Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hơn 4 tháng làm việc, chị chỉ nhận được 3 tháng lương. Tháng đầu tiên họ giữ lại. Trung bình mỗi tháng chị nhận 1.500 Rian (tiền Saudi Arabia), tương đương 9 triệu đồng. Trong khi đó, chị thường xuyên bị bà chủ đánh đập, hành hạ, làm việc quá sức mà còn bị bỏ đói.
Sau hơn 4 tháng đi lao động, chị Tâm từ 80kg tuột xuống còn 60kg.
Lần theo thông tin từ gia đình bà Phan Thị Xuân (xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên), chúng tôi đến tìm hiểu hoàn cảnh gia đình chị Trần Thị Tâm, 37 tuổi, ngụ xã Tân Lập sau khi trở về từ “cõi chết”.
CƠM CHAN NƯỚC MẮT
Khoảng tháng 4.2017, cũng trong đường dây của ông Nguyễn Quốc Đạt (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá), chị Tâm được đưa ra huyện Phú Sơn (tỉnh Thanh Hoá) để học tiếng Arab tại văn phòng Công ty Vinaco (Công ty cổ phần hợp tác lao động quốc tế Vinaco). Cùng đi với chị còn có hơn 20 phụ nữ từ các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên.
Chị Tâm kể, khi vừa tới Saudi Arabia, đại diện văn phòng công ty tại đây đưa chị vào giúp việc trong một gia đình khá đông người. Ông bà chủ phân công chị lau dọn nhà cửa và trông giữ 4 trẻ nhỏ từ 2 tháng đến 2 tuổi. Theo thoả thuận, mỗi ngày chị Tâm làm việc khoảng 10 tiếng, đến 9-10 giờ đêm được nghỉ ngơi, ngày cuối tuần được nghỉ sớm hơn.
Nhưng thực tế, khi bắt tay vào làm việc, chị không được nghỉ, ngày nào cũng phải làm quần quật đến 2 giờ sáng mới được ngủ. Mỗi ngày phải làm việc từ 16-18 giờ, một mình chăm sóc 4 đứa nhỏ. Nhiều đêm chị không ngủ được, cứ một lát là bé lại khóc đòi sữa. “Vì thương con nít nên tôi cứ phải loay hoay suốt với 4 đứa nhỏ. Ngày chúng đeo theo, đến đêm cũng đòi tôi phải dỗ giấc ngủ, cho bú sữa. Cứ như thế, gần như tôi không còn giờ nào để ngủ”- chị Tâm nói.
Mỗi khi nhắc tới bữa ăn, chị Tâm nghẹn ngào, khóc kể: “Một ngày chỉ được ăn một lần, khi có, khi không. Thức ăn do họ nấu, ăn dư thừa, mới cho mình ăn, còn nếu hết thì họ bỏ đói. Họ đối xử với mình thua cả một con vật”. Phần ăn của chị Tâm thường là cơm, mì, nui, đậu… Tất cả đều là thức ăn dư thừa của chủ (cả người lớn và em bé) được trộn lẫn vào nhau chưa đầy một chén. Do không đủ ăn, chị phải uống nước để lấy lại sức. Chỉ hơn 4 tháng làm việc, chị từ 80kg giảm xuống còn 60kg.
Chị Tâm kể tiếp, mỗi khi ông chủ nhà mua sữa về, phân chia phần nào cho em bé, phần nào chị được dùng, nhưng bà chủ hoàn toàn ngược lại, bà không cho chị dùng bất cứ thứ gì. Mỗi khi đếm lại từng món, nếu không đủ số lượng, bà bắt người làm phải đền tiền. Kể tới đây, chị không còn kìm nén được sự uất ức: “Bà ấy nắm cổ áo tôi, chỉ mặt tôi và nói liên tục “à na… phà lút… - Nếu mày mà uống sữa, mày phải trả tiền”. Thật sự, nếu có lỡ uống đi nữa thì bản thân mình làm gì có tiền để trả cho bà”.
“SỐNG DỞ, CHẾT DỞ” NƠI XỨ NGƯỜI
Trước khi sang làm việc ở Saudi Arabia, chị Tâm luôn kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp. “Sẽ mua một mảnh đất nhỏ, xây một cái nhà, cho con cái ăn học, có tiền lo cuộc sống gia đình khá hơn…”. Nhưng sau hơn 4 tháng, chị “may mắn” được trở về Việt Nam, vây quanh chị là sự hãi hùng ám ảnh, tưởng như mình đã chết.
Chị kể, khoảng 7 năm trước, vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, mẹ già và em trai út bệnh tật, thêm một mình nuôi 2 con nhỏ, chị đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, Malaysia, Thái Lan. Sau khi về, với ít tiền tích luỹ, chị cũng trang trải được cuộc sống gia đình mình.
Sau đó tìm hiểu thông tin về các công ty hợp tác lao động quốc tế và qua lời kể lại của vài chị em phụ nữ đang làm việc tại Trung Đông, một lần nữa, chị quyết định rời gia đình sang Saudi Arabia làm việc dù chưa lường được khó khăn vất vả tới đâu.
“Xác định mình sang đó để “ở đợ”, làm ô-sin. Vì vậy, tôi đã không ngừng cố gắng làm việc thật tốt, chấp nhận gian nan, vất vả, làm đủ 24 tháng theo hợp đồng để trở về với gia đình. Nhưng tất cả hy vọng của tôi đều tan tành theo mây khói”- chị Tâm nói.
Hơn 4 tháng làm việc, chị chỉ nhận được 3 tháng lương. Tháng đầu tiên họ giữ lại. Trung bình mỗi tháng chị nhận 1.500 Rian (tiền Saudi Arabia), tương đương 9 triệu đồng. Trong khi đó, chị thường xuyên bị bà chủ đánh đập, hành hạ, làm việc quá sức mà còn bị bỏ đói. Chị đã nhiều lần kêu cứu đến văn phòng đại diện và ông Đạt, đề nghị đổi chủ nhưng tất cả đều im lặng.
Chị Tâm kể: “Có lần, bà chủ bắt tôi phải bóp tay, bóp chân cho em trai bà ấy ngủ. Tôi vừa làm vừa ngủ gật. Đến hôm sau, tôi tìm ông chủ mách lại, vì điều này hoàn toàn không có trong hợp đồng. Bà ấy biết chuyện, tát thẳng vào mặt và doạ sẽ bán cho chủ khác. Tôi nghe rụng rời tay chân, nếu bị bán đi, người ta sẽ không tính tháng nữa, mà tính lại từ đầu, hơn nữa, tôi sẽ không được nhận khoản tiền lương nào cả”.
Suốt thời gian dài chị không được liên hệ với gia đình ở Việt Nam. Theo chị Tâm, tháng đầu tiên, tất cả điện thoại đều bị chủ nhà tịch thu, không cho liên lạc với ai, kể cả những người cũng đang làm việc tại Saudi Arabia. Mãi về sau, chủ nhà mới trả lại điện thoại nhưng cấm sử dụng, đặc biệt là internet.
Chị Tâm nói: “Họ sợ chúng tôi báo về Việt Nam những việc họ làm với chúng tôi. Nhưng may nhờ tôi hỏi một người địa phương- sống cạnh nhà chủ xin mật khẩu wifi. Bà ấy đã tốt bụng cho tôi và dặn kỹ khi dùng xong thì hãy tắt ngay, nếu bà chủ biết, tôi sẽ bị đánh đòn”. Nhờ vậy, chị Tâm được kết nối với 5 chị em phụ nữ cùng cảnh ngộ, họ cũng bị đánh đập, bị hành hạ và bỏ đói. Có người còn bị “nhốt” trong phòng “biệt giam”, không có chăn màn, đói rét và cũng không được tiếp xúc với ai.
Nhắc tới chuyện bị nhốt, chị vừa khóc, vừa kể, khi còn một tháng rưỡi (trước ngày chị Tâm được về nước), bà chủ đã đánh và nhốt chị suốt 2 ngày trong toilet, bỏ đói không cho ăn thứ gì. Chị phải uống nước trong toilet để sống qua ngày. “Điện thoại cầu cứu thì không điện được cho ai. Ngay cả điện cho ông Đạt, văn phòng đại diện Vinaco. Đường cùng, tôi lấy bàn chải đánh răng chà nhọn và doạ tự tử. Bà chủ thấy vậy mới thả tôi ra. Bước ra khỏi toilet, tôi ngã quỵ, ngất đi. Họ liền đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu. Tôi cứ nghĩ mình đã chết”- chị Tâm uất nghẹn.
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CÓ HAY ?
Để được trở về Việt Nam, ngoài lý do bệnh, kiệt sức vì bị bỏ đói, hành hạ, chị Tâm phải bịa chuyện con gái mình “bệnh nặng sắp chết”, phải trở về lo hậu sự, nhưng phải cam kết “quay trở lại” để tiếp tục làm việc.
Sau sự việc chị bị chủ nhốt trong nhà vệ sinh và bị bỏ đói, chị gọi báo với ông K. đại diện văn phòng công ty tại Saudi Arabia, yêu cầu trở về Việt Nam để còn lo “hậu sự” cho con gái. Tuy nhiên, ông K. không đồng ý, buộc chị phải ở lại làm việc đủ thời hạn, nếu về sớm, chị phải bồi thường 80 triệu đồng cho công ty. Nhưng không hiểu sao, sau nhiều ngày suy nghĩ, ông K. mới điện ông chủ cho chị về nước.
“Ông chủ đồng ý cho tôi về, nhưng yêu cầu tôi phải “nói tốt” gia đình ông ấy với văn phòng. Nếu tôi khai ra mình bị bắt nhốt, bị bỏ đói, đánh đập thì ông ấy sẽ không cho về. Vì cảnh sát sẽ bắt ông ấy”. Chị tiếp: “Tôi đã đọc hồ sơ, ghi rõ, khi đi được hỗ trợ 10 triệu đồng. Nếu muốn về, bị bệnh tật, hay lý do nào đó, chúng tôi phải đền bù cho chủ 2 tháng lương, và tự túc tiền vé máy bay. Nhưng trường hợp này, chủ nhà hoàn toàn sai nên ông chủ phải mua vé máy bay cho tôi về sớm, mấy ngày sau lần tôi bị nhốt”. Ngày lên máy bay, trên người chị chỉ có mỗi bộ áo quần màu đen sẫm và 30 Rian ông chủ cho để ăn bánh cho đỡ đói.
Cũng chị Tâm cũng cung cấp cho chúng tôi những hình ảnh, video suốt hành trình của chị cùng hơn 20 phụ nữ trong đoàn ở Thanh Hoá, Hà Nội và tại Saudi Arabia, đến những món ăn, chỗ ở và chủ nhà. Nhớ đến chuyện đau lòng, chị nghẹn giọng: “Ở bên đó khổ lắm! Đau lắm! Nếu có bệnh, họ cho chết luôn, chứ không có chuyện mua thuốc cho mình uống đâu. Tôi về được rồi, nhưng tôi vẫn cầu mong các chị em bên đó được bình an, nhất là em S., hiện vẫn không có tin tức gì”.
Từ khi về nước đến nay, chị Tâm không nhận được cuộc gọi nào từ phía văn phòng tại Saudi Arabia. Tuy nhiên, bà chủ nhà đã nhiều lần gọi yêu cầu chị quay trở lại làm việc, và hứa sẽ tăng lương lên 2.000 Rian/tháng. Chị Tâm cho biết: “Trước khi bay về Việt Nam, tôi đã nói với bà tôi sẽ gọi điện báo tin cho bà biết. Nhưng bà yêu cầu tôi quay trở lại làm việc, tôi không dám nhấc máy trả lời bà nữa”.
Chị Tâm cung cấp thêm thông tin: hiện tại có hơn 100 người đang bị nạn tại Saudi Arabia. Trong đó có S. nằm trong danh sách “không được trả lương 2 tháng” tại văn phòng đại diện. Chị kể: “Ngày ra văn phòng đại diện, tất cả bị họ tịch thu điện thoại, đến khi ra sân bay họ mới trả lại. Vì họ không muốn tôi chụp hình hay quay phim những gì tại đây. Nhưng tôi vô tình thấy một quyển sổ có ghi danh sách hơn 20 người không được nhận lương, bị đánh, trong đó S. Hơn 20 người đi cùng lượt với tôi, giờ tin tức họ không biết như thế nào. Tôi chỉ mong cứu được các chị ấy về thôi!”.
Phải chăng, đây là một trong những lý do ông K. không đồng ý cho chị Tâm trở về nước? Trong khi đó, theo những gì chị Tâm cung cấp, những người đại diện Vinaco ở Saudi Arabia biết tất cả những sự việc đau lòng xảy ra cho những người phụ nữ mà họ đưa sang đất nước ấy.
Khi hỏi về các thông tin, hình ảnh liên quan đến ông Nguyễn Quốc Đạt, chị Tâm khẳng định: “Ông Đạt là kẻ lừa đảo. Chính ông Đạt đã làm môi giới lừa bán phụ nữ Việt Nam sang Saudi Arabia để bị đánh đập, hành hạ, làm việc cực khổ mà tiền thường gửi về nhà không đúng như hợp đồng”. Mỗi người được đưa đi, ông Đạt nhận từ 20-50 triệu đồng tiền môi giới từ phía công ty. “Vừa về tới đây, tôi đã điện thoại cho ông Đạt, ông này đã lớn tiếng đe doạ, mắng tôi là một con lừa đảo và thách thức tôi tố cáo ông ấy”- chị nhấn mạnh.
Chị cho biết, chị đã trình báo với chính quyền địa phương và Công an xã Tân Lập, Công an huyện Tân Biên về những hành vi lừa đảo của ông Đạt. Chính ông Đạt đã nhiều lần vào Tây Ninh làm hồ sơ đưa rất nhiều chị em đi xuất khẩu lao động ở Saudi Arabia.
Sau câu chuyện trở về từ cõi chết của chị Tâm, chúng tôi muốn nhắn gửi những ai có ý định đi hợp tác lao động ở nước ngoài nên cẩn trọng, tìm hiểu kỹ các thông tin rồi hẵng quyết định để không phải rơi vào nghịch cảnh đau lòng.
“Tôi chỉ mong chị em Tây Ninh hãy giữ bình tĩnh để không bị lừa đảo nữa. Tôi về tới Việt Nam giống như mình được sống lại lần nữa. Tôi là người đã bị nạn ở nước ngoài. Hãy tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi quyết định đi lao động ở nước ngoài. Bởi vì tất cả thông tin mà các công ty đăng tải trên mạng hầu hết là điều tốt đẹp, họ giấu đi những điều xấu, những bất lợi cho người lao động” chị Tâm nhắn nhủ thêm.
Tâm Giang - Sông Ninh
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.