Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Điểm vướng trong công trình sửa chữa hồ chứa nước Tha La

Kỳ 2: Công tác phối hợp xử lý dứt điểm các ao nhân tạo chưa có hồi kết 

Cập nhật ngày: 03/08/2024 - 11:54

BTNO - Tháng 6.2024, cơ quan chức năng lại phát hiện tình trạng đào đất bán ngập để đắp gia cố một cạnh các bờ ao này, nhưng công tác phối hợp xử lý dứt điểm vẫn còn chậm.

Việc phát sinh “bổ sung” các ao nhân tạo trên đất bán ngập phía sau công trình đập Tha La (ấp 3, xã Suối Dây, huyện Tân Châu) đến nay vẫn còn đó. Tháng 6.2024, cơ quan chức năng lại phát hiện tình trạng đào đất bán ngập để đắp gia cố một cạnh các bờ ao này, nhưng công tác phối hợp xử lý dứt điểm vẫn còn chậm.

 

3 ao đang đề cập (bìa trái) phía sau công trình đập Tha La (ảnh chụp ngày 24.7.2024)

Có dấu hiệu tiếp tục đào đất bán ngập

Trước tiên, cần điểm lại việc bàn giao đất bán ngập trong lòng hồ Dầu Tiếng liên quan đến đề án đóng cửa mỏ khoáng sản cát xây dựng của DNTN Huy Thiện. Ngày 25.8.2023, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Châu, UBND xã Suối Dây, ông Nguyễn Huy Thiện- Giám đốc DNTN Huy Thiện cùng phối hợp kiểm tra hiện trạng việc thực hiện đóng cửa mỏ.

Tại phần kết luận của biên bản kiểm tra, các cơ quan trong đoàn đều thống nhất nội dung ghi nhận DNTN Huy Thiện đã thực hiện san gạt bãi chứa khoáng sản, san gạt bể lắng diện tích 4.500m2, cắt bỏ chồi trên đất và cây xanh, đã tháo dỡ 9 chòi gác trên hồ Tha La.

Đối với nội dung bàn giao mặt bằng đúng theo thiết kế của công trình thuỷ lợi về cho Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam (Công ty) quản lý, đề nghị DNTN Huy Thiện tiến hành bàn giao theo đúng nội dung kết luận của Hội đồng thẩm định đề án đóng cửa mỏ.

Sau khi nhận được văn bản đề nghị về nội dung trên của DNTN Huy Thiện, ngày 6.9.2023, Công ty đã đến kiểm tra và lập biên bản nhận bàn giao mặt bằng. Cụ thể, Công ty kiểm tra hiện trạng khu đất bán ngập, trước kia là bãi tập kết và vận chuyển cát của DNTN Huy Thiện.

Kết quả, Công ty ghi nhận doanh nghiệp đã thực hiện việc san gạt khu vực bãi chứa và tập kết khoáng sản, san gạt bể lắng diện tích 4.500m2, cắt bỏ chòi trên đất và cây xanh, đã tháo dỡ 9 chòi lục giác trên đất bán ngập.

Cũng theo biên bản nhận bàn giao mặt bằng nêu trên, DNTN Huy Thiện sẽ bàn giao lại toàn bộ phần diện tích 46.343m2 đất bán ngập dưới cao trình +24,4m của công ty quản lý, đây là diện tích mà trước đây công ty đã để cho doanh nghiệp sử dụng theo chủ trương tại Văn bản số 24 ngày 3.2.2021 (đã đề cập trong kỳ báo trước- PV).

Công ty thống nhất nhận bàn giao mặt bằng đất bán ngập trước kia là bãi tập kết và vận chuyển cát của DNTN Huy Thiện, theo hiện trạng được ghi nhận như trên để quản lý sử dụng đúng quy định. Ông Nguyễn Huy Thiện cũng đã thống nhất đồng ý với nội dung biên bản giao nhận mặt bằng, đóng dấu doanh nghiệp, ký, ghi rõ họ tên vào biên bản.

Hiện trạng một cạnh dãy bờ ao được gia cố trên đất bán ngập (ảnh do đơn vị chức năng cung cấp, chụp vào ngày 21.6.2024)

Như vậy, khu vực đất đã được đóng cửa mỏ và khu có các ao đang hiện hữu đã được DNTN Huy Thiện giao về cho công ty quản lý. Ngày 21.6.2024, nhận được tin báo của người dân về việc có dấu hiệu móc đất trong lòng hồ Dầu Tiếng tại vị trí gần cầu Tha La, đại diện Phòng NN&PTNT, Phòng TN&MT huyện Tân Châu, UBND xã Suối Dây, công ty cùng phối hợp kiểm tra hiện trạng bị tác động.

Kết quả kiểm tra tại vị trí gần khu vực đã đóng cửa mỏ và giao về công ty quản lý cho thấy, trong thửa đất số 26, tờ bản đồ số 54, đoàn kiểm tra phát hiện đất tại đây có dấu hiệu bị tác động đào xới, móc đất, đắp lên bờ ao dài khoảng 170m. Tuy nhiên, vào thời điểm đoàn đến kiểm tra thì không có phương tiện nào đang hoạt động hoặc để lại tại hiện trường.

Cũng không có đối tượng thực hiện hành vi vi phạm tại đó, nên đoàn không có cơ sở lập biên bản làm việc với người thực hiện hành vi tác động lên đất bán ngập. Đây là vị trí đất bán ngập thuộc hồ Dầu Tiếng do công ty quản lý.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra vào ngày 21.6 còn phát hiện thêm tại vị trí thuộc thửa đất số 1, tờ bản đồ số 65, diện tích đất 20.384,2m2 theo giấy chứng nhận cấp cho ông Tạ Văn Út (sinh năm 1961) có một phần diện tích thuộc khu vực quản lý của công ty có dấu hiệu bị san lấp, bồi đắp mặt bằng.

Do đó, đoàn kiểm tra thống nhất đề nghị phía công ty theo đúng chức năng và nhiệm vụ được giao, có phương án xử lý đối với những trường hợp đã được ghi nhận như trên; đồng thời, công ty phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra các hoạt động tại khu vực này.

Công tác phối hợp… chậm

Cùng ngày 21.6.2024, công ty có Văn bản số 243 về việc xử lý vi phạm đào, đắp, lấn chiếm vùng đất bán ngập trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Dầu Tiếng (kèm theo hình ảnh liên quan) gửi đến UBND huyện Tân Châu, Công an huyện Tân Châu, UBND xã Suối Dây.

Trong đó, công ty có phần nội dung nhấn mạnh, năm 2017, công ty đã thực hiện công tác đo đạc, cắm mốc xác định ranh giới đất bán ngập từ cao trình +24,4m trở xuống trên các địa bàn tỉnh Tây Ninh (1056 mốc) và đã bàn giao cho UBND các xã vùng ven hồ để phối hợp quản lý.

Văn bản số 243 xác định, ngày 21.6.2024, Công ty phối hợp các Phòng NN&PTNT, Phòng TN&MT, UBND xã Suối Dây đến gần khu vực đã đóng cửa mỏ của DNTN Huy Thiện để kiểm tra và phát hiện có hành vi đào, đắp bờ bao làm ao trái phép trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Dầu Tiếng.

Hiện trạng vi phạm đào, đắp bờ ao từ cao trình +19,5m đến cao trình +22m, đất đắp lên bờ ao dài khoảng 170m. Hành vi vi phạm này làm thay đổi hiện trạng, gây ảnh hưởng đến quy mô, nhiệm vụ hồ chứa, an ninh trật tự và an toàn công trình.

Đoạn bờ ao gần căn chòi vó được gia cố phình to ra hướng lòng hồ Tha La (ảnh do đơn vị chức năng cung cấp, chụp vào ngày 21.6.2024)

Để quản lý tốt hành lang bảo vệ hồ chứa nước Dầu Tiếng, bảo đảm về dung tích và nhiệm vụ của hồ, công ty đề nghị UBND huyện, Công an huyện, UBND xã Suối Dây căn cứ thẩm quyền quy định tại khoản 1, Điều 38 và nội dung vi phạm tại điểm đ, khoản 2, Điều 24, Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 6.1.2022 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thuỷ lợi, đê điều) để xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; yêu cầu khôi phục, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu cho công ty quản lý.

Trao đổi với phóng viên Báo Tây Ninh, ông Lương Hiền Thảo- Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Châu cho biết, UBND huyện có nhận được Văn bản số 243 nêu trên của công ty. Đây là phạm vi đất đã được UBND tỉnh giao cho công ty quản lý và cắm mốc.

Ngày 28.6.2024, UBND huyện có văn bản phản hồi với nội dung đề nghị công ty tiến hành đo đạc, lập sơ đồ vị trí, diện tích đất vi phạm để cung cấp cho UBND huyện Tân Châu và UBND xã Suối Dây, làm căn cứ xác lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định, thời gian trước ngày 4.7.2024.

Đến ngày 23.7.2024, UBND huyện tiếp tục có văn bản lần 2 gửi đến công ty, với nội dung đề nghị tương tự, thời gian để công ty cung cấp các thông tin liên quan trước ngày 27.7.2024. Tuy nhiên, tính đến thời điểm ngày 31.7.2024, Phòng NN&PTNT vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía công ty về các nội dung mà UBND huyện Tân Châu đã có văn bản đề nghị phối hợp.

Quốc Sơn

Tin liên quan