Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dương Minh Châu- đất và người
Kỷ niệm 65 năm thành lập huyện Căn cứ Dương Minh Châu (5.1951-5.2016)
Chủ nhật: 03:18 ngày 08/05/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Chỉ bốn câu đầu tiên được in lên bia đá chữ vàng trong rừng lịch sử Dương Minh Châu đã có thể khái quát về địa thế Dương Minh Châu rồi đấy! Dù nay hình thế có khác đi chút ít, do diện tích đã thu hẹp lại nhưng ta vẫn có thể hình dung. Xưa, Dương Minh Châu còn bao gồm phần lớn huyện Tân Châu và toàn bộ lòng hồ Dầu Tiếng- hồ thuỷ lợi lớn nhất trong cả nước.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm tại huyện Dương Minh Châu.

Nơi đây:

Rừng bát ngát vùng Đông Bắc

Người lừng danh đất phương Nam

Đồng ruộng núi sông tạo thế liên hoàn

Nam Bắc Tây Đông thuận đường trung chuyển…

                (Văn bia truyền thống huyện Dương Minh Châu)

Chỉ bốn câu đầu tiên được in lên bia đá chữ vàng trong rừng lịch sử Dương Minh Châu đã có thể khái quát về địa thế Dương Minh Châu rồi đấy! Dù nay hình thế có khác đi chút ít, do diện tích đã thu hẹp lại nhưng ta vẫn có thể hình dung. Xưa, Dương Minh Châu còn bao gồm phần lớn huyện Tân Châu và toàn bộ lòng hồ Dầu Tiếng- hồ thuỷ lợi lớn nhất trong cả nước.

Cũng cần nói thêm rằng, dù người biên soạn là nhà văn Lê Quang Trang- nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh thì văn bia vẫn là công sức và tâm huyết của cán bộ và nhân dân Dương Minh Châu, nhất là các cô chú chiến sĩ cách mạng lão thành. Lần nào tổ chức góp ý văn bia cũng có mặt các cô chú ấy. Cân nhắc từng chữ, đến lần thứ 15 mới coi như tạm ổn để lên bia đá bảng vàng. Nhưng với ai chưa từng đến Dương Minh Châu thì cũng nên biết thêm. Rằng con đường sứ từ thời các chúa Nguyễn, được coi như đường thiên lý phía Tây nối liền Sài Gòn với các cố đô xưa của Campuchia cũng đã đi dọc huyện này. Từ Truông Mít, Lộc Ninh, Cầu Khởi, Chà Là, Bàu Năng thẳng về tỉnh lỵ Tây Ninh. Lúc ấy còn chưa có quốc lộ 1 (sau là đường Xuyên Á) nên chỉ có đường bộ này là duy nhất. Ngoài ra còn có đường sông Sài Gòn cặp một bên hông. Và để có một hình dung rõ hơn, xin hãy đọc cuốn Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Dương Minh Châu (1951- 2015) vừa xuất bản năm 2015. Xin trích mấy đoạn sau đây- phân tích các yếu tố địa quân sự: “Toàn bộ phía Bắc nối liền với vùng đại ngàn Đông Bắc Campuchia tạo nên một vùng căn cứ liên hoàn rộng lớn… Phía Nam liên thông với chiến khu Bời Lời, nối liền với Bến Đình, Bến Dược Củ Chi… Về phía Tây có thể cơ động theo Tỉnh lộ 13 phía tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông đến các căn cứ Cây Chò, Ninh Điền, Hoà Hội huyện Châu Thành…”. Và nữa, núi Bà Đen đột khởi mọc lên giữa đồng bằng như một tiền đồn chở che huyện căn cứ địa. Hồi thành lập huyện có 5 xã thì có riêng một xã Chơn Bà Đen cho các cụm dân cư quanh núi. Bốn xã còn lại là Thạnh Bình, Định Thành, Phước Ninh và Ninh Thạnh. Trong đó, Phước Ninh được hợp thành từ hai xã Lộc Ninh và Phước Hội. Đình làng Phước Hội xưa thuộc xã Suối Đá ngày nay. Các nhóm dân cư ven sông Sài Gòn quy về xã Định Thành. Dạo này cư dân “phượt” đang hào hứng với điểm bờ hồ thuộc ấp Suối Bà Chiêm ở xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. Thì cũng khoe luôn, thời kháng chiến 9 năm nơi ấy thuộc về Dương Minh Châu đấy!

“Tháng 5.1951, huyện căn cứ ra đời, mang tên anh hùng liệt sĩ Dương Minh Châu- một trí thức yêu nước, Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Tây Ninh. Năm 1951, khi thành lập huyện có khoảng 10.000 người” (trang 35). Kể từ đây: “huyện căn cứ Dương Minh Châu dang tay ôm trọn trong lòng mình: toàn bộ cơ quan Xứ uỷ, sau đó là Trung ương cục, Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Bộ Chỉ huy Phân liên khu miền Đông, Tỉnh uỷ Gia Định Ninh…” (trang 21).

Một cụm từ được nhắc lại nhiều lần trong cuốn sách kể trên là vùng đất phía Đông tỉnh. Xưa là thế, mà có lẽ nay cũng gần như thế. Nhìn bản đồ sẽ thấy ngay Dương Minh Châu là vùng đất phía Đông của tỉnh, chỉ trừ xã Đôn Thuận (và nay thêm Hưng Thuận) là thuộc Trảng Bàng. Còn lại từ Bến Củi trở lên đều thuộc về huyện căn cứ địa Dương Minh Châu. Phía Đông! Nghĩa là vùng đất đầu tiên đón ánh mặt trời lên.

Về Tây Ninh cuối năm 1983, nhà thơ Xuân Diệu viết bài thơ “Tây Ninh mỗi chốn tôi đi”, trong đó có mấy câu: “Anh Tám Bét, chị Năm Cao, anh Hai xe ngựa/ Cán bộ Tây Ninh bí danh gọi rất hiền/ Không văn hoa, rất dễ hoà dân dã..”. Hai người sau còn chưa rõ nhưng anh Tám Bét chắc là người Dương Minh Châu rồi đó. Anh từng có thời gian làm chủ tịch huyện, một cán bộ rất dễ gần và cũng rất gần dân. Nhiều cán bộ Dương Minh Châu sau này cũng thế, gặp một lần là thấy thân quen. Miền đất nào thì tạo ra con người ấy chăng? Nhưng về “công dân số một” của huyện căn cứ địa này, chắc nhiều người sẽ đồng tình rằng: đó phải là Dương Minh Châu (1912- 1947). Khi thành lập huyện vào tháng 5.1951, ông đã hy sinh. Dương Minh Châu là một trí thức yêu nước, quê làng Ninh Thạnh, tham gia cách mạng từ rất sớm. Ông được cử làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh từ tháng 5.1946, đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên. Ngày 7.2.1947, ông trực tiếp chỉ huy chiến đấu và hy sinh anh dũng tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành. Ngày 31.7.1998, liệt sĩ Dương Minh Châu được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và đến tháng 9 năm ấy được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Nhưng ngay từ 25.4.1949 ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký truy tặng Huân chương Kháng chiến. Đoạn ghi thành tích như sau: “Được cử vào UBKC tỉnh Tây Ninh trong những lúc đặc biệt khó khăn, đã có công chấn chỉnh bộ máy hành chính tỉnh. Một nhân viên chỉ huy sáng suốt, khiêm tốn can đảm và có tinh thần trách nhiệm…”.

Huyện căn cứ địa Dương Minh Châu được thành lập, Bí thư huyện uỷ đầu tiên, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến huyện là ông Huỳnh Văn Một. Lần theo trang sử Dương Minh Châu, ta còn biết ông từng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Tây Ninh vào năm 1950. Chỉ một tháng sau khi thành lập huyện, tức tháng 6.1951 ông đã quyết định thành lập C31- đơn vị vũ trang đầu tiên của huyện căn cứ địa. Lực lượng này sau đó đã lập công xuất sắc đưa đoàn cán bộ Xứ uỷ và Phân liên khu thoát khỏi vòng vây cuộc càn quét của 20 tiểu đoàn lê dương Pháp cuối năm 1952 về nơi an toàn. Cũng cuối năm 1952, Huỳnh Văn Một được rút về trên, người được bổ nhiệm, thay thế làm Bí thư Huyện uỷ chính là Hoàng Lê Kha, một cán bộ xuất sắc của Đảng và Mặt trận Việt Minh tỉnh Gia Định, sau đó là tỉnh Tây Ninh. Ông đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm xử chém vào tháng 3.1960 theo luật 10/59. Hoàng Lê Kha cũng là người “gắn bó bằng tình cảm rất đặc biệt dành cho lực lượng vũ trang Dương Minh Châu khi C31 mới hình thành trung đội” (Sách đã dẫn).

Những thế hệ người Dương Minh Châu vẫn kiên cường tiếp nối cha anh trên con đường đi đến ngày toàn thắng. Nhiều tên tuổi đã vang dội như Phạm Văn Dõng, Huỳnh Văn Một, Ngô Văn Rạnh, Dương Văn Tân (dũng sĩ diệt Mỹ và diệt xe cơ giới trong các cuộc chống càn thời chống Mỹ)… Nhiều tên tuổi khác đã bị chìm khuất nhưng hành động anh hùng của họ vẫn được dân nhớ và còn ghi lại trong sử sách. Người Dương Minh Châu, người của vùng Đông, người của xứ bàu. Đến đâu ta cũng sẽ nghe được những tên bàu, như Bàu Hang, Bàu Trẹt, Bàu Dài, Bàu Sen… gần thành phố Tây Ninh nhất có Bàu Năng. Và cũng có thể coi hồ thuỷ lợi lớn nhất nước ở huyện Dương Minh Châu là một cái “bàu chúa”- bàu lớn nhất với 27.000 ha mặt nước. Vậy nên có thể gọi người Dương Minh Châu là người của xứ bàu chắc cũng… không ai giận. Dường như đã hình thành một bản sắc, hay phong cách của người Dương Minh Châu: sống chan hoà, đầm ấm, nghĩa tình. Khi vào việc thì lại quyết liệt, chung tay làm đến nơi đến chốn.

Ngay từ đầu tháng 2.2016, huyện Dương Minh Châu đã có lễ kỷ niệm 65 năm thành lập huyện căn cứ địa. Dường như toàn tỉnh đã tụ họp về đây đầm ấm. Nhân dân các xã đã kịp bày ra trong căn nhà vòm dưới rừng lịch sử những món ăn đặc sản quê nhà. Nào ổi Phước Ninh, nào bánh tráng Chà Là, củ mì Bến Củi. Rồi bánh ít, chè đậu Cầu Khởi hay Bàu Đồn, Truông Mít. Những mời chào ân cần, những nụ cười toả nắng. Tôi thấy các chú, các cô cán bộ cách mạng lão thành cũng đã về đây từ rất sớm. Như các vị cựu Bí thư Tỉnh uỷ: Nguyễn Thị Minh, Lê Thị Bân, Hồ Thanh Tuyên. Như các cán bộ lão thành huyện: Tư Ngữ, Chín Sách, Tô Thành... Chú Tư Ngữ nay đã 91 tuổi,  là người từng dẫn dân công hai huyện Châu Thành và Dương Minh Châu tham gia đánh trận Tua Hai nổi tiếng đêm 25 rạng ngày 26.1.1960, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh võ trang trên khắp miền Nam. Họ ngồi đây quanh những bàn tròn bày những đĩa củ mì luộc ấm sực tình dân như một thuở cùng nhau “nếm mật nằm gai” ngày trước. Họ vừa gợi lại một kỷ niệm vui nào đấy nên chốc lát lại rộ lên trận cười vang. Cũng là ăn tết đây! Mà tết chiến khu giữa rừng lịch sử.

Xác xe tăng Mỹ bị đánh cháy tại căn cứ Bắc Tây Ninh trong trận càn Junction city năm 1967.

Dương Minh Châu đầm ấm! Cán bộ huyện, từ Bí thư Nguyễn Văn Hợp đến các Phó Chủ tịch vồn vã với mọi người như đã thân quen từ lâu lắm. Thanh niên dìu đỡ các chú, các cô già yếu. Bạn cũ gặp lại đập vai nhau bồm bộp. Bí thư Tỉnh uỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII Trần Lưu Quang cũng đã tới rồi kia, vồ vập nắm lấy những bàn tay đã nhăn nheo nhưng vẫn ấm tình chú cháu, cha con, đồng chí. Khách về dự hôm ấy còn có con cháu các vị từng lãnh đạo huyện Dương Minh Châu như Hoàng Lê Kha, Huỳnh Thanh Châu, Nguyễn Văn Dậu (Sáu Bầu)…

May mắn sao, lần này tôi lại gặp cả hai vợ chồng kỹ sư lâm nghiệp. Là anh Hồng, chị Duyên- những người đầu tiên trồng cây dầu trên đất rừng lịch sử. Từ 5 ha đầu tiên sống năm đầu, đến 100 ha năm thứ hai (1982-1983) để hôm nay đã tái sinh cả một cánh rừng dầu y hệt nguyên sinh, cũng ba bốn tầng cây và dây leo vấn vít. Ý nghĩa thì vô chừng, ngoài chuyện nơi đây đã trở thành vườn dầu giống quốc gia duy nhất. Dù anh chị đã ở một nơi xa nhưng khi rừng lịch sử Dương Minh Châu có sự kiện là lại quay về.

Và tôi tin, ai đã từng gắn bó, hay chỉ từng biết đến Dương Minh Châu thôi… cũng đều muốn vội vã trở về như anh Hồng, chị Duyên, như tôi, như bạn…

NGUYỄN QUỐC VIỆT

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh