Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh

Kỳ cuối: Lộ trình thực hiện chế định hành nghề thừa phát lại 

Cập nhật ngày: 15/11/2021 - 08:12

BTN - Việc phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tải công việc, giải quyết lượng án tồn đọng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Toà án và cơ quan Thi hành án dân sự…

Vai trò, trách nhiệm và phạm vi hoạt động  của thừa phát lại.

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8.1.2020 và pháp luật có liên quan.

Trong phạm vi trách nhiệm, thừa phát lại thực hiện các công việc: tống đạt theo yêu cầu của Toà án hoặc cơ quan Thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Toà án theo yêu cầu của đương sự.

Thừa phát lại không tổ chức thi hành các bản án, quyết định thuộc diện thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án. Văn phòng thừa phát lại là tổ chức hành nghề của thừa phát lại để thực hiện các công việc được giao theo quy định của Nghị định 08/2020 và pháp luật có liên quan. Văn phòng thừa phát lại do 1 thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng do 2 thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh.

Thừa phát lại không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; sử dụng thông tin về hoạt động của thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng; kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản.

Trong khi thực thi nhiệm vụ, thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình, bao gồm vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của thừa phát lại; cháu ruột mà thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì. Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình, cá nhân, cơ quan, tổ chức phối hợp với thừa phát lại, văn phòng thừa phát lại trong việc thực hiện các công việc của thừa phát lại theo quy định; không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của thừa phát lại, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.

Mọi hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật đối với hoạt động của thừa phát lại, văn phòng thừa phát lại, từ chối trái pháp luật yêu cầu của thừa phát lại hoặc tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của thừa phát lại đều bị xử lý và phải bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

“Việc phát triển văn phòng thừa phát lại đủ số lượng, bố trí đều trên địa bàn sẽ bảo đảm phục vụ kịp thời, thuận lợi cho tổ chức, công dân cũng như công việc do Toà án, cơ quan Thi hành án dân sự giao.

Huy động tối đa các nguồn lực xã hội, tham gia phát triển các văn phòng thừa phát lại nhằm giảm áp lực công việc, giảm chi tiêu ngân sách và nâng cao hoạt động hiệu quả của cơ quan tư pháp- mà trực tiếp là cơ quan Thi hành án dân sự và Toà án; đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, hạn chế khiếu kiện đến các cơ quan Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh”- một luật gia thuộc Hội Luật gia tỉnh cho biết.

Phát triển văn phòng thừa phát lại theo từng khu vực

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26.11.2015 về thực hiện chế định thừa phát lại, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8.1.2020 về tổ chức hoạt động thừa phát lại.

Tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định “Căn cứ vào các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án phát triển văn phòng thừa phát lại ở địa phương trình UBND cấp tỉnh phê duyệt”. Đây là cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Ngày 7.6.2021, UBND tỉnh ra Quyết định số 1228/QQĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh. Căn cứ theo Đề án, lộ trình phát triển văn phòng được thực hiện thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ năm 2021 đến 2025, phát triển từ 1 đến 5 văn phòng thừa phát lại, được phân bố theo khu vực có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; có tính đến nhu cầu hoạt động xét xử và thi hành án dân sự theo từng đơn vị cấp huyện góp phần giải quyết khó khăn về lượng án tồn đọng, các yêu cầu về thi hành án dân sự của tổ chức, cá nhân và số lượng chấp hành viên. Trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến thành lập văn phòng thừa phát lại tại 5 địa bàn: TP. Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng, huyện Châu Thành, Dương Minh Châu.

Giai đoạn 2, từ năm 2026 trở về sau sẽ hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động thừa phát lại; duy trì, ổn định các văn phòng thừa phát lại hiện có; phát triển tại các huyện còn lại, mỗi nơi 1 văn phòng.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu thực tế của địa phương sẽ phát triển thêm văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP. Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng (mỗi địa phương không quá 2 văn phòng) để đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thừa phát lại theo định hướng chung và phù hợp với quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

Ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, sau khi có Đề án phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1322/QĐ-UBND quy định tiêu chí và cách thức xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, thừa phát lại có nhu cầu thành lập văn phòng thừa phát lại phải có hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng gửi Sở Tư pháp theo thông báo của UBND tỉnh; nộp kèm theo Đề án thành lập văn phòng thừa phát lại là các giấy tờ chứng minh về những nội dung trình bày trong Đề án thành lập văn phòng. Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp của hồ sơ.

Hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng được xét duyệt dựa trên 3 nhóm tiêu chí với tổng số điểm là 100 điểm, cụ thể về tổ chức, nhân sự (59 điểm), cơ sở vật chất, trang thiết bị (31 điểm) và các tiêu chí khác (10 điểm). Hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng được chọn là hồ sơ có số điểm cao nhất trong số các hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng trong một đơn vị hành chính cấp huyện, phải đạt tối thiểu từ 65 điểm trở lên trên tổng số 100 điểm và điểm của mỗi nhóm tiêu chí phải đạt từ 50% số điểm trở lên.

Trong năm 2021, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp ban hành thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh tại TP. Tây Ninh và thị xã Trảng Bàng. Hết thời hạn tiếp nhận, Sở Tư pháp nhận 3 hồ sơ, trong đó có 1 hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng tại TP. Tây Ninh, 2 hồ sơ tại thị xã Trảng Bàng.

Theo Giám đốc Sở Tư pháp, việc thành lập văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh phải theo lộ trình, có bước đi phù hợp, vừa góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá hoạt động bổ trợ tư pháp, giảm áp lực cho các cơ quan tố tụng, nhưng đồng thời bảo đảm sự phát triển ổn định, vững chắc, từng bước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động thừa phát lại tại địa phương.

Thiên Di - Phương Thảo