Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tôn giáo trong lòng dân tộc, vì dân tộc
Kỳ 2: Tình nghĩa đồng bào
Thứ sáu: 00:34 ngày 24/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có thể nhận thấy một khi con người đã có lòng bác ái, họ sẽ không còn phân biệt người sang kẻ hèn, người dại kẻ khôn, người uy quyền kẻ yếu thế, thân hay sơ… Mọi ranh giới ấy đã bị xoá mờ, chỉ còn đọng lại tình nghĩa đồng bào.

Ðội Cứu thương tình nguyện 0 đồng Tây Ninh chở người hoàn thành cách ly về nhà.

Hỗ trợ mai táng những người mắc Covid-19 tử vong, chở người nhiễm Covid-19 đi chữa bệnh, các trường hợp F1 đi cách ly và từ khu cách ly về nhà… đó là công việc mà các thành viên Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng Tây Ninh- những tín đồ Cao Ðài, thuộc CLB Thiện nguyện doanh nhân Tây Ninh đã và đang âm thầm thực hiện.

Từ những việc đó, có thể nhận thấy một khi con người đã có lòng bác ái, họ sẽ không còn phân biệt người sang kẻ hèn, người dại kẻ khôn, người uy quyền kẻ yếu thế, thân hay sơ… Mọi ranh giới ấy đã bị xoá mờ, chỉ còn đọng lại tình nghĩa đồng bào.

Nghĩa tử là nghĩa tận

Covid-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo quy định tại Ðiều 18 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A tử vong, thi thể phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ.

Quá trình khâm liệm tuân theo quy trình đặc biệt với dịch bệnh nguy hiểm. Người trực tiếp khâm liệm thực hiện phòng hộ cá nhân và rửa sạch tay bằng xà phòng; tuyệt đối không để người nhà người bệnh thăm viếng trong suốt thời gian lưu giữ cho tới khi khâm liệm xong, đặc biệt hạn chế người vào viếng.

Những quy định của luật và của Bộ Y tế phần nào cho thấy sự khủng khiếp của dịch bệnh. Từ lúc bùng phát đến nay, đại dịch Covid-19 không chỉ làm đảo lộn đời sống, chia cách tình thân, hạn chế mọi sự giao tiếp, tiếp xúc thường nhật mà còn làm những người tử vong liên quan đến Covid đơn độc đến tận cùng.

“Ca tử vong vì nhiễm Covid-19 đầu tiên trên địa bàn Tây Ninh là một phụ nữ ở Campuchia về, mất tại Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu. Khi Sở Y tế báo cho biết về trường hợp này, ngay trong đêm, anh em Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng Tây Ninh tức tốc thu xếp đến Bến Cầu để làm các thủ tục khâm liệm, sau đó đưa đi hoả thiêu.

Ðây là ca nhiễm Covid-19 tử vong đầu tiên trên địa bàn tỉnh, nên quá trình khâm liệm, chúng tôi được Sở Y tế hướng dẫn kỹ lưỡng, mọi việc diễn ra nhanh chóng, bảo đảm tuyệt đối quy định phòng, chống dịch”- anh Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm CLB Thiện nguyện doanh nhân trẻ, Ðội trưởng Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng Tây Ninh cho biết.

Anh Hải cho biết thêm: “Lúc ấy người ta vì sợ virus nên không có bất cứ cơ sở dịch vụ mai táng nào dám nhận những ca tử vong vì nhiễm Covid-19. Bước đầu, gia đình chúng tôi không ai ủng hộ vì sợ lây nhiễm, nhưng những việc chúng tôi làm đã chứng minh công việc này thực sự ý nghĩa.

Nếu ai cũng sợ hãi, xa lánh thì ai sẽ là người làm những việc này? Dù biết nguy hiểm, khó khăn, nhưng cả Ðội vẫn quyết tâm, làm hết khả năng để chia sẻ nỗi đau với thân nhân người qua đời. Các thành viên của Ðội đều được Sở Y tế tập huấn, tiêm vaccine phòng Covid-19, test nhanh, xét nghiệm PCR 3 ngày/lần để bảo đảm an toàn khi thực hiện nhiệm vụ”.

Tính đến nay, Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng Tây Ninh đã hỗ trợ tẩm liệm, mai táng cho gần 70 ca tử vong vì Covid-19, hỗ trợ hơn 100 áo quan cho những gia đình khó khăn có người mất trong và ngoài địa bàn tỉnh. Ðội còn hỗ trợ hàng ngàn chuyến xe chở F0, F1 đến nơi điều trị, cách ly y tế tập trung và chở người hoàn thành cách ly về nhà. Khi tỉnh tổ chức đón người dân lưu trú ở TP. Hồ Chí Minh về, Ðội tham gia chở người dân về tận nhà chu đáo, tận tình.

Giúp người, giúp ðời

Anh Phan Nhật Trường (26 tuổi) tham gia Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng từ 2 năm trước. Lúc đó, Trường đang chăm sóc người bệnh ở một vườn thuốc từ thiện trên núi Bà Ðen. Khi các thành viên Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng chở những người nghèo đến vườn thuốc để được chữa bệnh miễn phí, họ thấy Trường hiền lành, chăm chỉ, biết lái xe ô tô nên đã mời anh gia nhập Ðội. Nhật Trường cho biết: “Công việc của em ở Ðội là lo khâu quản lý đồ đạc.

Hằng ngày em rửa xe, khử khuẩn, bơm oxy, dọn dẹp, chuẩn bị bao tay, khẩu trang, đồ bảo hộ chuẩn bị sáng sớm mấy ảnh có xe chạy. Còn lúc nào thiếu tài xế thì em chạy phụ. Theo công việc thiện nguyện và giúp người trong lúc khó khăn, hoạn nạn em cảm thấy rất hạnh phúc”.

Hiện tại, Trường và các thành viên Ðội thường trực 24/24 giờ, kịp thời hỗ trợ vận chuyển các trường hợp F0, F1, các trường hợp cấp cứu, tẩm liệm, mai táng người mắc Covid-19 tử vong. Các thành viên của Ðội đều là những tín đồ Ðạo Cao Ðài, trong đó nhiều người là đạo tỳ của các nơi, đã làm công việc mai táng nhiều nên có kinh nghiệm.

Ðội trưởng Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Anh em trong đội làm xuất phát từ tâm, từ giáo lý của Ðạo. Thầy dạy “đói thì cho ăn, đau cho thuốc, mất thì cho hòm”. Những việc làm này đã được chúng tôi thực hiện từ chục năm nay rồi, chỉ khác là trước đây không có xe cứu thương.

Sau khi thành lập CLB Thiện nguyện doanh nhân, Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng có chiếc xe cứu thương đầu tiên do anh Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh tặng. Hiện tại, Ðội đã có 10 xe cứu thương và 5 xe tải, mỗi chiếc xe có một nhiệm vụ riêng.

Trong mùa dịch, đội xe hoạt động hết công suất, công việc hầu như liên tục và 24/24 giờ, chi phí xăng dầu lên 120-150 triệu đồng/tháng, gần gấp đôi so với thời điểm trước dịch. Anh em của Ðội phải xa gia đình, vợ con để làm công việc có ích cho xã hội”.

“Nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo lắm, khi có người thân mất vì bạo bệnh, vì Covid-19, họ không biết đường xoay xở và nhờ đến mình. Cũng có trường hợp trại hòm ra giá nhưng gia đình khó khăn, không đủ tiền, trại hòm giới thiệu những gia đình đó để chúng tôi giúp. Tiêu chí của Ðội làm là không gây hấn với ai, chỗ nào người dân cần là chúng tôi hỗ trợ hết sức trong khả năng và vô điều kiện”- anh Hải cho biết thêm.

Các thành viên của Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng Tây Ninh lên đường làm nhiệm vụ.

Chúng tôi hãnh diện về ðội tình nguyện của mình

Ðó là chia sẻ của ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh về Ðội cứu thương tình nguyện 0 đồng. Ông Quốc cho biết: “Làm thiện nguyện cần có tính hệ thống, có tổ chức, đặc biệt phải minh bạch về tài chính, con người, minh bạch cả tấm lòng và tư tưởng.

Khi thành lập CLB Thiện nguyện doanh nhân, chúng tôi mời Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và các sở, ngành liên quan dự. Hội Doanh nhân trẻ vận động mỗi doanh nghiệp mua một xe và trong suốt 2 năm qua, nhờ sự chia sẻ, tạo điều kiện của sở, ngành. Những xe cũ sau khi mua về được cải tiến, thay đổi đặc trưng phù hợp với chức năng xe cấp cứu. Ðồng thời, tuyển chọn và đào tạo đội ngũ lái xe có tay nghề vững vàng. Ðến giờ phút này, mấy chục anh em của Ðội làm khá tốt, anh em luôn làm việc bằng cả tấm lòng”.

Từ khi tỉnh hỗ trợ 18 triệu đồng/ca tử vong vì Covid-19, một số cơ sở dịch vụ mai táng bắt đầu nhận làm, Ðội tập trung cho nhiệm vụ chuyển người nhanh nhất có thể, tranh thủ cứu người trong “giờ vàng”. Ðối với những gia đình nghèo có người mất vì Covid-19 cần giúp thì Ðội sẵn sàng.

Sau trừ chi phí 10 bộ đồ bảo hộ cấp 4, chi phí hoả táng trong tổng số 18 triệu đồng tỉnh hỗ trợ, Ðội trao phần tiền còn lại, chia sẻ phần nào khó khăn, mất mát của gia đình. Trong mùa dịch, các xe tải của Ðội còn chuyên chở nông sản đến những nơi cần, nhờ đó vừa giải quyết vấn đề ùn ứ nông sản cho bà con nông dân, vừa hỗ trợ cung ứng lương thực, thực phẩm cho những vùng khó khăn.

“Chúng tôi rất yêu quý anh em. Chúng tôi là những người bỏ tài lực ra một cách xứng đáng và hãnh diện về đội tình nguyện của mình đang làm công việc thiện nguyện một cách trong sạch, minh bạch. Anh em của Ðội nói riêng, người Tây Ninh nói chung khi làm từ thiện là làm bằng trái tim, họ nghĩ việc mình đang làm là “bồi công lập đức”, làm một công chuyện phước báo nên họ không nghĩ gì nhiều, bỏ ngoài tai những sân si"- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh Ngô Trần Ngọc Quốc nói.

Phương Thuý - Viết Thắng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục