Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, đến thời điểm này, 3 địa phương có dự án cao tốc đi qua (thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và huyện Bến Cầu) đã niêm yết dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; họp công khai dự thảo phương án và lấy ý kiến người dân.

Dự án thành phần 4: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Tây Ninh) là chủ đầu tư; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.
Xác định vai trò chiến lược của dự án trọng điểm quốc gia và xác định tâm thế của địa phương tham gia xây dựng cao tốc là làm vì sự phát triển của địa phương mình, Ban Chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tiến độ dự án thành phần 4. Các khó khăn, vướng mắc phát sinh được lãnh đạo tỉnh kịp thời nắm bắt, chỉ đạo xử lý, tháo gỡ.
Lấy ý kiến người dân về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, đến thời điểm này, 3 địa phương có dự án cao tốc đi qua (thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và huyện Bến Cầu) đã niêm yết dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; họp công khai dự thảo phương án và lấy ý kiến người dân.
Người dân ký nhận dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc.
Ông Đặng Tấn Bạo- Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gò Dầu cho biết: “Qua đợt lấy ý kiến về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đại diện chủ đầu tư dự án và các ngành chức năng của huyện đã tiếp nhận nhiều ý kiến của hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Các ý kiến tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: thứ nhất là đề nghị xem xét giá bồi thường đất; thứ hai, xem xét diện tích tăng/giảm so với kiểm kê ban đầu khi cắm mốc tạm và sau khi cắm mốc chính thức; thứ ba, xem xét lại giá bồi thường hoa màu, vật kiến trúc và các chính sách hỗ trợ”.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gò Dầu cho biết thêm, đa số các ý kiến của hộ dân nêu tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo phương án đã được ngành chức năng tiếp thu, trả lời, cơ bản được hộ dân đồng tình. Trong thời gian tới đây, Trung tâm phối hợp các ngành chuyên môn của tỉnh, của huyện và UBND các xã nơi có dự án cao tốc đi qua tổng hợp, chọn lọc các ý kiến thuộc thẩm quyền của Hội đồng cấp huyện xử lý và báo cáo cấp trên xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền cấp trên; tổ chức rà soát, kiểm tra thực tế nhằm bảo đảm chính xác vấn đề diện tích, hoa màu, vật kiến trúc, giá trị bồi thường cho dân trước khi ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định bồi thường, hỗ trợ GPMB.
Cắm mốc chính thức cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Ảnh: Nguyễn Tiến
Trong quá trình thực hiện GPMB dự án cao tốc có nhiều vấn đề khó khăn phát sinh, các đề xuất, kiến nghị của các địa phương đã và đang được UBND tỉnh chỉ đạo xử lý, tháo gỡ. Đối với nội dung kiến nghị của UBND huyện Gò Dầu đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương bố trí nguồn vốn đầu tư thực hiện cơ sở hạ tầng nền tái định cư tại khu tái định cư ấp 6 xã Bàu Đồn do Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG quản lý giao UBND huyện Gò Dầu để bố trí tái định cư cho các hộ dân đã được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.
Kiến nghị của UBND huyện Bến Cầu về vướng mắc đối với việc xác định ranh GPMB đường Xuyên Á và hồ sơ bồi thường đường Xuyên Á trước đây, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng khẩn trương rà soát hồ sơ liên quan; sau khi có kết quả rà soát, giao UBND huyện Bến Cầu đối chiếu, xử lý theo quy định. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo trực tiếp UBND huyện Bến Cầu khẩn trương triển khai đo đạc, kiểm đếm, lập phương án bồi thường và niêm yết công khai dự thảo phương án bồi thường theo ranh dự án đường cao tốc, trong đó có phần diện tích đất an ninh sẽ được đồng thời tháo gỡ, xử lý.
Kiểm kê, đo đạc, xây dựng dự thảo phương án bồi thường phần diện tích bổ sung
Thông tin tới người dân về quá trình cắm mốc GPMB dự án cao tốc, ông Phạm Phương Bình- Phó trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài trên địa phận tỉnh Tây Ninh thực hiện 2 lần cắm mốc. Lần thứ nhất, cắm mốc GPMB theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án của Thủ tướng Chính phủ; do tính cấp bách của dự án, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện cắm mốc tạm (cọc gỗ) để phục vụ công tác đo đạc, kiểm đếm giai đoạn 1. Đến nay, việc kiểm đếm giai đoạn 1 đã hoàn thành và đã lập được dự thảo phương án bồi thường. Ngày 25.4.2025, UBND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cắm mốc chính thức (cọc bê tông) trên địa phận tỉnh Tây Ninh.
Sau khi ngành chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành công tác cắm mốc chính thức, giao ranh phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đồng loạt trên địa bàn 21 xã, phường thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh có một số diện tích phát sinh, tăng/giảm so với thời điểm đo đạc, kiểm đếm giai đoạn 1. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp Trung tâm Phát triển quỹ đất các huyện, thị xã tổ chức kiểm kê, đo đạc để xác định rõ diện tích tăng/giảm phát sinh để bổ sung phương án bồi thường chính xác cho từng hộ dân.
Đối với nội dung bổ sung kinh phí bồi thường dự án cao tốc, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tài chính khẩn trương tham mưu Ban Thường vụ Đảng uỷ UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho chủ trương phối hợp UBND Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo, xin chủ trương Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về nội dung này.
Ông Đặng Tấn Bạo- Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gò Dầu cho biết thêm: “Trung tâm Phát triển quỹ đất tham mưu UBND huyện xây dựng sơ đồ Gantt chi tiết, quy định cụ thể từng nội dung, tiến độ; phối hợp tổ chức rà soát, kiểm kê hiện trạng bổ sung đối với những hộ có diện tích phát sinh tăng/giảm; sau đó ban hành thông báo thu hồi đất đối với những hộ phát sinh”.
Đối với thị xã Trảng Bàng, ngay sau khi có ranh mốc chính thức dự án cao tốc, địa phương đã nhanh chóng kiểm kê, đo đạc và hoàn chỉnh dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với phần diện tích đất mở rộng và tổ chức lấy ý kiến các hộ dân bị ảnh hưởng. Ông Phạm Văn Còn- Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Trảng Bàng cho biết, sau khi cắm mốc chính thức, trên địa phận thị xã Trảng Bàng có hơn 200 hộ bổ sung, đến nay đã kiểm kê, thống kê được hơn 150 hộ phát sinh mới. Ngày 26.5, Trung tâm tiếp tục phối hợp các phường An Tịnh, Lộc Hưng, Gia Lộc tổ chức lấy ý kiến các hộ dân về triển khai chủ trương thu hồi đất sớm hơn so với thời hạn quy định và lấy ý kiến về dự thảo phương án bồi thường (đợt 2).
Đến thời điểm ngày 26.5, qua tổng hợp phiếu lấy ý kiến dự thảo phương án đợt 1, số hộ đồng ý với dự thảo phương án là 260 hộ, tỷ lệ khoảng 28,1%. Trong tổng số 260 hộ đồng ý phương án, trước mắt có 65 hộ đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ trước khi phê duyệt phương án chính thức.
“Chúng tôi đã có văn bản gửi báo cáo UBND tỉnh và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương chi trả tiền bồi thường cho 65 hộ này. Dự kiến khi có kinh phí chuyển về, thị xã Trảng Bàng sẽ tổ chức chi trả cho người dân ngay. Do tính chất cấp bách của dự án cao tốc phải thực hiện thu hồi đất sớm hơn trước thời hạn để bảo đảm tiến độ Chính phủ, UBND tỉnh giao, Thị xã cũng đã tổ chức xin ý kiến người dân về việc thu hồi đất trước thời hạn, mong người dân đồng thuận, ủng hộ để bảo đảm hoàn thành phê duyệt phương án và tổ chức chi trả bồi thường GPMB dự án cao tốc trong tháng 6.2025 theo chỉ đạo của tỉnh” - ông Phạm Văn Còn cho biết thêm.
Phương Thuý
(còn tiếp)