Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Giám sát chặt các hoạt động tại khu kho ngoại quan
Thứ năm: 15:01 ngày 07/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Giám sát chặt chẽ những hoạt động tại khu kho ngoại quan- đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại phiên chất vấn sáng 7/11 liên quan đến lô nhôm 4,3 tỷ USD giả hàng Việt để xuất đi Hoa Kỳ của doanh nghiệp do người Trung Quốc đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trước câu hỏi của đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nêu lên vấn đề về lô nhôm trong kho ngoại quan của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Qua  thông tin phản ánh quốc tế, chúng tôi đã nắm được sự việc từ cuối năm 2016.

Ngay đầu năm 2017, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Bộ Công an tổ chức đoàn kiểm tra. Đây là doanh nghiệp do người Trung Quốc đầu tư tại Vũng Tàu và nhập rất nhiều nhôm đưa về khu kho ngoại quan và khu chế xuất để phục vụ xuất khẩu. Qua kiểm tra tại thời điểm đó thấy rằng, các hoạt động xuất khẩu nhôm này chưa có gì đột biến.

Sáng 7/11/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến lĩnh vực Công thương. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Doanh nghiệp xuất khẩu sang phần lớn các thị trường khác và thị trường Mỹ thì không đáng kể. Thị trường Hoa Kỳ lúc đó có khối lượng xuất khẩu rất thấp, chỉ khoảng 10% tổng lượng xuất khẩu. Lúc đó, giá trị xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng số 10%; Đoàn kiểm tra chưa phát hiện ra những sai phạm trong công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng như thực tế của các sản phẩm được xuất xứ Việt Nam", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời.

Sau khi doanh nghiệp có những biến động bất thường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương cũng đã trao đổi với Bộ Tài chính và đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo, tăng cường giám sát các biến động bất thường liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp này cũng như lô nhôm này; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khi cấp giấy chứng nhận hàng hóa phải kiểm soát thật chặt chẽ những tiêu chuẩn, tiêu chí trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ.

Do đó, xuất khẩu nhôm nguồn gốc Trung Quốc không đáng kể và không gây ra những vướng mắc đến vấn đề trong quan hệ thương mại quốc tế với Hoa Kỳ.

Trước một số ý kiến đại biểu nêu lên, liệu doanh nghiệp có lợi dụng chuyển lô nhôm thành hàng hóa tiêu thụ tại thị trường Việt Nam hay không, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt những hoạt động tại khu kho ngoại quan, đồng thời thực hiện áp thuế nhập khẩu đối với nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tiêu dùng trong nước.

“Kho ngoại quan là khu vực kho bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan để xuất khẩu ra nước ngoài. Hàng hóa đưa vào Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài cũng như nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định là hàng hóa gửi kho ngoại quan được lưu giữ trong thời gian không quá 12 tháng. Nếu quá thời gian này, có lý do chính đáng mới được Cục trưởng Cục Hải quan quản lý kho ngoại quan gia hạn không quá 12 tháng. Vì vậy, cơ quan chức năng của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện những biện pháp giám sát chặt chẽ, nghiêm túc với những hoạt động tại khu kho ngoại quan”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ.

Nêu dư luận cho rằng các nước đang bị Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu trừng phạt thương mại sẽ lợi dụng thị trường Việt Nam, lợi dụng chính sách xuất khẩu của Việt Nam để vi phạm, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đặt vấn đề, sự gian lận thương mại này dẫn đến nguy cơ, hệ lụy là Việt Nam sẽ bị các nước điều tra áp thuế, chống phá giá. Đặc biệt, gây thiệt hại trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, theo cơ chế phòng vệ thương mại có danh mục 25 mặt hàng được cảnh báo có nguy cơ bị gian lận thương mại. “Nói đó là nguy cơ vì chúng ta chưa có cơ sở, cần các cơ quan chức năng giám sát và kiểm tra thực tế trong các hoạt động thương mại quốc tế mới có thể phát hiện những hoạt động gian lận này gian lận này”, Bộ trưởng Công Thương cho biết.

Nhấn mạnh cần phải ngăn chặn các hoạt động gian lận ngay từ việc đầu tư bất hợp pháp, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, cần sự phối hợp của các cơ quan trong giám sát thực hiện. Tới đây Bộ sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan, trong đó Bộ Tư pháp để rà soát lại vấn đề pháp lý, đảm bảo văn bản pháp quy được ban hành.

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục