Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 102 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2019): Phát huy giá trị trường tồn
Thứ tư: 14:58 ngày 06/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Với giá trị trường tồn, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã ảnh hưởng to lớn và tác động sâu sắc tới cách mạng Việt Nam. Chính thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Mác - Lênin đã đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi tới sự lựa chọn dứt khoát sự nghiệp cứu nước và giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.

1. Trong thời gian khoảng 60 năm kể từ thời điểm thực dân Pháp xâm lược Việt Nam đến trước khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, nhân dân Việt Nam bị áp bức, bóc lột nặng nề và liên tục đấu tranh để giành độc lập, tự do.

Các cuộc khởi nghĩa từ Nam ra Bắc với nhiều tấm gương nghĩa liệt nhưng cuối cùng đều thất bại.  Trong đêm tối chưa có đường ra của đất nước, Người đau đớn khi thấy cuộc sống của dân ta như nô lệ, bị áp bức, bóc lột tận xương tủy. Với lòng yêu nước nhiệt thành, Người đã rời Tổ quốc sang Pháp và các nước khác, với mong ước xem họ làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào.

Một sự trải nghiệm gần 10 năm ở nhiều nước thuộc địa châu Á, châu Phi và các nước tư bản như Pháp, Mỹ, Anh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận thức được nhân dân thuộc địa cũng cực khổ, cũng bị bóc lột như nhân dân Việt Nam. Các cuộc cách mạng tư sản ở Mỹ, Pháp tuy thành công nhưng chính quyền nằm trong tay một số ít người, còn đại đa số nhân dân vẫn cực khổ.

Trong khi đó, Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thành công ở Nga, giúp nhân dân được hưởng hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật sự. Lênin - lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười - muốn giúp đỡ các dân tộc bị áp bức thực hiện sự nghiệp giải phóng, làm cách mạng để xóa bỏ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản thế giới. Người đã thành lập Quốc tế Cộng sản III, trình bày luận cương cách mạng thuộc địa.

Với những nhận thức đó, Hồ Chí Minh chỉ rõ Cách mạng Tháng Mười đã thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc trở thành một làn sóng mãnh liệt trong tất cả các nước phương Đông, từ đó chủ nghĩa Mác - Lênin dần được truyền bá vào Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

Mười ba năm sau Cách mạng Tháng Mười, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào đầu năm 1930 là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân ta. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam.   

2. Gần 90 năm qua, cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng như không vượt qua nổi, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Chúng ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân và phong kiến, lập nên chế độ mới dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Chúng ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam gần 90 năm qua đã chứng tỏ tính chất đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, những giá trị trường tồn của Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Thắng lợi đó đã xác nhận rằng cách mạng muốn thắng lợi, Đảng phải vạch ra đường lối chính trị đúng đắn, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, luôn cố gắng kết hợp chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam, đồng thời khiêm tốn học tập kinh nghiệm quý báu của các nước tiến bộ; kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại, sức mạnh dân tộc và sức mạnh quốc tế. 

Đồng thời cần nhận thức rõ ràng Đảng ta là một đảng cầm quyền, để thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, kết hợp “xây” và “chống”. Đảng phải hiểu thấu và làm đúng chỉ dẫn quý báu của Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò “dân là gốc” trong sự nghiệp cách mạng.

Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phải kết hợp chặt chẽ đường lối lãnh đạo của Đảng với đường lối nhân dân. Tức là Đảng phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Bên cạnh đó, Đảng phải xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược một lòng vì nước, vì dân, đủ năng lực trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm hoàn thành mọi nhiệm vụ nhân dân giao phó. Đảng phải phòng, chống các nguy cơ của đảng cầm quyền như quan liêu, suy thoái, tha hóa, biến chất, tham nhũng, cắt đứt liên hệ với quần chúng, xa rời nhân dân, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Những nguy cơ đó sẽ dẫn đến tổn thất không lường được đối với vận mệnh đất nước, chế độ và Đảng ta, như Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, quan liêu, mệnh lệnh thì dân oán, nhất định thất bại…

Nguồn hanoimoi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục