Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhiều người có công với cách mạng vẫn chưa được giải quyết chế độ
Kỳ I: Day dứt nhiều câu chuyện
Chủ nhật: 22:59 ngày 20/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Họ kể, từng tham gia hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, bị địch bắt, tù đày. Thế nhưng, sau 46 năm giải phóng, thống nhất đất nước, họ vẫn chưa được hưởng chế độ người có công.

Ông Nhướng, 88 tuổi, chưa được hưởng chế độ tù kháng chiến (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021)

Ông Nguyễn Văn Nhướng- 88 tuổi, ngụ ấp Cầu Xe, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng cho biết, năm 1968, nhiều người ở xã Ðôn Thuận (cũ) xuống đường đấu tranh, bị địch bắn bị thương, nên ông đào hầm bí mật trong nhà nuôi giấu thương binh.

Năm 1970, ông bị địch bắt khi đang trú dưới hầm bí mật cùng với 3 anh em khác. Ông bị đưa đi giam giữ ở Trại giam Hậu Nghĩa (ngày 14.10.1963, chính quyền nguỵ Sài Gòn do Ngô Ðình Diệm làm tổng thống ra Sắc lệnh 124/NV thành lập tỉnh Hậu Nghĩa trên cơ sở sáp nhập 4 huyện Trảng Bàng, Củ Chi, Ðức Hoà, Ðức Huệ. Tỉnh Hậu Nghĩa tồn tại đến ngày giải phóng - NV). Một năm sau, ông được chuyển xuống nhà tù Biên Hoà (tỉnh Ðồng Nai).

Trong lúc bị địch giam giữ, ông Nhướng khai tên là Nguyễn Văn Giữa. Lúc bị bắt không có giấy tờ tuỳ thân nên quân địch không có căn cứ để đối chiếu tên thật hay giả. Sau khi được thả ra, ông Nhướng tiếp tục tham gia cách mạng đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Vì có công trong Kháng chiến, vợ chồng ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, nhưng từ đó đến nay, ông Nhướng vẫn chưa được hưởng chế độ tù kháng chiến theo quy định.

Ông Lê Văn Sinh, sinh năm 1949, ngụ ấp Lộc Trung, xã Hưng Thuận, chìa bàn tay trái không có ngón cái cho tôi xem. Theo lời ông Sinh, năm 1961, ông tham gia lực lượng du kích ở địa phương và bị bắt khi đang trú ẩn dưới hầm bí mật nhà ông Nhướng năm 1970, cũng bị địch đưa vào Trại giam Hậu Nghĩa.

Thời điểm này, ông Sinh khai tên giả là Nguyễn Văn Bảy, sinh năm 1952, đang trốn lính quân dịch ở chùa về nhà thì bị bắt. Sau khi ra tù, địch cấp cho ông thẻ căn cước mang tên Nguyễn Văn Bảy. Ðến nay, ông Sinh còn giữ thẻ căn cước này như một kỷ niệm thời chiến tranh. Trong thời gian ở tù, ông Sinh còn tự huỷ hoại thân thể mình bằng cách dùng đá đập nát ngón tay cái để quân địch không bắt đi quân dịch.

Ðến nay, bốn người bị bắt cùng một lúc là ông Lê Văn Diệm (đã chết), Nguyễn Văn Nhướng, Dương Văn Né và Lê Văn Sinh, mới chỉ có ông Né được hưởng chế độ tù kháng chiến.

Ông Võ Văn Cuốn nhớ lại, năm 1965, ông đi dân công hoả tuyến làm nhiệm vụ tải thương, tải gạo ở Bến Cát (tỉnh Bình Dương). Năm 1969, ông về nhà, trốn dưới hầm bí mật, bị địch bắt giam ở Hậu Nghĩa 7 - 8 tháng, sau đó đưa đi giam giữ ở Biên Hoà 6 tháng.

Trong tù, ông Cuốn khai bị “Việt Cộng bắt đi vác gạo” chứ không tham gia hoạt động bên nào hết. Sau khi được thả ra, trở về địa phương tiếp tục làm du kích, gài mìn chống quân địch càn vào thôn xóm. Vợ ông Cuốn- bà Trương Thị Ðể cũng tham gia kháng chiến, bị địch bắt, tra khảo, đánh đến hộc máu miệng.

Năm 1994, hai vợ chồng ông Cuốn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba. Nhưng, chế độ tù kháng chiến, đến nay ông vẫn không hiểu tại sao mình chưa được hưởng. “Ba năm nay, tôi bị đau tim, phải gắn máy trợ tim, tháng nào cũng đi khám bệnh. Giờ không biết chết ngày nào, không biết đến bao giờ mới được giải quyết?”- ông Cuốn nói.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri các xã Ðôn Thuận, Hưng Thuận, phường Lộc Hưng (thị xã Trảng Bàng) với ứng cử viên đại biểu Quốc hội đơn vị số 1, ngày 17.5, ông Lê Văn Khoăn- Phó Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến thị xã Trảng Bàng cho biết, hiện thị xã Trảng Bàng còn hơn 150 hồ sơ tham gia kháng chiến chống Mỹ bị địch bắt tù đày nhưng chưa được giải quyết chế độ.

Theo ông Khoăn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều trường hợp khi bị bắt, khai tên họ, địa chỉ của bản thân và cha hoặc mẹ khác với họ tên thật, hoặc họ chối bỏ hoàn toàn việc có tham gia cách mạng để không bị địch tra khảo, nhục hình.

Những trường hợp này, trong hồ sơ không thể hiện tham gia cách mạng mà bị bắt tù đày với tư cách người dân thường và vì những tội danh khác. Ngoài việc căn cứ vào hồ sơ lưu trữ của ngành Công an để kết luận, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tổ chức họp tại xóm ấp để lấy ý kiến dân địa phương đối với từng trường hợp cụ thể. Và phải tổ chức càng sớm càng tốt, vì hiện tại, những người tù kháng chiến và những nhân chứng đều 70 tuổi trở lên, nhiều người đã qua đời.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Trúc Giang- Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) thị xã Trảng Bàng cho biết, trước đó, trong hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp 19 HÐND tỉnh, ngày 26.4.2021, Văn phòng HÐND- UBND tỉnh có  Công văn số 492/VP về việc rà soát xử lý, giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp 19 HÐND tỉnh.

Phòng LÐ-TB&XH thị xã Trảng Bàng báo cáo kết quả, Sở LÐ-TB&XH đã phối hợp với Công an tỉnh và Bộ Công an tra cứu hồ sơ đối với 374 trường hợp làm hồ sơ kê khai là người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày. Trong đó, chỉ có 43 trường hợp Sở LÐ-TB&XH có văn bản xin ý kiến Cục Người có công Bộ LÐ-TB&XH đồng ý cho cho bổ sung hồ sơ, trong 43 trường hợp chỉ có 2 trường hợp của xã Ðôn Thuận là bà Nguyễn Thị Anh và bà Võ Thị Rảnh. Sau khi có kết quả, Sở LÐ-TB&XH sẽ thông báo cho Hội Người tù kháng chiến tỉnh biết, trả lời cho 2 đối tượng nêu trên. Những trường hợp còn lại không thuộc đối tượng để xem xét, giải quyết.

Vì sao cử tri thị xã Trảng Bàng cho rằng còn hơn 150 hồ sơ tham gia kháng chiến chống Mỹ bị địch bắt tù đày chưa được giải quyết chế độ, trong khi đó, ngành chức năng khẳng định, Trảng Bàng chỉ còn có 2 người tù kháng chiến chưa được giải quyết chế độ? Con số chênh lệch hơn 148 trường hợp từ đâu ra?

Ðại Dương

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục