Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đánh giá sau khi kết thúc công tác coi thi Kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các điểm thi trên phạm vi cả nước. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp báo chiều 27-6.
Chiều 27-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo kết thúc công tác coi thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tổ chức từ ngày 24 đến ngày 27-6 tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, kỳ thi diễn ra theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Từ những hạn chế của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ GD-ĐT đưa ra những quy định, giải pháp kỹ thuật được ghi nhận đã có tác động tích cực ngay tại kỳ thi năm nay.
Đó là: Quy định rõ nội dung đề thi năm 2019 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 và đồng thời tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT; Điều động các trường Đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình; Quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi, lưu trữ, bảo quản đề thi, bài thi tại Điểm thi và Hội đồng thi; Các trường đại học chủ trì chấm thi trắc nghiệm, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa dữ liệu toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi; đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ văn) do sở GD-ĐT chủ trì, quy định chặt chẽ hơn khâu chấm hai vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.
Bên cạnh đó, kỳ thi năm nay còn được chú trọng khâu lựa chọn, phân công cán bộ; phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan Công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi, cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao để bảo đảm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, công tác coi thi được tổ chức nghiêm túc; Kỳ thi diễn ra trật tự, an toàn bảo đảm khách quan công bằng.
Kỳ thi có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 1.980 điểm thi với 38.050 phòng thi; huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức Kỳ thi.
Thống kê dữ liệu cho thấy, năm nay tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 70,2% (năm 2018 là gần 74,3%). Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các điểm thi trên phạm vi cả nước. Không còn hiện tượng phao thi ở các điểm thi. Một số hiện tượng vi phạm Quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi.
Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức. Toàn quốc có sáu cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi. Việc tăng cường công tác tuyên truyền, học tập quy chế Quy chế thi đối với học sinh và tập huấn kỹ nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ tham gia làm công tác thi đã góp phần duy trì kỷ cương thi cử. Theo số liệu thống kê, trong cả kỳ thi chỉ có 79 thí sinh vi phạm Quy chế thi, trong đó 72 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, ba cảnh cáo, bốn khiển trách.
Bộ GD-ĐT cho biết đến thời điểm này, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ; quyết tâm của Bộ GD-ĐT; sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, đặc biệt là bộ Công an; tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao và sự phối kết hợp, chia sẻ của các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ; sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan truyền thông.
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung chỉ đạo triển khai công tác chấm thi bảo đảm chính xác, an toàn, đúng tiến độ; Tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của quá trình chấm thi ở tất cả các Hội đồng thi để bảo đảm chất lượng, tiến độ công tác chấm thi; phòng ngừa, phát hiện xử lý các gian lận trong quá trình chấm thi;
Dự kiến, ngày 14-7 sẽ công bố kết quả cho thí sinh và hoàn thành công tác phúc khảo đúng tiến độ, bảo đảm chính xác, khách quan.
Lai Châu: Xem xét đặc cách cho thí sinh bỏ thi do ốm
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Ban Chỉ đạo, Trưởng ban coi thi THPT quốc gia tỉnh Lai Châu Hoàng Đức Minh cho biết, các thí sinh bỏ thi do ốm sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu nghiên cứu để xét đặc cách tốt nghiệp.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tỉnh Lai Châu có 3.254 thí sinh tham gia dự thi ở 163 phòng thi tại 21 điểm thi. Kết thúc môn thi cuối cùng, toàn tỉnh chỉ có 84 lượt thí sinh bỏ thi, trong đó có ba thí sinh bỏ thi lý do ốm. Tại các điểm thi không ghi nhận có thí sinh, cán bộ làm thi nào vi phạm quy chế; công tác bảo quản đề thi, bài thi đều diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quý chế. Phương án vận chuyển bài thi ở các điểm thi vùng sâu, vùng xa về cơ sở chấm cũng được giao cho trưởng ban chỉ đạo cấp huyện, với quy trình giám sát, bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, Lai Châu không có thí sinh nào phải bỏ thi do mưa lũ.
Trước ngày thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm nay, Lai Châu chịu trận mưa lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tuy nhiên đến cuối giờ chiều 26-6 các điểm tắc đường do mưa lũ đã được thông xe cơ bản. Trước đó do làm tốt công tác chuẩn bị, đưa thi sinh về các điểm thi sớm nên không có thí sinh nào phải bỏ thi do ảnh hưởng của mưa lũ.
Tỉnh Lai Châu chỉ đạo các huyện có chính sách hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh xa điểm thi có kinh phí ăn ở nội trú để các thí sinh yên tâm tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn và thuận lợi. Mức hỗ trợ trung bình từ 280 nghìn đồng đến 480 nghìn đồng cho một thí sinh trong bốn ngày thi. Trong quá trình vận chuyển bài thi về cơ sở chấm, nếu bị ảnh hưởng bởi giao thông do mưa lũ, Ban Chỉ đạo thi tỉnh Lai Châu sẽ điều thêm xe để vận chuyển. Bằng mọi giá trong chiều ngày 27 và muộn nhất trưa ngày 28-6 sẽ chuyển bài thi về cơ sở chấm an toàn, nghiêm túc.
Cà Mau: Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế
Tại buổi sơ kết công tác công tác kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Cà Mau năm 2019, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ Lê Việt Dũng cho biết, trong những ngày thi diễn ra, ngoài các trường hợp vắng thi thì không có thí sinh nào vi phạm quy chế. Có một thí sinh bị tai nạn giao thông (TNGT) trước ngày thi, một thí sinh bị TNGT khi trên đường về nhà ở buổi thi đầu tiên. Cả hai thí trên đều tham gia thi đầy đủ các môn thi còn lại; ba thí sinh khác bị bệnh trước ngày thi không tham gia thi.
Trong quá trình diễn ra kỳ thi, Sở GD-ĐT Cà Mau thành lập hai tổ thanh tra (một tổ trực thanh tra, một giám sát), mỗi tổ ba người (gồm hai thanh tra Sở GD-ĐT và hai trường đại học phối hợp) đã thực hiện thanh tra tại 16 điểm thi của Cụm thi số 63 tại Cà Mau. Qua thanh tra cho thấy, tất cả các buổi thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế (từ khâu bốc thăm phân công cán bộ coi thi, giám sát, phát đề và thu bài ở tất cả các điểm thi đều thực hiện đúng quy chế).
Kỳ thi vừa qua tại Cà Mau, có gần 700 học sinh nằm trong diện khó khăn được hỗ trợ với tổng số tiền gần 200 triệu đồng (kinh phí vận động từ nhiều nguồn); các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 2.000 suất cơm. Ngoài ra còn có các phương thức hỗ trợ khác như: đội xe ôm 0 đồng, nhà trọ miễn phí, hỗ trợ nước uống, áo mưa, tập, viết...
Lực lượng Công an tỉnh hỗ trợ tốt công tác thi gồm: bảo vệ, áp tải đề thi gốc từ Cần Thơ về Ban in sao đề thi, áp tải đề thi đến điểm thi và bài thi từ các điểm thi về Hội đồng thi; trực giữ đề thi, bài thi 24 giờ/ngày trong những ngày thi. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông cũng tăng cường hỗ trợ các chốt đường, tránh ùn tắc giao thông...
Họp sơ kết công tác công tác kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Cà Mau năm 2019.
Toàn hệ thống chính trị và xã hội ở Cà Mau đã chung tay hỗ trợ kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Tỉnh cũng có cách tổ chức thi và coi thi rất trách nhiệm, hiệu quả, đặc biệt là bảo đảm an toàn, tuyệt đối của các thành viên Hội đồng thi. Nhờ đó, đến thời điểm này, có thể khẳng định, kỳ thi THPT năm 2019 tại Cụm thi số 63 đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Được biết, sau khi kỳ thi diễn ra, Ban chấm thi Cụm thi 63 sẽ làm việc từ ngày 28-6 đến 14-7, đặt tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cà Mau. Chậm nhất ngày 14-7, Hội đồng thi tổng kết công tác chấm thi, gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GD-ĐT, công bố kết quả thi. Chậm nhất ngày 18-7, Sở GD-ĐT Cà Mau hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT; công bố kết quả tốt nghiệp THPT; chuyển dữ liệu cho các trường THPT để in giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.
Từ ngày 14 đến 23-7, các trường THPT tiếp nhận đơn xin phúc khảo của thí sinh (nếu có). Chậm nhất ngày 5-8, Sở GD-ĐT công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT chính thức (sau phúc khảo). Chậm nhất ngày 9-8, Sở GD-ĐT gửi danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT chính thức về Văn phòng Bộ GD-ĐT.
Nguồn nhandan