Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ luật 6 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý
Thứ năm: 08:17 ngày 31/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chiều 30/10, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức thông báo kết quả cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Các đồng chí: Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đặng Văn Dũng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí- Xuất Bản, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an đồng chủ trì buổi thông tin.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng đã thông tin cơ bản những nội dung, kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo).

Theo đó, ngày 30/10, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến về tình hình, kết quả chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ sau Phiên họp thứ 26 đến nay và chủ trương xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Từ sau Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo (ngày 14/8) đến nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, thực hiện nghiêm các kết luận phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; tiến độ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc cơ bản hoàn thành theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, có việc vượt yêu cầu đề ra. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết; phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Những kết quả nổi bật là: Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo kết luận của Ban Chỉ đạo. Nhất là, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra đối với các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn, tập đoàn Thuận An; hoàn thành các cuộc kiểm tra liên quan đến Công ty AIC; qua kiểm tra đã xử lý, kiến nghị xử lý 247 tổ chức đảng, 441 đảng viên, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền 26 vụ việc.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng thông tin tại buổi làm việc.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 6 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; nâng tổng số cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật từ đầu năm đến nay là 52 cán bộ; trong đó, có 48 cán bộ bị kỷ luật do liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 734 vụ/1.681 bị can, truy tố 591 vụ/1.479 bị can, xét xử sơ thẩm 1.002 vụ/2.703 bị can về các tội tham nhũng kinh tế, chức vụ. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã kết luận điều tra 4 vụ án/58 bị can; kết luận điều tra bổ sung 1 vụ án/9 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 4 vụ án/52 bị can; xét xử sơ thẩm 3 vụ án/290 bị cáo; xét xử phúc thẩm 3 vụ án/12 bị cáo; khởi tố mới 1 vụ án/5 bị can, khởi tố thêm 22 bị can trong một số vụ án; trong đó có 3 bị can là cán bộ cấp cao thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Hoàn thành xét xử sơ thẩm 2 vụ án trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, gồm:  Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại Ngân hàng SCB, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty, đơn vị có liên quan (giai đoạn II).

Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; Che giấu tội phạm; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh bất động sản giai đoạn từ năm 2011-2019 theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo. Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp, tham mưu, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giám định, định giá tài sản; về chủ trương xử lý một số vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp; phân loại xử lý các đối tượng vi phạm trong một số vụ án, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo; vận động đầu thú, truy bắt, dẫn độ các đối tượng bỏ trốn trong vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật; về tháo gỡ khó khăn, xử lý sớm tài sản, vật chứng bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, tạo bước tiến mới trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở tiếp tục được đẩy mạnh. Từ sau Phiên họp thứ 26 đến nay, các địa phương đã khởi tố mới 656 vụ án/1.367 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 169 vụ án/347 bị can về các tội tham nhũng, nâng tổng số vụ án tham nhũng khởi tố mới ở các địa phương từ đầu năm 2024 đến nay là 613 vụ án/1.350 bị can (tăng hơn 70 vụ so với cùng kỳ năm trước).

Các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tính từ đầu năm đến nay, đã xử lý hình sự hơn 160 cán bộ trong các cơ quan này về các tội tham nhũng, tiêu cực.

Tập trung phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công

Tại buổi thông tin đến báo chí kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vào chiều 30/10, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết: Bổ sung Ban Chỉ đạo nhiệm vụ phòng, chống lãng phí với trọng tâm là trong quản lý, sử dụng tài chính công,

Theo đó, ngày 29/10, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 191-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo (thay thế Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021) và Quyết định số 192-QĐ/TW kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong đó đã bổ sung cho Ban Chỉ đạo nhiệm vụ phòng, chống lãng phí với trọng tâm của phòng, chống lãng phí là trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Do vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng vừa phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; vừa phải tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí; phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số công việc sau: Chỉ đạo xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2024, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án, 2 vụ việc; trong đó phấn đấu đưa ra xét xử sơ thẩm 2 vụ án trọng điểm theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Đó là vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế thuộc Sở Y tế Bắc Ninh, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và các đơn vị liên quan; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Chỉ đạo rà soát, tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 và các quy định của pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực Nhà nước.

Chỉ đạo rà soát, xử lý các dự án dang dở, kéo dài, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước, xã hội. Trước hết là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức; Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh; các Dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối, vận hành...

Đồng chí Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phòng, chống lãng phí ở địa phương, cơ sở; tạo sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; tăng cường chuyển đổi số; khắc phục bệnh sợ trách nhiệm, né tránh, tuyệt đối không được lợi dụng công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực làm cản trở sự phát triển.

Nguồn CAND

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục