BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều hợp tác xã loay hoay, bế tắc

Kỳ cuối: Hợp tác xã hướng đến liên kết chuỗi giá trị 

Cập nhật ngày: 02/02/2018 - 05:57

BTN - Theo bà Ký Hồng Ngọc, thực hiện đề án HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị phát triển sản xuất bền vững, Liên minh HTX tỉnh đã chọn 5 HTX lĩnh vực nông nghiệp để xây dựng mô hình điểm về liên kết chuỗi giá trị.

Trại gà của một thành viên HTX chăn nuôi gà sạch Nhân Hoà.

Bà Ký Hồng Ngọc, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, kinh tế hợp tác - mà nòng cốt là HTX luôn được lãnh đạo tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân liên kết với HTX hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, tạo điều kiện hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ gắn với công nghệ cao.

PHẢI THỰC SỰ LÀ “HTX KIỂU MỚI”

Một trong những HTX hướng đến chuỗi giá trị phát triển HTX bền vững, đạt hiệu quả cao là HTX chăn nuôi gà sạch Nhân Hoà (khu phố 2, thị trấn Châu Thành). HTX được thành lập vào tháng 7.2017 với 10 thành viên, vốn là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Anh Phạm Đức Hoà, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, HTX nuôi 40.000 con gà. Khi chưa thành lập HTX, nông dân phải lấy cám, con giống qua tay đại lý nên giá thành cao, bán gà cho thương lái lại bị ép giá nên lợi nhuận thu về rất ít hoặc bị lỗ vốn. Sau này, anh Hoà vận động các hộ chăn nuôi thành lập HTX. HTX lấy con giống, thức ăn trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất và bán lại cho nông dân với giá rẻ hơn so với mua từ đại lý. Đồng thời, HTX thu mua gà thịt với giá cao hơn thương lái, bảo đảm cho người chăn nuôi thu lợi nhuận nhiều hơn trước.

Sau một thời gian hoạt động hiệu quả, HTX chăn nuôi gà sạch Nhân Hoà có kế hoạch mở trang trại gà tập trung trên địa bàn xã Thành Long với quy mô khoảng 30.000 con. Đồng thời, HTX cũng đang xin chủ trương thành lập điểm giết mổ gia cầm tập trung tại xã Thành Long, với công suất dự kiến ban đầu từ 100-200 con/ngày.

Đáng chú ý là thu nhập bình quân của mỗi thành viên HTX hiện khoảng 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, thành viên HTX còn có thêm mức thu nhập từ cổ phẩn đóng góp. Cổ phần này được chia ra cho từng mảng như thức ăn, con giống… Cổ phần được san sẻ cho tất cả người lao động làm việc cho HTX có nhu cầu tham gia đầu tư.

Đây có lẽ là HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh áp dụng hình thức này. Anh Hoà chia sẻ, áp dụng hình thức “cổ phần hoá”, thành viên và người lao động sẽ được làm chủ số vốn họ đóng góp nên càng nỗ lực lao động, nâng cao tinh thần trách nhiệm với HTX, làm cho HTX phát triển hơn. Cũng nhờ áp dụng mô hình này mà số lượng thành viên của HTX phát triển rất nhanh, đến nay có trên 30 người.

Anh Hoà tiết lộ, hiện anh được các thành viên rất ủng hộ, bởi HTX do anh điều hành đã đi đúng hướng, đúng chủ trương của Nhà nước, mang nguồn lợi đến cho nhiều người.

“Sắp tới, nếu điểm giết mổ được hình thành và đi vào hoạt động, HTX sẽ cung cấp gà thành phẩm cho các trường học, các công ty, xí nghiệp, và mở một số cửa hàng bán gà sạch trên địa bàn các huyện, thành phố”. Hiện nay, HTX đang nuôi gà trên chuồng sàn và theo hướng an toàn sinh học, tiến tới đăng ký chứng nhận VietGAHP.

Ông Bùi Văn Tỵ, thành viên của HTX chăn nuôi gà sạch Nhân Hoà cho biết, lúc chưa vào HTX, ông bán gà cho thương lái nên bị ép giá, thường xuyên bị lỗ vốn. Từ khi vào HTX, hoạt động chăn nuôi của ông đạt hiệu quả hơn.

Hoạt động của HTX sản xuất - thương mại - dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu chủ yếu là kinh doanh và dịch vụ như cung ứng phân bón, bán trả chậm không tính lãi cho nông dân; cung ứng thức ăn cho gia cầm, thuỷ sản; dịch vụ mua bán rau, củ, quả. Tổng đầu tư năm 2017 của HTX khoảng 10,7 tỷ đồng, tổng lợi nhuận thu được trong năm hơn 480 triệu đồng.

Bà Lâm Thị Có- Phó Chủ tịch HND xã Phước Ninh, Phó Giám đốc điều hành kinh doanh của HTX đánh giá, từ ngày thành lập đến nay, HTX từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả, và là chỗ dựa đáng tin cậy của người nông dân. Nông dân được hướng dẫn, tập huấn các kiến thức khoa học kỹ thuật nên có điều kiện và kỹ năng để thâm canh, tăng năng suất. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ của HTX đều được công khai, minh bạch nên các thành viên tin tưởng góp vốn vào đầu tư, phát triển sản xuất.

Thời gian qua, HTX đã ký được hợp đồng với các công ty bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân như ba ba, cá lóc. Tới đây, HTX khai trương cửa hàng kinh doanh phục vụ hoa kiểng tết, và các loại thuỷ sản của địa phương (cá lóc, cá nạo thương phẩm); các loại thuỷ sản khác như cá lăng, cá chép giòn, cá tầm, tôm; trái cây và các loại rau, củ, quả. HTX cũng sẽ sản xuất và cung ứng rau an toàn; sơ chế đưa ra thị trường cá lóc sấy khô, thịt cá lóc... do thành viên HTX nuôi và cung ứng. Đây sẽ là những sản phẩm tiêu biểu của HTX và được HTX đăng ký thương hiệu.

 HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc (xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên) đã và đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ông Lưu Văn Xu, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, từ khi HTX thực hiện chuỗi sản xuất phát triển bền vững do Liên minh HTX tỉnh triển khai đến nay, giá trị sản phẩm của các thành viên được nâng lên rõ rệt.

HTX có khoảng 15 ha xoài đang cho thu hoạch trái thương phẩm. Sản phẩm xoài tứ quý của HTX đã được nhiều nhà phân phối biết đến, ký hợp đồng bao tiêu và thu mua với giá ổn định, cao hơn giá các thương lái thu mua trước đây. Hiện xoài tứ quý Thạnh Bắc đã có mặt ở nhiều siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh.

HƯỚNG ĐI TẤT YẾU

Theo bà Ký Hồng Ngọc, thực hiện đề án HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị phát triển sản xuất bền vững, Liên minh HTX tỉnh đã chọn 5 HTX lĩnh vực nông nghiệp để xây dựng mô hình điểm về liên kết chuỗi giá trị. Liên minh đã tổ chức tư vấn trực tiếp, tập huấn chuyên sâu cho hội đồng quản trị và tập huấn mở rộng cho các thành viên HTX về những kiến thức liên quan đến HTX kiểu mới; phương pháp xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh và tham gia xây dựng chuỗi giá trị.

Song song đó, các HTX mới thành lập và chuẩn bị thành lập được tư vấn, tập huấn, hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh theo hướng đa dịch vụ, gắn với sản phẩm chủ lực, dịch vụ thiết yếu ở địa phương để tham gia các chuỗi giá trị, bảo đảm tiếp cận thị trường và phát triển bền vững.

Theo bà Ngọc, bước đầu triển khai đề án xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị bền vững, bằng sự tập trung các nguồn lực và tư vấn trực tiếp, thành viên các HTX và người dân đã dần nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia chuỗi giá trị. Đặc biệt, việc nông dân nỗ lực nâng cao chất lượng, quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua sự liên kết với doanh nghiệp cho thấy họ đã hình thành ý thức mới, đó là tín hiệu rất đáng mừng.

THANH NHI - TRÚC LY

Trong năm 2017, có 22 HTX mới thành lập đều được Liên minh HTX tỉnh tư vấn kỹ lưỡng về việc tham gia chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá. Ngoài ra, có 19 HTX hoạt động trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và thương mại dịch vụ chủ động nghiên cứu, liên hệ với cơ quan chức năng có liên quan để được hỗ trợ và tìm kiếm đối tác tham gia các chuỗi giá trị.
Tin liên quan
  • Kỳ 1: HTX thủy lợi - muốn chuyển mình nhưng bất lực 

    Kỳ 1: HTX thủy lợi - muốn chuyển mình nhưng bất lực

    Hiện nay, toàn tỉnh có 93 HTX, trong đó có 22 HTX được thành lập mới. Các HTX mới thành lập thu hút thêm 430 thành viên và 13,6 tỷ đồng vốn. Ðã có 7 HTX giải thể và 11 HTX ngưng hoạt động, đề nghị giải thể trong năm 2018.

  • Kỳ 2: HTX Nông nghiệp chưa thể là “bà đỡ” của nông dân 

    Kỳ 2: HTX Nông nghiệp chưa thể là “bà đỡ” của nông dân

    HTX nông nghiệp mới chỉ tập trung cho dịch vụ đầu vào như cung ứng giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, thuỷ lợi nội đồng... mà chưa quan tâm các dịch vụ khác như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Số HTX bao tiêu nông sản cho nông dân hiện chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.