BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh 19.5.1959 – 19.5.2009: Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lãnh đạo xây dựng và bảo vệ các tuyến đường quân sự trên địa bàn tỉnh thời kháng chiến

Cập nhật ngày: 19/05/2009 - 08:01

Đồng chí Lê Thị Bân - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh.

LTS: Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh (19.5.1959 – 19.5.2009) Tỉnh uỷ Bình Phước tổ chức Hội thảo khoa học “Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ”. Tại Hội thảo, đồng chí Lê Thị Bân - Uỷ viên Trung ương Đảng- Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh có bài tham luận nêu bật vị trí, vai trò và ý nghĩa của việc Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lãnh đạo xây dựng và bảo vệ các tuyến đường quân sự trên địa bàn tỉnh, nơi có cơ quan đầu não của Cách mạng miền Nam trú đóng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Báo Tây Ninh trân trọng trích đăng bài tham luận quan trọng này.

Ngược dòng thời gian vào những năm 50 của thế kỷ trước, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh còn ghi: Tháng 10.1958 đồng chí Lê Duẩn trên đường từ Khu 8 lên Tây Ninh để ra Trung ương. Trong lúc dừng chân tại chiến khu Bời Lời, gặp các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ Tây Ninh lúc bấy giờ, đồng chí Lê Duẩn căn dặn: Đường lối cách mạng của miền Nam sắp tới đây sẽ là con đường đấu tranh toàn diện, trong đó đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang là hai phương thức đấu tranh chủ yếu nhất. Miền Bắc sẽ phải là hậu phương lớn, miền Nam là tiền tuyến lớn trực tiếp chiến đấu chống quân thù. Con đường đấu tranh ấy tất yếu sẽ diễn ra. Trung ương sẽ có Nghị quyết lãnh đạo. Do vậy, ngay từ bây giờ, các đồng chí Tây Ninh phải có ý thức và có kế hoạch mở các tuyến đường giao liên nối thông với các hướng để tiếp nhận cán bộ và phương tiện vật chất từ Trung ương đưa vào. Tuyến đường đó phải từ Tây Ninh lên Chiến khu Đ, từ Tây Ninh nối thông với miền Tây Nam bộ qua Khu 8 và từ Tây Ninh thông qua biên giới Việt – Campuchia để góp phần chuẩn bị thực lực cho cách mạng khi phong trào chuyển lên.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khoá II) tháng giêng năm 1959 tạo ra bước chuyển đổi chiến lược quan trọng cho cách mạng miền Nam, thổi bùng lên ngọn lửa Đồng Khởi của nhân dân miền Nam năm 1960. Góp phần cho cao trào Đồng Khởi có trận đánh Tua Hai ở Tây Ninh tháng Giêng năm 1960. Chiến thắng Tua Hai mà tầm vóc của nó như lịch sử ghi nhận là phát pháo hiệu cho cao trào Đồng Khởi vũ trang không chỉ cho miền Đông mà còn lan toả ra các tỉnh Nam bộ.

Tháng 5.1959, Bộ Chính trị và Thường vụ Tổng Quân uỷ quyết định mở đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn – Con đường chiến lược nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyền lớn miền Nam. Con đường mà sau hơn hai mươi năm chiến đấu đã trở thành con đường huyền thoại – một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại nhất của dân tộc ta trong thế kỷ XX.

Cùng lúc với đường Hồ Chí Minh khai phá trên núi rừng Trường Sơn, tại tỉnh Tây Ninh con đường giao liên – con đường vận tải quân sự cũng được khai phá. Nhận thức sâu sắc lời căn dặn của đồng chí Lê Duẩn, Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh trong cuộc họp tại ấp Lợi Hoà Đông, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng ngày 29.5.1959, khi bàn đến vấn đề mở tuyến đường giao liên quân sự trong tỉnh, đồng chí Võ Văn Truyện (Tám Hoà), Bí thư Tỉnh uỷ đã phát biểu: “Lời căn dặn của đồng chí Ba Lê Duẩn có tầm chiến lược sâu sắc, đặc biệt với Tây Ninh với vai trò là tỉnh căn cứ địa. Việc xây dựng các tuyến đường giao liên vận chuyển quân sự có ý nghĩa như nối liền mạch máu nuôi sống phong trào không chỉ cho tỉnh mà còn góp phần phục vụ cho các lực lượng kháng chiến sẽ hình thành, phát triển trong căn cứ địa. Thường vụ cần phải cử ra một bộ phận thành lập Ban chỉ đạo và giao nhiệm vụ này cho Ban Quân sự tỉnh làm nòng cốt chủ trì thực hiện.

Do vị trí quan trọng của nhiệm vụ “mở đường vận chuyển quân sự” nên Thường vụ Tỉnh uỷ nhất trí cử đồng chí Tám Hoà (Bí thư Tỉnh uỷ) làm Trưởng Ban chỉ đạo, đồng chí Trương Tùng Quân – Trưởng ban Quân sự tỉnh làm Phó Ban chỉ đạo. Thành viên Ban chỉ đạo là các đồng chí trong Tỉnh uỷ lúc bấy giờ như Đoàn Văn Dữ, Trịnh Văn Đặng. Nhiệm vụ được Tỉnh uỷ lãnh đạo triển khai trong điều kiện tuyệt đối giữ bí mật. Những người trực tiếp đi làm nhiệm vụ này được mang tên gọi là các “Đội tăng gia sinh sản””.

Tháng 2.1960, Tỉnh uỷ giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh thành lập ba “Đội tăng gia sinh sản”, lực lượng được tuyển chọn từ những đoàn viên, thanh niên cốt cán con em của cán bộ ta, mỗi Đội gồm 15 cán bộ chiến sĩ. Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh chọn và bổ sung vào mỗi đội 3 đảng viên, Tỉnh uỷ rút từ các cơ quan của Tỉnh uỷ bổ sung cho từng Đội, mỗi đội 2 đảng viên. Tổng cộng mỗi đội có 5 đảng viên làm nòng cốt lãnh đạo.

Ngày các “Đội tăng gia sinh sản” chính thức lên đường làm nhiệm vụ được Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo chọn ngày 26.3.1960 – Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản. Nhiệm vụ của 3 “Đội tăng gia sinh sản” được phân công trên 3 hướng như sau:

Hướng thứ nhất: Đội 1 do đồng chí Nguyễn Văn Thụi (Tư Bịch) làm Đội trưởng, có nhiệm vụ mở tuyến đường giao liên bắt đầu từ khu vực Tống Lê Chân (Bắc Tây Ninh) lên Nhà Trắng – Mã Đà thượng nguồn sông Bé – chiến khu Đ.

Hướng thứ hai: Đội 2 do đồng chí Thân Văn Dễ (Út Râu) làm Đội trưởng chia làm 2 cánh; Cánh một có nhiệm vụ mở tuyến giao liên từ Lò Gò- Xóm Giữa, xã Tà Păng, huyện Châu Thành qua “đồng Chó Ngáp” xuống Trà Cao – Phước Chỉ, Lộc Giang. Cánh hai có nhiệm vụ mở tuyến giao liên từ căn cứ Dương Minh Châu, vượt lộ 26, 19 xuống Gò Dầu về Phước Chỉ - Lộc Giang giáp với tỉnh Long An.

Hướng thứ ba: Đội 3 do đồng chí Hoàng Minh Tâm (Ba Lớn) làm Đội trưởng mở tuyến giao liên từ hai huyện Dương Minh Châu, Châu Thành vượt quốc lộ 22, vượt sông Vàm Cỏ Đông đến biên giới Việt Nam – Campuchia thông qua các cửa khẩu, các đường tiểu ngạch dọc theo biên giới.

Đến cuối năm 1960, Đội công tác thứ hai và đội thứ ba cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Riêng đội một đến tháng 3.1961 mới mở thông tuyến đường giao liên từ Tây Ninh lên Chiến khu Đ.

Các “Đội tăng gia sinh sản” ấy sau khi hoàn thành nhiệm vụ phần lớn các đồng chí được bổ sung, để hình thành lực lượng Quân bưu – Giao liên của tỉnh, đây chính là lực lượng chủ yếu trực tiếp làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ các tuyến đường vận tải Quân sự ở Tây Ninh trong suốt cuộc chiến tranh.

Trong những năm từ 1961 đến 1965, Tỉnh uỷ – Ban cán sự Tỉnh đội Tây Ninh được Trung ương Cục giao nhiệm vụ tổ chức hệ thống đường dây giao liên đưa cán bộ từ các cơ quan Trung ương Cục xuống công tác ở vùng đồng bằng và đón cán bộ từ các tỉnh Khu 9, Khu 8 đưa qua địa phận tỉnh Tây Ninh vào các cơ quan đầu não Trung ương Cục để nhận nhiệm vụ và đưa các đồng chí đó trở về cơ sở.

Một nhiệm vụ quan trọng khác được Quân uỷ – Bộ Tư lệnh Miền giao cho lãnh đạo tỉnh Tây Ninh là tiếp nhận và đưa các đoàn tân binh từ các tỉnh miền Tây, miền Trung Nam bộ qua Đức Hoà, Đức Huệ, tỉnh Long An vào Tây Ninh về các vị trí đón nhận quân bí mật trong căn cứ để tích luỹ, xây dựng những đơn vị chủ lực đầu tiền của Miền. Đã có hơn 1 vạn tân binh được đưa đón như vậy trong điều kiện phải qua sông, vượt lộ, qua các “ấp chiến lược”, qua hệ thống đồn bót địch giăng kín khắp nơi, song việc đưa đón quân vẫn đảm bảo an toàn. Đồng chí Trần Văn Trà – Tư lệnh – Bộ Tư lệnh Miền trong một lần đến thăm và làm việc với Tỉnh uỷ Tây Ninh trong chiến khu Bời Lời tháng 12.1963, đã nói: “Đảng bộ Tây Ninh, nhân dân Tây Ninh thực sự là người mẹ hiền, đất Tây Ninh thực sự là chiếc nôi của các lực lượng quân giải phóng miền Nam. Chính những đoàn quân được Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh bảo vệ và đưa đón ấy đã góp phần hình thành những đơn vị đầu tiên của chủ lực quân giải phóng miền Nam như Q761, Q762, Q763 – công trường 9”.

Song song với nhiệm vụ đưa đón cán bộ, đưa đón tân binh, Tỉnh uỷ Tây Ninh còn tổ chức lãnh đạo giao cho lực lượng Quân bưu – Giao liên làm nòng cốt, phối hợp với các cơ quan, các Đoàn Hậu cần Miền làm nhiệm vụ tổ chức quần chúng, xây dựng hệ thống cơ sở nòng cốt, hình thành các đường dây bí mật trong lòng địch, ngành Binh vận tỉnh còn xây dựng cả hệ thống đường dây trong quân đội nguỵ Sài Gòn để mua sắm các loại hàng thiết yếu phục vụ cho các cơ quan đầu não trong những năm đầu cuộc kháng chiến. Từ những loại hàng đặc biệt như vàng, đô la, hoá chất, thuốc nổ, đến vải vóc lương thực, thực phẩm… Các loại hàng như máy nổ, máy in, máy đánh chữ cho các cơ quan Trung ương Cục và nhiều loại máy móc đặc chủng khác như máy phao, máy bào, máy tiện cho các trạm xưởng sửa chữa, sản xuất vũ khí cùng với các thiết bị thông tin liên lạc…

Những năm 1964 – 1966, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh Mỹ vào trực tiếp tham chiến. Để giữ vững thế chủ động chiến trường đồng thời khẩn trương tích luỹ để quân và dân ta có đủ tiềm lực, lực lượng đương đầu với quân đội Mỹ. Trung ương chủ trương mở tiếp các tuyến đường vận chuyển qua Campuchia vào biên giới, đồng thời với tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển (Đoàn 759). Những chuyến hàng được đưa vào từ đất mũi Cà Mau, qua Khu 9, Khu 8 vào tập kết tại tỉnh Long An. Trung ương Cục giao nhiệm vụ cho Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức lãnh đạo huy động lực lượng tiếp nhận hàng qua địa phận tỉnh Tây Ninh đưa vào căn cứ.

Lãnh đạo Tây Ninh chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ này dưới làn bom đạn và chất độc khai hoang của địch, rừng cây trụi lá, địa hình trống trải, quân Mỹ - nguỵ đóng chốt ngăn chặn trên các tỉnh lộ, quốc lộ, tàu giặc giăng kín sông Vàm Cỏ Đông. Phải vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ, một số đồng chí trong Thường vụ, các Tỉnh uỷ viên được bố trí xuống các chiến trường, cùng với các đồng chí chỉ huy quân sự điều chỉnh lại lực lượng: Tổ chức ra Hội đồng cung cấp bên cạnh hậu cần địa phương, phối kết hợp với các Đoàn Hậu cần cấp trên, bổ sung củng cố lực lượng Quân bưu – Giao liên, Thành lập các Đội thanh niên xung phong, huy động nhân dân trong vùng giải phóng, thiếu lực lượng phải huy động đảng viên, đoàn viên, cán bộ cơ quan… Tất cả ra tiền tuyến đặt nhiệm vụ vận tải hàng phục vụ kháng chiến lên ngang với nhiệm vụ chiến đấu… Những ai từng có mặt vào những ngày tháng đạn bom nghi ngút ấy, mới thấu hiểu sức mạnh của lòng dân: hàng trăm xe bò, xe trâu, hàng ngàn người mang vác bộ, đoàn người vượt lộ, vượt sông ra biên giới, đoàn người khác vượt qua trảng, qua bưng xuống tận vùng sông nước Long An… tiếp nhận hàng ở những địa danh sau này đã đi vào lịch sử: Bố Bà Tây, Prả-Miệt, Biên giới, Tà Nông, bến Trung Dân, Lộc Giang, Rạch Tràm, Phước Chỉ… Những đoàn dân công trên vai, trên lưng trĩu nặng hàng hoá.

Địch đánh phá, đêm đêm cho từng tốp trực thăng chiến đấu trang bị đèn pha công suất lớn soi mói tìm dấu vết khả nghi, đã có hàng chục thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến hy sinh do bom B52 Mỹ ở suối Bà Hảo, suối Bời Lời, nhiều người hy sinh trên “đồng Chó Ngáp” máu người nhuộm ướt trên từng kiện hàng… Nhưng vượt lên trên tất cả hàng vẫn được đưa về kho bãi an toàn trong các căn cứ.

Khi đế quốc Mỹ mở các cuộc hành quân lớn đánh vào căn cứ Bắc Tây Ninh trong hai cuộc phản công mùa khô (1965 – 1966, 1966 – 1967) thực hiện “Bình định”“Tìm diệt” đẩy mức độ ác liệt của cuộc chiến tranh lên đỉnh điểm. Thực hiện yêu cầu của Bộ Tư lệnh Miền, Tỉnh uỷ Tây Ninh phải tổ chức lực lượng phối hợp với các Đoàn Hậu cần 81, 82 và các đơn vị, địa phương trong khu căn cứ, đào hàng trăm hầm bí mật, cất giấu các loại hàng hoá, vật chất, trang bị kỹ thuật… Nhờ đó, đã làm thất bại một trong những thủ đoạn của quân Mỹ khi càn vào căn cứ là “bịt biên giới, triệt kho tàng, đánh gãy xương sống chủ lực quân giải phóng”… Chính từ những loại vật chất, trang bị kỹ thuật quý báu đó, các lực lượng của ta trong căn cứ được kịp thời trang bị những loại vũ khí mới như tiểu liên AK, trung liên RPD, đại liên Cơ-Ri-Nốp, ĐK75, súng và đạn chống tăng có uy lực công phá lớn làm cho quân Mỹ bất ngờ, khiếp sợ… Góp phần đánh bại các cuộc càn Attelboro, Junction-city, buộc quân Mỹ phải “xuống thang chiến tranh”.

Qua hơn hai mươi năm chiến đấu, bắt đầu từ Đồng Khởi vũ trang Tua Hai cho đến ngày đánh cho “Mỹ cút”, đánh cho “nguỵ nhào” đến toàn thắng 30.4.1975, trên chiến trường tỉnh Tây Ninh trải qua các cuộc chiến đấu với bao nỗi thăng trầm, phong trào kháng chiến có lúc lên, lúc xuống, Đảng bộ, lực lượng vũ trang, nhân dân Tây Ninh nhiều lần bị tổn thất, có lúc bị địch bao vây chia cắt, bị đói cơm, thiếu muối. Song với Đảng bộ Tây Ninh việc lãnh đạo xây dựng, bảo vệ các tuyến đường vận chuyển quân sự trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ xuyên suốt. Đảng bộ tỉnh đã tập trung tâm lực, đầu tư, con người, động viên giáo dục toàn dân, đảng viên, cán bộ chiến sĩ: “Đường vận chuyển không thể bị tắt, người vận chuyển không thể bị thiếu, nhiệm vụ bảo vệ đường hành quân, bảo vệ trong quá trình di chuyển, trú quân quyết không để bị địch phát hiện đánh phá. Hàng hoá trang bị kỹ thuật theo hệ thống đường dây giao liên như mạch máu phải được lưu thông xuyên suốt từ nơi tiếp nhận về tới nơi tập kết trong căn cứ, quyết không cho địch ngăn cản, cung đường này bị tắt thì lập tức mở cung đường khác dù phải vượt lộ qua sông, qua bưng, qua trảng, qua “ấp chiến lược” đồn bót địch”.

Một cung đường Hồ Chí Minh thời kháng chiến chống Mỹ.

Đó là quyết tâm, là tấm lòng của Đảng bộ, của quân và dân tỉnh Tây Ninh với vai trò căn cứ địa, hậu phương trực tiếp của các cơ quan Trung ương Cục miền Nam, của các đơn vị Quân giải phóng miền Nam sinh ra lớn lên từ Tây Ninh để rồi sau đó toả đi các hướng… Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh còn ghi lời biểu dương của đồng chí Phạm Hùng – Bí thư Trung ương Cục trên đường xuống chỉ đạo phong trào cơ sở ghé thăm và làm việc với Tỉnh uỷ Tây Ninh tháng 2.1974: “Cảm ơn các đồng chí, cảm ơn mảnh đất Tây Ninh địa lợi nhân hòa, nhân dân Tây Ninh là chiếc nôi cách mạng, là bầu vú sữa không vơi cạn nuôi sống lực lượng kháng chiến”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Tây Ninh nòng cốt chủ yếu là các lực lượng được phân công làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ các tuyến đường vận chuyển quân sự từ buổi ban đầu mở đường khai lối cho đến ngày kết thúc cuộc chiến tranh, trải qua những năm tháng gian khổ ác liệt, cán bộ và chiến sĩ, quần chúng cách mạng trung kiên không lúc nào rời xa chiến trường, luôn bám đường, bám địch bảo vệ hành lang vận chuyển, đã hiến dâng cho quê hương nhiều xương máu, để lại nhiều tấm gương chiến đấu trung kiên, đã có 114 người anh dũng hy sinh, 79 người bị thương tật, tàn phế, hàng trăm người bị địch bắt tù đày, một phần trong số đó là quần chúng nhân dân – những người dân chí cốt với cách mạng. Đã đưa rước, dẫn đường bảo vệ 123 – 193 lượt cán bộ, chiến sĩ trong đó phần đông là những tân binh từ các vùng sông nước đồng bằng Tây Nam bộ tình nguyện lên chiến khu góp phần xây dựng nên những đơn vị đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam trong chiến tranh. Đến và đi trên những cung đường quân sự đó, Đảng bộ và quân dân Tây Ninh được vinh dự trực tiếp góp phần bảo vệ các đồng chí lãnh đạo: Lê Duẩn, Sáu Di (Nguyễn Chí Thanh), Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Trần Văn Trà, Mười Khang (Hoàng Văn Thái), Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Định…

Các lực lượng được Tỉnh uỷ phân công xây dựng bảo vệ các tuyến đường vận chuyển quân sự của tỉnh đã mở hàng trăm ki-lô-mét đường vận chuyển quân sự, đã chiến đấu 1.096 trận bảo vệ các cung đường, loại khỏi vòng chiến đấu 1.300 tên địch, bắn rơi 6 máy bay, bắn cháy 16 xe quân sự. Đã làm nòng cốt và huy động sức dân trực tiếp vận chuyển bằng sức người đưa về vị trí quy định cất giấu an toàn hơn 64.516 tấn vũ khí, đạn, lương thực, thực phẩm, máy móc các loại trong đó có kim loại quý vàng, đô la…

Thực tế lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã chứng minh rằng: vùng đất địa đầu biên giới tỉnh Tây Ninh do địa hình thiên hiểm của mình đã được chọn làm nơi đứng chân của các cơ quan đầu não lãnh đạo, chỉ huy cuộc kháng chiến cứu nước ở miền Nam. Hơn ai hết, Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh ý thức sâu sắc sứ mệnh lịch sử không chỉ phải góp phần bảo vệ sự an toàn cho các cơ quan lãnh đạo mà còn phải góp phần cưu mang, phục vụ bảo đảm cho các lực lượng kháng chiến, để rừng núi Tây Ninh trong bất cứ thời điểm nào cũng là căn cứ địa an toàn, là chỗ dựa, là nơi tiếp nhận cất giấu, dự trữ nguồn cung cấp vật chất, trang bị kỹ thuật cho cuộc kháng chiến. Để thực hiện được nhiệm vụ to lớn đó, Tỉnh uỷ Tây Ninh phải huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, một trong những nhân tố quyết định là lãnh đạo xây dựng, bảo vệ các tuyến đường vận chuyển quân sự trên địa bàn tỉnh.

Nhìn lại quá trình lịch sử 21 năm góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có thể khẳng định rằng Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó, và đó cũng là một trong những thành tích vẻ vang góp phần làm nên truyền thống Tây Ninh trung dũng kiên cường.

L.T.B