Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 148 năm ngày sinh Lê-nin
Thứ hai: 07:47 ngày 23/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhân kỷ niệm 148 năm Ngày sinh V.I. Lê-nin (22/4/1870 - 22/4/2018), ngày 22/4, trên cả nước đã có nhiều hoạt động tưởng nhớ công lao to lớn của Lê-nin, nhà tư tưởng vĩ đại, nhà chính trị kiệt xuất, người thầy của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới.

Lãnh đạo TP. Hà Nội đặt lẵng hoa tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với vị lãnh tụ vĩ đại V.I. Lenin. Ảnh: Hanoimoi.com.vn

Tại Hà Nội, Đoàn đại biểu Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội, đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của TP. Hà Nội do đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn đầu, đã đến tượng đài Lê-nin tại Công viên Lê-nin (Hà Nội), đặt hoa tưởng niệm Lê-nin, nhà tư tưởng vĩ đại, nhà chính trị kiệt xuất, người thầy của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới.

Trước tượng đài V.I Lê-nin, các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của V.I Lê-nin đối với sự nghiệp cách mạng thế giới và nguyện cùng nhau kiên định thực hiện lý tưởng và con đường cách mạng vô sản, Chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng Thủ đô và đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh và góp phần vào sự nghiệp cách mạng vô sản.

Những chỉ dẫn của Lê-nin vẫn sống động trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam

Những người Bônsevic Nga đã có một quá trình lâu dài chuẩn bị lực lượng về mọi mặt tổ chức, chính trị, quân sự, tư tưởng cho Cách mạng Tháng Mười 1917 thắng lợi. Dưới ánh sáng của Luận cương tháng Tư và sự chỉ đạo của V.I. Lê-nin, những người Bônsevic đã xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất là phải lôi cuốn đông đảo nhân dân lao động về phía cách mạng; thành lập lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị.

Lực lượng Cận vệ đỏ ra đời là một sáng tạo của V.I. Lê-nin, phát triển và hiện thực hóa những lý luận về chính quyền và giành chính quyền của giai cấp vô sản. Những đội Cận vệ đỏ đã được thành lập tại các nhà máy, khu phố ở 146 thành phố trên khắp nước Nga.

Các chiến sĩ Cận vệ đỏ luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh ở Thủ đô Petrograd (nay là Saint Peterburg) và các địa phương. Những hoạt động của họ gây được tiếng vang lớn. Khi tình thế cách mạng càng ngày càng nóng bỏng, các đội Cận vệ đỏ là lực lượng quân sự nòng cốt, đồng thời là lực lượng chính trị xung kích quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Cuộc khởỉ nghĩa ở Petrograd đã nổ ra và giành thắng lợi trong thời điểm những người cách mạng không thể hành động chậm trễ hơn kẻ thù. Nhưng đó là cuộc khởi nghĩa nổ ra trong tình thế đã chín muồi, hoàn toàn không phải là một cuộc khởi nghĩa non và thắng lợi nhờ may rủi.

Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 ở Việt Nam là kết quả của đường lối đúng đắn kiên trì xây dựng lực lượng cách mạng, là kết quả sự kết hợp sức mạnh của lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, lực lượng lãnh đạo, lực lượng quần chúng. Khi thời cơ lịch sử xuất hiện, Hồ Chí Minh nêu quyết tâm: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới.

Dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Với quyết tâm đó, cả dân tộc Việt Nam đã dứng dậy chớp thời cơ lịch sử để làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Những người cách mạng Việt Nam học được bài học trực tiếp từ Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 và đã vận dụng đạt kết quả xuất sắc trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945.

V.I. Lê-nin luôn đấu tranh không khoan nhượng với những yếu kém, khuyết điểm của bộ máy Nhà nước xô-viết. Với sự phân tích khoa học và đánh giá chính xác về thực trạng bộ máy của Bộ dân ủy thanh tra công nông, V.I. Lê-nin đã nhìn thấy những yếu kém của cả bộ máy Nhà nước xô-viết lúc đó. Đây là sự thừa nhận rất dũng cảm, rất cách mạng mà về sau chính những người cộng sản nhiều khi cũng không có được.

Người cho rằng: Cải tổ bộ máy Nhà nước “cần phải có thời gian” nhưng đồng thời lại phải “làm ngay từng bước”. Đây là công việc rất khó khăn nhưng không thể không làm.

Bộ máy Nhà nước mạnh mẽ không phải do số lượng và quy mô mà chủ yếu do chất lượng hoạt động cuả nó. V.I. Lê-nin yêu cầu phải “vứt bỏ những tiêu chí chung về số lượng”. Nhân viên của bộ máy đó phải có chất lượng cao và thật sự gương mẫu. V.I. Lê-nin đã nêu phương châm cho những giải pháp cải tổ bộ máy Nhà nước thật ngắn gọn mà sâu sắc: Thà ít mà tốt.

V.I. Lê-nin cũng nhấn mạnh vai trò của công tác kiểm tra, thanh tra phải được coi là một nội dung cơ bản của công tác quản lý Nhà nước. Theo Người: Không được thoả mãn, chủ quan với các quyết định mà phải thường xuyên kiểm tra lại tính đúng đắn của các quyết định đó. Cũng qua công tác thanh tra, kiểm tra có thể phát hiện những cái mới, cái tốt.

Phương châm “Thà ít mà tốt” của V.I. Lê-nin vẫn mang ý nghĩa thời sự trong việc xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống bộ máy Nhà nước và cả các tổ chức, các cơ quan khác trong hệ thống chính trị của nước ta hiện nay.

Chúng ta tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính với đòi hỏi cao hơn về chất lượng và hiệu quả. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, các ngành và chính quyền các cấp trên tất cả các lĩnh vực của đất nước.

Cùng với cải tiến cơ cấu tổ chức bộ máy là cải tiến chế độ công vụ, tiết kiệm chi tiêu công, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cả về phẩm chất và năng lực, thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch và xây dựng cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ nhằm tăng cường kỷ cương phép nước.

Năm 1921, giữa vô vàn khó khăn vì sự bao vây của các nước tư bản đế quốc, để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, V.I. Lê-nin đã đưa ra Chính sách kinh tế mới (NEP). Đây là một đột phá mạnh mẽ trong tư duy kinh tế - chính trị để xây dựng đất nước trong hòa bình, là bước phát triển quan trọng về lý luận xây dựng Chủ nghĩa xã hội (CNXH) trong hiện thực.

Nhìn từ thực tiễn và với quan điểm biện chứng, hiểu rõ những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra, V.I. Lê-nin thấy rõ những biểu hiện khủng hoảng trầm trọng có nguyên nhân do chính sách Cộng sản thời chiến trong giai đoạn trước.

Từ những nhận định này, V.I. Lê-nin đã đưa ra những phương thức chuyển đổi một cách cơ bản những chính sách cũ không còn phù hợp bằng Chính sách kinh tế mới (NEP) với những luận điểm nổi bật mang tính cách mạng, bước ngoặt và đột phá trong tư duy.

Trong NEP, những nội dung nổi bật được V.I. Lê-nin đốc thúc thực hiện cấp bách trong thực tiễn bằng những biện pháp quyết liệt là: Phát triển tối đa lực lượng sản xuất; Tổ chức thị trường, chấn hưng thương nghiệp; Sử dụng cơ cấu kinh tế hàng hóa nhiều thành phần.

NEP được đưa ra dựa trên sự nhìn nhận sửa chữa những sai lầm từ thực tiễn dẫn tới khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội sau nội chiến. Kết luận lớn nhất rút từ những sai lầm đó là không thể nóng vội thực hiện quá độ trực tiếp lên CNXH với một nước chủ nghĩa tư bản chưa phát triển cao như Nga.

V.I. Lê-nin cho rằng “Thời kỳ quá độ (phải) là một loạt những bước quá độ” - phải qua những con đường gián tiếp chứ không phải “quá vội vàng, thẳng tuột, không được chuẩn bị” .

NEP đã cho thấy hiệu quả của nó khi đi nhanh vào cuộc sống. Từ NEP, nền kinh tế Liên Xô đã dần vận hành theo đúng quy luật khách quan và đã có những bước phát triển quan trọng. Liên Xô từ một “nước Nga đói” trở thành nước có nền nông nghiệp dồi dào, dần đi ra khỏi khủng hoảng.

Bối cảnh Việt Nam những năm đầu thập niên 80 có nhiều nét tương tự như bối cảnh Liên Xô những năm 20 của thế kỷ 20. Trong bối cảnh đó, nhiều đường nét của NEP đã được kế thừa thành công ở Đổi mớicủa Việt Nam từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986).

Điểm xuất phát của Đổi mới ở Việt Nam trước hết là đổi mới tư duy trong lĩnh vực kinh tế: Bằng những biện pháp mạnh, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng; phát triển thương mại, từng bước thay đổi cơ chế quản lý kinh tế cũ bằng những cơ chế quản lý và thiết chế kinh tế mới phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đẩy mạnh xuất khẩu và kinh tế đối ngoại...

NEP không kéo dài sau khi V.I. Lê-nin qua đời (tháng 1-1924). Những “khúc quanh lịch sử” ở Liên Xô đã không cho phép phát huy những thắng lợi của NEP. Điều này không diễn ra ở Việt Nam. Sự nghiệp Đổi mới ở Việt Nam được khẳng định và đã có nhiều thành tựu.

Cách mạng là sáng tạo. V.I. Lê-nin đã để lại tấm gương lớn về tinh thần sáng tạo khi lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ cách mạng - khi tổ chức lực lượng và tận dụng thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền, trong xây dựng bộ máy nhà nước của nhân dân, trong thực hiện những nhiệm vụ khó khăn đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Trong bối cảnh mới, cách mạng Việt Nam vẫn luôn đòi hỏi những sự sáng tạo mới.

Những bài học sáng tạo từ V.I. Lê-nin vẫn cần được vận dụng sáng tạo khi chúng ta muốn huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến trình hội nhập để xây dựng đất nước phồn thịnh trong hòa bình bền vững.

Nguồn báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục