Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Gần 100 điểm đo trên cả nước ghi nhận nhiệt độ kỷ lục trong tháng 4, biến kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay trở thành kỳ nghỉ nóng nhất lịch sử. Tại Đông Hà (Quảng Trị), nhiệt độ cao nhất lên tới 44 độ, chỉ kém 0,2 độ so với nhiệt độ cao nhất lịch sử Việt Nam ghi nhận ngày 7/5/2023 ở Tương Dương, Nghệ An.
Hầu hết các khu vực trên cả nước trải qua kỳ nghỉ 30/4-1/5 nóng nhất lịch sử. Ảnh: Như Ý
Nắng nóng đặc biệt gay gắt bao trùm cả nước bắt đầu từ ngày 27/4. Theo số liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, chỉ trong 4 ngày từ 27-30/4, gần 100 điểm đo trên cả nước ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong lịch sử tháng 4.
Tại Hà Nội ngày 27/4, cả 5 điểm đo ở Ba Vì, Sơn Tây, Hoài Đức, Hà Đông và Láng đều ghi nhận mức nhiệt cao nhất lịch sử trong tháng 4. Trong đó nhiệt độ tại Láng trưa 27/4 là 41,5 độ, vượt qua kỷ lục được thiết lập vào 18 năm trước. Bốn điểm đo còn lại đều ghi nhận nhiệt độ cao trên 40 độ, riêng tại Sơn Tây, nhiệt độ ngày 27/4 đã bỏ xa kỷ lục được thiết lập vào 26 năm trước.
Cùng với Hà Nội, hầu hết các địa phương miền Bắc đều ghi nhận nắng nóng kỷ lục như tại Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.
Tuy nhiên, vùng áp thấp phía Tây phát triển mạnh kết hợp với hiệu ứng phơn mới khiến các tỉnh miền Trung trở thành chảo lửa trong kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39-42 độ. Một số nơi ghi nhận mức nhiệt trên 43 độ như Tuyên Hoá (Quảng Bình), Đô Lương (Nghệ An), Con Cuông (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), TP Hà Tĩnh, Ba Đồn (Quảng Bình), Tĩnh Gia (Thanh Hoá).
Đáng lưu ý, tại Đông Hà (Quảng Trị) và Tương Dương (Nghệ An), nhiệt độ cao nhất ghi nhận được lên tới 44 độ, chỉ kém 0,2 độ so với kỷ lục nắng nóng gay gắt lịch sử khí tượng Việt Nam được ghi nhận vào ngày 7/5/2023 tại Tương Dương (Nghệ An). Đây cũng là mức nhiệt cao nhất trong tháng 4 ghi nhận được trên cả nước từ trước đến nay.
Theo các chuyên gia, tháng 4 năm nay có thể là tháng 4 nóng nhất trong lịch sử Việt Nam.
Dự báo tại các tỉnh miền Trung trong hai ngày 2-3/5 nắng nóng có xu hướng dịu dần, từ ngày 4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại. Ở Tây Nguyên và Nam bộ, đợt nắng nóng này kéo dài đến khoảng ngày 4-5/5, sau đó dịu dần.
Nắng nóng tiếp diễn
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, trong tháng 5, áp thấp nóng phía Tây tiếp tục hoạt động mạnh nên miền Bắc, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên xuất hiện nhiều ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Số ngày và cường độ nắng nóng được nhận định nhiều hơn, nhiệt độ trung bình trên cả nước có thể cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,5-2,5 độ, có nơi cao hơn nữa.
Tại Tây Nguyên - Nam bộ, trong khoảng 20 ngày đầu tháng 5 tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt. Tình trạng khô hạn tiếp diễn ở miền Đông.
Trong tháng 5, xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần, nhưng vẫn duy trì ở mức cao, riêng trên sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé xâm nhập mặn duy trì ở mức cao đến giữa tháng 5, sau đó giảm dần vào cuối tháng.
Dự báo khoảng 10 ngày cuối tháng, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh dần nên mưa có khả năng gia tăng hơn ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ. Nhờ mùa mưa đến, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn ở Nam bộ và Tây Nguyên có thể được cải thiện dần từ cuối tháng 5.
Nguồn TPO