Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hoá giải tranh chấp bằng hoà giải, đối thoại tại Toà án:
Kỳ cuối: Tiếp tục tuyên truyền, khắc phục khó khăn
Thứ năm: 08:26 ngày 23/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau 3 năm thực hiện Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án, TAND hai cấp đã đạt được những kết quả tích cực, không chỉ giúp giảm tải công việc của Toà án mà nhiều đương sự đã lựa chọn phương án hoà giải, đối thoại để giải quyết đơn khởi kiện của mình.

Hoà giải viên Trần Thị Bạch Tuyết luôn nghiên cứu kỹ hồ sơ, các quy định của pháp luật trước khi tiến hành hoà giải, đối thoại.

Kiên trì hoà giải vụ tranh chấp, khiếu kiện

Với sự hỗ trợ của hoà giải viên giàu tâm huyết và năng lực, các bên có thể giãi bày những tâm tư, nguyện vọng của mình và dần tháo gỡ các mâu thuẫn, bất đồng, hàn gắn và duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, bạn bè, tình làng nghĩa xóm, quan hệ đối tác… Ngay cả trong trường hợp hoà giải, đối thoại không thành thì thông qua hoà giải, đối thoại, các bên được hoà giải viên giải thích quyền và nghĩa vụ, hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của mình để tham gia tố tụng một cách tích cực và hiệu quả hơn.

Năm 2021, ông Thái Văn Lộc được bổ nhiệm làm hoà giải viên tại TAND huyện Châu Thành. Trong thời gian gắn bó với công việc, ông đã có nhiều cố gắng, tích cực tham gia công tác hoà giải, đối thoại tại Toà án. “Tôi đã và đang làm hội thẩm nhân dân của TAND huyện nên có kinh nghiệm về các vụ việc liên quan đến pháp luật. Đây cũng là lợi thế khi tôi tham gia làm hoà giải viên”- ông Lộc nói.

Hoà giải viên Thái Văn Lộc cho biết, để thực hiện hoà giải, đối thoại một vụ việc, hoà giải viên cần nghiên cứu kỹ yêu cầu của các bên đương sự; kiên nhẫn làm việc với từng bên và lắng nghe trình bày của họ; nắm bắt tâm lý, những điểm yếu, điểm mạnh của các bên; tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn. “Trong các buổi hoà giải, tôi luôn giúp các bên giữ bình tĩnh, tỉnh táo để nhìn nhận sự thật, thấy rõ cái đúng, cái sai; phân tích, giải thích về tình, về lý, những hệ luỵ có thể xảy ra để các bên lựa chọn và thuyết phục từng bên dựa trên cơ sở pháp luật, chuẩn mực đạo đức, tập quán… Từ đó, giúp các bên hoà giải mâu thuẫn hoặc tự nguyện thoả thuận với nhau dựa trên ý chí của mình”- ông Lộc chia sẻ.

Đối với các vụ về hôn nhân và gia đình, ông thường gặp gỡ trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại với các đương sự, sau đó hẹn ngày giờ để hoà giải. Có những vụ khi hoà giải, thấy hai vợ chồng mâu thuẫn không đáng có, ông thường khuyên cả hai về suy nghĩ thấu đáo trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó mời họ lên hàn gắn. Có nhiều vụ ông đã hoà giải thành công, giúp các gia đình đoàn tụ.

Bà Trần Thị Bạch Tuyết- hoà giải viên thuộc TAND huyện Tân Biên cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm làm hội thẩm nhân dân cho TAND huyện, bà cùng với các hoà giải viên đã giải quyết, hỗ trợ các bên tham gia hoà giải, đối thoại thoả thuận, thống nhất giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, giảm tải áp lực cho ngành Toà án. “Trước đây, tôi từng công tác ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nên thường giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ trường học, đặc biệt là những bất đồng trong hôn nhân gia đình của giáo viên… Có thể nói, đây là thế mạnh của tôi khi tham gia hoà giải các vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình” - hoà giải viên Trần Thị Bạch Tuyết nói.

Năm 2023, bà Tuyết tham gia hoà giải, đối thoại 379 vụ việc; trong đó, hoà giải, đối thoại thành 229 vụ việc. Theo bà Tuyết, đối với từng vụ việc, hoà giải viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ cũng như các quy định của pháp luật liên quan trước khi tiến hành hoà giải, đối thoại. Trong quá trình hoà giải, đối thoại, hoà giải viên phải coi các bên như người thân của mình để tạo niềm tin, sẽ thay họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; giải thích cặn kẽ, rõ ràng cho các bên thấy rõ những lợi ích thiết thực của việc hoà giải, đối thoại so với “cái mất” khi phải tổ chức xét xử. Từ đó, các bên thống nhất lựa chọn hoà giải, đối thoại để giải quyết vụ việc.

Đặc biệt, trong hoà giải tranh chấp hôn nhân và gia đình, trường hợp đoàn tụ thành đã hàn gắn được hạnh phúc gia đình; trường hợp thuận tình ly hôn cũng giúp các bên giữ được hoà khí, hai bên thống nhất được người nuôi con, phương thức nuôi dạy con phù hợp và cùng hỗ trợ, hợp tác trong việc nuôi con sau ly hôn. “Đây là ý nghĩa rất lớn của hoà giải, đối thoại mà phương thức giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng trình tự tố tụng không có được”- hoà giải viên Trần Thị Bạch Tuyết bày tỏ.

Hoà giải viên Thái Văn Lộc trao đổi với đương sự trong một vụ việc dân sự.

Tăng cường công tác hoà giải, đối thoại tại Toà án

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án còn nhiều khó khăn, bất cập. Theo TAND tỉnh, một số hoà giải viên chưa từng làm các công việc liên quan đến pháp luật nên nghiệp vụ, kỹ năng còn hạn chế. Một số hoà giải viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc sử dụng máy vi tính. Kinh phí phân bổ cho công tác hoà giải, đối thoại tại Toà án còn hạn chế. Bên cạnh đó, để thực hiện hoà giải, đối thoại phải có sự đồng ý của người bị kiện. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những người này không hợp tác nên phải chuyển vụ việc qua thụ lý theo tố tụng. Ngoài ra, việc bảo mật thông tin trước khi lập biên bản hoà giải thành, đối thoại thành khó kiểm soát.

TAND huyện Châu Thành cho biết, số vụ việc hoà giải thành về các tranh chấp về dân sự tỷ lệ còn thấp, chủ yếu hoà giải thành các vụ việc liên quan đến hôn nhân và gia đình. Ngoài ra, theo quy định, khi tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hoà giải, đối thoại tại Toà án phải có hoà giải viên; các bên, người đại diện, người phiên dịch (nếu cần thiết); thẩm phán phụ trách hoà giải, đối thoại hoặc thẩm phán khác do Chánh án Toà án phân công. Do đó trên thực tế, để tổ chức được phiên họp ghi nhận kết quả hoà giải, đối thoại tại Toà án còn phụ thuộc vào lịch làm việc của thẩm phán. Hiện tại, cơ sở vật chất của Toà án còn chật hẹp, xuống cấp, không có phòng làm việc cho hoà giải viên. Đơn vị phải tận dụng phòng họp cơ quan làm nơi tổ chức hoà giải, đối thoại hoặc phòng làm việc của thẩm phán để thực hiện. Do đó, TAND huyện kiến nghị TAND tối cao quan tâm cấp kinh phí mở rộng phòng hoà giải, đối thoại, phòng làm việc của hoà giải viên để phục vụ công tác hoà giải, đối thoại tại Toà án tốt hơn.

Đồng quan điểm, TAND huyện Tân Biên chia sẻ, trong nhiều vụ việc, đương sự làm việc ở nhiều nơi nên việc triệu tập còn khó khăn, ảnh hưởng tiến độ giải quyết án. Số lượng hoà giải viên hiện nay còn thiếu so với số lượng vụ, việc thụ lý ngày càng nhiều, ảnh hưởng đến việc lựa chọn hoà giải viên trong giải quyết tranh chấp của người dân.

Để nâng cao hiệu quả thi hành Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án trong thời gian tới, TAND tỉnh sẽ chủ động tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các thẩm phán, hoà giải viên về công tác này. Đồng thời chấn chỉnh công tác hoà giải, đối thoại tại Toà án cũng như xem xét bổ nhiệm lại, bổ nhiệm thêm hoà giải viên đủ tiêu chuẩn và tăng cường công tác kiểm tra các hồ sơ đã hoà giải, đối thoại thành. Bên cạnh đó, TAND tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án, các văn bản liên quan để người dân hiểu được những thuận lợi khi lựa chọn hoà giải, đối thoại giải quyết tranh chấp, giúp họ tin tưởng và mạnh dạn lựa chọn.

Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục