Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Truyền thanh cơ sở - cầu nối giữa đảng với nhân dân trong xã hội hiện đại
Kỳ 2: Phát huy thế mạnh đặc thù của truyền thanh cơ sở
Thứ ba: 08:09 ngày 06/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hơn lúc nào hết, lúc này loa phát thanh đã kịp thời thông tin cho người dân những thông tin chính thống, tin cậy, định hướng dư luận, giúp người dân an tâm hơn, chung tay cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh.

Bên cạnh giá trị lịch sử, truyền thanh cơ sở còn có những thế mạnh đặc thù của riêng mình là thông tin nhanh nhạy, thời sự, gần gũi, dễ hiểu. Trong các tình huống khẩn cấp (mưa bão, lũ lụt, cháy nổ, dịch bệnh...) và trong các chiến dịch truyền thông phục vụ nhiệm vụ chính trị (tuyên truyền về Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia)... hệ thống truyền thanh cơ sở phát huy hiệu quả tích cực.

Một cụm loa phát thanh tại văn phòng ấp Đồng Cỏ Đỏ, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh. Ảnh: Lê Tấn Phát

Minh chứng rõ nét nhất là trong bối cảnh hai năm qua khi cả nước gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, loa phát thanh hằng ngày phát những thông điệp về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thông tin các ca bệnh dương tính, các trường hợp F1, F2 có liên quan đến ca bệnh để người dân nắm và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh; thông báo lịch tiêm vaccine; cập nhật các thông tin về những nỗ lực của Đảng và Nhà nước, những tín hiệu khả quan trong công tác phòng, chống dịch, để tránh tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Mặt khác, lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội, làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang trong dư luận mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Hơn lúc nào hết, lúc này loa phát thanh đã kịp thời thông tin cho người dân những thông tin chính thống, tin cậy, định hướng dư luận, giúp người dân an tâm hơn, chung tay cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh.

Tại các khu vực phong toả, hệ thống loa truyền thanh càng phát huy tốt vai trò của mình, mọi thông tin tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo và thông báo mới về dịch Covid-19 đều được cập nhật, truyền đạt đầy đủ vào các khu dân cư, minh chứng cho sức sống bền bỉ, không thể thiếu của hệ thống truyền thanh cơ sở trong việc thực hiện chức năng truyền tải các thông tin thiết yếu đến người dân.

Truyền thanh cơ sở còn có thế mạnh là có thể giúp người dân tiếp cận được nguồn thông tin chính thống bất cứ đâu, cả khi đang tham gia giao thông, lao động, sản xuất… phương thức truyền đạt thông tin chủ động. Ở các vùng nông thôn, miền núi, hệ thống truyền thanh càng phát huy hiệu quả mạnh mẽ.

Người nông dân đang làm việc trên đồng cũng có thể cập nhật thông tin từ hệ thống loa truyền thanh của xã. Những kiến thức về khoa học kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, những chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hay những kiến thức pháp luật… đều được người dân tiếp nhận nhanh chóng, tiện lợi bằng giọng đọc phù hợp với địa phương, vùng miền.

Đặc biệt trong tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, truyền thanh cơ sở có thể phát thanh trực tiếp để mọi người kịp thời nắm thông tin mà không yêu cầu về thiết bị phải kết nối mạng internet.

Viên chức Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh thành phố Tây Ninh vận hành hệ thống truyền thanh. Ảnh: Lê Tấn Phát

Sẽ có người cho rằng: “Thời buổi bây giờ việc cập nhật thông tin ở đâu chẳng có. Chỉ cần xem truyền hình hay lướt điện thoại trên các báo điện tử, các ứng dụng mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok, Zalo… là đã có thể cập nhật hàng loạt thông tin”.

Đúng như vậy thật, nhưng họ quên rằng đó là cách tiếp nhận thông tin chủ động. Nghĩa là người dân phải mở truyền hình, truy cập báo điện tử hay phải truy cập các ứng dụng mạng xã hội mới có thể xem được tin tức hữu ích. Trong khi đó, nội dung, thông tin của truyền thanh cơ sở được truyền đến người dân, được người dân tiếp nhận một cách bị động kể cả khi trong khi đang làm việc nhưng vẫn đầy đủ, dễ hiểu, không cần phương tiện hay thiết bị kết nối internet nào.

Hơn nữa, như chúng ta biết mạng xã hội là cả thế giới giải trí rộng lớn, mà tâm lý nhiều người chỉ muốn tìm đến những nội dung mình thích xem, thích đọc để thoả sức giải trí mà không chủ động “tìm đến”, cập nhật những thông tin quan trọng khác. Đó là còn chưa bàn đến việc website giả, tin giả, tin sai sự thật tràn lan khắp nơi, thách thức người dùng điện thoại thông minh, nhất là đối với người trẻ, ảnh hưởng xấu đến xã hội. Vì vậy, kênh thông tin chính thống này góp phần rất lớn trong công tác định hướng dư luận xã hội, giúp người dân nhận rõ bản chất các quan điểm sai trái bằng ngôn ngữ dễ hiểu, phân biệt thông tin đúng và thông tin sai lệch.

Rõ ràng nhất là truyền thanh cơ sở đã giúp công tác chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở dễ dàng đến gần hơn với người dân như: phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm... bảo vệ môi trường, phổ biến pháp luật, tuyên truyền các ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước, của tỉnh, địa phương... và rất nhiều thông tin thiết yếu khác.

Gần đây, việc thực hiện hiệu quả công tác thông tin cơ sở, trong đó có truyền thanh cơ sở còn là một trong những nội dung quan trọng để các tỉnh nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) - một trong những công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.

Đặc biệt, truyền thanh cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phổ biến những thành tựu mà Đảng ta đã đạt được trên cơ sở vận dụng đúng đắn, sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới… thông qua các chuyên mục phát thanh.

Đơn cử trên địa bàn thành phố Tây Ninh, nhiều năm qua, hệ thống truyền thanh của Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh thành phố được truyền tải rộng khắp 10/10 phường, xã, phát thanh 3 buổi/ngày. Hằng tuần, Trung tâm sản xuất 6 chương trình phát thanh thời sự và 10 chuyên mục chuyên đề thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Tính riêng năm 2023, Trung tâm đã biên soạn 756 chương trình phát thanh.

Ở cấp xã, mỗi địa phương có một Đài truyền thanh cùng hệ thống loa truyền thanh được bố trí đến tận các ấp, khu phố, mỗi ngày tiếp âm đủ 3 cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp thành phố và phát thanh nội dung tuyên truyền ở cơ sở. Hằng tuần các đài tự sản xuất chương trình phát thanh thời sự và thường xuyên tuyên truyền các thông báo của địa phương như: lịch treo cờ Tổ quốc chào mừng các ngày lễ kỷ niệm; ngày đi bầu cử trưởng ấp, khu phố; phòng, chống dịch bệnh, an ninh trật tự, hoạt động tiếp xúc cử tri… cùng nhiều thông tin thiết yếu khác.

Có thể thấy, một lượng thông tin “khổng lồ” đã được chuyển tải đến người dân qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Với thông tin phong phú, đa dạng, phù hợp thói quen sinh hoạt của người dân địa phương, thời gian qua hệ thống truyền thanh cơ sở các địa phương trên cả nước đã trở thành người bạn tin cậy của người dân, là kênh tuyên truyền quan trọng, không thể thiếu của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương.

Qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, vun đắp tình yêu quê hương đất nước, thực sự là nơi tin cậy của Đảng và nhân dân, cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của từng địa phương. Có thể khẳng định, khi nào người dân vẫn còn chưa được cung cấp đầy đủ thông tin, thì khi đó truyền thanh cơ sở vẫn chưa hoàn thành sứ mệnh của mình.

Quang Duy

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục