Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Di tích Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam: Nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử cách mạng hào hùng
Kỳ II: Những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá
Thứ hai: 14:10 ngày 22/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong tình thế cách mạng miền Nam mới thoát khỏi thời kỳ khó khăn, khủng hoảng, vấn đề tổ chức, phát triển lực lượng có ý nghĩa quyết định. Do đó, xây dựng hệ thống tổ chức Ban Tuyên huấn đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bia tưởng niệm tại Ban Tuyên huấn Trung ương miền Nam.

Củng cố hệ thống tổ chức

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức. Ngay từ khi thành lập, nhân sự tham gia bộ máy lãnh đạo Ban Tuyên huấn đã được Trung ương Cục miền Nam “bố trí các đồng chí cán bộ có kinh nghiệm, bản lĩnh, sành sỏi trong công tác tư tưởng”, có tầm chiến lược như đồng chí Nguyễn Văn Linh- Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Trưởng ban; đồng chí Trần Bạch Đằng- Phó Trưởng ban Thường trực; Uỷ viên Ban gồm: đồng chí Trần Trọng Tân, Tân Đức, Tô Lâm.

Ban lãnh đạo đã thống nhất phân công đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ đạo chiến lược; đồng chí Trần Bạch Đằng phụ trách chung hoạt động của Ban và Văn phòng Ban, công tác thi đua - khen thưởng, Báo Nhân dân miền Nam; đồng chí Trần Trọng Tân phụ trách mảng Huấn học, Trường Đảng, Tạp chí Tiền Phong; đồng chí Tân Đức, Tô Lâm phụ trách Thông tấn xã Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng, văn nghệ, giáo dục.

Sau chiến thắng Ấp Bắc đầu năm 1963, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, đòi hỏi cần thiết phải tăng cường lực lượng cán bộ tuyên huấn cho địa phương. Ban Tuyên huấn đã mở các lớp huấn luyện, thành lập các trường đào tạo cán bộ như: Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc miền Nam, Trường giáo dục Tháng Tám, Trường Tuyên huấn - Báo chí miền Nam, lớp Điện ảnh, lớp Hội hoạ, lớp Thông tấn báo chí. Đã có nhiều cán bộ tuyên truyền, lý luận, văn hoá, nghệ thuật, giáo dục được đào tạo trong thời gian này, bổ sung kịp thời cho Ban Tuyên huấn và các địa phương đang thiếu cán bộ.

Đến cuối năm 1963, Ban Tuyên huấn đã xây dựng thành các tiểu ban chính, bộ máy tổ chức do lực lượng cán bộ được đào tạo từ cơ bản đến nâng cao đảm nhận như: Tuyên truyền, Tuyên truyền đối ngoại, Văn nghệ, Giáo dục, Huấn học, Thông tấn Báo chí và một số cơ quan hỗ trợ khác như: nhà in Trần Phú, Nhà xuất bản Giải phóng, bệnh viện, đơn vị bảo vệ,..

Khu Di tích Ban Tuyên huấn Trung ương miền Nam.

Cuộc đấu tranh gian nan, khốc liệt

Để chuẩn bị cho tổng tiến công Mậu Thân 1968, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục quyết định tăng cường lực lượng và phương tiện cho các bộ phận Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng, Tiểu ban Huấn học.

Trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 với quyết tâm “quyết chiến quyết thắng” giặc Mỹ xâm lược, Ban Tuyên huấn đã thành lập đoàn cán bộ tiền phương (xuống đường). Đoàn cán bộ tiếp quản các cơ quan thông tin của chính quyền Sài Gòn. Tham gia chiến dịch, các đơn vị của Ban Tuyên huấn bám sát địa bàn, cùng với các cánh quân tham gia các trận đánh vô cùng quyết liệt ở Sài Gòn, các địa bàn trọng điểm khác trên miền Nam.

Lực lượng thông tin, tuyên truyền kịp thời đưa tin tức hình ảnh của cuộc tấn công, phản ánh sinh động cuộc chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta trong tổng tiến công đợt 1, đợt 2, đợt 3 đến đồng bào cả nước và Nhân dân trên toàn thế giới, góp phần vào thắng lợi chung.

Diễn biến từng trận đánh, từng mặt trận, những gương chiến đấu anh dũng, sự xả thân vì độc lập, tự do của quân dân miền Nam trong các đợt tiến công đã được các chiến sĩ xung kích của Ban Tuyên huấn viết thành bản hùng ca của khí phách Việt Nam, tạo nên “dáng đứng Việt Nam”.

Cuộc tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải thay đổi chiến lược Chiến tranh cục bộ bằng chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh.

Triển khai chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục thi hành quốc sách “bình định”, tiến hành cuộc phản công quyết liệt, tàn khốc bằng sức mạnh toàn diện từ giữa năm 1968 đến cuối năm 1969.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái và Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Xuân Hương dâng hương tại Di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (ảnh: Hoàng Trần)

Trong tình thế khó khăn của cách mạng miền Nam, Ban Tuyên huấn xác định nhiệm vụ then chốt trong công tác chính trị, tư tưởng lúc này là phải động viên nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn đảng, toàn dân, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, tiếp tục tấn công địch trên cả ba vùng chiến lược.

Phát động một cao trào chính trị, binh vận và du kích rộng lớn để bẻ gãy các kế hoạch bình định của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, mở rộng vùng giải phóng ở  nông thôn, đẩy mạnh phong trào đô thị; đồng thời phối hợp chặt chẽ với mặt trận ngoại giao để vạch trần âm mưu kéo dài chiến tranh và thủ đoạn ngoại giao xảo quyệt của Mỹ.

Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam thành lập, Ban Tuyên huấn đã điều động cán bộ tham gia bộ máy chính quyền. Đây là thời kỳ chuyển đổi rất đặc biệt, Ban Tuyên huấn thực hiện hai chức năng Đảng và chính quyền.

Mặc dù thực hiện cùng lúc hai chức năng vừa là cơ quan chuyên môn của Trung ương Cục miền Nam, vừa là cơ quan của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Ban Tuyên huấn vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Minh Trọng phát biểu tại buổi họp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương miền Nam (20.12.1960 – 20.12.2010), tại Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát, thời điểm năm 2010.

Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10.1974 và tháng 12.1974 đã quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, từ hậu phương miền Bắc đến tiền tuyến miền Nam đã chuẩn bị mọi mặt về tư tưởng, tổ chức cho tổng tiến công và nổi dậy. Ở miền Nam, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ thuộc lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, cán bộ, học viên các trường Đảng kết thúc khóa học sớm để tham gia cuộc tấn công và nổi dậy.

Trong không khí sôi động của thời khắc lịch sử, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã nhanh chóng chuẩn bị lực lượng tham gia cùng các cánh quân về giải phóng Sài Gòn, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ công tác mới.

Ngày 18.4.1975, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập đoàn trọng điểm thuộc Ban Tuyên huấn chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn sau khi giải phóng. Đây là “bộ khung” cán bộ lãnh đạo các bộ phận tham gia giải phóng Sài Gòn và tiếp quản các cơ quan văn hoá thông tin, giáo dục của chính quyền Sài Gòn.

Sáng ngày 30.4.1975, đồng loạt các cánh quân dũng mãnh tiến về Sài Gòn. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức về nguồn, họp mặt truyền thống tại Di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (ảnh: Hoàng Trần)

Đoàn công tác trọng điểm, theo sự phân công từ trước đã tiếp quản các cơ quan thông tin truyền thông, văn hoá giáo dục của chính quyền Sài Gòn.

Cán bộ Đài Phát thanh giải phóng tiếp quản Đài phát thanh Sài Gòn. Tổ phóng viên, điện báo của Thông tấn xã Giải phóng tiếp quản Việt tấn xã. Tiểu ban Giáo dục tiếp quản đội ngũ giáo chức và cơ sở trường lớp, tiếp quản Bộ Giáo dục của chế độ cũ, nhanh chóng ổn định tình hình tư tưởng, tích cực chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới.

Một bộ phận thuộc Văn phòng Ban Tuyên huấn tiếp quản trụ sở Bộ Thông tin và chiêu hồi, Cục Quốc gia Điện ảnh Sài Gòn. Các cán bộ không tham gia đoàn trọng điểm, theo sự phân công của Ban Tuyên huấn xuống hỗ trợ các địa phương nổi dậy giành chính quyền.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong 14 năm (1961 - 1975) hình thành, xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống tổ chức, Ban Tuyên huấn đã cùng với quân dân cả nước góp phần làm nên chiến thắng chung của dân tộc.

Đại Dương

(còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục