảng, về sự cần thiết phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Tiên liệu trước những khó khăn thử thách, những phức tạp của đất nước sau ngày thắng lợi, Bác đã căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân (8)”.

Hồng Phúc

(còn tiếp)

(1) Hồ Chí Minh (toàn tập, 1996) , tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 498

(2) Hồ Chí Minh (toàn tập, 1996) , tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 631

(3) Hồ Chí Minh (toàn tập, 1996) , tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 552

(4) Hồ Chí Minh (toàn tập, 1996) , tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 249000

(5) Hồ Chí Minh (toàn tập, 1996) , tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 497

(6) Hồ Chí Minh (toàn tập, 1996) , tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 503

(7) Hồ Chí Minh (toàn tập, 1996) , tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 503

(8) Hồ Chí Minh (toàn tập, 1996) , tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 510