BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 35 năm chiến thắng 30.4: Trận đánh tiêu diệt bót cầu Vườn Điều và chiếm lĩnh Ty cảnh sát Tây Ninh

Cập nhật ngày: 17/04/2010 - 04:12

Thượng tá Lê Hoàng Phụng

Thượng tá Lê Hoàng Phụng, nguyên Tham mưu trưởng Tiểu đoàn Công an vũ trang Tây Ninh bồi hồi nhớ lại: 35 năm trước, trong chiến dịch giải phóng Tây Ninh, đơn vị của chúng tôi mới có hai trung đội đóng chốt trên các trạm cửa khẩu Bàu Cỏ, Trại Bí, do đồng chí Đinh Văn Đanh (Năm Đanh) làm chỉ huy trưởng, tôi là chỉ huy phó, bí thư chi bộ. Ngày 15.4.1975, tôi và anh Năm Đanh được Tỉnh uỷ mời về giao nhiệm vụ đánh chiếm Ty cảnh sát nguỵ ở thị xã Tây Ninh và giải thoát cho tù chính trị.

Chúng tôi tổ chức điều tra nghiên cứu và xác định được lực lượng quân nguỵ trong Ty cảnh sát khá đông, có tới gần 2 đại đội được trang bị vũ khí, hoả lực mạnh. Chúng tôi đề nghị cấp trên tăng cường thêm lực lượng và được đơn vị 180 Ban An ninh R tăng viện cho chúng tôi 1 trung đội; Huyện đội Tân Biên tăng cường một trung đội du kích. Từ đó, đơn vị chúng tôi được nâng lên thành Tiểu đoàn Công an vũ trang của tỉnh gồm 2 đại đội. Anh Năm Đanh làm Tiểu đoàn trưởng, anh Phạm Anh (tức Năm Anh) làm Tiểu đoàn phó và tôi làm Tham mưu trưởng. Về trang bị, lúc đó đơn vị chỉ có 1 máy PRC 25, súng đạn cũng thiếu, không có súng chống tăng, không có súng trung liên. Tỉnh uỷ phải viết giấy giới thiệu để chúng tôi đến đơn vị Hoàng Thao là đặc công của R đóng trên núi Bà Đen để xin chi viện thêm súng đạn.

Muốn tấn công đánh Ty cảnh sát nguỵ, đơn vị chúng tôi phải đánh tiêu diệt bót cầu Vườn Điều và một đại đội của Sư đoàn 25 nguỵ quân đóng án ngữ ở ấp Ninh Thọ (xã Ninh Sơn bây giờ). Tiểu đoàn chia làm hai cánh quân, Đại đội 1 đánh bót cầu Vườn Điều, Đại đội 2 đánh đại đội của Sư đoàn 25 đóng ở Ninh Thọ. Khoảng 10 giờ đêm 29.4, quân ta nổ súng tấn công đại đội của Sư đoàn 25. Quân ta sử dụng các loại vũ khí như M79, B40 và súng phóng lựu đạn tập trung hoả lực bắn vào nơi trú ẩn của quân địch. Vừa đánh quân ta vừa phát loa kêu gọi quân địch đầu hàng. Bọn lính nguỵ ỷ có nhiều súng đạn ngoan cố chống cự, bọn chúng bắn như vãi đạn về phía quân ta. Đến 7 giờ sáng ngày 30.4.1975, do quân nguỵ bị chết và bị thương nhiều và chúng biết rõ là không thể có quân chi viện, nên đại đội lính Sư đoàn 25 rút chạy về hướng núi Bà. Quân ta cho một trung đội đón đánh chặn đầu. Quân địch bị chặn đầu, khoá đuôi không đường thoát phải buông súng đầu hàng. Trận đánh tiêu diệt và bắt sống toàn bộ một đại đội của Sư đoàn 25 kết thúc vào khoảng hơn 8 giờ sáng ngày 30.4.1975. Sau đó đại đội 2 nhận lệnh di chuyển theo lộ 20 ra đến liên tỉnh lộ 13 (đường CMT8 ngày nay) đóng quân án ngữ ở chợ Thương Binh.

Đại đội 1 được giao nhiệm vụ đánh bót cầu Vườn Điều cũng vào lúc 10 giờ đêm 29.4, nhưng gặp khó khăn ác liệt hơn. Trong bót có khoảng một đại đội quân nguỵ, trong đó có những tên sĩ quan ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân nên chúng đánh trả rất điên cuồng. Bót được xây dựng kiên cố với các lô cốt, boong-ke, hầm hào bê tông cốt sắt rất vững chắc. Bên ngoài bót được bao bọc bởi nhiều lớp rào dây kẽm gai, chúng còn rải dày đặc bùng nhùng kẽm gai, bên trong nữa là hào sâu cắm chông nhọn và gài mìn định hướng Claymore. Do vướng hàng rào dây kẽm gai nên quân ta không thể tiến công thẳng vào bót, phải dùng M79 và súng phóng lựu bắn cầu vồng vào trong bót. Quân nguỵ núp trong công sự bắn như đổ đạn về phía quân ta. Vài lần quân ta tiến sát gần tới hàng rào nhưng do địch bắn dữ dội nên phải rút ra ngoài. Đến 3 giờ sáng ngày 30.4.1975,  Ban chỉ huy đơn vị phải đề nghị đơn vị Hoàng Thao của R đóng trên núi Bà Đen bắn pháo hỗ trợ. Đạn pháo của quân ta đã bắn vào trong bót rất chính xác, và trúng kho đạn dược dự trữ của quân nguỵ, kho đạn nổ dữ dội, khói lửa bốc lên ngút trời. Quân nguỵ bắt đầu hoang mang, dao động và lo sợ.

Ngày chiến thắng 30.4.1975 (ảnh tư liệu)

Bị quân ta bao vây chặt, không có đường rút, lại không có chi viện nên đến khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30.4, toàn bộ quân nguỵ trong bót hạ vũ khí xin đầu hàng. Quân ta đã thu hồi toàn bộ vũ khí, cho đám tàn quân nguỵ tan hàng về nhà và được dặn dò phải tới trình diện chính quyền cách mạng. Sau đó quân ta thừa thắng tiến nhanh ra Thị xã đánh Ty cảnh sát nguỵ. Lúc đó bọn cảnh sát nguỵ đầu hàng không dám đánh trả. Quân ta đã bắt được hai tên Phó Trưởng ty cảnh sát, thu giữ toàn bộ vũ khí và hồ sơ tài liệu, hạ cờ nguỵ quyền xuống và kéo cờ giải phóng lên trên cột cờ. Riêng tên Trưởng ty Cảnh sát bỏ chạy về Sài Gòn nhưng cũng bị quân ta chốt chặn ở Bàu Nâu bắt được. Quân ta vào chiếm lĩnh Ty cảnh sát (tại vị trí Công an Tây Ninh ngày nay) giải phóng cho toàn bộ anh em tù chính trị bị địch giam giữ. Sau ba ngày đóng chốt tại Ty cảnh sát nguỵ, đơn vị chúng tôi bàn giao lại cho lực lượng Công an tỉnh và đi làm nhiệm vụ mới.

Thượng tá Lê Hoàng Phụng kể

– Công Huân ghi