Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cả nước hướng đến phương châm hành động năm 2018:
Kỷ cương- liêm chính- hành động- sáng tạo- hiệu quả
Thứ bảy: 09:19 ngày 30/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 29.12, Chính phủ tiếp tục hội nghị trực tuyến với các địa phương về triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị - Ảnh VGP.

Nông nghiệp ghi nhận những chuyển biến tích cực

Việc Chính phủ tổ chức triển khai sớm kế hoạch năm 2018 được hội nghị đánh giá cao. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận xét, đây là việc rất phù hợp, để ngay từ những ngày đầu của năm 2018 có thể bắc nhịp công việc ngay, không để tình trạng như mọi năm là đến quý I hay sau quý I mới bắt đầu đi vào hoạt động.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, năm 2017 có hai đặc thù lớn: thứ nhất là thách thức về thiên tai. Cả nước chứng kiến 16 cơn bão, 4 áp thấp, gấp 2 lần bình quân hàng năm. Thiệt hại do thiên tai rất lớn: 386 người chết, thiệt hại khoảng 60 ngàn tỷ đồng. Do đó, khi tổ chức thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo các chỉ tiêu đã đề ra, khu vực nông nghiệp các tỉnh phải chịu áp lực rất cao.

Đặc trưng thứ 2, thời gian gần đây và riêng trong năm 2017, chưa bao giờ khu vực nông nghiệp nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của lãnh đạo cấp cao nhất từ Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, các thành viên Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ. Điều này đã tạo nên một làn sóng lan tỏa, thay đổi nhận thức về nông nghiệp không còn là một nguồn nhỏ bé trong giá trị GDP, là động lực động viên, hối thúc các thành phần kinh tế toàn xã hội quan tâm đến nông nghiệp.

Năm 2017 đã có 1.961 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp- chiếm 35% tổng số doanh nghiệp từ trước tới nay, trong đó có 90% doanh nghiệp trong nước, gồm tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp vừa, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp tham gia thị trường vào khu vực này.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh dự hội nghị.

Quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã có nhiều ý kiến về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, trong đó có vấn đề nguồn nhân lực. Bộ trưởng đề nghị Chính phủ, các địa phương tập trung chỉ đạo, kể cả có chiến lược dài hạn, trung hạn và ngắn hạn để đột phá chiến lược lần thứ 3 – tức là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Theo ông Dung, thời gian vừa qua, vấn đề này được quan tâm nhưng còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tế, Việt Nam đang thiếu các giải pháp căn cơ, và nhìn tổng quát, chất lượng nhân lực Việt Nam còn rất thấp. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm trong thang điểm 10 và xếp hạng thứ 11 trong 12 các quốc gia WB tiến hành khảo sát.

Chất lượng nhân lực, chất lượng lao động không cao chính là nguyên nhân làm cho năng suất lao động Việt Nam thấp, trong khi đó, năng suất lao động là yếu tố cần thiết nhất cho cạnh tranh quốc tế.

Do đó, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đề nghị, năm 2018 và những năm tới, Chính phủ và các địa phương cần coi trọng vấn đề này, đầu tư nhiều hơn với những giải pháp căn cơ, nhất là đổi mới và áp dụng công nghệ cao, năng suất lao động tổng hợp, chuyển dịch lao động từ các ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất lao động cao theo chuỗi giá trị hàng hóa; nâng cao kỹ năng, tay nghề; đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao, đảm bảo cho Chương trình giảm nghèo bền vững được hiệu quả và thực chất, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

Về chính sách đối với người có công, Bộ trưởng đề nghị các ngành liên quan và các địa phương cần quan tâm chỉ đạo, rà soát xử lý hồ sơ tồn đọng, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành vấn đề này. Thời gian qua, 62/63 địa phương đã thực hiện, giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng ở cấp tỉnh, cấp quân khu, cũng như trong lực lượng công an.

Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Ảnh VGP

Sớm ban hành Nghị quyết 01

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những phát biểu trong 2 ngày diễn ra hội nghị của lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành, các đơn vị có liên quan, đặc biệt là ý kiến phát biểu chuyên ngành của các Phó Thủ tướng, và đề nghị các bộ, ngành, đại biểu dự họp nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện Nghị quyết với các vấn đề cụ thể, nhất là ý kiến, kiến nghị của địa phương. Ngay chiều 29.12 hoặc chậm nhất là đầu tháng 1.2018, Văn phòng Chính phủ phải trình Thủ tướng Chính phủ Nghị quyết 01 để ký, kèm theo 242 loại công việc cụ thể để các cấp, ngành, địa phương tổ chức triển khai ngay trong những ngày đầu của tháng 1.2018, không để “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng của lãnh đạo nhiều cấp, ngành, của người dân trong việc đối phó với thiên tai, vượt qua khó khăn để đạt kết quả trong năm 2017.

Trong năm 2018, Thủ tướng yêu cầu tăng trưởng phải đạt cận trên mức Quốc hội thông qua. Đi cùng với số lượng, chất lượng tăng trưởng phải được nâng lên, đặc biệt, năng suất lao động xã hội phải cao hơn, các chỉ số môi trường phải được cải thiện rõ rệt. Có chuyển biến mạnh mẽ hơn về sức sống, năng lực cạnh tranh của kinh tế từng ngành, từng địa phương, doanh nghiệp, kể cả sản phẩm quốc gia. Xã hội bình yên, an ninh an toàn hơn, mọi người dân Việt Nam, nhất là người nghèo, người yếu thế có cuộc sống tốt hơn, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Hội nghị thống nhất chủ đề năm 2018 với 10 chữ dễ nhớ, để vận dụng ở các địa phương, các ngành, đó là “Kỷ cương- liêm chính- hành động- sáng tạo- hiệu quả”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải xây dựng các hệ thống chỉ tiêu cụ thể, phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao và thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội và Nghị quyết 01 của Chính phủ lần này. Trong đó, phải chú trọng phát triển bền vững, không lơ là kinh tế vĩ mô, phải tái cơ cấu kinh tế một cách thực sự.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục