Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đầu tư đồng bộ dự án xử lý nước thải sinh hoạt khu vực đô thị
Kỳ cuối: Mong sớm ban hành nghị quyết hỗ trợ đấu nối nước thải
Thứ ba: 16:43 ngày 09/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo bà Nguyễn Thị Thuý Nga- Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Sở đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định hỗ trợ đấu nối nước thải từ hộ thoát nước vào mạng lưới thu gom của hệ thống thoát nước thải trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Các dự án đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực đô thị đang triển khai thực hiện trên địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố thiếu tính đồng bộ. Có địa phương đầu tư nhà máy xử lý nước thải trước (thành phố Tây Ninh, Bến Cầu, Dương Minh Châu), có địa phương đầu tư tuyến ống thu gom trước (Trảng Bàng, Hoà Thành, Châu Thành), nhưng các địa phương đều chờ ban hành chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đấu nối, sau đó mới lập dự án riêng để đấu nối nước thải từ hộ gia đình vào hệ thống xử lý chung của địa phương đã đầu tư. Nhìn chung, nhóm dự án này có thời gian đầu tư kéo dài, hệ thống chưa thể vận hành có nguy cơ xuống cấp.

Lãnh đạo tỉnh tham quan Trung tâm Điều hành hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải thành phố Tây Ninh.

Dự kiến hỗ trợ 100% từ nguồn ngân sách Nhà nước

Ông Nguyễn Kiên Cường- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải đều có dự trù một phần kinh phí hỗ trợ đấu nối đường ống nước thải của hộ dân vào hệ thống thoát nước thải chung theo Quyết định số 29, ngày 20.9.2017 của UBND tỉnh quy định về quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Việc đấu nối đường ống nước thải của hộ thoát nước vào hộp đấu nối của hệ thống thoát nước thải khu vực thuộc về trách nhiệm của các hộ thoát nước, đã được quy định cụ thể tại khoản 2, Điều 31 Nghị định số 80, ngày 6.8.2024 của Chính phủ. Ngoài ra, công tác đấu nối đem lại nhiều lợi ích cho hộ gia đình và toàn xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ người dân, hướng tới môi trường trong sạch cho tương lai. Do đó, kiến nghị chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật để người dân thực hiện đấu nối khi được yêu cầu.

Theo bà Nguyễn Thị Thuý Nga- Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Sở đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định hỗ trợ đấu nối nước thải từ hộ thoát nước vào mạng lưới thu gom của hệ thống thoát nước thải trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Qua đó, các hộ dân thực hiện đấu nối ngay theo kế hoạch, thông báo của cấp thẩm quyền thì sẽ được hỗ trợ 100%, trường hợp quá thời hạn thông báo mà hộ thoát nước không chấp hành thì không xem xét hỗ trợ và phải tự bỏ chi phí thực hiện.

Theo đó, nội dung Nghị quyết quy định hỗ trợ đấu nối nước thải từ hộ thoát nước vào mạng lưới thu gom của hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh quy định: Ngân sách hỗ trợ toàn bộ chi phí lắp đặt từ hộp đấu nối đến vị trí đường ống thoát nước thải trong phạm vi khuôn viên phần đất tư của hộ gia đình.

Phương thức thực hiện theo dự án (nguồn vốn đầu tư công), được xác định trong quá trình tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống thoát nước thải theo quy định pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đấu nối cho các dự án đang triển khai khoảng 285 tỷ đồng (tính toán dựa trên dự án đang triển khai tại thị trấn Dương Minh Châu trung bình khoảng 20,1 triệu đồng/hộ). Đồng thời, qua tham khảo dự toán, khái toán kinh phí thực hiện đấu nối thoát nước do chủ đầu tư các dự án cung cấp, chi phí đấu nối trung bình từ 10-29,6 triệu đồng/hộ.

Nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.

Tiếp tục đầu tư dự án ở 3 huyện còn lại

Theo ông Nguyễn Kiên Cường- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh đã và đang đầu tư 6 dự án thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị. Các huyện còn lại là Gò Dầu, Tân Biên và Tân Châu chưa được đầu tư nhà máy xử lý nước thải là do nguồn vốn ngân sách cân đối đầu tư phân kỳ theo từng giai đoạn và theo định hướng phát triển đô thị của tỉnh. Dự kiến trong giai đoạn 2026-2030 sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất đầu tư nhà máy xử lý nước thải tại các địa phương còn lại bằng nguồn vốn ngân sách và huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác.

Hiện tại, công suất thiết kế của các công trình bảo đảm khả năng xử lý nước thải sinh hoạt đô thị khi các đô thị tương lai sẽ được mở rộng quy mô. Ông Nguyễn Kiên Cường cho biết, công suất xử lý nước thải được đầu tư theo từng cụm xử lý tương ứng với quy mô dân số hiện trạng của các đô thị nhằm phát huy tối đa công suất xử lý của hệ thống, đồng thời cũng bố trí quỹ đất dự phòng để nâng công suất trong tương lai. Khi dân số các đô thị tăng thêm và cần nâng công suất xử lý của nhà máy chỉ cần bố trí thêm một cụm xử lý tại quỹ đất dự phòng và đấu nối vào hệ thống thu gom, rất thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thị Thuý Nga cho biết thêm, công suất thiết kế của các dự án xử lý nước thải đã và đang triển khai được tính toán bảo đảm với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng theo từng lưu vực thoát nước, khả năng cân đối ngân sách của tỉnh nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, các cấp, các ngành cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để định hướng các vị trí nhà máy xử lý theo từng lưu vực thoát nước mới nếu cần thiết để tiếp tục đầu tư. Chính vì vậy, các dự án sẽ bảo đảm khả năng xử lý nước thải sinh hoạt các đô thị trong tương lai.

Cần quản lý, xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải

Công trình nhà máy xử lý nước thải khu vực thị trấn Dương Minh Châu là dự án duy nhất trên địa bàn tỉnh đã đưa vào sử dụng hệ thống thu gom và xử lý nước thải từ năm 2018, lưu lượng vận hành khoảng 250m3/ngày.đêm. Đến nay, huyện Dương Minh Châu đã triển khai đấu nối cho 482 hộ gia đình, còn 33 hộ đang vận động đấu nối vào hệ thống.

Để quản lý, xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải để phát triển không gian đô thị trong tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp quy hoạch. Bà Nguyễn Thị Thuý Nga cho biết, trong thời gian tới, ngành Xây dựng đầu tư xây dựng các công trình thu gom, thoát nước thải đô thị và khu dân cư tập trung phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, định hướng và kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước thải đô thị theo từng lưu vực thoát nước.

Việc xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình thu gom, thoát nước thải phải đồng bộ, bảo đảm kết nối với các công trình trên mạng lưới thoát nước và xử lý nước thải; bảo đảm công suất để vận chuyển, xử lý lượng nước thải của khu vực, có dự phòng với khối lượng nước thải phát sinh và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định trước khi xả vào nguồn tiếp nhận; khuyến khích sử dụng giải pháp thi công không đào hở cống thoát nước, đặc biệt tuyến cống cấp 1 trong đô thị có mật độ giao thông cao.

Sở Xây dựng mong mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, kịp thời bàn giao đất để dự án triển khai bảo đảm tiến độ theo kế hoạch của tỉnh, tham gia đấu nối ngay theo kế hoạch, thông báo đấu nối của cấp thẩm quyền. Có sự chung tay, ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng thì việc đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Tây Ninh mới thật sự hiệu quả.

Qua đó, từng bước phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh hướng đến trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu và là nơi đáng sống, như định hướng quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Nguyễn Kiên Cường cho biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương, nhất là chính quyền cơ sở và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia đấu nối vào hệ thống, cũng như tích cực phối hợp với các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch đấu nối phù hợp quy mô đầu tư; triển khai có hiệu quả Nghị quyết quy định hỗ trợ đấu nối nước thải từ hộ thoát nước vào mạng lưới thu gom của hệ thống thoát nước thải trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sau khi nghị quyết được ban hành. Đồng thời, thường xuyên rà soát kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như đào vỉa hè, lòng đường, đấu nối nước thải trái phép vào hệ thống thoát nước công cộng, xả nước thải sinh hoạt chưa được xử lý ra môi trường…

Qua đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư và đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương có kế hoạch, biện pháp thi công linh hoạt (cuốn chiếu, ứng dụng các công nghệ thi công hiện đại); thông báo thời gian thi công kịp thời cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong phạm vi dự án biết trước để việc tổ chức thi công đạt hiệu quả, giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày của người dân.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục