Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
“Khát” nhân lực chất lượng cao ngành Y tế
Kỳ 2: Cầu vượt cung, “điểm nghẽn” cần khơi thông
Thứ tư: 10:52 ngày 29/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc BVĐK Tây Ninh cho biết, từ năm 2020 đến nay, bệnh viện đào tạo tại chỗ và thu hút được 20 bác sĩ, trong đó có 19 bác sĩ trẻ dưới 35 tuổi. Để “giữ chân” bác sĩ, bệnh viện thực hiện lộ trình nâng cao các hoạt động khám, chữa bệnh, nâng cao thu nhập cho y, bác sĩ, để họ yên tâm công tác

 

Người dân đến điều trị bệnh tại TTYT huyện Tân Biên 

Tây Ninh có 19 đơn vị y tế cơ sở công lập, số nhân viên y tế hệ công lập nghỉ việc gia tăng. Mặc dù tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công, nhưng số lượng bác sĩ về Tây Ninh công tác vẫn còn hạn chế, nhất là các chuyên khoa khó tuyển như giải phẫu bệnh, lao, phục hồi chức năng... và khó tuyển dụng bác sĩ về làm việc tại một số huyện biên giới. Một số bác sĩ bỏ việc, chuyển đi nơi khác, chuyển ra ngoài làm y tế tư nhân khiến các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh luôn trong tình trạng thiếu nhân lực có trình độ bác sĩ ở tất cả các tuyến, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

Các trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến tỉnh là cơ sở khám, chữa bệnh công lập có vị trí quan trọng, góp phần tích cực giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và tham gia hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, các cơ sở y tế công lập vẫn đang thiếu đội ngũ bác sĩ, gây nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Tuyến huyện - “Thiếu vẫn thiếu” 

Bác sĩ Dương Văn Ên- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tân Biên cho biết, về cơ bản, đội ngũ nhân viên y tế tại TTYT đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Hiện tại, toàn huyện có 181 cán bộ, viên chức y tế, trong đó TTYT huyện có 30 bác sĩ. So với tiêu chí tỷ lệ bác sĩ/người dân trên địa bàn huyện (103.903 người), chỉ tiêu 3,3 bác sĩ/10.000 dân/10 giường bệnh, vừa đủ đạt tiêu chí đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại địa phương.

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, TTYT tiếp nhận 250-350 lượt khám, bệnh nhân nội trú đạt từ 70-90 người bệnh/100 giường, trong đó có bệnh nhân từ Campuchia sang khám, chữa bệnh. Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, TTYT huyện tập trung nguồn lực y, bác sĩ từ các trạm y tế về tuyến huyện hỗ trợ công tác.

Toàn huyện chỉ còn Trạm y tế Tân Khai (Khu dân cư Chàng Riệc, thuộc Trạm y tế xã Tân Lập) có bác sĩ trực phục vụ người dân. 9 trạm y tế còn lại sẽ được các bác sĩ tại TTYT huyện thay phiên phụ trách công tác một ngày cố định trong tuần. “Việc luân chuyển này không chỉ giúp các bác sĩ được cọ xát với nhiều ca bệnh, trang thiết bị y tế hiện đại mà còn tạo cơ hội để bác sĩ hiểu hơn về tình hình y tế tại địa phương, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới”- bác sĩ Dương Văn Ên cho biết thêm. “Bên cạnh việc dồn nguồn nhân lực về một mối, TTYT huyện cũng tăng cường thu hút bác sĩ về cơ sở cũng như đào tạo bác sĩ theo địa chỉ để nâng cao chất lượng nhân lực y tế tại chỗ. Từ năm 2021 đến nay, TTYT thu hút được 4 bác sĩ từ nơi khác chuyển về, hiện tại, bệnh viện có hơn 10 bác sĩ trẻ dưới 35 tuổi”.

Người dân đăng ký khám bệnh tại TTYT huyện Gò Dầu

Tại TTYT huyện Bến Cầu, tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, thiếu thuốc, thiếu bác sĩ đã gây khó khăn không ít cho hoạt động của đơn vị. Theo bác sĩ Trần Văn Miền- Phó Giám đốc phụ trách TTYT, hiện trung tâm có 21 bác sĩ (trong đó có 3 bác sĩ đang đi học). So với nhu cầu thực tế, bác sĩ hiện có không đủ để triển khai khám sức khoẻ cho người có nhu cầu bổ sung hồ sơ xin việc, đi học, lái xe, trong khi đó, trung tâm có 68 giường bệnh, thiếu 25 giường so chỉ tiêu. Hay tại các TTYT huyện Tân Châu, Dương Minh Châu, Gò Dầu, mặc dù được trang cấp nhiều thiết bị y tế hiện đại (máy CT scan, máy siêu âm...), nâng cấp cơ sở vật chất, nhưng hầu hết các trung tâm đều thiếu bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh... Các đơn vị cũng đưa ra nhiều giải pháp khắc phục bằng cách thu hút bác sĩ mới ra trường, hợp đồng bác sĩ về hưu từ các địa phương khác, cử y sĩ đi đào tạo lên bác sĩ... nhưng “thiếu vẫn thiếu”.

Khó tuyển dụng và thiếu hụt nguồn

Một trong những cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh thiếu bác sĩ nhất là Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tây Ninh. Bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc Bệnh viện cho biết, tình hình khám, chữa bệnh tại bệnh viện từ đầu năm 2023 có sự khởi sắc, do bệnh viện có sự đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cải thiện được tình hình cung ứng thuốc và vật tư y tế cần thiết cho người dân.

“Việc thiếu bác sĩ chuyên môn cao đang là vấn đề “đau đầu” của bệnh viện, do sự cạnh tranh, thu hút nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ tay nghề cao. Hầu hết bệnh viện công lập đều gặp tình trạng “chảy máu chất xám”, nhiều bác sĩ sau khi được đào tạo lại được bệnh viện tư nhân thu hút, chuyển công tác làm hao hụt lực lượng bác sĩ trong các bệnh viện công. Sự phát triển của bệnh viện tư nhân đã đặt ra bài toán làm thế nào nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng môi trường làm việc để “giữ chân” các bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ trẻ”- bác sĩ Phan Thanh Tâm bày tỏ.

Bác sĩ Tâm cho biết thêm, từ năm 2020 đến nay, bệnh viện đào tạo tại chỗ và thu hút được 20 bác sĩ, trong đó có 19 bác sĩ trẻ dưới 35 tuổi. Để “giữ chân” bác sĩ, bệnh viện thực hiện lộ trình nâng cao các hoạt động khám, chữa bệnh, nâng cao thu nhập cho y, bác sĩ, để họ yên tâm công tác. Trong đó, xây dựng được danh mục, đẩy nhanh các hoạt động khám bệnh dịch vụ nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho lực lượng y tế. “Từ năm 2022, để thu hút, tạo điều kiện cho bác sĩ làm việc, bệnh viện cần có nguồn thu từ các dịch vụ y tế mới. Bệnh viện đã phát triển 10 dịch vụ cho các khoa khám bệnh chất lượng cao như: khoa sản, khoa khám chuyên gia liên kết cùng các bệnh viện lớn (Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, Bệnh viện Nhân dân 115 tại Thành phố Hồ Chí Minh...), tuy nhiên, do cơ chế nên bệnh viện phải tạm dừng các dịch vụ này. Một số bác sĩ sau khi đào tạo chấp nhận “trả tiền” để thôi việc, chuyển sang làm tại các bệnh viện tư nhân”- bác sĩ Tâm cho biết.

Tương tự, Bệnh viện phục hồi chức năng Tây Ninh mặc dù được phân bổ linh hoạt, phù hợp hoạt động của các khối chuyên môn, cơ cấu nhân lực theo chức danh nghề nghiệp, nhưng so với nguồn nhân lực hiện có, bệnh viện chưa đáp ứng đủ cho việc nâng giường bệnh kế hoạch lên 100 giường.

Tâm Giang - Ngọc Bích

(còn tiếp)

5 năm trở lại đây, nguồn nhân lực bệnh viện cũng vô cùng thiếu, nhất là bác sĩ có tay nghề, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh. Từ đầu năm 2023, có 11 bác sĩ nghỉ việc, trong đó có 2 bác sĩ chuyên khoa II, 3 bác sĩ chuyên khoa I và 4 bác sĩ định hướng. Xét về nhu cầu, bệnh viện cần tuyển 6 bác sĩ, 4 kỹ thuật viên và khoảng 100 điều dưỡng. Mặc dù đơn vị đang hợp đồng lại với 1 bác sĩ chuyên khoa mắt, 1 kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh nhưng bệnh viện vẫn đang vận hành trong tình trạng thiếu bác sĩ có tay nghề, chuyên môn cao.

                                                                                                                             Bác sĩ Phan Thanh Tâm- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục