Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Kỳ 2: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - không dễ
Thứ hai: 00:11 ngày 22/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ứng dụng công nghệ cao vừa là yêu cầu khách quan, vừa là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế và chưa tạo ra được sự đột phá.

Mãng cầu xiêm hoa vàng được sản xuất theo chuẩn GlobalGAP

Bỏ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Ông Mai Văn Kim, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu cho biết, năm 2015, ông bắt đầu trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 15 ha. Trong quá trình sản xuất, ông nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật công nghệ để áp dụng nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của công ty mà mình đã ký kết.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố giá cả thị trường, đầu ra sản phẩm, phòng, chống dịch bệnh… chính vì vậy, ông chỉ dừng lại ở sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, không sản xuất theo tiêu chuẩn cao hơn như GlobalGAP. Do sản xuất không mang lại hiệu quả nên sau 6 năm, ông quyết định nhổ bỏ cây chanh. Đầu năm 2022, ông chuyển sang trồng củ sắn trên diện tích 3,5 ha.

Vào năm 2019, ông được Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay và đầu tư hệ thống tưới, nhà màng, kỹ thuật để áp dụng công nghệ cao cho 21 nhà màng trồng dưa lưới, với diện tích 1,2 ha. Tuy nhiên, do giá cả, thị trường tiêu thụ không thuận lợi nên đến nay ông chỉ giữ lại 6 nhà màng dưa lưới, ông chọn giống dưa lưới mới cho trái chất lượng cao cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, giá giống dưa lưới này khá cao, khoảng 70.000 đồng/kg hạt giống, vốn đầu tư tăng, nhưng dưa lưới thu hoạch tính ra giá thành cao không phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, nên phải bán giá thấp để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo ông Kim, nông dân khó làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) do giá cả thị trường bấp bênh, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc; giá sản phẩm lại “không cao” dẫn đến người sản xuất chỉ có lỗ vốn, nhiều người đã chuyển từ NNCNC sang sản xuất nông nghiệp bình thường với những loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và thị trường đang cần, theo tiêu chí “được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu”.

Thách thức vẫn là vốn đầu tư

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản tuy đạt được một số thành tựu nhất định, có phát triển về mặt số lượng và quy mô nhưng vẫn còn ở dạng nhỏ lẻ, chưa thực sự tạo ra “đột phá” để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Do đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, nhất là đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn do nhiều rủi ro, giá các mặt hàng nông sản biến động thất thường, chi phí vật tư đầu vào tăng cao.

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung- Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao NNC Gò Dầu (xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu) cho biết: “Làm NNCNC có nguồn vốn đầu tư ban đầu cao, đối với dưa lưới, chi phí đầu tư cho nhà lưới 1.000m2 khoảng 400 triệu đồng.

Ngoài ra, vốn theo từng chu kỳ sản xuất cũng cao, với diện tích trên, chi phí đầu tư cho 1 vụ sản xuất (từ 70 - 80 ngày) khoảng 50 triệu đồng cho việc thuê nhân công, vật tư nông nghiệp... Do đó, phải làm sao cho vừa đạt sản lượng, vừa có giá, bình quân 30.000 đồng/kg thì mới có lời. Một năm sản xuất từ 3 - 4 vụ, nếu năng suất và sản lượng ổn định như vậy thì nhanh thu hồi vốn”.

Ngoài ra, việc vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX có hạn chế nhất định như việc định giá giá trị tài sản thấp hơn so với ngân hàng thương mại, do đó, nhiều người không tiếp cận vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX mà làm thủ tục vay vốn ở ngân hàng thương mại.

Ông Nguyễn Thanh Bình- Giám đốc, Chủ tịch HĐQT HTX rau an toàn Long Mỹ (phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành) cho biết, HTX có 3.000m2 trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao. Khó khăn chủ yếu là nguồn vốn ban đầu cao; nông dân cần có kiến thức và kinh nghiệm, theo dõi sát sao quá trình sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp vốn mang tính rủi ro cao, trong khi hoạt động tín dụng của ngân hàng lại đặt nặng tính an toàn, khiến doanh nghiệp tư nhân sản xuất nông nghiệp chưa tiếp cận được vốn tín dụng. Do đó, tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Một số khó khăn chung cần được tháo gỡ

Theo bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, về quy hoạch đất đai, UBND huyện luôn chủ động, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện việc đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất các khu vực đã được phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất NNCNC bảo đảm thời gian và đúng quy định.

Đề án Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Tân Châu đang trong quá trình tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án. Riêng UBND huyện Tân Châu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư khi được UBND tỉnh phê duyệt.

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở địa phương còn đối mặt với nhiều thách thức. Việc kêu gọi các nhà đầu tư đủ năng lực để thực hiện các đề án đầu tư trong các khu quy hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất khó khăn, các nhà đầu tư cũng chưa thật sự quan tâm. Bên cạnh đó, nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực là rất lớn nhưng giá sản phẩm làm ra và thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định nên các nhà đầu tư chưa thật sự quan tâm. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực NNCNC trên địa bàn huyện đang thiếu do chưa được tham gia các lớp đào tạo chuyên môn sâu.

Theo ông Đặng Thủ Thừa- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu, phát triển NNCNC trên địa bàn huyện thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, cần tháo gỡ một số khó khăn trong NNCNC để người nông dân có thể làm giàu từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Thừa cho biết, địa phương chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có năng lực làm nhiệm vụ dẫn dắt toàn bộ hoạt động chuỗi giá trị trồng trọt - chăn nuôi, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp; doanh nghiệp - hợp tác xã, nông hộ.

Qua rà soát, hiện trên địa bàn huyện chỉ có 1 dự án thu hút, mời gọi đầu tư lĩnh vực NNCNC giai đoạn 2022-2025 (sản xuất một trong các loại rau: ăn lá, ăn trái, hoa, nấm ăn các loại tại xã Phước Ninh, diện tích 24,55 ha đất công; hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu giá rộng rãi quyền sử dụng đất).

Mặt khác, việc tiếp cận các chính sách phát triển nông nghiệp còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn về thủ tục và quy trình thẩm định các dự án. Nông dân và doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư chuyển đổi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất do chi phí đầu tư lớn, trong khi sản xuất đang chịu nhiều rủi ro về giá cả, tình hình tiêu thụ nông sản bấp bênh, khó khăn ở thị trường xuất khẩu và dịch bệnh xảy ra làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Hoạt động của các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện chủ yếu là cung ứng các dịch vụ sản xuất nông nghiệp, các cơ sở tham gia sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP còn ít.

Phát triển NNCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có thể thấy rằng, bên cạnh những kết quả bước đầu đáng phấn khởi, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất cần được tháo gỡ những khó khăn để yên tâm sản xuất, góp phần thúc đẩy NNCNC của tỉnh phát triển.

Nhi Trần - Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục