Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cải lương Tây Ninh - thời vang bóng
Kỳ 2: Một đêm biểu diễn bằng hàng tháng tuyên truyền
Thứ hai: 20:37 ngày 15/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong đêm diễn đầu tiên, hơn 10.000 người đến xem, trong vở diễn này, có cả nhân vật Ngô Đình Diệm và cố vấn Mỹ… diễn viên đóng đạt đến nỗi, có người dân tức quá, căm thù tội ác của giặc, xách tầm vông lên rượt “Ngô Đình Diệm” chạy có cờ.

Tại Liên hoan "Tiếng hát đồng quê" lần thứ I - 2005 do Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh tổ chức, đến chương trình tham gia liên hoan của Đội văn nghệ Hội Nông dân huyện Trảng Bàng, một cụ già từ hàng ghế khán giả, thủng thỉnh bước lên sân khấu, ông kéo ghế ngồi xuống, mở chiếc giỏ xách còn đầy bụi đất, lôi ra chai nhựa đựng nước trà, mở hũ đựng cà phê rót ra ly, nhấp một ngụp, nói với vào bên trong cánh gà: “Mồ tổ bây, đứng đó đợi tui hát xong rồi đưa tôi về!”.

Cả khán phòng Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh cười rần. “Độc” hơn, vừa dứt lời, ông cất giọng hát một bản “khóc hoàng thiên” về mục tiêu “4 giảm”, mùi hết biết. Khi đó, tôi theo hỏi những người trong đội Trảng Bàng, tôi mới biết ông cụ đã 83 tuổi, tên thường gọi là ông Hai Thọ. Đâu mấy năm sau, có lần về quê nội Lộc Hưng, hỏi thăm lòng vòng mới hay ông đã mất.

Ông Hai Thọ trong tiết mục biểu diễn tại Liên hoan “Tiếng hát đồng quê” năm 2005, khi đã 83 tuổi.

Ngày nhỏ, đọc mẩu chuyện “Tự học để viết bài hát về Người” của tác giả Duy Vũ, in trong quyển “Lòng dân Tây Ninh với Bác Hồ (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh xuất bản năm 1990), tôi mới biết ông Hai Thọ (Nguyễn Văn Phước) là một trong những người đầu tiên gầy dựng nên Đoàn Văn công Tây Ninh.

Sau này, trong một vài lần trò chuyện với ông Bảy Dũng và ông Bảy Phát, tôi biết thêm đôi chút về ông. Thế nhưng, vì ông nghỉ hưu khá sớm, nên biết là biết vậy, chứ cũng chưa lần nào gặp mặt. Mãi đến Liên hoan "Tiếng hát đồng quê" năm 2005, khi ông biểu diễn xong tiết mục của mình trở lại hàng ghế khán giả, tôi mới tìm ông, lân la trò chuyện. Già nhưng ông còn tinh lắm. Nghe Kim Pha - Đội văn nghệ Hội Nông dân huyện Gò Dầu - hát “Người mẹ Tầm Lanh”, ông khìu tôi nói nhỏ: "Con bé này hát được quá, phải chi có ai rèn dạy thêm, sau này ngon lắm!". Khi Ban giám khảo công bố kết quả, tôi thật bất ngờ, Kim Pha đoạt giải nhất đơn ca cổ.

Dân Đôn Thuận xách tầm vông rượt “Ngô Đình Diệm”

Trong Lịch sử truyền thống ngành Tuyên giáo và những câu chuyện kể về ngành Văn hoá, Đoàn Văn công Tây Ninh trong kháng chiến, cái tên “Hai Thọ” được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, đặc biệt là trong giai đoạn đấu tranh chính trị, phản đối Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thực hiện cuộc chiến tranh một phía, đơn phương xé bỏ Hiệp định Genève, đàn áp những người kháng chiến cũ.

Ông Hai Thọ sinh năm 1922 tại ấp Sóc Lào, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng (nay là thị xã Trảng Bàng). Năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong. Đến năm 1947, ông đã là Phó ban Thông tin Tuyên truyền của xã. Sau Hiệp định Genève 1954, ông không đi tập kết mà quyết định ở lại, bí mật tham gia các cuộc vận động tuyên truyền nhân dân thông qua việc tổ chức đờn ca ở các đám cúng, ma chay, cưới hỏi… Trong thời điểm chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành luật 10/59, lê máy chém đi khắp nơi, khủng bố quần chúng nhân dân, ông Hai Thọ đã tự sáng tác một số bài bản vọng cổ làm sườn cho vở cải lương “Toàn dân tống cổ Đế quốc Mỹ” hay còn có tên là “Quét sạch quân xâm lược” sau này.

Theo hồi ức của ông Bảy Dũng và ông Bảy Phát, khoảng cuối tháng 12.1960, nhân dịp Mặt trận mới được thành lập, ta tổ chức mít tinh chào mừng ở rừng Bời Lời, xã Đôn Thuận, ông Hai Bình (tức Nguyễn Văn Tốt, thời kỳ này giữ chức Phó Bí thư Tỉnh uỷ) yêu cầu Tổ hát chập của ông Hai Thọ thực hiện một chương trình văn nghệ phục vụ đồng bào. Ông Hai Thọ dựng vở “Toàn dân tống cổ đế quốc Mỹ”. Trong đêm diễn đầu tiên, hơn 10.000 người đến xem, trong vở diễn này, có cả nhân vật Ngô Đình Diệm và cố vấn Mỹ… diễn viên đóng đạt đến nỗi, có người dân tức quá, căm thù tội ác của giặc, xách tầm vông lên rượt “Ngô Đình Diệm” chạy có cờ.

Một tiết mục múa của Đoàn Văn công Tây Ninh trong kháng chiến.

Mười chín năm trước, có dịp về quê nội Lộc Hưng, tôi chạy qua Sóc Lào tìm nhà ông Hai Thọ. Trong chòi tranh dựng ven hàng trúc bên hông ngôi nhà chính - mà ông gọi là “nhà sáng tác”, ông kể: “Hồi đó, tụi nó khủng bố dữ lắm! Tui phải ra rừng mà viết. Đi thì đi thụt lui, tới đâu vùa lá rừng lấp dấu chân tới đó. Viết xong, mới rủ rê, phân cho anh em ham mê văn nghệ tập một số bài bản vọng cổ (mà không ai biết trước đó là một “vai” trong vở tuồng mà tui chuẩn bị). Trong vở này, tôi đóng hai vai cố vấn Mỹ và nông dân, một anh trong xóm có dáng người thấp đậm đóng vai Ngô Đình Diệm và vai tên đại uý ác ôn”.

Những người được ông Hai Thọ phân vai đều phải tập tành lời ca, dáng đi, điệu bước… trong bí mật. Buồn cười nhất là chuyện người được phân đóng vai Ngô Đình Diệm và tên đại uý ác ôn. Mỗi ngày, ông dắt trâu ra ruộng cày, tầm 9 – 10 giờ thì nghỉ, bắt đầu tập. Một ông lão hàng xóm thấy lạ, để ý về “méc” lại với cha ông: “Hình như thằng con trai chú bị ông Tà nhập, ngày nào cũng vậy, cứ cày xong là nó lên đầu bờ, cung tay, khuỳnh chân, mặt cau, mày có, ra điệu bộ oai phong dữ lắm. Có khi vừa đi qua, đi lại nó còn lầm bầm nữa. Coi bộ ông Tà này dữ, chú mau mau rước thầy Bảy về trục đi, để lâu tội nghiệp!”.

Ông Hai Thọ kể tiếp: “Đêm diễn tại Bời Lời, dân ở khắp nơi trong huyện, dân bên Bến Cầu, rồi dân Bến Cát – Sông Bé ùn ùn kéo qua. Khi Ngô Đình Diệm cõng thằng cố vấn Mỹ do tui đóng chạy ra giữa sân khấu, đặt lên bàn, thằng Mỹ ra lệnh: “Phải bình định Việt Nam trong vòng 18 tháng. Nơi nào không bình định được, thả bom tàn sát”. Tui nó vừa dứt lời, chưa kịp lên giọng ư a gì ráo trọi thì mèn ơi, cùi bắp từ phía dưới sân khấu bay lên ào ào. Tiếng chửi rủa vang động, thậm chí còn nghe cả tiếng súng lên đạn rôm rốp”.

Sau đợt ấy, 7 người trong Tổ hát chập của xã Đôn Thuận (gồm ông Hai Thọ, Ba Sen, Sáu Minh, Bảy Hổ, Chín Hiệp, Khánh) được Tỉnh uỷ Tây Ninh điều lên làm nòng cốt xây dựng Đoàn Văn công tỉnh. Sau khi vở diễn “Tống cố đế quốc Mỹ” được ông Bảy Dũng sửa chữa thêm, Đoàn Văn công tỉnh đã mang đi biểu diễn ở vùng giải phóng các huyện Trảng Bàng, Toà Thánh, Bến Cầu, Châu Thành và huyện Bến Cát (thuộc tỉnh Sông Bé cũ), góp phần khơi dậy phong trào. Cứ sau mỗi đêm diễn, bà con lại kéo nhau đi đấu tranh với địch.

Sách “Truyền thống ngành Tuyên giáo, 1945 – 2000” ghi lại: “Ở Bến Cát, sau khi xem biểu diễn, đồng bào bàn với nhau: “Bà con mình cứ đấu tranh với lý lẽ như trong kịch thì nhất định giành thắng lợi”. Và mấy hôm sau, hàng ngàn người đã kéo ra dinh quận Bến Cát đấu tranh. Sau đó, một cán bộ của huyện Bến Cát có dịp gặp lại Đoàn Văn công đã nói: Đêm biểu diễn của các đồng chí có tác dụng lớn lắm. Chúng tôi phát động hàng tháng trời mà kết quả không bằng các đồng chí biểu diễn trong một đêm”.

Trong suốt thời gian giữ chức Trưởng đoàn Văn công, ông Hai Thọ viết khá nhiều vở, chập cải lương như: "Tre già ôm lấy măng non", "Mừng ngày hợp tác" (chập cải lương), "Củ khoai kháng chiến", "Truyền thống đấu tranh", "Cây tầm vông kháng chiến"… nhưng tiếc là, hầu hết đều đã bị giặc tịch thu, tiêu huỷ hết sau đận ông bị phục kích bắn bị thương năm 1964 khi đang trên đường đi công tác Gò Dầu về. Một số vở sau này, ông gắng nhớ để viết lại, nhưng không hoàn chỉnh được.

Một tiết mục biểu diễn của Đoàn Văn công Tây Ninh tại Căn cứ Bời Lời năm 1967.

Người nghệ sĩ của Nhân dân

Năm 1968, chiến sự ngày càng trở nên ác liệt, Đoàn văn công rút về vùng căn cứ Bắc Tây Ninh, do bị thương nặng, không thể theo đoàn, ông ở lại Đôn Thuận hoạt động. Sau ngày giải phóng, ông vẫn làm công tác văn hoá văn nghệ ở địa phương cho đến năm 1992, khi đã 70 tuổi ông mới chính thức xin nghỉ.

Khi ngồi cùng ông Hai Thọ trong “nhà sáng tác” mà ông thường ra đó để viết tuồng, hồi tưởng quá khứ và suy nghĩ chuyện hiện tại, tương lai, ông bảo: “Bác rất thích những người trẻ có tri thức, có văn hoá. Mình già, kinh nghiệm sống trên đường đời thì nhiều thật, nhưng chuyện gì không biết thì cứ thừa nhận không biết, rồi học hỏi từ lũ trẻ”. Rồi đột nhiên ông cất giọng “Khóc hoàng thiên”: “Mình đừng bỏ mặc cháu con mình trẻ/ Cựu chiến binh phải bên mình khe khẻ/ Mẹ anh hùng, liệt sĩ, thương binh, nhắc nhở giúp đỡ nhiệt tình/ Giúp cho con cháu mình vững bước đi lên/ Đừng có quên chuyện mình là cha mẹ/ Dù rằng tụi trẻ có tài cao, nhưng không sao tránh khỏi sai lầm/ Mình tuổi kinh nghiệm nhiều năm…”.

Quá khứ đó, những tấm huân chương, những bằng khen, giấy xác nhận có thành tích trong hai cuộc kháng chiến được ông cất cẩn thận trong chiếc giỏ xách cũ mèm. Trong căn chòi nhỏ, mỗi tối gác tay lên trán trăn trở chuyện nước, chuyện non. Châm chấp ngụm cà phê, mắt mông lung, ông bảo: “Cái khó khăn trước mắt mà Đảng và Nhà nước ta phải vượt qua là vấn đề tham nhũng. Không thể cứ mãi phòng, chống như thế này mãi được, phải diệt cho tận gốc!”.

Thời bao cấp, không ít lần ông đưa đội văn nghệ đi biểu diễn ở xã này, xã nọ trong huyện. Nhưng cứ hở, đêm trước diễn chập cải lương “Pháp sư trị bệnh” là ngay hôm sau, lãnh đạo xã đã lên tiếng… “đuổi khéo” vì sợ bà con xem, tụ tập đông người, sinh chuyện đánh lộn (!?). Trong chập cải lương này có đoạn Pháp sư trục hồn đại thần “phân phối” về hỏi tội khá độc đáo: “Hàng phân phối, xăng dầu, bột ngọt, vải, xà bông, nước mắt, dầu hôi, dân chưa mua thì đã hết rồi, đưa ra tiệm quán, chợ đen tràn ngập. Hàng sô nhiễu đưa vào ngăn nắp, đem cất giấu, tích trữ đầu cơ, bán cho cho nhân dân, chính sách, liệt sĩ, thương binh toàn vải đầu trâu, đầu bò. Nông nghiệp định suất mỗi mẫu hai bao diêm, phân tro tồn kho tích trữ, rồi chia với nhau…”.

Hoặc lúc pháp sư lập đàn trừ ma, tróc quỷ: “Ta thỉnh con tà móc, con tà ngoặc, tà lục tặc, tà tham ô. Tà nhậu, tà quậy, tà phát biểu bậy, làm mít lòng dân., tà đứng độc thân, không lấy dân lòng gốc… Thỉnh lên con tà thân, con tà thế, tà cậy, tà dựa, tà giang, tà thương. Tà buôn, tà lậu, tà lươn, tà lẹo…”. Có lẽ vì chập cải lương này ra đời không đúng lúc, nên ông đã xếp vào giỏ, lâu lâu mở ra xem, để mà nhớ.

Ông tham gia Hội người cao tuổi, viết khá nhiều bài bản về những vấn đề như kêu gọi toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, chống mãi dâm, ma tuý, chống việc đua xe, lạng lách: “…Cờ bạc, hút chích hết tiền, rồi buộc ta làm hết giết mướn đến đâm thuê. Tuyệt đối nghen, đừng có thèm tham nhũng, tiền muôn, bạc vạn cũng không bằng, quý nhất là dân mến, dân thương. Cực khổ vì dân là chuyện bình thường”.

Kể ra tôi cũng đã từng có mấy năm ăn cơm “Tổ nghề Cải lương”, trong nhiều điều tiếc nuối có chuyện mấy năm sau ngày ông mất, tôi mới hay tin. Viết lại chuyện cũ, xem như thắp một nén hương lòng – cho Người nghệ sĩ của Nhân dân.

Đ.H.T

(còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục