BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một thời không quên của người nữ biệt động Thị xã

Kỳ 3: Lận đận đường đời 

Cập nhật ngày: 07/03/2017 - 10:56

BTNO - Vì sao với những thành tích oanh liệt trong kháng chiến, được ghi rất rõ trong sách “Truyền thống cách mạng của phụ nữ Tây Ninh” do Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh xuất bản năm 1991, cho đến nay, gần 42 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng chị vẫn chưa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân?

Chị Lê Thị Hai cùng một nữ cán bộ kháng chiến ở Thị xã tham quan đảo Bình Ba thuộc tỉnh Khánh Hoà. Ảnh: Nguyễn Nhi

(Tiếp theo và hết)

Đất nước hoàn toàn giải phóng được khoảng 2 năm, chị Lê Thị Hai mới trở về quê hương, nhưng chị không còn là một chiến sĩ biệt động oai hùng mà đã trở thành một thương binh mất sức đến 81%. Giã từ quân ngũ, chị chuyển ngành làm cán bộ dân chính ở nhiều cơ quan, ban đầu ở Văn phòng Thị uỷ, sau đó sang Hội Chữ thập đỏ, rồi đến Phòng Thương binh Xã hội, cuối cùng ở Ban Kiểm tra đảng Thị xã (nay là Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ). Ngày trước, trong chiến tranh, chị chỉ biết xông lên chiến đấu, diệt thù với mục đích cao cả nhất là giành chiến thắng để góp phần giải phóng quê hương, đất nước.

Thời ấy chỉ cần sức khoẻ của tuổi thanh xuân và lòng can đảm không sợ hy sinh. Đến ngày hoà bình, với những nhiệm vụ mới của giai đoạn phát triển mới, trong khi sức khoẻ của chị không còn, trình độ, năng lực cũng giới hạn nên chị khó có thể đáp ứng được yêu cầu. Khi về công tác ở Ban Kiểm tra, thể trạng của chị sa sút nghiêm trọng, chị phải nghỉ dưỡng thường xuyên, cuối cùng chị đã rời vị trí công tác, trở về gia đình làm một người dân bình thường.

Thế nhưng, khi không còn là một người lính, một cán bộ, cuộc sống thường dân của chị Hai lại càng lận đận hơn. Khi còn làm cán bộ Hội Chữ thập đỏ Thị xã, chị Hai chưa đầy ba mươi tuổi, có một anh ở xã Long Thành Bắc, công tác ở Hội Chữ thập đỏ Hoà Thành tên là Văn Thắng Vinh, biết rõ chị không còn khả năng sinh nở, vẫn bày tỏ tình cảm và mong muốn cưới chị làm vợ. Cám cảnh anh sống cô đơn, mồ côi cha mẹ từ nhỏ và tha thiết yêu thương mình, chị Hai xiêu lòng chấp nhận lấy anh làm chồng.

Những tưởng cuộc đời chị Hai đã có nơi nương tựa dài lâu, ngờ đâu mối lương duyên của chị phải sớm chất dứt. Anh bất hạnh lâm bệnh qua đời lúc chị mới 36 tuổi. Vài năm sau, chị đi thêm bước nữa với một người đàn ông goá vợ khi mới sinh con đầu lòng được mấy hôm. Thế là người nữ thương binh vô sinh ấy đã được “làm mẹ”.

Và bây giờ ở tuổi 67 chị Hai đã là bà nội của hai đứa cháu, mặc dù vợ chồng chị không còn được sống chung với nhau. Chị phải lên Mỏ Công nương tựa với mẹ già tuổi gần 90, còn anh theo ở với con cháu tận tỉnh Long An. Bởi lẽ căn nhà của họ ở phường 3 - thành phố Tây Ninh đã thuộc quyền sở hữu của người khác.

Tâm sự với người viết bài này, chị Lê Thị Hai bộc bạch:

- Hồi ấy, sau khi lấy chồng lần thứ hai, chị đã nghỉ công tác nhưng chưa có nhà riêng. Có một chị bạn thương tình sang lại cho một căn hộ đã hoá giá ở khu tập thể Nhà đèn. Căn nhà ngang 4 mét, dài 16 mét, chị ấy bán chỉ có 10 triệu đồng, còn bớt cho 500 ngàn mà chị cũng không đủ tiền.

Bí quá, chị không biết làm sao mới đến cầu cứu thủ trưởng cũ là anh Bảy Tuyên (đồng chí Hồ Thanh Tuyên, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh- NV). Anh Bảy hỏi: -Nhà bán bao nhiêu, em có được bao nhiêu?. Chị đáp: -Nhà bán 9 triệu rưỡi, mà em có 5 triệu thôi. Vậy là anh Bảy cho luôn 5 triệu, chị mua được nhà lại còn dư năm trăm sắm thêm được ít đồ đạc, thiệt là mang ơn anh Bảy…

- Vậy sao bây giờ chị không còn nhà?

- Đành rằng, có an cư mới lạc nghiệp, nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, mình lại không có nghề nghiệp gì căn cơ, ổn định làm sao mà an lạc được! Lúc đó vợ chồng chị vô lòng hồ dọn đất bán ngập trồng mì. Làm lụng vất vả, mà thu hoạch thì lên xuống theo con nước nên rất bấp bênh. Có năm trồng trọt thất bát, lỗ mất cả vốn, chị phải thế chấp căn nhà vay vốn làm ăn. Vay thì phải trả, nhưng việc làm ăn thì ngày càng khó, nợ nần không trả được, thế là đành chịu mất nhà…

Sau khi không còn chốn nương thân, vợ chồng già đành phải sống ly thân. Chồng sang Long An ở với con trai, chị Hai “thối về ngoại” ở Mỏ Công, sống đạm bạc với mẹ già dựa vào nguồn thu nhập cuối cùng là khoản trợ cấp thương binh hạng 1/4.

Trở lại vấn đề đặt ra từ đoạn đầu bài viết về “Một thời không quên của người nữ biệt động Thị xã”, người viết bài hỏi thẳng chị Lê Thị Hai: -Vì sao với những thành tích oanh liệt trong kháng chiến, được ghi rất rõ trong sách “Truyền thống cách mạng của phụ nữ Tây Ninh” do Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh xuất bản năm 1991, cho đến nay, gần 42 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng chị vẫn chưa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân?

Chị Hai trầm ngâm nói: Thật ra bên Thị đội (nay là Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Tây Ninh-NV) cũng đã mấy lần lập hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý cho chị, nhưng… không hiểu sao đến nay vẫn chưa được. Chị có hỏi thăm và được biết là do có người khiếu nại, tố cáo tại chị khai man lý lịch của người chồng trước. Chỉ tiếc là trước sự khiếu tố vu khống đó lại chẳng có ai chịu khó thẩm tra, xác minh để làm sáng tỏ cho chị!

Thay lời kết cho bài viết này, chúng tôi thiết nghĩ nguyện vọng của chị Lê Thị Hai không có gì khó thực hiện. Thời gian vẫn không ngừng trôi, các nhân chứng lịch sử hiện vẫn còn đó. Nên chăng lãnh đạo thành phố Tây Ninh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức thẩm tra, làm sáng tỏ những oan khuất mà một phụ nữ từng có nhiều thành tích đóng góp trong lịch sử đấu tranh bảo vệ quê hương đã phải gánh chịu mấy chục năm nay, và đề xuất thực hiện chính sách tưởng thưởng xứng đáng đối với người có công trạng đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước.

NGUYỄN TẤN HÙNG

Lê Thị Hai là đội trưởng, trung đội biệt động Thị xã. Trung đội thành lập từ năm 1968, nằm trong C.245/ Thị đội thời kỳ đồng chí Ba Liên, thị đội trưởng, đồng chí Huỳnh Văn Khai, chính trị viên Thị đội…

…Công tác ngoài căn cứ thường là đội trưởng Lê Thị Hai đi tham gia hoạt động với các đơn vị của trên và của Thị xã.

-Về diệt ác:

Đội trưởng Hai đã nhiều lần chỉ huy Trung đội và hoạt động cá nhân diệt nhiều ác ôn nổi tiếng ở vùng 1, trong đó có các tên: N. địa phương quân ác, tên C. trưởng ấp Bình Trung, tên N. phụ tá an ninh, tên L. trinh sát biệt kích dù, tên B. ác ôn nhiều nợ máu…Tuỳ yêu cầu trận đánh, cần ngăn viện, hợp đồng tác chiến thì dùng lực lượng Trung đội 8 đồng chí, chia làm 2 tốp dùng súng AK hỗ trợ nhau đảm bảo diệt ác thắng lợi. Có lúc chỉ cần gọn nhẹ, bất ngờ thì một mình đội trưởng dùng súng K.54 diệt địch.

-Phối hợp sư 9:

Đội trưởng Hai đã đưa đường cho đặc công sư 9 đánh căn cứ Trảng Lớn 4 lần, diệt 108 tên, phá 2 máy bay, 2 pháo, bắn cháy 11 xe tăng, 3 xe Jeep, 2 xe GMC và 1 kho xăng trên 3.000 lít…

Trong 4 trận đánh này, chị Hai đạt 3 danh hiệu dũng sĩ, được tăng cường 1 súng K.54 và 1 bằng khen.

………

(Trích “Truyền thống cách mạng của phụ nữ Tây Ninh”, trang 329-330).

Tin liên quan
  • Kỳ 1: Chiến công gần như huyền thoại 

    Kỳ 1: Chiến công gần như  huyền thoại

    Trong bộn bề công việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển xã hội trên khắp đất nước, không thể không tồn tại những trường hợp cá biệt của người có thành tích đặc biệt xuất sắc nhưng chưa được đánh giá, đền đáp xứng đáng với tầm vóc chiến công. Một trong những trường hợp tồn đọng đó, là một phụ nữ, có địa chỉ thường trú tại phường 3, thành phố Tây Ninh, mà thành tích kháng chiến của chị còn ghi trong nhiều tài liệu lịch sử của tỉnh gần như là “huyền thoại”.

  • Kỳ 2: Chín lần chiến đấu để sinh tồn 

    Kỳ 2: Chín lần chiến đấu để sinh tồn

    Chuyện người nữ đội trưởng đội biệt động Thị xã không chỉ gan góc, mưu trí trong chiến đấu diệt địch mà còn can đảm chịu đựng phẫu thuật đến năm, sáu lần lan truyền khắp nơi, ai cũng thương cảm, khâm phục.