Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy có nhiều khói 

Cập nhật ngày: 18/02/2022 - 09:20

BTNO - Trong các vụ cháy thời gian gần đây, có không ít tai nạn thương tâm xảy ra do người dân thiếu kỹ năng thoát hiểm đúng cách. Thay vì hoảng loạn, mọi người có thể thoát ra ngoài một cách an toàn khi biết những kỹ năng thoát hiểm cần thiết, bảo vệ an toàn tính mạng cho bản thân và gia đình trong trường hợp khẩn cấp.

Người dân cần lưu ý những kỹ năng cần thiết để thoát khỏi đám cháy có nhiều khói (ảnh minh hoạ)

Nhiều ý kiến cho rằng, vào thời điểm xảy ra hoả hoạn, con người có rất ít thời gian để phản ứng, suy nghĩ. Nếu không có kỹ năng thoát hiểm, thời gian kéo dài sẽ đe doạ trực tiếp đến tính mạng. Điều quan trọng là phải bình tĩnh để xử lý các tình huống có thể xảy ra. Khi tiếp nhận thông tin báo động, cần sẵn sàng thực hiện di tản khẩn cấp để thuận lợi cho công tác chữa cháy.

Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, (PCCC & CNCH) Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần lưu ý những kỹ năng cơ bản để thoát khỏi đám cháy- nhất là nơi có nhiều khói khi sự cố phát sinh. Một nguyên tắc thoát nạn rất quan trọng là phải hết sức bình tĩnh, nhận định hướng khói. Lúc di chuyển phải cúi thấp người vì khói luôn có xu hướng bay lên cao… Đôi lúc, mọi người thấy lượng khói tập trung nhiều cần lập tức bò dưới sàn để tránh bị ngạt. Trong trường hợp cần chống nhiễm khói phải lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị. Khi phải băng qua lửa, ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng, mũi nên dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy nhanh ra ngoài đám lửa, tránh bị cháy quần áo, bỏng da.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH cho biết thêm, trên thực tế, nghẹt thở do khói là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao và nhanh hơn là bị bỏng và chết cháy. Người dân cần di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt.

Mọi người không sử dụng thang máy làm thang thoát nạn vì sự cố cháy nổ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thang máy, chỉ sử dụng cầu thang bộ để thoát ra. Có thể giúp đỡ những người xung quanh thoát ra ngoài an toàn khi bản thân có đủ sức khỏe và tỉnh táo. Khi sinh sống, làm việc, sinh hoạt trong tòa nhà phải để ý các đường, lối, sơ đồ thoát nạn có thể sẽ giúp ích trong việc cứu người khi có sự cố cháy nổ. Sau khi thoát nạn ra ngoài an toàn phải tập trung ở một nơi và kiểm tra lại xem còn có người bị kẹt lại trong đám cháy không, từ đó có giải pháp cứu người kịp thời. Trong quá trình thoát nạn, phải tuân theo sự hướng dẫn của người chỉ huy hoặc nhân viên hướng dẫn. Một yếu tố quan trọng để con người sống sót khi hỏa hoạn xảy ra là phải thật sự bình tĩnh và nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn. Trường hợp bị kẹt trong đám cháy, khói tràn vào từ cửa và hành lang, cần nằm xuống sàn nhà, cách nơi khói đang tràn vào càng xa càng tốt; dùng khăn thấm nước che mặt, đóng hết các cửa lớn và cửa sổ lại để cô lập đám cháy. Nếu có khói lửa đang lan đến gần, phải dùng vải, quần áo chèn vào các khe hở để hạn chế đến mức thấp nhất việc khói, lửa tràn nhanh vào nhà, sau đó sử dụng bình chữa cháy cố gắng khống chế đám cháy. Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang, phải tạo tín hiệu để lực lượng chữa cháy nhận ra bằng cách vẫy tay, la hét.

Trong trường hợp thấy an toàn để thoát thân và có một cửa lớn đang đóng, trước khi thoát ra bằng lối đó, phải kiểm tra độ nóng của cửa bằng cách đặt mu bàn tay lên cửa, không mở cửa nếu thấy cửa ấm hoặc nóng. Khi thấy cửa không bị tác động nhiệt thì mở cửa từ từ và đè sát người vào cửa. Nếu thấy có lửa và khói phía bên ngoài thì đóng cửa lại ngay lập tức đồng thời chèn kỹ các khe hở, không cho khói, lửa lan vào phòng. Nếu không có lửa và khói, nhanh chóng thoát ra ngoài, đóng cửa nhưng không được khóa cửa. Trên đường thoát nạn, tìm mọi cách báo động cho mọi người cùng thoát nạn an toàn.

Trong trường hợp lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt nếu có thể, nằm xuống và lăn qua lăn lại cho đến khi lửa dập tắt, không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Khi thấy người khác bị cháy, hãy giúp người đó dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại; dùng chăn, mền, quần áo choàng lên người để dập tắt lửa. Khi gặp người bị ngạt, ngất, bỏng thì tổ chức sơ, cấp cứu ban đầu trước khi đưa nạn nhân đi bệnh viện. Người dân cần báo cháy kịp thời cho cơ quan Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 để được hỗ trợ trong công tác thoát nạn, cứu nạn khi có người bị kẹt trong đám cháy.

Việc trang bị kỹ năng thoát hiểm và thiết kế các đường thoát hiểm đối với mỗi gia đình là điều hết sức cần thiết. Trong tình huống khẩn cấp, mọi người có thể sử dụng các kỹ năng thoát hiểm, giải cứu cho bản thân và người trong gia đình. Những lối thoát hiểm tại các gia đình sẽ giúp lực lượng cứu hoả dễ dàng tiếp cận và hỗ trợ khi đám cháy xảy ra.

Phương Thảo