BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XII sôi động, hấp dẫn, chất lượng cao

Cập nhật ngày: 19/06/2010 - 12:51

>> Toàn văn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc

Sau 25 ngày làm việc, chiều 19.6, Quốc hội đã bế mạc kỳ họp thứ 7, một kỳ họp ”sôi động, hấp dẫn và có chất lượng cao, giải quyết được một khối lượng lớn công việc với nhiều nội dung quan trọng”...

Thuyết phục bằng lý lẽ và thực tiễn cuộc sống

Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2009, việc triển khai kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2010, tiến hành công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

 Quốc hội đã biểu quyết thông qua 10 bộ Luật, 4 Nghị quyết, xem xét cho ý kiến lần đầu 6 dự án Luật và quyết định các vấn đề quan trọng khác.

Nhận định về kết qủa của Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là một trong những kỳ họp sôi động, hấp dẫn và có chất lượng cao, giải quyết được một khối lượng lớn công việc với nhiều nội dung quan trọng.

“Các nội dung thảo luận tập trung, đi thẳng vào các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đã tạo nên được sức cuốn hút ngay từ đầu. Không khí thảo luận thẳng thắn, dân chủ, xây dựng, có trao đi đổi lại, tranh luận, thuyết phục bằng lý lẽ trí tuệ và thực tiễn cuộc sống, qua đó tạo được sự thống nhất trên nhiều vấn đề”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc với tinh thần thực sự cầu thị của Chính phủ, tinh thần làm việc trách nhiệm của các cơ quan liên quan cũng như các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, chuẩn bị các ý kiến phát biểu tâm huyết, có chất lượng, nhiều ý kiến sắc sảo, sát với cuộc sống và phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Để phát huy những kết quả tại Kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các ngành, các cấp, theo chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai nghiêm túc các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. Nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong việc khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi kế hoạch KT-XH năm 2010 và 5 năm 2006-2010.

Đối với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ, qua thảo luận, chất vấn đã làm rõ thêm được nhiều vấn đề quan trọng, giúp Chính phủ, các thành viên Chính phủ và cơ quan hữu quan thấy rõ hơn trách nhiệm và giải pháp để khắc phục những yếu kém trong công tác, thực hiện tốt hơn nữa chức trách được giao.

Quốc hội không thông qua Nghị quyết về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh

Cũng trong phiên bế mạc chiều 19.6, Quốc hội đã biểu quyết, với số đại biểu tán thành không quá bán, Quốc hội đã không thông qua  Nghị quyết về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bỏ phiếu cho dự án đường sắt cao tốc.

Nghị quyết về dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM được đưa ra biểu quyết với 2 phương án.

Phương án thứ nhất như đã xin ý kiến đại biểu trước đó, thể hiện quan điểm, cần huy động đa dạng mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội, trong nước và ngoài nước, bằng nhiều phương thức đầu tư để tăng đầu tư, cải thiện rõ rệt cơ sở hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước cũng như trong từng vùng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Theo đó, dự án đường sắt cao tốc sẽ được đầu tư theo phương án trong Báo cáo đầu tư trình QH đầu kỳ họp.

Kết quả biểu quyết, chỉ 209 đại biểu (tương đương 42,39%) tán thành còn 191 đại biểu (38,74%) không tán thành.

Cả 2 phương án đầu tư đường sắt cao tốc đều có tỷ ệ ủng hộ rất thấp.

Phương án thứ hai là tán thành chủ trương đầu tư dự án với tư tưởng, chỉ đạo, nội dung và bước đi như sau:

QH giao cho Chính phủ trước mắt, rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông tổng thể trong cả nước, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không phù hợp với yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nguồn lực tài chính nhà nước, điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường, đặc điểm văn hoá và phân bố dân cư; trong đó có quy hoạch hệ thống giao thông Bắc - Nam, xác định rõ lộ trình thực hiện, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông của cả nước và các vùng.

Tiếp theo đó, đơn vị thực hiện lập quy hoạch chi tiết; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM.

Bộ trưởng GT-VT Hồ Nghĩa Dũng chờ đợt kết quả biểu quyết của QH.

Trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư một trong hai đoạn tuyến Hà Nội - Vinh hoặc TPHCM - Nha Trang, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một đoạn tuyến được chọn và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn, đa dạng phương thức đầu tư.

Từ kết quả đầu tư xây dựng đoạn tuyến được chọn, tiến hành đánh giá việc đầu tư, khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc triển khai đầu tư xây dựng các bước tiếp theo.

Phương án này cũng chỉ nhận được 37,53% (185 đại biểu) tán thành còn 41,15% đại biểu khác không nhất trí thông qua.

Nội dung, lộ trình triển khai dự án như trên cũng chỉ nhận 31,85% (157 đại biểu) tán thành; 34,48% (179 đại biểu) phản đối; 16,53% đại biểu khác không biểu quyết.

Với tỷ lệ “phiếu thuận” ở cả 2 phương án đều chưa đủ mức quá bán (50%), QH đã thống nhất chưa thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM.

(Theo VOV/Dantri)