BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa IX: Tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế bền vững 

Cập nhật ngày: 11/07/2017 - 19:30

BTNO - Sáng 11.7, HĐND tỉnh Tây Ninh chính thức khai mạc kỳ họp thứ 4, khóa IX. Kỳ họp sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 11-13.7.

Tại phiên khai mạc, ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bàỵ báo cáo (tóm tắt) tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017.

Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá

Năm 2017, UBND tỉnh đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp và giao cụ thể cho 25 sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm 2017, đã giải quyết 25/97 nội dung (đạt 26% nội dung đề ra), 13 nội dung phát sinh ngoài chương trình công tác.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thành lập 4 nhóm công tác thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2017­- 2021 về nguồn nhân lực, phát triển du lịch, nông nghiệp và hạ tầng giao thông.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,3% so với cùng kỳ (kế hoạch năm 2017 tăng 8% trở lên).

Ông Nguyễn Thành Tâm - Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh phát biểu khai mạc  kỳ họp.
 
Các hoạt động văn hóa- xã hội đạt kết quả khả quan; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường có hiệu quả tốt; thế trận quốc phòng toàn dân tiếp tục được củng cố, nắm chắc diễn biến tình hình, chủ động xử lý kịp thời các tình huống, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Tuy nhiên, UBND tỉnh đánh giá, kinh tế tuy phát triển, song chưa bền vững. Một số sản phẩm nông nghiệp chính của tỉnh giá cả duy trì ở mức thấp, các mô hình mới chuyển đổi cây trồng, liên kết sản xuất - tiêu thụ còn bấp bênh, chưa vững chắc; tình hình chăn nuôi đang gặp khó khăn, giá cả xuống thấp, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân.

Tỉnh cũng chưa hoàn thành mục tiêu 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Kết quả thực hiện và giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt thấp (khối lượng thực hiện đạt 34%, giải ngân 28%), dự án mới giải ngân chậm (khối lượng thực hiện và giải ngân chỉ đạt khoảng 6% kế hoạch), nguồn vốn trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia và vốn ODA chưa  được giải ngân.

Thu hút đầu tư trong nước giảm so cùng kỳ (giảm 37%). Công tác quản lý, khai thác khoáng sản có mặt bất cập, còn xảy ra sai phạm phải xử lý.

Nguồn nhân lực y tế vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu hoạt động chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân và nhu cầu phát triển của tỉnh.

Hệ thống thu gom, xử lý chất thải y tế tại nhiều bệnh viện xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng khó khăn, kết quả chưa cao.

Công tác cải cách hành chính đạt kết quả chưa đồng bộ, vững chắc; chỉ số cải cách hành chính chưa cao; chỉ số CPI năm 2016 giảm so năm 2015; thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị còn hạn chế...

Ông Lê Anh Tuấn- Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017.

Theo đó, để chuẩn bị thẩm tra một số nội dung trình kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá IX nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Kinh tế - Ngân sách đã tổ chức làm việc với một số sở, ngành thuộc khối kinh tế, tiến hành các hoạt động giám sát, khảo sát, thu thập thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong 6 tháng đầu năm 2017.

Ban Kinh tế - Ngân sách cơ bản thống nhất với đánh giá về tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách 6 tháng đầu năm của UBND tỉnh.

Trong 6 tháng qua, nền kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá. Lĩnh vực công nghiệp và thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn kế hoạch năm và đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Thu ngân sách đạt kết quả khá tích cực (đạt 54,1% dự toán); thu hút đầu tư nước ngoài tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước.       

Ban Kinh tế - Ngân sách cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế của tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần phải tập trung đánh giá, phân tích làm rõ hơn nguyên nhân để sớm có giải pháp khắc phục, nhằm làm chuyển biển mạnh mẽ hơn trong điều hành thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2017.

Về  lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn, cần triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, công nghệ cao. Tuy nhiên, việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp còn chậm, chưa đồng bộ; hiệu quả ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn thấp; hiệu quả khắc phục một số hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa cao, sự chuyển biển chưa bền vững; vẫn còn một số công trình, dự án đã đầu tư được đưa vào hoạt động nhưng chưa được duy tu, sửa chữa kịp thời nên xuống cấp, hư hỏng.

Liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản vẫn chưa chặt chẽ và ổn định; hoạt động của kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp phát triển chưa vững chắc.

Về thu hút đầu tư, dù có tăng về số dự án và số vốn đăng ký, nhưng tỷ lệ dự án triển khai, đưa vào hoạt động và vốn thực hiện chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn so với đăng ký.

Công tác mời gọi đầu tư vào các khu kinh tế, cụm công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn; sản xuất, chế biến và tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực của tỉnh (mía, mì, cao su) gặp nhiều khó khăn về thị trường và giá tiêu thụ (hợp đồng bao tiêu chế biến mía đường bằng 82,4% so với cùng kỳ, khối lượng củ mì đưa vào chế biến bằng 98% so với cùng kỳ).

Khối lượng thực hiện và giải ngân vốn xây dựng cơ bản còn thấp (khối lượng đạt 34%, giải ngân 28%), nhất là đối với các dự án mới (khối lượng thực hiện và giải ngân chỉ đạt khoảng 6% kế hoạch).

Mặt khác, số dự án hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chậm hoàn thành các thủ tục thanh toán, khối lượng quyết toán và tất toán tài khoản còn khá lớn.

Đại biểu Võ Văn Dũng (Gò Dầu) phát biểu thảo luận tại tổ vào chiều 11.7
Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công tác thanh tra  kiểm tra, xử lý các vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả chưa đạt hiệu quả cao; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm chưa kịp thời, chưa nghiêm.
 
Việc triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 còn chậm; nhiều cơ chế, chính sách về phát triển du lịch chưa được tập trung nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện.

Trong lĩnh vực tài nguyên- môi trường, tình trạng vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát, đá...) vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi; việc thực hiện các biện pháp quản lý và xử lý vi phạm hiệu quả chưa cao.

Quản lý nhà nước về đất đai, nhất là đất công còn có mặt hạn chế, chưa hiệu quả; các giải pháp hỗ trợ quy hoạch chi tiết, cắm mốc ranh đất nhằm phòng chống lấn chiếm đất công chưa kịp thời.

Hiệu quả quản lý, thu gom, xử lý chất thải, nhất là rác thải sinh hoạt, rác thải tại các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí chưa cao; công tác bảo vệ môi trường tại các xã nông thôn mới vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế bền vững

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng cơ bản thống nhất với nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các báo cáo của UBND tỉnh.

Đồng thời, Ban đề nghị tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Về nông nghiệp và phát triển nông thôn, cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung xây dựng và phát triển mạnh các mô hình sản xuất có hiệu quả; tiếp tục củng cố, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất; nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Tăng cường hơn nữa hiệu quả xây dựng và thực hiện các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, ưu tiên những dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.

Tăng cường rà soát, đánh giá lại các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới để kịp thời có biện pháp chỉ đạo, khắc phục hạn chế; trong đó cần quan tâm hơn đến các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư và nâng cao thu nhập cho người dân.

Về phát triển thương mại - dịch vụ, cần tập trung xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển du lịch; khuyến khích các hình thức hợp tác phát triển, liên kết phát triển du lịch, làm cơ sở cho những bước phát triển đột phá về du lịch của địa phương.

Tỉnh cần sớm có kế hoạch và giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch; đẩy mạnh các giải pháp hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch.

Ngành chức năng cần tăng cường hơn các biện pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Về  thu hút đầu tư - công nghiệp, xây dựng, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư; triển khai có hiệu quả việc đầu tư các công trình, dự án trọng điểm; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và giải ngân vốn đầu tư.

Về tài nguyên - môi trường, cần tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khai thác khoáng sản (đất, cát), bảo vệ môi trường, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm.

Hoàng Thi