Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Với sự sáng tạo và tâm huyết, các nhạc sĩ, soạn giả và biên đạo không ngừng nỗ lực tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, vừa tái hiện tinh hoa di sản vừa hoà nhịp cùng hơi thở cuộc sống, kết nối hồn di sản với cộng đồng, để văn hoá mãi trường tồn.
Giữa không khí rộn ràng chào đón Xuân Ất Tỵ 2025, chúng tôi ghé thăm Trung tâm Văn hoá tỉnh. Bên trong nhà hát, các nghệ sĩ tích cực tập luyện cho chương trình nghệ thuật mừng giao thừa. Tiếng nhạc vang vọng, tiếng hát của các diễn viên như hoà vào tiết trời mùa xuân, mang đến cảm giác rộn ràng, phấn chấn.
Lãnh đạo Trung tâm và các nghệ sĩ chia sẻ những câu chuyện phía sau ánh đèn sân khấu. Đó không chỉ là hành trình cống hiến mà còn là nỗ lực không ngừng nhằm đưa di sản văn hoá Tây Ninh đến gần hơn với mọi tầng lớp Nhân dân, từ thành thị đến những vùng sâu, vùng xa.
Những tác phẩm kể chuyện văn hoá quê hương
Tây Ninh, vùng đất của những di sản văn hoá phi vật thể, luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ, nhạc sĩ, và biên đạo sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật giàu cảm xúc. Mỗi tác phẩm đều chứa đựng niềm đam mê và trách nhiệm của những người làm nghệ thuật, góp phần lan toả giá trị văn hoá quê hương đến khắp muôn nơi.
Từ những giai điệu dung dị, các nhạc sĩ, soạn giả đã kể nên câu chuyện di sản đầy cảm xúc, giúp khán giả hiểu thêm về những giá trị văn hoá đặc sắc của quê hương. Nhạc sĩ Lê Hoàng Minh với tác phẩm “Hoa trăng đất Trảng”, dựa trên điệu lý rường ơi, đã mang đến cho khán giả một bức tranh mộc mạc nhưng đầy sức sống về làng nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.
Lời ca mộc mạc như: “Thấy ai nướng bánh đã xong, tròn vằng vặc tựa mặt trăng, tròn vằng vặc tựa mặt em...” không chỉ ca ngợi nét đẹp lao động mà còn tôn vinh giá trị của nghề truyền thống được công nhận di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Tương tự, soạn giả Nhất Lang, với bài ca cổ “Muối Tây Ninh”, đã kể câu chuyện nghĩa tình về nghề làm muối ớt, biểu tượng văn hoá đặc sắc của vùng đất Tây Ninh. Lời ca chứa đựng sự trân trọng và niềm tự hào: “Muối ớt quê mình không phải rượu mà cay, tôi say chữ nghĩa nhân của ngày gian khổ...” đã chạm đến cảm xúc của khán giả, đưa di sản này đi sâu vào đời sống tinh thần của cộng đồng.
Soạn giả Xuân Hoà đã góp thêm một tác phẩm giàu ý nghĩa với bài ca cổ “Hương vị tình quê”, lần đầu tiên biểu diễn trong Lễ hội ẩm thực chay Tây Ninh. Nghệ thuật chế biến món chay - di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia được lồng ghép tinh tế trong từng câu hát, khiến người nghe không chỉ cảm nhận được hương vị mà còn thấy được tâm hồn của quê hương Tây Ninh.
Bên cạnh âm nhạc, các tác phẩm múa do Thạc sĩ biên đạo Lê Hải dàn dựng cũng góp phần tái hiện hồn di sản Tây Ninh một cách đầy cảm xúc. Tiết mục múa “Mẫu Huyền Sơn”, kể về truyền thuyết núi Bà Đen, đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả. Từng động tác, hình tượng và âm nhạc được Lê Hải chăm chút tỉ mỉ, khiến câu chuyện về Linh Sơn Thánh Mẫu không chỉ là một di sản tín ngưỡng mà còn là một tác phẩm nghệ thuật sống động trên sân khấu.
“Việc dàn dựng tác phẩm múa về chủ đề này là một thử thách lớn, đòi hỏi tôi phải đào sâu tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng. Từ hình tượng, âm nhạc, trang phục, đạo cụ, đến cảnh trí và dựng hình minh hoạ. Tất cả đều phải được chăm chút để tái hiện một cách chân thực và giàu cảm xúc nhất”- Thạc sĩ biên đạo múa Lê Hải chia sẻ.
Khi tác phẩm múa “Mẫu Huyền Sơn” được Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) trao huy chương vàng, đó không chỉ là niềm vui lớn của tập thể lãnh đạo và diễn viên Trung tâm Văn hoá tỉnh mà còn là thành quả cho những nỗ lực và khát vọng lâu nay của đội ngũ sáng tạo.
“Đây là đề tài mà chúng tôi đã ấp ủ từ lâu nhưng chưa có cơ hội thực hiện. Tôi thực sự hạnh phúc khi được cống hiến cho Tây Ninh, được sống trọn vẹn với nghề bằng trách nhiệm nghiêm túc và niềm đam mê sáng tạo”- Lê Hải bày tỏ.
Ngoài ra, tác phẩm múa “Hương Tây Ninh”, kể về làng nghề làm nhang nhận huy chương vàng tại Hội diễn Tiếng hát miền Đông năm 2024, tiếp tục khẳng định tài năng và tâm huyết của người biên đạo này. Qua từng phân cảnh, hình ảnh gia đình hai đời làm nhang bám trụ với nghề đã chạm đến cảm xúc khán giả, kể về một hành trình lao động bền bỉ và tình yêu dành cho di sản quê hương.
Ngoài ra, các biên đạo trẻ tại Trung tâm Văn hoá tỉnh cũng không ngừng nỗ lực trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, để góp sức lan toả nét đẹp của di sản. Tiêu biểu như biên đạo múa Hoài An đã dàn dựng thành công tác phẩm múa “Muối đỏ”, tôn vinh những nghệ nhân của làng nghề muối ớt Tây Ninh, di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Với sự đầu tư và tâm huyết, tác phẩm đã góp phần khắc hoạ giá trị văn hoá độc đáo của nghề truyền thống, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Mỗi tác phẩm, dù là lời ca hay điệu múa, đều chứa đựng niềm đam mê và sự tận tụy của người nghệ sĩ. Họ không chỉ sáng tạo mà còn kể lại câu chuyện của vùng đất, con người Tây Ninh qua ngôn ngữ nghệ thuật.
Thách thức và bước đi tương lai
Trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, Trung tâm Văn hoá tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít khó khăn, không chỉ từ sự thiếu hụt nguồn lực mà còn từ nhu cầu đổi mới cách tiếp cận để di sản văn hoá trở nên gần gũi hơn với thế hệ trẻ. Sự hấp dẫn của các trào lưu hiện đại làm cho việc thu hút giới trẻ tham gia vào các chương trình nghệ thuật truyền thống trở thành một bài toán nan giải. Để di sản văn hoá thực sự trở thành nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, cần có sự đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất đến nhân lực và sự hỗ trợ, chung tay từ các cấp ngành và cộng đồng.
Để vượt qua những thách thức này, Trung tâm Văn hoá tỉnh đã xác định những bước đi chiến lược nhằm bảo đảm di sản văn hoá không những được bảo tồn mà còn lan toả mạnh mẽ hơn. Một trong những hướng đi quan trọng là xây dựng các chương trình hợp tác với cộng đồng và các tổ chức xã hội để đa dạng hoá nguồn lực, cả về nhân sự lẫn tài chính.
Thời gian qua, Trung tâm đã tận dụng mạng xã hội như Facebook và YouTube để lan toả các tiết mục biểu diễn. Những ca khúc, bài múa được đầu tư, dàn dựng công phu đã được ghi lại và chia sẻ rộng rãi, giúp tăng cường quảng bá và tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả hơn. Song song đó, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào bảo tồn và quảng bá di sản cũng đang được xem xét, nhằm mang di sản đến gần hơn với giới trẻ thông qua các chương trình trực tuyến, phim tài liệu, hoặc các ứng dụng tương tác.
Các chương trình giáo dục nghệ thuật không chỉ dừng lại ở việc truyền dạy kiến thức mà còn mở ra không gian để thế hệ trẻ tiếp xúc gần hơn với di sản. Trung tâm cũng mở rộng hợp tác với các nghệ sĩ trẻ, các tổ chức nghệ thuật trong và ngoài tỉnh, nhằm đổi mới sáng tạo và đưa di sản hoà mình vào dòng chảy hiện đại.
Hiện nay, Trung tâm Văn hoá tỉnh đang triển khai các lớp học đờn ca tài tử cải lương dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Nghệ nhân ưu tú Thành Trí và Nghệ sĩ ưu tú Anh Thư. Qua đó, thu hút hơn 20 thành viên từ các câu lạc bộ với đa dạng độ tuổi. Trung tâm cũng đã mở rộng chương trình giảng dạy đờn ca tài tử tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh để truyền đạt nghệ thuật này cho học sinh.
Bà Hàng Thị Quý Tâm- Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng, với sự hỗ trợ từ các ngành và cộng đồng, những giá trị văn hoá của Tây Ninh sẽ ngày càng được lan toả và yêu mến nhiều hơn.”
Dù hành trình phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đồng lòng và niềm đam mê của những người làm nghệ thuật đang mở ra những cơ hội lớn. Từng bước tháo gỡ khó khăn, sáng tạo trong cách làm, những di sản văn hoá của tỉnh nhà chắc chắn sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát huy, trở thành niềm tự hào không chỉ của Tây Ninh mà còn của cả nước.
Hoà Khang - Hồng Thanh