Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hướng đến Giao thông xanh

Kỳ 2: Nỗ lực bảo vệ môi trường 

Cập nhật ngày: 10/05/2024 - 10:52

BTN - Phát triển giao thông xanh đang là xu thế tất yếu ở các đô thị trên thế giới. Ở Việt Nam, giao thông xanh cũng là yêu cầu cấp thiết để xây dựng đô thị xanh và thông minh. Để giảm thiểu ô nhiễm khí thải từ phương tiện, cần lắm sự chung tay của cả hệ thống chính trị và nhân dân, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Xe buýt lưu thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

 

Khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng

Để chung tay bảo đảm môi trường xanh sạch đẹp, các cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thắt chặt quy định, kiểm soát khí thải phương tiện, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, dùng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.

Sở Giao thông Vận tải triển khai nhiều giải pháp hướng đến xây dựng giao thông xanh tại địa phương. Cụ thể, Sở tổ chức triển khai đến các đơn vị kinh doanh vận tải Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND ngày 12.5.2022 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay vốn đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, Sở tiếp tục đôn đốc các đơn vị vận tải tổ chức thực hiện lộ trình đầu tư xe buýt mới trên các tuyến đang khai thác và hỗ trợ cá nhân, đơn vị vận tải sớm áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư, đổi mới phương tiện xe buýt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn. Sau quá trình triển khai Nghị quyết số 27/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, tuyến xe buýt từ bến xe Hoà Thành - bến xe Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) đã được đầu tư mới 6 xe buýt, đưa vào hoạt động từ tháng 1.2023.

Để thu hút mọi người sử dụng các phương tiện công cộng, Sở Giao thông Vận tải phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mềm tra cứu thông tin, lịch trình các tuyến xe buýt với tên gọi “Go! Bus Tây Ninh”, tích hợp vào ứng dụng di động dùng chung của tỉnh (Tây Ninh Smart) và ứng dụng Zalo giúp người dân dễ dàng tra cứu tuyến đường, lịch trình của các tuyến xe buýt, nâng cao chất lượng dịch vụ đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng, khuyến khích sử dụng xe buýt nhiều hơn trong hoạt động hằng ngày.

Với mong muốn hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ, Sở chủ động tham mưu, đề xuất đầu tư xây dựng các tuyến đường mới cũng như nâng cấp, cải tạo tuyến đường hiện hữu nhằm rút ngắn thời gian, quãng đường di chuyển của người dân, doanh nghiệp vận tải, giảm phát thải, giảm tiêu tốn năng lượng cho hoạt động vận tải. Cụ thể như việc xây dựng các tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; cao tốc Gò Dầu - Xa Mát; nâng cấp, mở rộng ĐT.782 - 784, đường Trường Chinh; nâng cấp, mở rộng đường Bời Lời, đường liên tuyến kết nối vùng N8 - 787B - 789.

Sở tham mưu, đề xuất các dự án nạo vét, nâng cấp luồng đường thuỷ nội địa của sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, triển khai công tác xử lý lục bình trên sông bảo đảm luồng thông thoáng, nhằm khai thác hiệu quả phương thức vận tải đường thuỷ với chi phí thấp, ít tốn nhiên liệu hơn phương thức vận tải đường bộ.

Ông Đặng Hoàng Chương- Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, trong tương lai, Sở tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện giao thông, thiết bị thi công; tiếp tục chủ trì, tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng các tuyến đường nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông tỉnh, bổ sung các phương thức vận tải khối lượng lớn, chi phí thấp, sử dụng năng lượng xanh; tiếp tục đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Kế hoạch số 2690/KH-UBND ngày 24.8.2023 của UBND tỉnh, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành GTVT trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Công ty TNHH Khương Huê tư vấn hướng nghiệp kết hợp hướng dẫn cho học sinh chạy xe an toàn tại Trường THPT Lê Quý Đôn (thành phố Tây Ninh)

 

Chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các dòng xe điện được coi là giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí. Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Khu du lịch núi Bà Đen là một trong những nơi tiên phong trong việc phát triển du lịch, hướng đến bảo vệ môi trường. Hiện tại, có 15 xe điện được sử dụng để vận chuyển khách trong khuôn viên khu du lịch, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện, tiết kiệm thời gian cho du khách.

Tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22.7.2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành GTVT, ngành xây dựng những chiến lược cụ thể hướng đến mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Để đạt được điều đó, ngành GTVT đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp như: chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh.

 

Theo ông Nguyễn Trọng Linh- Trưởng Phòng Kinh doanh - Dịch vụ - Vận hành Công ty cổ phần du lịch - thương mại Tây Ninh, việc di chuyển bằng xe dùng năng lượng điện sẽ không phát ra khí thải làm ảnh hưởng đến môi trường, không gây tiếng ồn, tiết kiệm chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng, sửa chữa. Đơn vị cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng đến du lịch xanh như: nhặt rác định kỳ vào ngày thứ 6 hằng tuần; huy động tất cả các đơn vị đang công tác tại khu du lịch tham gia nhặt rác trong và xung quanh khu du lịch, đường lên chùa, đường lên đỉnh; trồng thêm nhiều thảm hoa, cỏ, cây xanh; hạn chế sử dụng bao bì ni-lông và nhựa, thay vào đó dùng túi giấy, các vật dụng từ vật liệu hữu cơ…

Đối với việc chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách từ sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh, tính đến nay, tỉnh Tây Ninh đã đưa vào hoạt động 331 xe taxi điện trên toàn tỉnh. Dịch vụ Xanh SM taxi vận hành bằng ô tô điện, không phát thải, không mùi xăng dầu, không tiếng ồn động cơ, mang đến thêm một hình thức di chuyển văn minh, thân thiện với môi trường cho người dân và du khách đến Tây Ninh.

Hiện nay, nhu cầu tự trang bị xe cá nhân chạy bằng điện thay thế xe chạy bằng động cơ đốt trong truyền thống ngày càng tăng. Anh Trần Thế Duy (sinh năm 1985), ngụ phường IV, thành phố Tây Ninh cho biết: “Trước đây, tôi sử dụng xe ô tô vận hành bằng xăng, sau này quyết định chuyển qua chạy ô tô điện. Do nhu cầu của gia đình chỉ chạy trong nội thành, di chuyển bằng xe điện giúp tiết kiệm chi phí”.

Gia đình ông Nguyễn Thanh Tuấn, người dân ngụ phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh đã sử dụng ô tô điện gần 2 năm. Theo quan điểm của ông Tuấn, ô tô điện là mẫu xe thân thiện với môi trường, động cơ của xe chủ yếu từ dòng điện được tích trữ trong pin gắn dưới gầm xe, khi hoạt động không có khí thải ra bên ngoài do không dùng động cơ đốt trong.

Để lan toả việc sử dụng phương tiện xanh khi tham gia giao thông, Công ty TNHH Khương Huê tích cực triển khai thực hiện nhiều hoạt động giúp người dân hiểu rõ hơn về xe điện, lan toả lối sống xanh đến cộng đồng. Anh Trần Tuấn Anh- Cửa hàng trưởng Cửa hàng xe máy điện Khương Huê, huyện Châu Thành cho biết, đơn vị tích cực tổ chức hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức thông qua mạng xã hội, các hội nhóm; triển khai hoạt động ngoài trời ở các trường học, chợ, khu vực đông dân cư trên địa bàn để phổ biến kiến thức an toàn giao thông và hướng dẫn kỹ năng lái xe điện an toàn.

“Chúng tôi phối hợp với các trường tổ chức gặp gỡ chia sẻ cách lái xe an toàn, lợi ích của việc di chuyển bằng xe điện đối với môi trường cho học sinh. Hiện nay, dòng xe điện còn khá mới mẻ nên đơn vị tổ chức những buổi lái xe điện ngoài trời, thiết lập đường chạy trải nghiệm, có bố trí điểm xuất phát, điểm đến, các loại biển báo, đèn tín hiệu để học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế phương pháp lái xe điện an toàn. Tuỳ theo độ tuổi, đơn vị sẽ hỗ trợ phương tiện chạy thử phù hợp như cấp THCS sẽ tham gia chạy thử đoạn đường an toàn giao thông bằng xe đạp điện; cấp THPT chạy thử bằng xe máy, xe điện có vận tốc thiết kế nhỏ hơn 50km/giờ”- anh Trần Tuấn Anh nói.

An Đông - Hoàng Yến

(Còn tiếp)

Tin liên quan