Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Phỏng vấn ông LÊ MINH TRỌNG, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.
(BTN) - Báo Tây Ninh đã có cuộc phỏng vấn ông LÊ MINH TRỌNG, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.
- Thưa ông Trưởng đoàn ĐBQH, qua thông tin từ Báo, Đài, cử tri Tây Ninh được biết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII có nhiều nội dung rất quan trọng, xin ông Trưởng đoàn cho biết vài nét về các nội dung chính trong chương trình kỳ họp?
- Theo chương trình kỳ họp thứ 5, có 4 nội dung chính mà Quốc hội đã thực hiện, đó là: xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; xây dựng Luật và Nghị quyết của Quốc hội; hoạt động giám sát và công tác tổ chức, nhân sự. Sau một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao trước nhân dân, Quốc hội đã hoàn thành các nội dung trong chương trình kỳ họp.
- Ông Trưởng đoàn có thể cho biết Quốc hội đã đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua như thế nào?
- Qua xem xét, thảo luận, Quốc hội nhận định, trong năm 2012, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế; nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng; tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; văn hoá, xã hội, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí có những chuyển biến tích cực; an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại, quốc phòng được tăng cường; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Trong tổng số 15 chỉ tiêu kế hoạch năm 2012, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, đáng chú ý là có chỉ tiêu giảm nghèo vượt kế hoạch đề ra.
Bước vào năm 2013, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội những tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng sản phẩm trong nước (GDP) đều đạt mục tiêu đề ra và cao hơn cùng kỳ năm trước. Tái cơ cấu kinh tế đạt kết quả nhất định. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, văn hoá xã hội có bước tiến bộ. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đạt những kết quả thiết thực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại và quốc phòng được tăng cường.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2013, kinh tế - xã hội phát triển còn chậm, chưa vững chắc và còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đáng quan tâm là: sức ép lạm phát và tiềm ẩn bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn; sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, các khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và công nghiệp - xây dựng tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng tiến triển chậm; việc làm, thu nhập và đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn; tình hình trật tự an toàn giao thông, tình trạng khiếu kiện, nhất là khiếu kiện đông người về đất đai còn diễn biến phức tạp; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước chưa cao; kỷ luật, kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm.
- Như vậy, trong chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2013, Chính phủ sẽ có những giải pháp nào để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 mà các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã đề ra, thưa ông Trưởng đoàn?
- Để có thể khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm 2013, Chính phủ đã đề ra 6 giải pháp: Một là, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012. Hai là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá. Ba là, triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế. Bốn là, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sáu là, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
- Cử tri cũng được biết là tại kỳ họp giữa năm Quốc hội đã tập trung trí tuệ rất nhiều cho nhiệm vụ lập pháp. Ông Trưởng đoàn có thể cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về việc làm luật?
- Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thảo luận và thông qua 9 luật, 8 nghị quyết. Cụ thể là: “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp”; “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng”; “Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp”; “Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi)”: “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú”; “Luật Hoà giải ở cơ sở”; “Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh”; “Luật Phòng, chống thiên tai” và “Luật Phòng, chống khủng bố”. Trong đó có liên quan trực tiếp đến hoạt động ở địa phương là “Luật Hoà giải ở cơ sở” gồm 5 chương, 33 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2014, Luật quy định về hoà giải ở cơ sở với tính chất là tổ chức do nhân dân tự tổ chức hoà giải có sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó quy định về nguyên tắc, chính sách hoà giải ở cơ sở, hoà giải viên, tổ hoà giải; hoạt động hoà giải ở cơ sở; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác hoà giải ở cơ sở.
Về 8 nghị quyết của Quốc hội, gồm có: “Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, năm 2013 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014"; “Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014; “Nghị quyết về xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; “Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011”; “Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII”; “Nghị quyết về việc đàm phán, ký thoả thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào”; “Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân”; và “Nghị quyết về kết quả giám sát “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006 - 2012”. Trong đó có 2 nghị quyết mà tôi nghĩ rằng cử tri rất quan tâm đó là: “Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân”; và “Nghị quyết về kết quả giám sát “Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006 - 2012”.
- Đối với hoạt động giám sát, tại kỳ họp vừa qua Quốc hội đã thực hiện công tác này như thế nào, thưa ông Trưởng đoàn?
- Về công tác giám sát, tại kỳ họp Quốc hội đã xem xét báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012”; báo cáo của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về kết quả giám sát bước đầu tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thuỷ điện; báo cáo của Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 35/2009/QH12 và Nghị quyết 50/2010/QH12 của Quốc hội liên quan đến giáo dục đại học; báo cáo của Hội đồng Dân tộc về kết quả giám sát: “Tình hình đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số” theo Luật Đầu tư. Các báo cáo đã đánh giá đầy đủ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật; đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân của những tồn tại và đề xuất giải pháp, kiến nghị.
Về giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp nhận, phân loại và gửi 1.487 kiến nghị của cử tri cả nước đến cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết, trả lời cử tri. Đến nay, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức hữu quan đã nghiên cứu, giải quyết, trả lời đầy đủ 1.487 kiến nghị của cử tri.. Báo cáo giám sát cũng đã chỉ rõ kết quả đạt được và những hạn chế trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành chủ động rà soát, giải quyết các kiến nghị cử tri đã trả lời là đang, sẽ giải quyết; tiếp tục tổ chức thực hiện các kiến nghị đã nêu trong báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp trước. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và các cấp chính quyền trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, nhằm góp phần bảo đảm việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri được kịp thời, chất lượng, hiệu quả.
|
Cử tri huyện Trảng Bàng bày tỏ nguyện vọng với ĐBQH |
Tại kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Viện trưởng Viện KSND tối cao. Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị ĐBQH. Phiên chất vấn diễn ra dân chủ, công khai, trách nhiệm, có tính tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi thẳng thắn, đúng trọng tâm, tập trung vào những vấn đề lớn được cử tri cả nước quan tâm. Các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành cơ bản giải đáp được các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu ra, và với tinh thần trách nhiệm trước nhân dân đã đưa ra được một số giải pháp cụ thể để khắc phục. Quốc hội đã ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục có những giải pháp tích cực để thực hiện lời hứa trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước tại các kỳ họp trước và kỳ họp này để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
- Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, còn có các nội dung mà ý kiến cử tri cũng như dư luận xã hội rất chú ý, đó là vấn đề sửa đổi Hiến pháp năm 1992, việc sửa đổi Luật Đất đai và việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Xin ông cho biết Quốc hội đã có ý kiến cũng như thực hiện các nội dung ấy như thế nào?
- Về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại kỳ họp các vị ĐBQH đã đánh giá việc kết quả tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trên cơ sở đó xem xét, thảo luận kỹ về việc tiếp thu ý kiến nhân dân để chỉnh lý dự thảo. Đồng thời ĐBQH thảo luận, cho ý kiến về tất cả các chương, điều của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cả về nội dung cũng như kỹ thuật lập hiến.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, tiếp tục xin ý kiến nhân dân, kịp thời chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp sau.
Đối với dự thảo Luật Đất đai
(sửa đổi), Quốc hội thảo luận đánh giá dự thảo Luật này được chuẩn bị công phu,
đã công bố lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội thông qua
tại kỳ họp thứ 5 theo chương trình kỳ họp. Tuy nhiên, qua thảo luận còn nhiều
đại biểu tham gia đóng góp ý kiến và đề nghị tiếp tục nghiên cứu để trình Quốc
hội tại kỳ họp thứ 6, sau khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được Quốc hội
thông qua nhằm bảo đảm tính thống nhất của luật với Hiến pháp. Đồng thời, việc
Quốc hội đã thông qua “Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hằng
năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân” cũng nhằm
mục đích đảm bảo tính thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi).
- Xin cảm ơn ông Trưởng đoàn ĐBQH đã cung cấp cho bạn đọc Báo Tây Ninh, cũng là cử tri trong tỉnh những thông tin rất quý báu. Xin kính chúc ông Trưởng đoàn cùng các vị ĐBQH trong Đoàn dồi dào sức khoẻ để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện nhân dân trong cơ quan quyền lực cao nhất mà cử tri đã tin cậy giao phó.
NGUYỄN TẤN HÙNG
(Thực hiện)