Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nếu Tầm Phô được xem là tuyến đầu biên giới giáp ranh với phum Ta Nong, xã Chan Mul, huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum của nước bạn Campuchia, là điển hình về phát triển kinh tế, thì Kà Ốt được xem như hậu phương lớn, là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá, tâm linh tiêu biểu của ba ấp Khmer ở Tân Châu.
Bí Thư Danh Ngất, Già Làng Nach Chan và Trưởng ấp Cao Văn Xây luôn tươi cười khi kể cho chúng tôi nghe về sự đổi thay trong phum sóc.
Hiện nay, Kà Ốt chỉ còn 2/172 hộ thuộc diện nghèo. Đời sống kinh tế ở Kà Ốt có phát triển, nhiều căn nhà mới, hiện đại mọc lên, nhưng Kà Ốt vẫn giữ được dáng xưa của một phum Khmer bình yên, cổ kính.
Cái gì thuộc văn hoá rất khó thay đổi, nhưng bảo vệ, duy trì và phát triển phù hợp theo xu hướng văn minh của nhân loại hiện đại quả là một thách thức lớn cho người đứng đầu Kà Ốt hiện nay – Bí thư Danh Ngất.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh và Đồn BP Kà Tum đến thăm hỏi động viên ông Danh Ngất và già làng Nach Chan nhân dịp tết Chol Chnam Thmay của bà con Khmer.
Ngay khi già làng Úk Long ở Tầm Phô hết thời gian dự bị, chính thức được đứng vào hàng ngũ Đảng, Đảng uỷ Tân Đông nhận thấy vai trò Đảng viên là người dân tộc mang lại hiệu quả rất lớn đến sự chuyển biến của cộng đồng người Khmer ở Tầm Phô.
Chỉ trong thời gian một năm là đảng viên dự bị của Úk Long, Tầm Phô khởi sắc rõ rệt, nhất là vấn đề vệ sinh môi trường. Cảnh quan đường sá thoáng đãng hẳn ra, không còn cảnh người ngủ trên trên sàn, trâu bò gà vịt qua lại dưới sàn – một thói quen sinh hoạt rất khó lòng thay đổi của người dân tộc Khmer nơi đây.
Vì vậy, Đảng uỷ xã đưa ra nghị quyết, bằng mọi cách phải tạo nguồn tại chỗ để có thêm cán bộ quản lý các ấp còn lại là người Khmer. Năm 1998, Danh Ngất được bầu làm Trưởng ấp Kà Ốt. Năm 2000, sau sự kiện tranh chấp đất trên đường biên ở Tầm Phô thắng lợi, trong đó có vai trò đóng góp không nhỏ của Trưởng ấp Kà Ốt, Danh Ngất được kết nạp Đảng. Giống như già Làng Úk Long ở Tầm Phô, Danh Ngất trở thành đảng viên đầu tiên là người Khmer ở Kà Ốt.
Bộ tam Già Làng - Bí Thư - Trưởng ấp Kà Ốt luôn cảm thấy tự hào khi phum sóc từng bước đổi thay từ khi có Đảng.
Việc kết nạp một người Khmer như già làng Úk Long, cũng như trưởng ấp Danh Ngất vào Đảng thực sự là vấn đề khó khăn - nếu không muốn nói đó là hành động “vượt rào” của Đảng bộ Tân Châu lúc bấy giờ, nhưng đồng thời cũng là quyết định sáng suốt của Ban Thường vụ Huyện uỷ thời điểm đó.
Ông Bảy Liêm là người đặc biệt quan tâm đến việc phát triển đảng trong cộng đồng người dân tộc nhưng chính ông cũng không giấu được tâm tư, ông nói: “Nguồn phát triển đảng thì có, rất nhiều người đầy đủ tố chất xứng đáng đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhưng phần lớn họ là người dân tộc, vừa cao tuổi lại vừa không biết tiếng Việt, trong khi Điều lệ Đảng quy định trình độ văn hoá của người dân tộc tối thiểu phải hết cấp 1.
Họ có học tiếng Việt ngày nào đâu mà biết chứ. Nhưng nếu không phát triển Đảng cho họ thì việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng cho đồng bào ở đây thực sự khó khăn. Châm chước điều kiện về trình độ văn hoá của họ cũng là điều bất đắc dĩ và thực sự là… nên làm”.
Bí thư Danh Ngất trao đổi thông tin cùng Bộ đội Biên phòng qua sóng wifi tại nhà.
Lúc chúng tôi ghé nhà Danh Ngất, ông đang cùng già làng Nách Chan và Phó bí thư - Trưởng ấp Cao Văn Xây nhâm nhi tách trà. Danh Ngất giờ đã là Bí thư chi bộ ấp Kà Ốt với 8 năm kinh nghiệm, nhiệm vụ trưởng ấp đã giao lại cho Phó bí thư Cao Văn Xây từ năm 2012.
Căn nhà Danh Ngất đang ở vẫn theo lối kiến trúc nhà sàn của người Khmer. Tuy không cao ráo, khang trang và hiện đại như một số “biệt thự sàn” của thế hệ 8X ở Tầm Phô nhưng nhà Bí thư Danh Ngất sạch sẽ, thoáng mát là điều được mọi người khẳng định ngay từ lúc bước chân vô nhà.
Đó là căn nhà sàn truyền thống, trừ mái lợp tôn, phần kết cấu còn lại là gỗ. Trên sàn vẫn là nơi ngủ, nghỉ nhưng dưới sàn, thay vì nuôi trâu bò như tập quán của người Khmer trước đây, ở đây có một chiếc bàn tròn tiếp khách… Danh Ngất có 5 người con. Ngất Rul - con trai đầu của ông tòn ten trên chiếc võng căng ngang giữa hai cột nhà, say sưa “lướt” smartphone. Phía trên chỗ dựng chiếc xe 3 bánh- phương tiện “làm chân” chính yếu của Ngất Rul- mấy chấm đèn led trong cái Modem Wifi nhấp nháy liên tục.
Cuộc sống sung túc, cộng đồng người Khmer trên đất Kà Tum tham gia và duy trì nhiều phong tục, lễ hội truyền thống của dân tộc.
Danh Ngất bảo, năm 1981, Ngất Rul bị sốt bại liệt và sử dụng xe lăn từ đó. Thấy nhà có khách, cậu ta nhổm dậy, tót lên chiếc xe của mình, rồ máy chạy đi. Nhìn sự nhanh nhẹn và nụ cười hiếu khách, tươi rói, chúng tôi cảm nhận rất rõ, dường như việc đôi chân bị hạn chế đi lại không còn là điều bất hạnh, mặc cảm, tự ti của chàng trai này.
Sau khi học hết lớp 12, Ngất Rul ở nhà và nhận việc quản lý hệ thống cung cấp nước sạch cho ấp. Cách đây ba năm, chính cậu trai này đã mang wifi vô tận nhà. Giờ đây, Danh Ngất cũng khoe chính mình cũng có thể biết được tình hình trong nước và thế giới ngay chiếc bàn đang ngồi uống trà với khách…
Danh Ngất chỉ sang già làng bảo, ông ấy vẫn đang rất tâm tư với nguyện vọng có được một dàn trống Chhay - dăm và bộ ngũ âm cho chùa Kà Ốt từ lâu mà chưa thực hiện được… Theo Danh Ngất, khác với hai ấp tầm Phô và Suối Dầm, Kà Ốt là ấp may mắn có ngôi chùa Nam Tông Khmer Kiri Sattray Menchey (thường gọi là chùa Kà Ốt), ngôi chùa duy nhất của cộng đồng người Khmer, là trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng ba ấp Khmer nơi đây.
Tất cả các lễ lớn của người Khmer: tắm Phật, lễ Chol Chnam Thmay, Ok Om Bok, lễ dâng y Kathina, Sene Donta, lễ cầu siêu… đều được thực hiện tại ngôi chùa này.
Ông Tô Thanh Nam - Phó bí thư Đảng uỷ xã Tân Đông cho biết: “Những năm qua, cũng đã có một số cá nhân, đơn vị, công ty lữ hành đưa các dịp lễ tết ở chùa Kà Ốt vào điểm dừng chân giữa chặng hoặc là một điểm đến cần phải ghé qua trong lịch trình xây dựng tour du lịch, chuyến phượt”.
Vì vậy, Kà Ốt không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hoá của người Khmer tại chỗ, mà còn là nơi giao thoa của nhiều vùng văn hoá khác nhau… trong phạm vi cả nước. Bộ trống Chhay - dăm và bộ ngũ âm không chỉ là biểu trưng cho văn hoá của người Khmer, mà còn là linh hồn trong những dịp tiến hành các lễ nghi ở đây.
Ngoài sự ưu tư của già làng Nach Chan, quan tâm của Trưởng ấp Cao Văn Xây, mong muốn mà Bí thư Danh ngất đề cập cũng đồng nghĩa với việc trách nhiệm đối với đời sống tinh thần trong cộng đồng của ông nặng gấp ba lần. Già làng Nách Chan chỉ con đường còn thơm mùi nhựa mới trước mặt, nói: “Lúc trước, không có con đường như này. Nó cong cong quẹo quẹo, đất cát sình lầy chỉ có thể đi lại bằng xe bò hoặc đi bộ thôi. Nhà nước bỏ tiền ra làm, nhưng nếu ông Danh Ngất không chịu đi từng nhà để vận động bà con chịu hiến đất thì đường đâu có thẳng như bây giờ.
Một nghi thức lễ của bà con Khmer tại Chùa Kà Ốt.
Để dân làm theo, ổng là người hiến đất đầu tiên và hiến nhiều nhất. Giờ đất ổng ngoài phần cất nhà này, thì còn một phẹt, chỗ mấy bụi chuối bên kia đường, đâu làm được việc gì”. Nhìn con đường nhựa xe chạy phom phom, Trưởng ấp Cao Văn Xây tranh thủ khoe: “Khi tui được kết nạp đảng (2018), Nhà nước làm đường này cho đảng viên mới đi đó”. Mọi người cười vang.
Tính đến thời điểm này, Kà Ốt là ấp duy nhất có Bí thư chi bộ là người Khmer. Chi bộ hiện đã có 5 đảng viên đều là người Khmer. Cùng với già làng Nách Chan, 5 đảng viên này đều đang giữ những vị trí quan trọng, quyết định đến sự sự ổn định và phát triển của hơn 170 hộ dân trong ấp. Ý Đảng - theo lời của ông Bảy Liêm, là muốn thành lập chi bộ đảng trong cộng đồng người Khmer nay đã thành, thậm chí số đảng viên là người Khmer còn vượt xa dự liệu. Việc đồng lòng tuân thủ đường lối, chủ trương của Đảng, cũng như việc nghiêm túc thực thi các chính sách pháp luật Nhà nước của người dân trong ấp Kà Ốt; nếu tính từ lúc được dân bầu làm trưởng ấp đến giờ, Danh Ngất là người được lòng Dân tin cậy, gửi gắm cũng tròn 20 năm.
Chúng tôi đùa, mỗi nhiệm kỳ của chi bộ là hai năm rưỡi, tính ra Bí thư Danh Ngất đã là người có thâm niên đến 8 nhiệm kỳ liên tục có được sự đồng thuận rất cao của người dân.
Nguyễn Thiện – Đức An – Lê Quân
(còn tiếp)