Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Với 22 ngày làm việc, nhưng Quốc hội sẽ giải quyết khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ hoàn thành, do đó, Quốc hội sẽ tổ chức thành 2 đợt để có khoảng 5 ngày nghỉ để các cơ quan có thời gian chỉnh lý, rà soát trình Quốc hội thông qua.
Với 22 ngày làm việc, nhưng Quốc hội sẽ giải quyết khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ hoàn thành, do đó, Quốc hội sẽ tổ chức thành 2 đợt để có khoảng 5 ngày nghỉ để các cơ quan có thời gian chỉnh lý, rà soát trình Quốc hội thông qua.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào ngày 22/5 tại Thủ đô Hà Nội. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến về 9 dự án luật khác và các báo cáo quan trọng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 và tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ 5 rất nhiều nội dung, trong đó có Luật đất đai liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và liên quan đến mọi đối tượng. Vì thế cử tri rất quan tâm đến sửa đổi luật đất đai lần này.
Những ý kiến của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 cho thấy Luật đất đai sửa đổi là dự án luật thu hút sự quan tâm rất lớn của nhân dân. Đây cũng là một trong 9 dự án luật được cho ý kiến tại Kỳ họp này.
Cùng với đó, Quốc hội dự kiến thông qua 8 dự án Luật gồm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Quốc hội cũng xem xét, thông qua 3 dự thảo Nghị quyết và xem xét các báo cáo quan trọng. Quốc hội giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn và thực hiện công tác nhân sự.
Đây là kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, cả về xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng quốc gia. Trong đó, có nhiều việc khó, phức tạp và nhạy cảm, tác động lớn như liên quan đến pháp luật về đất đai, đấu thầu, giá, kinh doanh bất động sản, chính sách nhà ở và các hoạt động giám sát…
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo về công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 5.
Do vậy, theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ hoàn thành được đặt lên hàng đầu.
"Kỳ này Quốc hội họp tập trung tại nhà Quốc hội nhưng chia thành 2 đợt. Lý do giúp cho các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, tiếp thu, hoàn thiện các Luật, Nghi quyết được thông qua chất lượng cao. Thời gian qua với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban TVQH phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ trong suốt quá trình chuẩn bị các Luật, Nghị quyết. Tiếp thu chỉnh lý các dự án Luật mà khối lượng gấp đôi kỳ họp trước thì rõ ràng cần thời gian để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội bấm nút thông qua", ông Bùi Văn Cường thông tin thêm.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023. Đây là một nội dung hết sức quan trọng được cử tri, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm. Bởi lẽ, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta nói riêng và thế giới trong năm 2022 và Quý I năm 2023 đang rất khó khăn nên cần có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thoa, đoàn Hải Dương cho biết, sẽ tập trung góp ý tại nghị trường về vấn đề việc làm cho người lao động. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng mà cử tri đã đề xuất.
Còn đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho biết, qua ý kiến cử tri, người dân than phiền về tình hình kinh tế xã hội hiện nay cùng với những khó khăn như thất nghiệp, không có công ăn việc làm, mua bán khó khăn, giá cả tăng vọt… "Họ mong muốn Chính phủ thấy điều đó để có chính sách. Tôi sẽ đặt vấn đề với Chính phủ và đưa những vấn đề của người dân về vấn đề kinh tế xã hội này", đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho biết, vừa qua nền kinh tế của nước ta gặp 2 cú sốc. Đó là cú sốc về dịch bệnh COVID-19 và cú sốc thứ hai là giảm “cầu” từ bên ngoài. Nhưng quan trọng hơn, có thêm 1 cú sốc khác, đó là sự đứt gãy niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của một bộ phận không nhỏ công chức.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đây là bước chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn sẽ được tiến hành tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Tại Kỳ họp này, người dân, doanh nghiệp mong đợi Quốc hội sẽ thảo luận sâu về các vấn đề liên quan để chỉ ra các tồn tại hạn chế, đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan.
Một trong những tiêu chí để đánh giá cán bộ được đặt ra trong dự thảo Nghị quyết này đó là xem xét việc thực hiện nhiệm vụ căn cứ vào tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ và việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo ông Nguyễn Danh Nam, ở quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, các tiêu chí này cần định lượng cụ thể, rõ ràng, tránh định tính, chung chung, rất khó thực hiện khi lấy phiếu.
"Tôi quan tâm đến hiệu quả thực tế của công việc, có anh nói hay nhưng kết quả không có gì rõ, cụ thể, tư duy đổi mới, dám làm nhưng kết quả có chuyển động gì thì đấy là tiêu chí quan trọng, đây là những người lãnh đạo đứng đầu ngành, lĩnh vực nên phẩm chất trong đổi mới, chịu trách nhiệm tập hợp đội ngũ, biết sử dụng con người là tiêu chí thể hiện năng lực lãnh đạo, đặc biệt là dám đối diện với ý kiến của cử tri và đưa ra phương án giải quyết", ông Nam nêu quan điểm.
Tại Kỳ họp này, người dân, doanh nghiệp mong đợi Quốc hội sẽ thảo luận sâu về các vấn đề liên quan để chỉ ra các tồn tại hạn chế, đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan, cái nào thuộc về quy định của pháp luật, cái nào thuộc về khâu tổ chức thực hiện, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào. Từ đó đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn để khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế, tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn, vướng mắc hiện nay.
Nguồn VOV1