Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỷ lục gia Năm Làm nói về ý nghĩa mâm ngũ quả
Chủ nhật: 17:32 ngày 18/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Với thâm niên mấy chục năm trong nghề tạo hình trái cây, nghệ nhân Trần Văn Làm (Năm Làm), ngụ ở số 258A Nguyễn Văn Luông, phường 11, Q6, TP.Hồ Chí Minh đã có dịp đi khắp nơi để tham dự các lễ hội lớn nhỏ và thực hiện nhiều tác phẩm tạo hình trái cây...

Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình người Việt trong những ngày tết cổ truyền dân tộc.

Nghệ nhân Trần Văn Làm, nổi tiếng lập nhiều kỷ lục Việt Nam về nghệ thuật tạo hình trái cây đã chia sẻ với KTGĐ về ý nghĩa và quan niệm phong thủy mâm ngũ quả ngày tết.


Nghệ nhân Trần Văn Làm bên tác phẩm của mình trưng bày tại Hà Nội.

Với thâm niên mấy chục năm trong nghề tạo hình trái cây, nghệ nhân Trần Văn Làm (Năm Làm), ngụ ở số 258A Nguyễn Văn Luông, phường 11, Q6, TP.Hồ Chí Minh đã có dịp đi khắp nơi để tham dự các lễ hội lớn nhỏ và thực hiện nhiều tác phẩm tạo hình trái cây theo yêu cầu. Năm nào ông cũng được TP.HCM đặt hàng thiết kế các tác phẩm linh vật theo chủ đề của năm bằng các loại hoa, trái tại Hội hoa xuân, hay đường hoa vào dịp lễ tết.

Đến nay, với nghề tạo hình trái cây, ông đã lập nhiều kỷ lục Guinness Việt Nam, như: Cổng rồng lớn nhất Việt Nam, Bản đồ trái cây lớn nhất Việt Nam, Mâm trái cây lớn nhất Việt Nam…và “rinh” được nhiều Huy chương Vàng thông qua các lễ hội, hội thi nghệ thuật tạo hình trái cây.

Theo nghệ nhân Năm Làm, mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên dịp tết mang một ý nghĩa chung sâu sắc là dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành hơn năm trước. Mỗi loại quả khi bày trên bàn thờ đều có ý nghĩa riêng, vì vậy các gia đình cần hiểu và nắm rõ để gửi gắm ước nguyện, cầu mong của mình trong năm mới.


Ông Năm Làm đang thực hiện tác phẩm tạo hình trái cây phục vụ lễ tết.

Ngũ là số 5, là biểu tượng chung của sự sống, ngũ quả chỉ sự tập trung đầy đủ các loại trái cây trong đất trời dùng thờ cúng. Người làm nông xưa thường nhìn ngũ quả để dự đoán được/mất của các mùa vụ lương thực trong năm. Lâu dần, sự xác tín biến thành tập tục, “ngũ quả” có thể tượng trưng cho sự cầu thị được mùa của người nông dân. Ngày nay, mâm ngũ quả khác nhiều so với truyền thống và mang tính trang trí nhiều hơn tâm linh. Tùy theo mỗi vùng miền người ta có những quan niệm khác nhau.

Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông là vạn vật dung hòa cùng trời đất. Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu. Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả xen kẽ với nhau để đẹp mắt, hợp phong thủy ngày Tết.

Mâm ngũ quả miền Bắc thường có 5 loại: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Cách trình bày truyền thống là: Chuối ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ vàng. Các loại quả bày xung quanh. Những chỗ còn trống cài xen kẽ quýt vàng, táo xanh, hoặc những quả ớt chín đỏ.


Những tác phẩm được thực hiện theo yêu cầu với chủ đề riêng

Mâm ngũ quả miền Trung: Thường là gọi “khúc ruột” nghèo khó, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, ít hoa quả nên người dân nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, chủ yếu có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Do vậy, mâm ngũ quả mỗi gia đình lại khác nhau, quả gì cũng được, miễn là tươi ngon. Các loại quả thường thấy là: Thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt…

Người miền Nam thường bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.


Mâm ngũ quả phục vụ cho ngày tết bưng bày bàn thờ gia tiên của các gia đình.

Mâm ngũ quả miền Nam thể hiện rõ tính bình dị, dân dã và hóm hỉnh. Người Nam vốn sống rất xề xòa nên họ cũng chỉ cần cầu đủ mà thôi. Người miền Nam kỵ cúng một số loại quả, vì theo phát âm tên gọi mang ý nghĩa không tốt, như: Chuối: Chúi nhủi, làm ăn không phất lên được. Lê, táo (bom): Lê lết, đổ bể, dễ thất bại. Cam, quýt: Quýt làm cam chịu.

Do hoa quả, trái cây ngày càng đa dạng nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, người ta cũng không câu nệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả, thêm chùm nho mọng, thêm táo xanh, ớt đỏ, hồng xiêm…

Thậm chí có người còn ưa trưng bày trái ngoại cho thêm sang, nhưng dù có bày biện nhiều loại quả hơn thì vẫn được gọi là “mâm ngũ quả”. Mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, dù tập quán giữa các vùng miền có khác nhau nhưng đều thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên và ước mong một năm mới an khang, hạnh phúc và đủ đầy.

Nguồn nongnghiep (Kiến thức gia đình số tết)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục