BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khổ khi vay tiền phải mua bảo hiểm nhân thọ

Kỳ cuối: Xử lý nghiêm, được không? 

Cập nhật ngày: 28/02/2023 - 23:46

BTN - Không được tự ý kê khai thông tin cho bên bán bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm...

Theo NHNN Việt Nam, những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật (ảnh minh hoạ).

Trước tình trạng ngân hàng tìm đủ mọi chiêu trò để “ép” khách hàng vay tín dụng mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Văn bản số 6535/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; không được tự ý kê khai thông tin cho bên bán bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm. Tuy nhiên, để xử lý nghiêm, cần có cơ sở.

Bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm tiền vay?

Hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực bảo hiểm, bà Nguyễn Thuỷ Tiên (nhân vật xin đổi tên) cho rằng, BHNT và bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc. Phạm vi BHNT là con người, còn BHPNT bao gồm bảo hiểm con người, tài sản và trách nhiệm dân sự.

Tuy nhiên, đối tượng phạm vi BHPNT cụ thể và riêng biệt, chỉ đóng duy nhất 1 lần, mức phí thấp. Nói cách khác, hầu hết các ngân hàng khi cho vay tín dụng luôn cần một sự bảo đảm khoản vay của khách hàng. Trong trường hợp người vay tín dụng mất khả năng trả nợ, gặp rủi ro, tử vong, hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn... khoản bảo hiểm tiền vay do khách hàng đồng ý mua (từ 0,55% - 0,9% tuỳ vào khoản vay và quyền lợi cao hay thấp của hợp đồng tín dụng), doanh nghiệp sẽ bồi thường khoản vay theo hợp đồng tín dụng cho ngân hàng.

Bà cho biết thêm, chỉ trong năm 2022, hệ thống bảo hiểm bà đang công tác đã thực hiện chi trả, bồi thường hơn 400 tỷ đồng cho khách hàng gặp rủi ro, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, tử vong vì Covid-19...

Tương tự, bà Lê Thanh Thuỷ (nhân vật xin đổi tên) khẳng định: “Ngân hàng buộc khách mua BHNT khi vay vốn là hành vi vi phạm pháp luật”. Hợp đồng vay tín dụng và hợp đồng BHNT hoàn toàn không liên quan, nhưng chính khách hàng là người chịu thiệt, do vừa vay nợ, vừa chịu mất thêm một khoản tiền bảo hiểm. “Những người đã mua bảo hiểm, khi hết nợ ngân hàng cũng không biết tiếp tục đóng phí ở đâu, cho ai” (trường hợp tiếp tục duy trì hợp đồng bảo hiểm).

“Một người có 2-3 hợp đồng BHNT là chuyện bình thường, nhưng họ chỉ đóng năm đầu, trong khi với sản phẩm BHNT liên kết đầu tư, nếu khách hàng nghỉ ngang trong 1-3 năm đầu thì gần như mất trắng tiền gốc đã nộp”.

Hợp đồng BHNT của Prudential gửi khách hàng khi đã ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng.

Bà Thuỷ cho biết thêm, BHNT là tự nguyện, không ép buộc, chi phí đóng theo định kỳ, thời gian tham gia dài, đủ thời hạn theo quy định (từ 10-20 năm hoặc 50 năm). Tuy nhiên, người mua có quyền cân nhắc và huỷ trong 21 ngày kể từ ngày nhận hợp đồng bảo hiểm, khi đó bên BHNT sẽ hoàn lại phí đã đóng, sau khi trừ chi phí hợp lý. “Đã có trường hợp khách hàng yêu cầu huỷ hợp đồng, nhưng phía ngân hàng lại không chấp thuận yêu cầu này”. Bà Thuỷ dẫn chứng một khách hàng ở TX. Trảng Bàng ký hợp đồng vay vốn và mua BHNT, sau đó khách hàng đề nghị huỷ hợp đồng BHNT nhưng phía ngân hàng lại khước từ yêu cầu, đồng thời giữ lại toàn bộ chi phí hơn 20 triệu đồng, bất chấp các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng BHNT.

Bức xúc, khách hàng này liên hệ đơn vị kinh doanh BHNT đề nghị huỷ hợp đồng do không có nhu cầu. Sau khi xem xét, công ty này chấp thuận trả lại số tiền đã mua BHNT. “Không phải ngân hàng nào cũng chấp thuận với yêu cầu của khách hàng, đa số là khước từ, hoặc yêu cầu tất toán khoản vay. Đây là điều khó chấp nhận”- bà Thuỷ bức xúc: “Pháp luật quy định, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia bảo hiểm có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm. Như vậy, hành vi ngân hàng bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm để được giải ngân vay vốn là vi phạm pháp luật về bảo hiểm. Theo tôi, tình trạng này cần sớm chấn chỉnh”.

Khó phạt do chưa có cơ sở

Ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh (NHNN) cho biết, mặc dù quy định pháp luật không cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) hoạt động đại lý bảo hiểm bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, thực tế vẫn xảy ra. Để chấn chỉnh tình trạng này, NHNN Việt Nam, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản chỉ đạo doanh nghiệp bảo hiểm, các NHTM rà soát, xử lý các vi phạm, tuân thủ đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Ông Hiền giải thích, hiện nay, việc phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng phổ biến và phát triển nhanh, mang lại lợi ích cho cả ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng. Pháp luật kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm, nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không được bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm. Do đó, việc ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm theo thoả thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.

Khoản 7, Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số quy định: Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng, đình chỉ hoạt động từ 2-3 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong giấy phép thành lập và hoạt động đối với hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

“Hoạt động đại lý bảo hiểm của các NHTM thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 37/2019/TT-NHNN ngày 31.12.2019 của NHNN Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, NHNN có nhận được phản ánh về tình trạng cán bộ tín dụng bắt khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, không đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm”- ông Hiền cho biết.

NHNN Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng; nghiêm cấm hành vi bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động này cũng như việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của NHNN. “Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, chi nhánh NHNN Việt Nam tỉnh thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở, chấn chỉnh các chi nhánh NHTM tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động đại lý bảo hiểm và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đưa nội dung thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm tại các chi nhánh NHTM trên địa bàn vào kế hoạch thanh tra năm. Trường hợp phát hiện vi phạm, NHNN sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”- ông Hiền nhấn mạnh.

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 44 tổ chức tín dụng, trong đó có 6 chi nhánh NHTM nhà nước, 17 chi nhánh NHTM cổ phần, 1 chi nhánh NHCSXH, 1 chi nhánh ngân hàng hợp tác xã, 1 chi nhánh tài chính vi mô (CEP) và 18 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở với 127 điểm giao dịch. Ngoài ra, có 1.420 điểm giới thiệu dịch vụ của 10 công ty tài chính với dư nợ gần 1.400 tỷ đồng của 110.000 khách hàng.

Theo thống kê, vốn huy động đến cuối năm 2022 đạt 61.557 tỷ đồng (tăng 15% so đầu năm). Tổng dư nợ đạt 85.854 tỷ đồng (tăng 13% so đầu năm). Nợ xấu chiếm 0,31%/tổng dư nợ. Trong những tháng cuối năm 2022, một số chi nhánh NHTM thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với 2.614 khách hàng (khách hàng hiện hữu và khách hàng mới), với dư nợ 4.620,7 tỷ đồng, số tiền lãi suất hỗ trợ 11 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tây Ninh công bố đường dây nóng tiếp nhận khiếu nại, phản ánh tình trạng ngân hàng ép khách hàng đi vay vốn mua bảo hiểm: 02763.822.272 - 0918.557.054; hoặc chọn gửi thư điện tử qua địa chỉ e-mail: tayninhtni@sbv.gov.vn 

Giang Nguyên Đông