Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
THẢM HOẠ MANG TÊN TAI NẠN GIAO THÔNG
Kỳ 2: Để không còn sự hối tiếc
Thứ hai: 11:09 ngày 29/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chỉ cần một chút chủ quan, lơ là trong điều khiển phương tiện, tai nạn giao thông có thể xảy ra và “cướp” đi tất cả. Vợ mất chồng, cha mẹ mất con, người khoẻ mạnh bỗng tàn phế… Hậu quả của tai nạn giao thông là vô cùng khủng khiếp, để lại gánh nặng và nỗi đau dai dẳng cho xã hội.

Tai nạn giao thông gây ra những mất mát, đau thương cho người gặp nạn.

Những hậu quả khôn lường

Tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, không khó để bắt gặp những ca tai nạn giao thông được chuyển đến. Những vết máu bê bết, gương mặt thất thần, đau đớn, bàng hoàng và giọt nước mắt lo lắng. Có những bệnh nhân là nạn nhân của chính mình khi đã uống rượu bia nhưng vẫn lái xe.

Đó là trường hợp của anh T, ngụ thành phố Tây Ninh. Sau một chầu nhậu với bạn bè, T điều khiển xe máy chạy về nhà. Do quá say không làm chủ được tay lái, anh đã tông mạnh vào cột điện bên đường. Cú tự té khiến anh bị đa chấn thương, nứt sọ, tụ máu bầm, bể xương gò má và toàn thân trầy xước.

Theo người nhà của anh T, buồn công việc nên T hay đi uống rượu. Gia đình cũng nhiều lần khuyên răn nhưng không được. Từ khi tai nạn xảy ra, không chỉ T khổ mà cuộc sống gia đình cũng bị đảo lộn. Phải vay mượn khắp nơi để có tiền lo chi phí điều trị cho T.

Bác sĩ Vũ Thị Yến Cơ- Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cho biết, thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn còn diễn biến phức tạp. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng còn rất nhiều. Có trường hợp ngưng tim, ngưng thở trước khi vào viện hay tình trạng chấn thương sọ não nặng phải chuyển viện đi tuyến trên. Số lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông ở mức độ nhẹ như chấn thương đầu, mặt sây sát, không tổn thương nội sọ, không bị gãy xương… cũng khá cao, sau khi khám sẽ cho về, hẹn ngày tái khám.

Thông thường, lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông sẽ tăng vào khoảng thời gian từ 4 – 7 giờ 30 sáng do mọi người đi chợ, đi làm, học sinh đi học, buổi trưa từ 11 – 12 giờ và 17 – 19 giờ. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 23 - 24 giờ, các vụ tai nạn giao thông thường xảy ra ở những nam thanh niên trẻ tuổi, sử dụng rượu bia rồi lái xe.

Vào những dịp lễ, tết, tai nạn giao thông thường xảy ra nhiều, số ca nhập viện tăng cao hơn. Về nguyên nhân gây tai nạn giao thông, có những trường hợp tự té do thắng gấp, vấp ổ gà, có vấn đề về sức khoẻ (chóng mặt). Nhiều trường hợp bệnh nhân điều khiển phương tiện tông trúng vật nuôi (chó). Đa số vẫn là tình trạng sử dụng rượu bia rồi lái xe gây tai nạn giao thông.

Bác sĩ Vũ Thị Yến Cơ cho biết thêm: “Trong quá trình làm việc, nhiều vụ tai nạn thương tâm gây cho bác sĩ những ám ảnh không bao giờ quên. Có bệnh nhân bị nát sọ, lồi mô não ra ngoài, đa chấn thương hay gãy nát xương. Thậm chí, có trường hợp đã tử vong trước khi vào viện. Mọi người khi tham gia giao thông cần chấp hành tốt quy định của Luật giao thông đường bộ".

Hậu quả của tai nạn giao thông là vô cùng khủng khiếp.

Những nỗi đau còn mãi

Tai nạn giao thông gây ra những mất mát, đau thương cho người gặp nạn cũng như những người thân trong gia đình nạn nhân. Trong đó, có những người là trụ cột gia đình bỗng nhiên trở thành người tàn tật.

Anh Phạm Thế Ngọc, sinh năm 1994, ngụ ấp 1, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên vẫn chưa khỏi bàng hoàng trước những điều đã xảy ra vào mấy tháng trước. Anh Ngọc kể: “Hôm đó, tôi đi làm về, có xuống nhà mẹ vợ lấy bánh và đi sinh nhật người bạn, trên đường trở về thì bị tai nạn.

Tôi chỉ nhớ là mình kêu cứu thôi, chứ không biết làm gì. Tỉnh dậy cảm giác đầu tiên là nhức, đau dữ lắm! Muốn đi vệ sinh phải có người dìu, làm việc gì cũng phải có người hỗ trợ. Giờ bị tàn phế rồi không biết làm gì. Tôi không suy nghĩ được là sẽ có công việc nào phù hợp với bản thân. Hiện tại cứ để cơ thể lành lặn rồi sẽ tìm công việc phù hợp làm lâu dài”.

Trước khi gặp tai nạn, mỗi ngày, anh Phạm Thế Ngọc đi làm bảo vệ, kiếm tiền nuôi gia đình. Từ khi vụ việc xảy ra, ngôi nhà đầy ắp tiếng cười của đôi vợ chồng trẻ và 3 đứa con thơ bỗng trở nên im ắng. Nỗi trăn trở về tiền chữa bệnh cho chồng, tiền nuôi con ăn học đè nặng trên đôi vai của người vợ. Nỗi đau vật chất rồi sẽ nguôi ngoai nhưng nỗi đau về tinh thần thì mãi dai dẳng.

Chị Mai Thị Lan Anh (vợ anh Ngọc) cho biết: “Lúc đó, bác sĩ thông báo phải cắt chân của chồng, tôi rất lo nhưng phải cố bình tĩnh để viết giấy cam kết, điện thoại cho cha mẹ. Tôi hy vọng giữ chân cho chồng nhưng bác sĩ kêu bắt buộc phải cắt vì chân bị hoại tử rồi. Bác sĩ nói là thấy hai vợ chồng còn trẻ quá nên cố gắng cứu để sau này có điều kiện gắn chân giả”.

Nếu như tai nạn giao thông không xảy ra, bà Trần Thị Gái, sinh năm 1970, ngụ huyện Tân Biên vẫn có thể ngày ngày chạy xe đến chợ bán hàng, sống vui vẻ bên chồng và các con. Nếu như không có những trường hợp uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện thì giờ đây bà Trần Thị Gái đã không phải chịu nỗi đau khi mất đi một bên chân. 

Phương tiện hư hỏng nghiêm trọng sau một vụ tai nạn giao thông.

Hôm đó, bà và con gái (chị Võ Thị Thu Thảo) điều khiển xe mô tô trên quốc lộ 22B, thuộc xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, lưu thông từ hướng thành phố Tây Ninh đi huyện Tân Biên. Lúc này, anh N.H.T.H điều khiển xe lưu thông chiều ngược lại, đi không đúng phần đường, gây ra tai nạn cho bà Gái.

Bà Trần Thị Gái nói: “Sốc, sốc lắm! Lúc đó, tôi không nghĩ bị nghiêm trọng như vậy, cảm giác vô cùng hụt hẫng. Hai mẹ con chạy xe rất chậm, đúng quy định, trong khi hai thanh niên kia chạy ngược chiều nhưng lấn sang phần đường khác. Giờ mất đi một bên chân có lẽ tôi phải đi bán vé số, chứ không biết làm gì, vì không có tiền. 

Tôi cũng muốn nhắn nhủ với mọi người rằng, khi bản thân có sử dụng rượu bia thì không nên lái xe hoặc nhờ người khác đưa về. Đừng vì một phút bốc đồng rồi gây tai nạn giao thông, làm khổ biết bao nhiêu người. Nếu bị 1 – 2 ngày thì không sao nhưng ảnh hưởng mà tai nạn giao thông gây ra cho tôi là cả cuộc đời”.

Và những nỗi trăn trở

Không chỉ những nạn nhân phải gánh chịu nỗi đau thương, khiếm khuyết cơ thể hay tổn thất về mặt tinh thần mà tai nạn giao thông còn là nỗi trăn trở của những người làm công tác vẽ hiện trường.

Thiếu tá Lê Thanh Giang- cán bộ Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông là một trong những công tác quan trọng của lực lượng CSGT. Người cán bộ làm công tác điều tra, giải quyết tai nạn phải am hiểu sâu về pháp luật, quy trình điều tra giải quyết tai nạn; thường xuyên nghiên cứu, học hỏi văn bản pháp luật cũng như kinh nghiệm của những người đi trước để tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân mình.

Tai nạn giao thông có thể xảy ra bất kỳ vào thời gian nào trong ngày, mưa nắng, kể cả đêm khuya nên cán bộ phải bảo đảm chế độ trực ở đơn vị. Khi tiếp nhận tin báo xảy ra tai nạn phải nhanh chóng đến hiện trường; cấp cứu người bị nạn (nếu họ còn ở hiện trường); tiến hành các bước điều tra, khám nghiệm hiện trường.

Cảnh sát giao thông thăm hỏi, động viên người bị tai nạn cố gắng vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.

“Hậu quả của tai nạn giao thông để lại rất nghiêm trọng. Tôi từng chứng kiến những vụ việc mà nạn nhân không giữ được tính mạng hoặc mất đi một phần thân thể. Trong quá trình thụ lý tai nạn, khi nắm thông tin có trường hợp gia đình nạn nhân đặc biệt khó khăn thì chủ động liên hệ với các đoàn, hội trong và ngoài đơn vị, mạnh thường quân để quyên góp, ủng hộ giúp gia đình nạn nhân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. 

Mọi người khi tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm pháp luật, đi đúng làn đường, phần đường quy định, quan sát trước khi chuyển hướng, chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, đặc biệt là không uống rượu bia, các chất kích thích khi tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn cho mình và người khác”, Thiếu tá Lê Thanh Giang cho biết thêm.

Đứng trước cái chết, nỗi đau về thể xác và tinh thần, chắc hẳn ai cũng phải rùng mình, khiếp sợ trước những hậu quả mà tai nạn giao thông gây ra. Giảm thiểu tai nạn giao thông là trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội. Hãy dần thay đổi suy nghĩ, hình thành văn hoá giao thông, cùng hành động vì tính mạng con người là trên hết.

Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới,  cơ quan, địa phương cần tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT trong hoạt động vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác của người dân; tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm về vận động toàn dân tham gia bảo đảm TTATGTtăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với lái xe sử dụng chất ma tuý, vi phạm nồng độ cồn và các hành vi khác là nguyên nhân gây tai nạn; bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình đầu tư, nâng cấp và kế hoạch bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạnlàm gờ giảm tốckiểm tra, quản lý nhà nước đối với các đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải, trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Phương Thảo

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục