Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hiện trạng khu vực Ma Thiên Lãnh được “dân phượt” mô tả là có cảnh quan huyền bí, kỳ ảo, khí hậu mát mẻ như “Đà Lạt của miền Đông Nam bộ”.
Hồ Mây Núi trong Ma Thiên Lãnh. Ảnh: Đ.H.T
Phóng sự của NGUYỄN TẤN HÙNG
Có một chuyện “hơi bị ngộ” là cho đến bây giờ khó có ai xác định được trên đất nước ta có bao nhiêu chỗ được “gán” cho cái tên Ma Thiên Lãnh. Mặc dù trong các sách xưa truyện cũ, địa danh này không hề tìm thấy, ngoài một địa điểm “cầu Ma Thiên Lãnh” thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo. Nhưng nơi này cũng chưa mấy xa xưa.
Theo khá nhiều tài liệu về Côn Đảo thì vào khoảng những năm 1930 “cầu Ma Thiên Lãnh” do “chúa đảo” người Pháp buộc những người tù chính trị phải lao động khổ sai để xây dựng tại một vị trí hiểm yếu trên đường lên núi Chúa, cách trung tâm thị trấn Côn Sơn không xa, độ 8km. Và tên gọi Ma Thiên Lãnh cũng là do những người tù mượn truyện Tàu mà đặt ra, để ví von cái “chỗ chết 356 người tù khổ sai” hiểm ác như trận địa Ma Thiên Lãnh trong truyện Tiết Nhơn Quý chinh Đông.
Ngày nay, thời buổi công nghệ 4.0 này, lên mạng gu-gồ mà tìm thì thấy có thêm ít nhất là 3 nơi được đặt tên Ma Thiên Lãnh. Đó là “dốc Ma Thiên Lãnh” trên núi Dài, thuộc cụm Bảy Núi (Thất Sơn) ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang; “núi Ma Thiên Lãnh”, tức đảo Hòn Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang; và “thung lũng Ma Thiên Lãnh” ở quần thể núi Bà Đen, nay là Khu du lịch quốc gia (DLQG) núi Bà Đen. Trong đó, “thung lũng Ma Thiên Lãnh” ở Tây Ninh được tìm thấy nhiều nhất trên internet, vì lẽ đây là nơi “hot” nhất của “dân phượt”- chỉ những người thích đi du lịch bụi.
Thung lũng Ma Thiên Lãnh nằm về phía Tây khu DLQG núi Bà Đen, hợp bởi 3 hòn núi là núi Bà, núi Phụng và núi Đất. Đúng ra hòn núi thứ ba này theo tên gọi dân gian xưa nay là núi Heo, nhưng thôi cứ gọi là núi Đất cho phù hợp với quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch chung Khu DLQG núi Bà Đen (gọi tắt là Đồ án) vừa được tỉnh công bố vào đầu tháng 10.2018.
Hiện trạng khu vực Ma Thiên Lãnh được “dân phượt” mô tả là có cảnh quan huyền bí, kỳ ảo, khí hậu mát mẻ như “Đà Lạt của miền Đông Nam bộ”. Còn trong Đồ án, khu vực Ma Thiên Lãnh được xác định nguyên tắc thiết kế là “Tận dụng địa hình bằng phẳng và cảnh quan ven hồ đặc sắc cùng khu vực (thung lũng - NV) Ma Thiên Lãnh bố trí thành khu chức năng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp bao gồm các khu lưu trú, nghỉ dưỡng sinh thái, sân golf và các dịch vụ golf, các công trình thương mại, dịch vụ du lịch với mật độ xây dựng thấp, bố trí các mảng công viên cây xanh len lỏi trong các khu chức năng”.
Về không gian, Đồ án xác định: “Tận dụng không gian dưới tán cây, tôn tạo các khu vực mảng xanh và thảm cỏ một cách hài hoà với cảnh quan không gian rừng tạo hành lang xanh liên kết khu vực chân núi với khu vực đỉnh núi”. Theo đó, Đồ án quy hoạch khu vực cảnh quan Ma Thiên Lãnh bao gồm cả khu vực phía ngoài thung lũng, hai bên giáp chân núi Phụng và núi Đất, cả khu vực rộng tới hơn 325 ha.
Riêng diện tích trong hẻm núi thung lũng Ma Thiên Lãnh chỉ rộng khoảng 22 ha. Đây mới là nơi có cảnh quan huyền ảo, kỳ bí và khí hậu “như Đà Lạt”, nằm ở cuối con đường nhựa nối từ đường 785, qua núi Phụng, núi Đất vào “đụng” tới núi Bà. Khi con đường chạy thẳng vào tới bìa thung lũng thì có một ngã ba, rẽ sang phải vài trăm mét lệch về phía núi Bà sẽ tới hồ Núi Đá (tên ghi trên biển chỉ đường, còn “dân phượt” thì gọi là hồ Mây Núi).
Từ ngã ba này, đường vào Ma Thiên Lãnh bắt đầu quanh co khúc khuỷu và lên dốc, một bên là vườn cây cặp sườn núi, một bên là thung lũng sâu. Đến vị trí có độ cao khoảng 50 mét thì… cùng đường. Ai thích leo núi thì xin mời men theo lối mòn, vượt dốc đá dọc theo suối mà đi.
Du khách nghỉ chân bên lạch nước đầu nguồn suối Vàng.
Tại điểm cuối đường vào thung lũng, lâu nay đã có một quán ăn có tên ghi rõ trên bảng hiệu là “Quán ăn Ma Thiên Lãnh”. Thật ra quán này chỉ “chuyên trị” các món gà, đặc sắc nhất là món gà nướng muối ớt ăn với bánh đa, gỏi chuối cây, rau sống. Vậy mà chất lượng món ăn phải nói là tuyệt hảo, vì gà ta được nuôi thả vườn ở chân núi và rau thì được trồng ở các khoảnh ruộng nước ngay trong thung lũng.
Vì vậy gọi các món này là “đặc sản” chắc cũng không sai. Chủ quán là vợ chồng anh Châu và chị Hà. Hỏi thăm mới biết, việc kinh doanh ăn uống ở đây chỉ là làm thêm, còn công việc chính của đôi vợ chồng không còn trẻ nhưng cũng chưa già này là chăm sóc khoảng 3 ha vườn cây ăn trái như dừa, xoài, chuối trồng xen lẫn với cây rừng.
Cây rừng thuộc Nhà nước quản lý, có đánh số, gắn bảng tên đàng hoàng thuộc trách nhiệm Ban quản lý rừng đặc dụng núi Bà; chỉ có cây ăn trái trồng từ trước mới là của dân, hoặc của những người hợp đồng trồng rừng, có ký kết văn bản, xác định tỷ lệ cây trồng cũng như quyền lợi của người hợp đồng rõ ràng và việc chăm sóc rừng phải bảo đảm đến khi cây rừng khép tán thì sẽ không còn cây vườn.
Khi chúng tôi hỏi sâu hơn nữa, anh Châu - chị Hà mới nói thật, vợ chồng họ không phải là chủ vườn mà chỉ là người thuê lại vườn cây ăn trái theo kiểu nhận khoán. Họ ra công chăm sóc và thu hái trái cây, tự tiêu thụ luôn, trung bình mỗi năm thanh toán cho chủ vườn tiền thuê khoán khoảng 100 triệu đồng. Được hỏi chủ vườn hiện giờ ở đâu, người thuê vườn nói mông lung: -Đâu ở ngoài miền Trung, Nha Trang, Bình Thuận gì đó…
Đến khi chúng tôi rời quán, đi ngược ra phía ngoài một đoạn chừng hơn trăm mét, rẽ theo lối mòn đi xuống thung lũng, băng qua một chiếc cầu nhỏ lát vỉ sắt bắc qua suối Vàng, tới một nơi được “thiết kế” thành quán giải khát kiêm “điểm cho thuê chụp ảnh” ven bờ suối mới gặp được chủ nhân thật sự của “vườn rừng” Ma Thiên Lãnh.
Đó là anh Trần Quốc Thắng, biệt danh Thắng Suối Vàng, 34 tuổi, nhà ở phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh. Được biết, địa điểm này thường được du khách “phượt” chọn làm nơi nghỉ chân, dọn đồ ăn thức uống mang theo sẵn ra dùng. Vì vậy, món giải khát trong quán chỉ có nước suối đóng chai hoặc dừa tươi hái tại chỗ.
Chúng tôi hỏi thăm: -Gia đình anh đến đây lập vườn từ bao giờ? Thắng ngập ngừng nói: -Lâu lắm rồi, khoảng hơn bốn mươi năm về trước, từ hồi em còn chưa được sinh ra. -Vậy là cha mẹ anh lập? -Không đâu, từ đời ông bà ngoại lận!
Thắng kể, hồi xưa, hơn năm mươi năm trước, ông ngoại anh tên là Trần Ngọc từ miền Trung, “tị nạn chiến tranh” theo bà con đạo Cao Đài về Toà thánh ở “ấp tân sinh” Ninh Lộc, thuộc xã Hiệp Ninh, quận Phú Khương. Tiếng là vậy, thực ra ông ngoại Thắng vào đây là để “trốn quân dịch”, không phải đi lính cho chế độ Sài Gòn cũ. Đến sau giải phóng, các ấp Ninh Thọ, Ninh Lộc, Ninh Tân được chia tách ra thành lập xã Ninh Sơn, tức phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh ngày nay.
Gia đình ông Trần Ngọc trước chỉ đi làm mướn, chủ yếu là làm rẫy, giẫy cỏ mì mướn cho người ta, tới hoà bình mới lên núi phát rừng lập vườn. Lúc đó, gia đình phát được cả chục mẫu rẫy, dần dần sang tay cho nhiều người khác, đến nay chỉ còn khoảng 6 mẫu tại khu vực Ma Thiên Lãnh này. Hiện giờ, ông Trần Ngọc gần 80 tuổi, đã trở về quê ở Bình Thuận. Khu đất ông khai phá làm rẫy ngày xưa nay chỉ còn khoảng 6 ha, nhưng lại thuộc đất rừng đặc dụng, trong số diện tích đó, gia đình anh Thắng có hợp đồng trồng rừng được 2 ha.
Còn mấy khoảnh ruộng cặp các lạch nước đầu nguồn suối Vàng, do mẹ anh Thắng là bà Trần Thị Hiền trồng rau. Vì vậy, bà Hiền còn có tên thường gọi là bà Hai Rau. Tuy diện tích 3 khoảnh ruộng rau chỉ khoảng 6 công (600m2) đất, nhưng thu nhập đem lại từ ruộng rau lại cao gấp đôi thu nhập từ việc cho thuê khoán vườn cây ăn trái. Bởi lẽ với khí hậu đặc biệt trong thung lũng sâu, các loại rau trồng ở đây như rau cần, húng cây rất tươi ngon, có hương vị đặc biệt mà lại cho năng suất cao gấp nhiều lần rau trồng nơi khác.
Nhận thấy sự dè dặt ban đầu trên gương mặt những người trong gia đình Thắng Suối Vàng đã giảm đi, chúng tôi “đặt vấn đề” thẳng thắn với anh: Gia đình anh có nghe, có biết gì về tương lai của khu vực Ma Thiên Lãnh này trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen không? Nếu có thì… tâm trạng của anh hiện giờ như thế nào? Anh Thắng trầm ngâm một chút rồi bộc bạch: -Dạ thưa… cũng có lo lắng lắm chứ. Sao không lo, không buồn khi mà chưa biết tương lai chỗ mình gắn bó mưu sinh rất nhiều năm nay, từ đời ông bà, cha mẹ tới đời mình sẽ như thế nào.
Vẫn biết rằng đất núi, đất rừng là tài nguyên của quốc gia, mình “phát rừng làm rẫy, lập vườn” dù là đã lâu nhưng cũng không đúng. Nên Nhà nước có thu hồi để lập khu du lịch quốc gia nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước, quê hương, gia đình mình cũng phải chấp nhận thôi. Chỉ mong sao Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho người dân có được kế sinh nhai về lâu dài không đến nỗi khó khăn lắm, nếu được ngang bằng như cuộc sống ở đây lâu nay thì rất tốt.
Lạch nước đầu nguồn suối Vàng trong thung lũng Ma Thiên Lãnh.
Tạm biệt người làm “vườn rừng” ở thung lũng Ma Thiên Lãnh, chúng tôi an ủi gia đình Thắng Suối Vàng bằng một thông tin mới: Tại kỳ họp cuối năm 2018, bế mạc hôm 12 tháng 12, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Trong đó có nghị quyết về rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2025. Theo nghị quyết này, đất rừng đặc dụng thuộc địa bàn thành phố Tây Ninh, cũng chính là đất rừng đặc dụng núi Bà Đen vẫn được giữ nguyên diện tích theo kết quả rà soát hiện trạng.
Điều đó suy rộng ra cũng có nghĩa là những hợp đồng trồng rừng ở khu vực núi Bà Đen vẫn còn giá trị, hy vọng sẽ được duy trì để bảo vệ tài nguyên quốc gia ở vùng rừng núi thiêng liêng này. Đồng thời theo Đồ án quy hoạch Khu DLQG núi Bà Đen, Tây Ninh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định rõ định hướng phát triển không gian là: “Định hướng tổ chức các khu chức năng trên cơ sở lựa chọn đất xây dựng hợp lý; quản lý, khai thác rừng đặc dụng trong khu vực núi Bà Đen phải tuân thủ theo quy định pháp luật.
Trong quá trình nghiên cứu xem xét, rà soát, đánh giá để khai thác hợp lý các khu vực rừng đặc dụng kém hiệu quả vào mục đích phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”. Như vậy, với sự quản lý chặt chẽ, thực hiện hợp đồng trồng và bảo vệ rừng đặc dụng nghiêm túc, rõ ràng, hiệu quả nhiều năm qua, tin rằng khu vực thung lũng Ma Thiên Lãnh sẽ càng được giữ gìn, tôn tạo, phát huy tác dụng hơn.
Nghe vậy, gương mặt mẹ con bà Hai Rau, anh Thắng Suối Vàng như tươi tỉnh hơn ra. Những nét nhăn “trước tuổi băm tư” của Thắng như cũng giãn ra, thẳng thớm hơn nhiều.
N.T.H