BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 65 năm ngày bầu cử quốc hội khoá I (6.1.1946- 6.1.2011): Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân - Quốc hội Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng

Cập nhật ngày: 02/01/2011 - 11:15

Nghị trường kỳ họp thứ 8 QH khoá XII

Những ngày đầu năm 2011, cùng với nhân dân cả nước hướng về kỷ niệm 65 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam, ngày 4.1.2011 Đoàn Đại biểu Quốc hội cùng Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tây Ninh sẽ long trọng tổ chức kỷ niệm Ngày bầu cử Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (6.1.1946 - 6.1.2011). Để ôn lại truyền thống 65 năm qua của cơ quan quyền lực cao nhất cả nước, bài viết này tổng hợp lại một số tài liệu lịch sử về quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội qua các giai đoạn của cách mạng Việt Nam.

Giữa năm 1945, khi cao trào kháng Nhật cứu nước đang diễn ra sôi nổi, cơ hội ngàn năm có một cho công cuộc giải phóng dân tộc đang đến gần, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải gấp rút triệu tập Đại hội Đại biểu Quốc dân để thành lập Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam.

Chiều ngày 16.8.1945, tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc Đại hội Đại biểu Quốc dân (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự đại hội có hơn 60 đại biểu cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số kiều bào ta ở nước ngoài (Thái Lan và Lào).

Đại hội Đại biểu Quốc dân có 3 quyết định lớn: - Nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. - Thông qua 10 chính sách của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào tích cực thực hiện. Trong đó, mấu chốt đầu tiên là giành chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập. - Thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Quốc dân đại hội là một tiến bộ lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta, là một mốc son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, là đại hội mang tầm vóc lịch sử của một cơ quan quyền lực Nhà nước lâm thời, tiền thân của Quốc hội Việt Nam.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chính quyền đã về tay nhân dân. Giành được chính quyền đã khó, nhưng làm thế nào để giữ được chính quyền còn khó hơn. Xác định rõ vấn đề đó, ngay từ những ngày đầu giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra một trong những nhiệm vụ hàng đầu có tính cấp bách của cách mạng lúc bấy giờ là phải tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội - cơ quan đại biểu, đại diện cao nhất cho quyền lực của nhân dân.

Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thuỷ phát biểu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XII

Chỉ một ngày sau khi tuyên bố nước nhà độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu vấn đề Tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội. Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ  thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.

Để có cơ sở pháp lý tiến hành tổng tuyển cử, một tuần sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 8.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14/SL quyết định tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội; ngày 26.9.1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39/SL về việc thành lập Uỷ ban Dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử, và ngày 17.10.1945 ban hành Sắc lệnh số 51/SL quy định về thể lệ Tổng tuyển cử. Tư tưởng cốt lõi của các Sắc lệnh về Tổng tuyển cử thể hiện ở nội dung quan trọng là: Quyền bầu cử bình đẳng, phổ thông; Quyền ứng cử là hoàn toàn tự do, dân chủ.

Theo Sắc lệnh số 51/SL thì “Ngày 23.12.1945 sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử trong toàn cõi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để bầu đại biểu dự vào Quốc dân Đại hội”. Tuy nhiên, tình hình chính trị - xã hội lúc bấy giờ rất phức tạp, bọn phản động chống phá quyết liệt, không ủng hộ Tổng tuyển cử. Để có thêm thời gian thương lượng, thoả hiệp trong các đảng phái, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, thu hút lực lượng ủng hộ Tổng tuyển cử; mặt khác, để công việc được chuẩn bị chu đáo hơn, ngày 18.12.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76/SL hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6.1.1946, và hạn nộp đơn ứng cử được kéo dài đến hết ngày 27.12.1945. Tuy vậy, Sắc lệnh cũng ghi rõ: “Những tỉnh nào nhận được chậm sắc lệnh này, không đủ thời gian để thông tri cho tất cả các làng, thì UBND tỉnh ấy được phép vẫn tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 23.12.1945 như đã định”.

Tuy rất bận với trăm công nghìn việc, nhưng ngày 5.1.1946, tức là trước ngày Tổng tuyển cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có bài kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu: “Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình. Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho chính mình và gánh vác việc nước…”.

Với tinh thần dân tộc cao cả, với ý thức của người dân làm chủ đất nước, nhân dân ta đã tưng bừng chào đón ngày 6.1.1946 như một ngày hội lớn và đã tích cực tham gia bầu cử với tinh thần trách nhiệm lớn lao. Ở miền Nam, do lệnh hoãn không về kịp, nhiều địa phương vẫn tiến hành Tổng tuyển cử vào ngày 23.12.1945 trong tiếng súng chiến đấu kiên cường chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai bán nước. Ở miền Bắc, cuộc Tổng tuyển cử cũng được tiến hành trong không khí hào hứng, phấn khởi, nô nức của nhân dân. Tuy phải đối phó với nhiều âm mưu xảo quyệt của kẻ thù, một số địa phương đã xảy ra xung đột giữa lực lượng ta với quân địch trong ngày bầu cử. Nhưng cuộc bầu cử vẫn giành được thắng lợi to lớn. Ở Hà Nội, Thủ đô của cả nước, đông đảo cử tri đã đi bỏ phiếu với khí thế sôi nổi; tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt gần 92%. Kết quả là đã có 6 trong số 74 ứng cử viên trúng cử. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I đã thu được thắng lợi to lớn. Kết quả là cả nước đã bầu được 333 đại biểu, với thành phần thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân, vì lợi ích của dân tộc, của đất nước. (Sau đó, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho 70 đại biểu thuộc lực lượng Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội tham gia Quốc hội).

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Thị Bạch Mai phát biểu về tình hình kinh tế- xã hội năm 2010 tại kỳ họp thứ 8 QH khoá XII

Thắng lợi của Tổng tuyển cử thể hiện ý chí sắt đá và quyết tâm không có gì lay chuyển nổi của nhân dân ta là độc lập, tự do và dân chủ. Thắng lợi đó khẳng định đường lối đúng đắn và tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong những lúc đất nước đứng trước những khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi, nhưng với sự chỉ đạo khôn khéo, mềm dẻo, có nguyên tắc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm tổ chức Tổng tuyển cử và Tổng tuyển cử thành công rực rỡ.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 đã đi vào lịch sử nước nhà như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam ở trong nước và trên trường quốc tế.

(còn tiếp)

MINH QUANG

(Tổng hợp)