Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ở Thủ đô Matxcơva, Liên bang Nga, có 2 Quảng trường mang tên các nhà lãnh đạo cao nhất của dân tộc Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Quảng trường Hồ Chí Minh ở gần trung tâm thành phố, trở thành điểm thăm viếng, đặt hoa thường xuyên của cộng đồng người Việt tại Nga trong các ngày Lễ lớn và của các đoàn đại biểu Việt Nam trong nước sang công tác, du lịch. Đã thành tục lệ đẹp, nhiều cặp cô dâu chú rể đến đặt hoa dưới tượng Bác và chụp ảnh quay phim trong ngày cưới của mình.
Bia Tưởng niệm tại Quảng trường Lê Duẩn. Sau lưng là Rạp Hà Nội cũ với những chữ Nga cách điệu.
Trong khi đó, Quảng trường Lê Duẩn cứ đến dịp mùng 3 tháng 2 (kỷ niệm ngày thành lập Đảng), Đại Sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và đại diện các đoàn thể cộng đồng của người Việt đến đặt hoa trước Bia tưởng niệm vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người bạn lớn của nhân dân Liên Xô.Ngày 10 tháng 7 năm 1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần. Ngay sau đó Đảng Cộng sản và nhà nước Liên Xô đã quyết định đặt tên Tổng Bí thư Lê Duẩn cho một Quảng trường tại Matxcơva, vì công lao đóng góp to lớn của đồng chí đối với phong trào cộng sản và giải phóng các dân tộc trên thế giới. Ngay khi còn sống, năm 1980, Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng đã được nhà nước Liên Xô tặng Giải thưởng quốc tế Lênin “Vì sự củng cố bền chặt hòa bình giữa các dân tộc”.
Ông Phan Văn Vinh - Phó Bí thư Đảng ủy Nước, cùng Công sứ Lại Ngọc Đoàn và các đại diện cộng đồng đặt hoa viếng TBT Lê Duẩn, ngày 3/2/2018.
Quảng trường Lê Duẩn thuộc quận Yasnhevo của Khu hành chính Tây Nam TP Matxcơva, nằm cạnh ngã tư của 4 đường phố Aivazovskaia, Litovski Bulvar, Taruskaia, Yasnogorodskaia, không xa Metro (bến tàu điện ngầm) Yasnhevo. Sau lưng Quảng trường Lê Duẩn là Rạp chiếu phim mang tên Hà Nội, thành phố kết nghĩa của Matxcơva. Rạp Hà Nội thuộc nhà số 7, đường Litovski Bulvar. Có giai đoạn, sau khi Liên Xô tan rã, Rạp Hà Nội biến thành trung tâm buôn bán, nhà hàng. Từ năm 2008, Rạp chiếu phim Hà Nội đã chuyển thành Trung tâm Văn hóa - Giải trí, đổi tên là “Trung tâm Văn hóa Cảm hứng”, nhưng người dân khu vực vẫn gọi theo tên cũ là Rạp Hà Nội.
Tấm Bia tưởng niệm đồng chí Lê Duẩn nằm giữa Quảng trường, được đặt vào ngày 14 tháng 7 năm 1987. Rạp Hà Nội ở phía sau lưng. Trên bia đá ghi dòng chữ:Dòng thứ nhất: “Quảng trường Lê Duẩn - Đặt tên năm 1987”Các dòng tiếp theo ghi: “Tưởng nhớ Nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và giải phóng dân tộc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người bạn lớn của nhân dân Liên Xô - Lê Duẩn (1907 - 1986)”.Mặc dù nhà nước Liên Xô không còn, nhưng nhân dân Nga hiện nay vẫn dành những tình cảm tốt đẹp cho Tổng Bí thư Lê Duẩn. Quảng trường và tấm bia vẫn được giữ gìn và dọn vệ sinh sạch sẽ hàng ngày. Mùa hè cây xanh phủ bóng. Mùa Đông tuyết được dọn không cho che lấp mất bia đá.
Nguồn kinhtedothi