Đọc báo in
Tải ứng dụng
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Ngành Dân số Việt Nam (26.12.1961 - 26.12.2021): Chặng đường của nỗ lực
2021-12-27 21:00:21

Tiền thân của Chi cục Dân số kế hoạch hoá gia đình Tây Ninh là Uỷ ban Dân số kế hoạch hoá gia đình, được thành lập từ tháng 7.1994 với nhiệm vụ chính là thực hiện mục tiêu giảm quy mô dân số. Ngay từ khi thành lập các cấp uỷ Đảng và chính quyền luôn xác định công tác dân số là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.

Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số năm 2013.

Những năm qua, công tác dân số đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong suốt quá trình phát triển, công tác dân số luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh bằng các chủ trương, chính sách phù hợp với từng giai đoạn, tiếp sức để ngành dân số tiếp tục đóng góp cho mục tiêu ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số.

Ngành Dân số đã có một bộ máy thống nhất, ổn định; công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình đã có định hướng rõ ràng, với bước đi phù hợp. Hệ thống Uỷ ban dân số, kế hoạch hoá gia đình cấp tỉnh và các huyện, thị xã được tăng cường; ở cấp xã, phường có các Ban dân số, kế hoạch hoá gia đình và có cán bộ chuyên trách. Đặc biệt 100% ấp, khu phố đều có đội ngũ cộng tác viên dân số, tạo mạng lưới liên kết thực hiện tốt mục tiêu dân số.

Ông Hoàng Trung Kiên- nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em Tây Ninh cho biết: “Cùng với cả nước sau khi hình thành hệ thống tổ chức cơ quan dân số từ tỉnh cho đến ấp khu phố, chúng tôi bắt tay nhanh thực hiện mục tiêu Trung ương đã đặt ra là giảm sinh với nhiều giải pháp, nội dung và phương châm triển khai”.

Trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông dân số với nhiều thông điệp khác nhau, ngắn gọn dễ hiểu, in sâu trong lòng người dân như thông điệp: “dù gái hay trai chỉ hai là đủ”. Gắn liền với giải pháp thực hiện công tác truyền thông, mô hình cung cấp các gói dịch vụ đến hộ gia đình cũng được đẩy mạnh. Lưu ý đến cặp vợ chồng trong các độ tuổi sinh đẻ để thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Đặc biệt, trong công tác tổ chức thực hiện có nhiều phương châm đến nay vẫn còn có tác dụng trong nhiều phong trào khác nhau, như: “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.

Chính từ những phương châm này, công tác dân số đạt nhiều hiệu quả. Đến năm 2000, Tây Ninh đã kiểm soát được quy mô dân số và bắt đầu bước vào các giai đoạn đạt mức sinh thay thế.

Tuyên truyền chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi (ảnh chụp trước khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19)

Từ năm 2001 đến nay, công tác dân số ở Tây Ninh đứng trước nhiều khó khăn. Hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình có sự biến động qua các lần sáp nhập và chia tách. Một bộ phận người dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên hiểu sai về quy định trong công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, dẫn đến việc coi nhẹ công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình khiến tỷ lệ sinh tăng. Với sự tham mưu của ngành y tế, dân số, nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác dân số đã được tỉnh ban hành, kịp thời ổn định tình hình, ổn định tư tưởng của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số.

Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều bước phát triển, trình độ dân trí ngày càng được nâng lên. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, quy mô dân số được ổn định. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Kết quả công tác dân số thời gian qua đã góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Ông Đặng Tấn Thành- Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình cho biết, từ tháng 10.2017, Ban chấp hành trung ương đã ban hành Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới, chuyển trọng tâm chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển.

“Trước đây chúng ta chỉ tập trung vào nội dung quy mô dân số, hiện nay, còn có cơ cấu dân số và chất lượng dân số. Tây Ninh là 1 trong 21 tỉnh có mức sinh thấp, trong thời gian tới chúng ta phải làm sao để nâng mức sinh, giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh và già hóa dân số”- ông Thành nói.

Khi mức sinh quá thấp và kéo dài sẽ tác động mạnh mẽ tới cơ cấu dân số, làm cho dân số trong độ tuổi lao động ngày càng bị thu hẹp, dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững của xã hội trong tương lai.

Chị Ên Hasina- Cộng tác viên dân số nhiệt tình trong công tác.

Để đạt được những mục tiêu trên, ngành dân số Tây Ninh luôn xác định công tác truyền thông là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình.

Những năm gần đây, ngành dân số tỉnh luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số có năng lực, trình độ làm cầu nối, chuyển tải các chủ trương, chính sách giúp người dân nâng cao nhận thức về mức sinh để bảo đảm công tác dân số trên địa bàn tỉnh.

Ông Hoàng Trung Kiên- nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em Tây Ninh cho biết, những năm trước đây thông tin đại chúng chưa hiện đại, nhưng công tác tuyên truyền vẫn rất hiệu quả. Ngoài bộ máy chuyên trách của tỉnh, huyện, thị, ở cơ sở có các ban dân số và đặc biệt là hệ thống “chân rết” là cộng tác viên ở từng ấp, khu phố. Ít nhất là mỗi ấp, khu phố có ba người làm công tác tuyên truyền, vận động. Đội ngũ cộng tác viên thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng về công tác tuyên truyền để trực tiếp tác động đến từng hộ dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn được lồng ghép qua các buổi sinh hoạt của tổ dân cư tự quản của khu phố.

Ông Đặng Tấn Thành- Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình cho biết thêm: “Trong giai đoạn từ năm 1994 đến nay, lực lượng cộng tác viên đã luôn nỗ lực, nhiệt tình, hết mình với công tác dân số, từ thu thập thông tin biến động dân số, cho đến việc vận động áp dụng các biện pháp tránh thai, khám sức khỏe cho người già, hoặc vận động sàng lọc trước sinh, sơ sinh… Đây là lực lượng đã đóng góp tích cực để hoàn thành các nội dung về công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình”.

Hội nghị ký cam kết và tuyên truyền quy định pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi (ảnh chụp trước khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19).

Gắn bó với công tác dân số từ nhiều năm qua, chị Ên Hasina- Cộng tác viên dân số phường 1, thành phố Tây Ninh được nhiều người ngưỡng mộ bởi sự nhiệt tình, hăng hái trong công việc. Chị luôn cố gắng tuyên truyền để đồng bào Chăm từ bỏ những quan niệm lạc hậu như trọng nam khinh nữ, nhà đông con thì có phúc. Chị Hasina nói: “Khi tuyên truyền, tôi thường lấy minh hoạ một gương điển hình, trường hợp cụ thể, từ đó mọi người mới thay đổi suy nghĩ, tư tưởng mới dần tiến bộ hơn”. 

Với sự quan tâm, đồng hành của các cấp, ngành, địa phương, ngành dân số Tây Ninh tiếp tục nỗ lực phát huy truyền thống, đồng sức, đồng lòng phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu giảm mức sinh, ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số.

Kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Tây Ninh thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, tập trung mọi nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển, thực hiện đạt được các mục tiêu: duy trì vững chắc mức sinh thay thế; ổn định tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý…

Hòa Khang

Tin liên quan