Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Gắn kết quân đội với đồng bào dân tộc, tôn giáo
Kỳ 2: Quân với dân cùng một ý chí
Thứ hai: 06:07 ngày 21/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với vai trò, vị trí hết sức quan trọng, lực lượng Quân sự tỉnh Tây Ninh không ngừng nỗ lực, có nhiều đổi mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong công tác dân tộc, tôn giáo, góp phần củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng cơ sở, củng cố “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.

Ban CHQS thị xã Hoà Thành trao nhà tình nghĩa quân dân cho chiến sĩ Võ Minh Quân, ấp Long Bình, xã Long Thành Nam

Những căn nhà ấm tình quân - dân

Đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là trong cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Để đồng bào dân tộc, tôn giáo được “an cư, lập nghiệp”, ổn định cuộc sống, lực lượng Quân sự phối hợp các đơn vị khảo sát, chọn đối tượng là gia đình đồng bào, tôn giáo có hoàn cảnh khó khăn để xây tặng “Nhà tình nghĩa quân - dân”, mỗi năm xây từ 1-2 căn nhà, mỗi căn trị giá 80 triệu đồng. Việc trao tặng nhà thể hiện tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trong công tác chăm lo, động viên hộ nghèo, giúp họ có nhà ở kiên cố, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Những ngày cuối tháng 9.2022, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Xuân (sinh năm 1980)- là tín đồ tôn giáo Cao Đài, phường Long Thành Bắc được Ban CHQS thị xã Hoà Thành xây tặng “Nhà tình nghĩa quân - dân”. Gia đình chị Kim Xuân có hoàn cảnh khó khăn, chị làm nghề đan bồ trúc thu nhập không ổn định. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, đứa con gái từ khi sinh ra đã mắc bệnh. Từ đó, cứ đều đặn mỗi tháng, chị phải đưa con đến viện huyết học để điều trị. Chồng bỏ đi từ khi con còn nhỏ, gia đình ba mẹ cũng không khá giả, nên mọi chi phí làm ra gần như chỉ đủ trị bệnh cho con. Thế nên ước mơ về một căn nhà là điều xa vời với mẹ con chị Xuân. Căn nhà được Ban CHQS thị xã Hoà Thành trao tặng thật sự quý giá đối với chị Xuân, thật ấm áp nghĩa tình.

Hay trường hợp của chiến sĩ Đoàn Bảo An (sinh năm 2002), dân quân thường trực Ban CHQS thị xã Hoà Thành, ngụ ấp Trường Xuân, xã Trường Hoà. Bảo An cho biết: “Tôi tham gia dân quân được 22 tháng. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ làm ruộng, làm thuê cho người ta nên tôi nghỉ học phụ giúp gia đình để có tiền nuôi em gái ăn học. Gia đình sinh sống trong căn nhà tạm bợ, che chắn bằng những tấm tôn cũ kỹ. Khi được hỗ trợ xây căn nhà mới, tôi và gia đình vô cùng vui mừng và biết ơn”. Căn nhà của chị Kim Xuân và Bảo An là 2 trong 5 căn nhà tình nghĩa quân - dân được Ban CHQS thị xã Hoà Thành xây tặng cho đồng bào tôn giáo trên địa bàn trong năm 2022.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà vừa được xây tặng, anh Danh Sa Cuôn (sinh năm 1980, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh) rất xúc động và biết ơn sự quan tâm, chăm lo của các cấp. Anh Sa Cuôn cho biết, anh là người dân tộc Khmer, hoàn cảnh sống còn nhiều khó khăn. Cả gia đình 10 người cùng sinh hoạt trong căn nhà xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2021, nghe thông tin được hỗ trợ xây dựng nhà mới, anh Cuôn rất mừng. “Ban CHQS Thành phố hỗ trợ xây nhà trị giá 80 triệu đồng, gia đình vay thêm tiền của ngân hàng để xây dựng 1 căn nhà theo ý muốn. Tôi sẽ nỗ lực chăm lo cuộc sống gia đình, tham gia tích cực các phong trào của địa phương để xứng đáng với sự quan tâm, động viên của địa phương”- Danh Sa Cuôn nói.

Xây dựng lực lượng nòng cốt trong các dân tộc thiểu số

Thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh tăng cường thực hiện chính sách đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 10 năm (2012-2022), toàn tỉnh tuyển chọn và gọi trên 133 công dân là người dân tộc thiểu số nhập ngũ, số quân nhân này sau khi xuất ngũ được bồi dưỡng trở thành nòng cốt trong các dân tộc thiểu số. Quân nhân là con em của đồng bào dân tộc thiểu số được bố trí công tác phù hợp với khả năng, trình độ và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, địa phương.

Thượng tá Nguyễn Thanh Tịnh- Chính trị viên Ban CHQS huyện Châu Thành cho biết, trên địa bàn huyện có 15 xã, thị trấn, trong đó có 6 xã giáp biên, bà con dân tộc Khmer tập trung chủ yếu ở các xã Hoà Hội, Hoà Thạnh và Ninh Điền. Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, việc xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ là đồng bào dân tộc được quan tâm thực hiện.

Để làm tốt công tác phát triển lực lượng dân quân tự vệ ở địa bàn có đông dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, Ban CHQS huyện Châu Thành tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm sâu sát, triển khai nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực. Trong đó, phối hợp với cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào nhận thức rõ nghĩa vụ, trách nhiệm trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như quyền lợi, chế độ, chính sách được hưởng khi tham gia dân quân tự vệ.

Tại chốt dân quân Bố Lớn, xã Hoà Hội, lực lượng dân quân thường trực hầu hết là đồng bào dân tộc Khmer. Các anh đã phát huy vai trò dân quân thường trực trong công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống, thiên tai, cứu nạn cứu hộ, được cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao. Nổi bật có thể kể đến anh em Keo Rinh (sinh năm 1974), Keo Ranl (sinh năm 1985) đều là dân quân thường trực đang làm việc tại chốt Bố Lớn.

Keo Rinh và Keo Ranl có đông anh em, từ nhỏ, hai người đã cảm phục trước những hành động cao đẹp của lực lượng vũ trang trong cuộc chiến phòng, chống tội phạm, bảo vệ đường biên, cột mốc. Suốt quá trình sinh sống tại địa phương, hai anh tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; tuyên truyền, vận động người thân, hàng xóm đoàn kết, chung tay giữ gìn an ninh trật tự, nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật. Từng trải qua nhiều công việc khác nhau, họ tạm gác lại tất cả, sẵn sàng tham gia vào lực lượng dân quân thường trực của xã với mong muốn được cống hiến, làm việc có ích cho xã hội.

Keo Rinh cho biết: “Năm 1996, tôi tham gia nghĩa vụ quân sự tại Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Xa Mát, sau khi xuất ngũ, tôi về lại địa phương. Mấy năm nay, tình nguyện tham gia dân quân thường trực xã và được phân công trực tại Chốt dân quân Bố Lớn. Anh em luôn cùng nhau đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ. Năm ngoái khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi cùng anh em tham gia trực ở khu vực biên giới gặp nhiều khó khăn nhưng mọi người luôn động viên nhau cố gắng vượt qua, không ai chùn bước hay bỏ cuộc giữa chừng. Việc cùng công tác trong một đơn vị là cơ hội để hai anh em tôi đóng góp sức mình, thi đua hoàn thành nhiệm vụ”.

Đối với Keo Ranl- Chốt trưởng Chốt dân quân Bố Lớn, được tham gia vào lực lượng dân quân thường trực là niềm hạnh phúc. Keo Ranl nói: “Tôi rất vinh dự khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam và công tác trong lực lượng vũ trang. Tôi luôn nêu cao trách nhiệm, phát huy hết khả năng của mình, chẳng hạn như việc phiên dịch tiếng Khmer trong những lần giao lưu, gặp gỡ giữa chính quyền địa phương và các xã bạn phía Campuchia. Ngoài công tác phối hợp tuần tra, tôi còn thường xuyên nhắc nhở bà con dân tộc chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, không nghe lời dụ dỗ, xúi giục của kẻ xấu”.

Trên địa bàn ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Để xây dựng lực lượng nòng cốt trong dân tộc, Ban CHQS xã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Ông Võ Xuân Vinh- Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã cho biết, trên địa bàn ấp Thạnh Đông thành lập một tiểu đội lực lượng dân quân tại chỗ gồm 9 người, tất cả đều là đồng bào dân tộc Khmer. Khi có tình huống phát sinh, lực lượng dân quân được huy động để kịp thời phối hợp với Công an tham gia giữ gìn an ninh trật tự, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, vận động nhân dân đăng ký thu gom, dọn rác các tuyến đường... Trong quá trình tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc, lực lượng dân quân tại chỗ là người Khmer nghiên cứu, hỗ trợ phiên dịch nội dung tuyên truyền sang tiếng Khmer cho bà con hiểu và chấp hành tốt. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở đây luôn được bà con chấp hành tốt.

Anh Danh Sa Cuôn- Ấp Đội trưởng kiêm Tiểu đội trưởng dân quân ấp Thạnh Đông cho biết: “Ngoài công việc của tiểu đội, tôi tích cực làm ruộng, chăn nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình. Khi có công việc, tôi sẽ thông báo cho anh em tập trung lại để tham gia. Vào các đợt tuyển quân, tôi đến từng hộ dân, giải thích cho mọi người hiểu về Luật Nghĩa vụ quân sự, lâu dần bà con hiểu rõ và tích cực tham gia”.

Bằng tình cảm chân thành, cởi mở, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng Quân sự và các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo, dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường. Đây là tiền đề quan trọng góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng đời sống văn hoá, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Phương Thảo - Ngọc Diêu

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục