Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhiều di tích chưa đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch
Kỳ II: Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Thứ tư: 00:42 ngày 31/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh có 68 di tích cấp tỉnh, trong đó có nhiều di tích mang ý nghĩa lịch sử đối với sự hình thành và phát triển của vùng đất. Di tích lịch sử là tài sản vô giá của các thế hệ cha ông để lại, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hầu hết các di tích chưa được đầu tư, khai thác du lịch.

Đường vào di tích Căn cứ Bộ đội hải ngoại số I- Sivotha nhỏ hẹp.

Căn cứ Bộ đội hải ngoại I- Sivotha: Mặt bằng chật hẹp

Khu đài tưởng niệm Căn cứ Bộ đội hải ngoại I- Sivotha được xây dựng từ năm 2002, trong rừng Cầy ở ấp Lưu Văn Vẳng, xã Hoà Hội, huyện Châu Thành. Phía trong khu tưởng niệm có đặt tượng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Ngô Thất Sơn- Chỉ huy trưởng Bộ đội hải ngoại 1 Nam bộ- tên chính thức khai sinh ở giữa Rừng Cầy. Bên trong đài tưởng niệm có dựng tấm bia bằng đá granite. Mặt trước tấm bia khắc lịch sử hình thành và hoạt động của đơn vị bộ đội hải ngoại này; mặt sau khắc tên 230 cán bộ và chiến sĩ Sivotha- Hải ngoại I, giai đoạn 1946-1950.

Theo thông tin trên bảng di tích, Bộ đội hải ngoại I- Sivotha là đơn vị đặc biệt của vệ quốc đoàn Nam bộ làm nhiệm vụ quốc tế, tình nguyện quân Việt Nam tại miền Đông Campuchia trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Từ khi về nước, suốt 5 năm chiến đấu (1946-1951), Bộ đội hải ngoại I rồi đến bộ đội Sivotha đều dừng chân ở Tây Ninh và lập căn cứ ở rừng Cầy. Nơi đây không chỉ là hậu cứ của ban chỉ huy đơn vị mà còn là nơi học tập, huấn luyện của các đơn vị vũ trang công tác độc lập.

Đơn vị đã dựng nhiều căn cứ kháng chiến liên hoàn dọc theo biên giới, tạo lá chắn an toàn phía sau lưng các căn cứ chiến lược của Tây Ninh, góp phần đáng kể cho Tây Ninh và các tỉnh miền Đông Nam bộ trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và còn ảnh hưởng rất tích cực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này. Căn cứ Bộ đội hải ngoại I- Sivotha được khoanh vùng bảo vệ với diện tích 20.000m2 và năm 1999 được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.

Hằng năm, vào những dịp lễ, tết, chính quyền địa phương đều tổ chức các hoạt động cúng viếng, tưởng nhớ bậc tiền nhân đã có nhiều công lao trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Mặc dù là một khu di tích lịch sử quan trọng, nhưng nhiều năm nay, khu tưởng niệm Căn cứ Bộ đội hải ngoại I- Sivotha còn khá chật hẹp. Dẫn vào khu tưởng niệm này là con đường độc đạo, có chiều ngang 3 mét. Hai bên đường là rừng cây rậm rạp. Các loại xe ô tô vào thăm viếng khu này, khi muốn trở ra chỉ có cách lùi xe hoặc di chuyển vào sâu trong khuôn viên khu di tích, khiến nhiều tấm gạch trên mặt sân bị bể, lún, gây đọng nước.  

Xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử

Ông Trương Thanh Lâm- Chủ tịch UBND xã Hoà Hội cho biết, UBND huyện đã có dự án phát triển du lịch sinh thái dọc theo thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Trong đó, có dự kiến mở khu du lịch sinh thái trong rừng Hoà Hội. Đối với di tích Căn cứ Bộ đội hải ngoại I- Sivotha, Phòng Văn hoá - Thông tin huyện đã đo đạc và có kế hoạch mở rộng mặt bằng khu vực này ra 2 ha. Tuy nhiên, dự án đang vướng vấn đề chặt nhiều cây rừng với diện tích tương đương. “Ngành chức năng đang xin ý kiến lãnh đạo cấp trên giải quyết vấn đề này”- ông Lâm cung cấp thông tin.

Trao đổi với chúng tôi về tiềm năng của các khu di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh chưa được khai thác, ông Trần Quốc Thịnh- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Tây Ninh cho biết, năm 2021, Sở VH,TT&DL đã có công văn gửi các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố phối hợp trong công tác quy hoạch phục vụ phát triển du lịch.

Công văn nêu rõ, trong thời gian tới, để du lịch Tây Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cần phải có nhiều điểm tham quan, du lịch, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hoá, khảo cổ… Vì vậy, cần quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để thực hiện các dự án phục vụ dịch vụ du lịch gắn với các di tích lịch sử, khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, như du lịch sinh thái, đường sông…

Theo đó, Sở VH,TT&DL đề nghị, đối với các di tích được xếp hạng trên địa bàn các huyện, thị, thành phố Tây Ninh đang quản lý, đề nghị đưa vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng thời kỳ 2021-2030. Cụ thể, với mỗi di tích lịch sử cấp tỉnh trở lên, quy hoạch đất thương mại, dịch vụ với diện tích từ 2.000m2 trở lên để xây dựng các công trình dịch vụ gắn với phát huy giá trị di tích, như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, khu vực đón tiếp khách, nhà hàng, bán hàng lưu niệm, sản vật địa phương lưu trú…

Đối với những vị trí mà các huyện, thị xã, thành phố xác định có điều kiện phát triển du lịch sinh thái, du lịch đường sông, nghỉ dưỡng, lưu trú thì quy hoạch đất thương mại, dịch vụ có diện tích phù hợp trong khu vực ấp, xã. Địa điểm quy hoạch bảo đảm linh động, thuận tiện trong việc thực hiện dự án.

Đối với 2 di tích cấp quốc gia tháp cổ Bình Thạnh và Chót Mạt, đầu năm 2022, Sở VH,TT&DL đã tổ chức khảo sát thực tế. Kết quả cho thấy, đối với cả 2 ngôi tháp, bảng chỉ dẫn vào tháp đều bị mờ, bong tróc, xuống cấp. Đường vào tháp Bình Thạnh tuy đã được trải nhựa nhưng ven đường mọc nhiều cỏ dại, mất mỹ quan. Các hộ dân gần đó thường tận dụng mặt đường phơi nông sản, gây cản trở giao thông. Trước cổng tháp có một số hộ dân lấn chiếm trồng rau.

Đối với tháp Chót Mạt, đường vào đi ngang cây cầu nhỏ hẹp, xe 29 chỗ trở lên không vào được. Tuyến đường từ quốc lộ 22B dẫn vào tháp có đoạn nhiều ổ gà, mưa xuống nước đọng, sình lầy; nắng thì bụi, khó đi. Từ những lý do trên, Sở VH,TT&DL đề nghị UBND thị xã Trảng Bàng và UBND huyện Tân Biên có phương án khắc phục trong thời gian sớm nhất để thuận lợi cho du khách tham quan; đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị của 2 ngôi tháp cổ hơn ngàn năm tuổi.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục