Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nơi đây có đầy đủ cơ sở vật chất và cuộc sống diễn ra bình thường như những nơi khác trên dải đất hình chữ S thân yêu.
Chùa Trường Sa Đông.
Đến đảo Trường Sa, chúng tôi có dịp tham quan, tìm hiểu đời sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo. Nơi đây có đầy đủ cơ sở vật chất và cuộc sống diễn ra bình thường như những nơi khác trên dải đất hình chữ S thân yêu.
Trường học trên đảo
Trên đảo hiện có Trường tiểu học thị trấn Trường Sa. Đây là cơ sở dạy học đặc biệt, chỉ một lớp học gồm 4 học sinh mẫu giáo và 1 học sinh lớp 4 do thầy giáo Bành Hữu Tình (SN 1983) giảng dạy.
Thầy Tình tâm sự, quê anh ở tỉnh Khánh Hoà, trước đây, anh là giáo viên ở địa phương. Một lần tham quan Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, anh xúc động khi biết được có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì biển đảo. Sau đó, anh tình nguyện làm giáo viên trên đảo Trường Sa cho đến nay.
Thầy Tình kể tiếp, vì chỉ có một mình anh là giáo viên nên thời gian đầu ra đảo nhận nhiệm vụ gặp khó khăn trong việc tổ chức lớp học. Tuy nhiên, lớp học cũng dần ổn định và đi vào nề nếp. Quá trình công tác ở đây, thầy Tình có nhiều kỷ niệm đẹp.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 vừa qua, lãnh đạo các đơn vị đóng quân trên đảo, phụ huynh và các em học sinh đến lớp học chúc mừng thầy giáo, cùng ăn bánh, kẹo, uống nước ngọt, tâm sự với nhau. Còn lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà và Sở Giáo dục và Đào tạo, các đồng nghiệp quan tâm thăm hỏi, động viên bằng những dòng tin nhắn đầy tình cảm.
Sau 5 năm dạy học trên đảo, thầy giáo trẻ này có chút tiếc nuối vì không quyết định ra đảo sớm hơn để được cống hiến nhiều hơn cho mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Thầy Tình tâm sự: “Mặc dù không có điều kiện về nhà vui xuân, đón tết mỗi năm, nhưng với cuộc sống đầy ắp nghĩa tình trên đảo, tôi cảm thấy ấm áp như đang ở nhà cùng người thân của mình”.
Thầy giáo Bành Hữu Tình dạy các em học sinh Trường tiểu học thị trấn Trường Sa hát bài đồng dao Nu na nu nống.
Những ngôi chùa trên đảo
Hiện nay, trên quần đảo Trường Sa có 9 ngôi chùa khá đẹp. Hằng ngày, vào lúc sáng sớm hay chiều tối, nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đến chùa thắp hương, cầu nguyện.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Xuyến- Trạm radar 11 bộc bạch: “Lần nào đến công tác ở đảo Trường Sa, tôi đều đến chùa thắp hương cầu nguyện những điều an lành, tốt đẹp cho gia đình, bạn bè, cộng đồng xã hội. Trong môi trường biển đảo xa xôi, mỗi lần nghe tiếng chuông chùa ngân vang, anh em chiến sĩ đều cảm thấy sự an yên trong lòng”.
Tương tự, trên đảo Trường Sa Đông cũng có ngôi chùa khá quy mô, cổ kính. Trụ trì chùa Trường Sa Đông là Đại đức Thích Quy Nghĩa kể, năm 2022, ông đến đây đã thấy có ngôi chùa này. Hằng ngày, vào lúc 4 giờ sáng cúng thời khoá, 5 giờ đánh chuông. Buổi chiều, 16 giờ cúng thí, 18 giờ 30 đánh chuông, 19 giờ tụng kinh.
“Những ngày rằm, lễ, tết, cán bộ, chiến sĩ trên đảo thường đến chùa thắp hương cầu bình an; cầu nguyện cho quân dân biển đảo nhiều sức khoẻ, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”- Đại đức Thích Quy Nghĩa cho hay.
Chiến sĩ trên đảo Trường Sa thu hoạch đu đủ.
Tăng gia sản xuất trên đảo
Đến thăm một số đơn vị trên đảo Trường Sa, chúng tôi đều thấy những khu tăng gia sản xuất trồng nhiều loại rau xanh và cây ăn trái như cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, mướp, bí, đu đủ, chuối v.v…
Trung uý Đặng Tiến Thọ- Phân đội trưởng Phân đội 3, Cụm chiến đấu 2, đảo Trường Sa chia sẻ, những loại rau này do các đoàn công tác đến thăm và tặng hạt giống. Sau đó, chiến sĩ đem gieo trồng trên đảo.
Việc trồng rau trên đảo khó khăn vì thường xuyên có nắng nóng và gió biển mang theo chất mặn, sương muối, sương giá làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự sinh trưởng của rau quả.
Để khắc phục tình trạng này, tất cả các vườn rau đều phải xây tường che chắn xung quanh và giăng lưới chống gió, sương bên trên. Để duy trì vườn rau xanh tốt, chiến sĩ gom lá của các loại cây phong ba, cây trai, bàng vuông rụng trên đảo, ủ cho hoai mục, sau đó bón cho vườn cây.
Trên đảo có rất nhiều cây xanh cao to, rợp bóng mát, như cây trai, bàng vuông, phong ba, phi lao... Xen kẽ là nhiều loại cây kiểng, cây ăn trái từ đất liền chuyển ra, như cây dừa, cây sanh, bông giấy, mù u, sứ, nhàu, lá láng v.v... Do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng ở biển đảo rất khắc nghiệt, hầu hết những loại cây kiểng, cây ăn trái từ đất liền chuyển ra đều được chăm sóc với chế độ đặc biệt.
Chiến sĩ trên đảo Đá Đông A chăm sóc rau xanh.
Đại uý Hoàng Công Thịnh- Chính trị viên Trạm radar 11 cho biết, đặc thù ở đây nước biển dâng cao, gây ngập và gió biển thổi mạnh nên tất cả các loại cây kiểng mới ươm trồng đều phải được quây lưới xung quanh để hạn chế bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu.
Đơn vị ủ lá mục, mua phân bò từ đất liền và gửi tàu chở ra để bón cho các loại cây. Hằng năm, các đơn vị trên đảo đều phát động Ngày Tết trồng cây và mỗi chiến sĩ trước khi ra quân đều trồng 3 cây để làm kỷ niệm với biển đảo.
Đại uý Hoàng Công Thịnh chăm sóc cây kiểng trên đảo Trường Sa.
Nhờ có nhiều cây xanh, môi trường sinh thái trên tất cả đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều được cải thiện rất tốt và trở thành nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió bão, tiếp tế lương thực, thực phẩm, rau xanh, nước ngọt.
Ngoài ra, trên một số đảo còn có nhiều cơ sở chăm sóc sức khoẻ, rèn luyện thể thao, vui chơi giải trí, như trung tâm y tế, câu lạc bộ thể thao, sân bóng chuyền, tủ sách, báo… Trung tá Nguyễn Hữu Dục kể, 24 năm trước anh thuộc Trung đoàn Công binh 83 Hải quân, đã nhiều lần tham gia xây dựng các công trình trên biển đảo.
Sau hơn 10 năm chuyển qua nhiệm vụ phóng viên Trung tâm PT-TH Quân đội, có dịp trở lại Trường Sa, anh rất vui vì điều kiện sinh hoạt cải thiện hơn so với hơn 10 năm trước.
“Trước đây, trên các đảo chỉ dùng máy nổ để phát điện, hiện nay đã có hệ thống điện gió, năng lượng mặt trời, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và xử lý nước mưa”- Trung tá Nguyễn Hữu Dục chia sẻ.
Ngoài Trường tiểu học thị trấn Trường Sa, trên quần đảo Trường Sa còn có Trường tiểu học Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn) và Trường tiểu học Song Tử Tây (đảo Song Tử Tây).
Đại Dương
(còn tiếp)