Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồ bơi ở trường học- chưa phát huy hiệu quả hoạt động
Kỳ 2: Hồ bơi học đường ở TP. Tây Ninh: Đóng cửa vì đại dịch
Thứ bảy: 00:24 ngày 21/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ở TP. Tây Ninh cũng có 2 trường học được xây dựng tổng cộng 4 hồ bơi di động. Tương tự như ở huyện biên giới Châu Thành, gần 2 năm qua, các hồ bơi học đường ở TP. Tây Ninh tạm thời ngưng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch Covid- 19.

Hồ bơi di động của Trường THCS Võ Văn Kiệt khoá cửa suốt thời gian xảy ra dịch Covid-19.

Trường tiểu học Kim Đồng (phường 2, TP. Tây Ninh) được trang bị 2 hồ bơi di động, được bố trí lắp đặt ở một góc khuất phía sau dãy nhà ăn của học sinh, bao bọc bởi hàng rào lưới B40, có kiểm soát bằng cửa ra vào.

Bên trên hồ bơi được lợp mái tôn kiên cố, có lắp đặt thêm cầu thang và lan can bằng sắt xung quanh để thuận tiện cho các em học sinh vào ra hồ bơi. Bên trong 2 công trình này còn được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng và giám sát bằng camera.

Ông Nguyễn Đình Thảo- Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng chia sẻ, thời gian đầu mới đưa vào hoạt động, ngoài việc dùng để hướng dẫn học sinh của trường học bơi, 2 hồ bơi này còn là nơi sát hạch bơi lội cho học sinh của trường và các trường tiểu học khác trên địa bàn TP. Tây Ninh. Khi Tây Ninh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid- 19, học sinh học online ở nhà, các hồ bơi học đường tạm thời ngưng hoạt động.

Đến nay, mặc dù học sinh đã đến trường trở lại nhưng các em đang tập trung thi học kỳ II và tổng kết năm học nên các hồ bơi vẫn chưa mở cửa. “Dự kiến, trong thời gian hè, chúng tôi sẽ cho bơm nước vào hồ để các em tập luyện chuẩn bị dự thi Hội khoẻ Phù Đổng vòng trường trong năm học tới”- thầy Thảo cho biết.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT, năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT đã cung cấp 22 trang thiết bị dạy bơi (hồ bơi di động) cho 17 trường TH, THCS, trong đó có 5 trường được cung cấp đến 2 hồ bơi di động. Năm học 2017-2018, Sở tiếp tục cung cấp thêm 12 trang thiết bị dạy bơi khác cho 12 trường TH khác trong tỉnh.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng cũng nhận thấy việc sử dụng mô hình hồ bơi di động này có một số bất cập như hệ thống van xả nước lắp đặt cao hơn mặt đất khoảng 20cm, vì vậy mỗi khi xả nước hồ không cạn, nhân viên phụ trách công tác dọn vệ sinh hồ phải dùng thau múc nước đổ ra, tốn nhiều công sức.

Mỗi lần bơm nước, vệ sinh hồ tốn kinh phí cả triệu đồng, nhưng hồ phục vụ học sinh hoàn toàn miễn phí. Vì vậy, trường gặp khó khăn về chi phí khi duy trì hoạt động của hồ. Đa số phụ huynh chưa quan tâm đến việc học bơi của học sinh. Một số phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả đầu tư cho con em học bơi ở các hồ bơi tư nhân, chứ không đưa đến hồ bơi của trường.

Hồ bơi di động của Trường THCS Võ Văn Kiệt được trang bị phao cứu sinh.

Trường THCS Võ Văn Kiệt (phường IV, TP. Tây Ninh) cũng có 2 hồ bơi di động. Ngoài rào chắn xung quanh, hồ bơi còn có mái che bằng tôn bên trên, hệ thống cầu thang, lan can, lưới che nắng và bên trong hồ còn được trang bị phao cứu sinh.

Theo bà Phan Thị Chuyên- Hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Kiệt, trường được trang cấp hồ bơi di động tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học bơi, thi bơi, sát hạch cấp chứng chỉ bơi lội cho học sinh của trường và các trường lân cận. Trước đây, 2 hồ bơi của trường vẫn hoạt động bình thường, nhưng từ khi dịch Covid- 19 bùng phát, học sinh không học tập trung, 2 hồ bơi này cũng tạm ngưng hoạt động đến nay.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Kiệt cho biết, qua thời gian sử dụng, hồ bơi đã bị xuống cấp, hư hỏng, có nơi tấm bạt chứa nước hồ bị thủng, trường phải thuê nhân công vá lại. Mặt khác, trường cũng không có nguồn kinh phí nào để duy trì, bảo trì, bảo dưỡng hồ bơi.

Ông Nguyễn Thanh Nghị- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Tây Ninh cho hay, TP. Tây Ninh có 2 Trường tiểu học Kim Đồng và THCS Võ Văn Kiệt được xây dựng hồ bơi di động.

Trước khi dịch Covid- 19 bùng phát, các hồ bơi này không chỉ được dùng để phục vụ cho công tác phòng, chống đuối nước học sinh của 2 trường nêu trên mà còn phục vụ chung cho tất cả các trường khác trên địa bàn Thành phố.

Trong đó có học sinh các trường khá xa như ở xã Tân Bình, Thạnh Tân cũng đến đây học bơi, sát hạch bơi lội. Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch đến nay, các hồ bơi này đều tạm dừng hoạt động.

Kỳ nghỉ hè sắp tới, Phòng GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường mở cửa hồ bơi hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Trưởng Phòng GD&ĐT TP. Tây Ninh cũng nhìn nhận khó duy trì vận hành những hồ bơi học đường, vì hồ có diện tích nhỏ, sức hút học sinh chưa nhiều, tốn chi phí, công sức trong quá trình vận hành, qua thời gian sử dụng, các hồ bơi di động có dấu hiệu hư hỏng, thủng đáy, phải vá lại.

Trong khi đó, bên ngoài có nhiều hồ bơi tư nhân, diện tích rộng, đáp ứng nhu cầu học bơi và tập luyện môn thể thao dưới nước của học sinh. Từ thực tế nêu trên, ông Nghị nhận xét, mô hình hồ bơi di động này có thể phù hợp hơn với những địa phương vùng nông thôn chưa có hồ bơi tư nhân.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 2.5.2022 về tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em, Bộ GD&ĐT đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo tăng cường quán triệt, triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh, đặc biệt chú trọng các nội dung chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 1562/BGDĐT-GDTC ngày 21.4.2022 về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với học sinh. Mở đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học trước khi học sinh nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho học sinh trong trường học. Chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè, bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước. Tham mưu UBND tỉnh/thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện dạy, học bơi trong các cơ sở giáo dục; có chính sách hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn, các dịch vụ liên quan cho học sinh. Đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung nêu trên và báo cáo kết quả triển khai về Bộ GD&ĐT trước ngày 10.6.2022.

Phòng, chống đuối nước cho học sinh là chủ trương đúng đắn và cần thiết, nhưng qua thực tế nêu trên cho thấy, trong thời gian qua, các hồ bơi di động ở trường học có vẻ chưa phát huy tối đa công dụng và phát sinh nhiều bất cập. Để những công trình này thật sự trở thành điểm đến yêu thích của học sinh, ngành Giáo dục cần khảo sát lại mẫu thiết kế hồ bơi, nhu cầu của từng trường và có cơ chế vận hành phù hợp để tránh tình trạng gây lãng phí cơ sở vật chất học đường.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục