Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng- từ dân gian đến di sản quốc gia
Kỳ 2: Thầm lặng một tình yêu
Thứ sáu: 06:29 ngày 21/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Người ta nói làm nghề nào yêu nghề đó, ai không yêu thích công việc của mình thì khó có thể đi với nó đến cuối cùng. Ðiều này cũng đúng với nghề bánh tráng phơi sương.

Bút ký của NHẤT PHƯỢNG

Tôi đọc được trong giọng nói, nụ cười và ánh mắt của bà Bảy Rộng, cũng như của chị Thuỷ, chị Sáu Đương, bà Út... không chỉ có tình yêu mà còn có cả lòng biết ơn sâu sắc đối với cái nghề lao động nhọc nhằn đã cưu mang, bảo bọc cuộc sống gia đình mình suốt những tháng năm dài. Phải chăng, tình yêu ấy, mối quan hệ gắn bó ấy chính là nguồn năng lượng tiềm ẩn tạo nên sức sống dai dẳng, vững bền cho một làng nghề từng phải đối mặt với câu hỏi khó: làm gì để tồn tại và phát triển?

Tranh thủ thời gian rảnh tại nhà, chị Nhanh- ở khu phố Lộc Du  mỗi ngày có thể tráng được 400- 500 bánh. Ảnh: Hồng Thắm

Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, cuốn với thịt heo luộc, rau sông... chấm nước mắm chua ngọt là món ăn dễ dàng khuất phục vị giác, khứu giác và cả thị giác của bất kỳ thực khách khó tính nào. Không chỉ ở Trảng Bàng, vốn nổi tiếng với những Hoàng Minh, Năm Dung, Út Huệ, Ông Cáo... mà nhiều nơi khác trong, ngoài tỉnh Tây Ninh cũng có các quán, tiệm sẵn sàng mê hoặc khách thập phương bằng món đặc sản bình dân đầy sức quyến rũ ấy.

Món ăn đã làm nên tên tuổi cho làng nghề hay chính làng nghề đã giúp cho món ăn bình dị thăng hoa? Cũng khó xác định. Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã được Nhà nước vinh danh, công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia từ năm 2016. Nó cũng từng được truyền thông nước ngoài giới thiệu trên các kênh truyền hình lớn, có độ phủ sóng toàn cầu.

Tôi dám chắc, trước các thời điểm đó, các nghệ nhân chân chỉ hạt bột ở làng nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng không thể tưởng tượng sẽ có một ngày có chuyện lạ lùng như vậy xảy ra. Bởi, họ nghĩ về nghề của mình đơn giản lắm. Bánh tráng thôi mà! Có phải cao lương mỹ vị gì đâu! Ai làm chẳng được! Nào có cần qua trường lớp đào tạo gì! Bà truyền cho mẹ, mẹ dạy cho con, con bày cho cháu... nghề nối nghề, nghiệp nối nghiệp, cứ vậy mà thành, theo kiểu gia truyền, đúng mô thức dân gian.

Với phần đông số hộ theo nghề bánh tráng nói chung, bánh tráng phơi sương nói riêng ở Trảng Bàng, đó chính là công việc mưu sinh chính yếu của họ. Là cái ăn, cái mặc hằng ngày. Là sự học hành của con cái. Cả thuốc thang lúc ốm đau, bệnh tật... Mặc dù, như lời chị Nhanh- người được kế thừa sự nghiệp tráng bánh từ mẹ đẻ của mình: “Nghề này không làm giàu được đâu, chủ yếu em muốn kiếm thêm chút đồng ra đồng vào, phụ ông xã lo kinh tế gia đình.

Ðược cái, tuy thu nhập không cao nhưng ổn định, căn cơ, lại không bị gò bó giờ giấc, có thể tận dụng thời gian rảnh tại nhà”. Vừa làm việc nhà, đưa rước con đi học, vừa tranh thủ tráng bánh, trung bình mỗi ngày chị Nhanh cũng làm được từ 400 đến 500 cái bánh tráng, bổ sung một khoản không đến nỗi tệ vào ngân quỹ gia đình. Bà Út, má chị khẳng định: xưa kia, chính nghề bánh tráng đã giúp bà nuôi cả 5 đứa con khôn lớn, nên người.

Ừ thì không giàu! Nhưng “sống được”! Theo nghề từ trẻ, nay tuổi cao, bà “rửa tay gác kiếm” sau khi chuyển giao nó lại cho con gái, chỉ thỉnh thoảng phụ giúp mấy việc lặt vặt. Tôi hỏi: theo nghề lâu thế,  bà có thương nghề mình không? Bà đáp gọn: “Thương chớ sao không! Nhờ nó mà sống đó thôi”.

Với chị Thuỷ (khu phố Gia Huỳnh) đây là nghề “ăn chắc mặc bền”. Mấy chục năm về trước, khi mẹ chị còn sống, bà thường mua bánh tráng từ các lò đem về nướng, phơi sương rồi đem bán kiếm lời. Không may mẹ mất sớm, ở tuổi mười tám, đôi mươi, chị Thuỷ quyết định đắp lò tráng bánh, thay mẹ nuôi em, tự mình quán xuyến mọi công việc từ A đến Z, luôn cả khâu tiêu thụ sản phẩm.

Các em lớn lên, dần biết đỡ đần chị. Sáu chị em xúm xít với nghề, nương nhau mà lớn. Rồi ai cũng trưởng thành, có gia đình riêng. Họ kiếm sống bằng công việc khác trong khi chị vẫn chung thuỷ với nghề cũ. Chị có vẻ bằng lòng, thậm chí tự hào về công việc mình đã chọn: “Cực lắm! Nhưng tui không ngán! Chỉ tiếc, mấy đứa em nó không kiên trì được như mình”.

30 năm gắn bó với nghề, tràn đầy kinh nghiệm để làm ra những chiếc bánh tráng phơi sương ngon và đẹp, chị Thuỷ được nhiều khách hàng tin tưởng, tìm đến khi có nhu cầu. Thông thường, chị chỉ thực hiện việc tráng bánh, nướng bánh rồi đem giao cho vựa quen, để họ tự lo khoản phơi sương tiếp theo. Nhưng thỉnh thoảng cũng có khách hàng riêng lẻ, vì nghe tiếng mà tìm đến chị đặt hàng để gửi biếu người thân ở nước ngoài. Chị Thuỷ coi đó là niềm vui trong nghề.

Bánh sau khi phơi sương, được lựa chọn khá kỹ, xếp thành từng xấp, dùng kéo vanh tròn rồi mới cho vào bọc. Ảnh: Ð.H.T

Người ta nói làm nghề nào yêu nghề đó, ai không yêu thích công việc của mình thì khó có thể đi với nó đến cuối cùng. Ðiều này cũng đúng với nghề bánh tráng phơi sương. Như chị Sáu Ðương, chị Thuỷ, như bà Út, bà bảy Rộng... những người gần như cả đời mải mê, bận bịu làm bạn với thau bột, bếp lò, nồi hấp, vỉ phơi...

Từ bé đã quen với công việc tráng bánh của gia đình, năm 20 tuổi, bà Bảy Rộng đi lấy chồng, rồi theo chồng về chợ ở. Buôn bán không quen, chỉ sau một, hai năm, bà quyết định quay lại nghề tráng bánh thừa hưởng từ mẹ. Hồi đó, sống dưới chế độ cũ, chồng quanh năm trốn quân dịch, sau bị bắt nhốt khám Chí Hoà, bà Bảy phải gánh vác vai trò trụ cột gia đình, nuôi 6 đứa con bằng nghề tráng bánh.

Bà bảo: nghề này, phải thức khuya dậy sớm, ai sợ cực thì không theo được! Làm không có dư đâu nhưng cũng không đói khổ! Không nhờ nó, bà làm sao chống đỡ nổi gánh nặng cơm áo gạo tiền suốt 60 năm qua? Nghề đã thành nghiệp mất rồi. Vì thế, khi tuổi đã cao, bà vẫn không muốn từ bỏ. Mãi 4 năm gần đây bà mới chịu ngưng việc do bị bệnh về mắt. Nghỉ tráng bánh, bà lại chuyển sang nghề nướng bánh.

Ðể nướng xong một thiên bánh (1.000 cái) bà phải bắt tay làm từ 3 giờ khuya cho đến 8-9 giờ sáng, được trả công 80.000 đồng. Không bao nhiêu nhưng bà vẫn vui vì thấy mình còn lao động được, còn làm ra tiền được, sâu xa hơn là còn giữ được mối dây liên hệ với cái nghề mình yêu mến, khó lòng từ bỏ. Giọng bâng khuâng, bà nhắc về những kỷ niệm xưa- hơn 40 năm rồi vẫn chưa phai mờ trong ký ức...

Hồi đó, nhiều khách hàng đặt bánh tráng để gửi cho bạn bè, người thân ở nước ngoài. Nhưng thời mới giải phóng, cuộc sống còn bề bộn khó khăn, kiếm miếng vải làm khuôn tráng (phải là loại vải xá xị, có độ trơn, độ khít để không lọt bột) cũng không ra, bà Bảy loay hoay hoài chẳng biết  làm sao. Ông khách đặt hàng- vốn là chủ tiệm vàng, cũng là người quen, giúp bà gỡ bí bằng cách: giao hẳn chiếc áo dài trắng của mình cho bà, để... khoét lấy cái lưng áo mà xài. Chuyện lâu rồi, bà Bảy vẫn cứ nhớ mãi. Bà cụ tuổi gần 80 lại cười hịch hạc, ước: “Nếu được trở lại tuổi... 70, nhất định tui sẽ quay lại nghề tráng bánh. Vì sao hả? Vì thích, cháu ơi!”.

Ở làng nghề bánh tráng phơi sương, tôi cũng đã được nghe những sẻ chia đầy tâm trạng: “Lớp nhỏ bây giờ, chúng nó không chịu theo nghề.  Tụi nó còn xúi bà, xúi mẹ nghỉ làm bánh tráng đi! Nghề gì cực quá, lại chẳng được bao nhiêu tiền”. Hay: “Bánh tráng làm ra bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Nhiều lúc người ta đặt hàng mà mình làm không kịp. Nhưng có nhiêu làm nhiêu, tui không muốn phát triển ra thêm. Thứ nhất, không có vốn đầu tư. Thứ hai, mình cũng có tuổi tác rồi, sợ ít năm sau không còn làm nổi, trong khi con cháu trong nhà chúng nó chỉ muốn đi làm nhà máy, xí nghiệp, chẳng mặn mà gì cái nghề bánh tráng phơi sương đã nuôi chúng nên vóc, nên hình”.

Chị Sáu Ðương- người được mời trình diễn tay nghề tại lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần này, không ngại bày tỏ: chị bắt đầu tráng bánh từ khi mới lớn. Trước chị từng có tới 2 lò tráng, nhờ có các con phụ giúp nên mỗi ngày chị làm ra hơn cả thiên bánh. Khi các con chị trưởng thành, họ đâm... ngán cái nghề cực nhọc của mẹ nên mỗi người rẽ sang một hướng đi khác. Giờ chị Sáu không dám làm nhiều, mỗi ngày chỉ cho ra lò 600 bánh. “Là do một mình làm không xuể, chớ bánh ra bao nhiêu cũng có chỗ tiêu thụ”. Xem ra, người phụ nữ tuổi lục tuần vẫn còn “mặn” nghề mình lắm lắm.

Nướng bánh, đôi bàn tay phải thật nhanh, lật đều để bánh trắng, klhông bị cháy. Ảnh: Ð.H.T

Tôi đọc được trong giọng nói, nụ cười và ánh mắt của bà Bảy Rộng, cũng như của chị Thuỷ, chị Sáu Ðương, bà Út... không chỉ có tình yêu mà còn có cả lòng biết ơn thầm lặng mà sâu sắc đối với cái nghề lao động nhọc nhằn đã cưu mang, bảo bọc gia đình mình suốt những tháng năm dài.

Phải chăng, tình yêu ấy, mối quan hệ gắn bó ấy chính là nguồn năng lượng tiềm ẩn tạo nên sức sống dai dẳng, vững bền cho một làng nghề từng phải đối mặt với câu hỏi khó: làm gì để tồn tại và phát triển? Một lời giải trọn vẹn, thoả đáng chừng như nằm ngoài khả năng, tầm tay với của những người thợ thủ công, chỉ quen dồn sức vào đôi tay lao động cần cù, cố giữ cho ngọn lửa làng nghề ông bà, mẹ cha để lại đừng bao giờ lụi tắt.

N.P

(Còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục