Đọc báo in
Tải ứng dụng
Kỷ niệm 66 năm truyền thống Báo Tây Ninh (1946 - 2012): Chiếc bàn làm việc của nhà báo Phương Hùng
2012-10-07 04:32:00

Trong kháng chiến do sự khốc liệt của chiến tranh nên chỗ làm việc của các cơ quan thường hay di dời, không ổn định. Cứ mỗi lần dời cứ là một lần xây dựng nhà cửa, bàn ghế làm việc mới.

(BTN)- Trong kháng chiến do sự khốc liệt của chiến tranh nên chỗ làm việc của các cơ quan thường hay di dời, không ổn định. Cứ mỗi lần dời cứ là một lần xây dựng nhà cửa, bàn ghế làm việc mới. Căn cứ gần rừng tre thì bàn ghế thường được làm bằng những miếng tre rừng chẻ ra. Nếu gần rừng cây thì bàn, ghế là những khúc gỗ săng (loại cây nhỏ bằng cườm tay, bện vào nhau). Với anh em làm công tác viết báo như chúng tôi, thì chiếc bàn là phương tiện khá quan trọng cho nghề nghiệp của mình. Vì vậy, khi làm bàn viết phải chọn những cây suông, bằng nhau để mặt bàn không phải chông chênh nhiều. Tuy nhiên, trong số này có một người không bận tâm chuyện chọn cây làm bàn viết. Đó là anh Phương Hùng, bởi bên anh lúc nào cũng có chiếc bàn nhỏ, gọn để khi cần là anh có thể ngồi viết bài bất cứ nơi đâu anh mắc chiếc võng được. Chiếc bàn làm việc này rất có ý nghĩa không chỉ với cá nhân của anh Phương Hùng, mà là niềm tự hào của cả anh em viết báo chúng tôi về một thời hào hùng của giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, bởi nó được làm từ mảnh vỡ của xác máy bay Mỹ bị quân ta bắn rơi.

Nhà báo Phương Hùng (bìa trái)

Tiện lợi của chiếc bàn viết là có thể xếp và rút ngắn chân lại khi di chuyển để trong ba lô. Bàn dùng để viết trên mặt đất (ngồi vào chiếc võng mà viết) hoặc trong hầm tránh pháo giặc hay hầm bí mật- điều này phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh lúc bấy giờ. Theo anh Phương Hùng, mặt bàn làm bằng mảnh xác thân máy bay Mỹ AD6. Chân bàn inox được lấy từ ống chứa dầu máy bay F105, bị bắn hạ tại Bố Bà Tây. Mặt bàn có chiều ngang 27cm, dài 36,5cm, với trọng lượng 800 gram, do anh Phương Hùng tự thiết kế. Đồng chí Sáu Xuân bấy giờ làm việc ở Công binh xưởng của tỉnh thực hiện vào tháng 7.1971. Anh Phương Hùng có ý tưởng làm chiếc bàn cơ động xếp gọn vào ba lô bằng nhôm máy bay Mỹ là do từ năm 1965 khi anh từ Campuchia về Bời Lời sinh hoạt tại Trạm đường dây do anh Bảy Nhách phụ trách, được anh Bảy nhường chiếc bàn duy nhất của trạm được làm bằng mảnh xác trực thăng của Mỹ bị bắn rơi gần đó để anh có điều kiện viết lách. Và chiếc bàn dã chiến được coi là chiến lợi phẩm từ xác thân máy bay Mỹ đã giúp anh có nhiều bài báo suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Phương Hùng tên thật là Lê Tấn Lộc, sinh năm 1939 tại Kiên Giang. Nguyên quán tỉnh Bạc Liêu, trong một gia đình giáo chức. Cha anh là thầy dạy học ở Cần Thơ và gia đình đã định cư trên mảnh đất Tây đô cho đến ngày nay. Giữa năm 1958, anh học dự bị Cao đẳng Mỹ thuật tại Sài Gòn. Không lâu sau đó, anh sang Campuchia làm báo Trung Lập rồi bị chính quyền Campuchia lúc bấy giờ bắt và trục xuất về Việt Nam vào đầu năm 1965. Cuộc đời anh gắn với cách mạng và với ngành báo chí tỉnh Tây Ninh từ đây. Anh Phương Hùng kể chuyện vào nghề báo như một cái duyên: “Một buổi trưa, một thanh niên nhỏ hơn tôi vài tuổi, hơi gầy, dừng xe đạp hỏi vọng vô. Người đó là anh Sáu Tâm. Tôi nói, tôi là giáo viên, dạy ở đây. Anh Sáu Tâm nói, tôi biết anh là ai rồi. Bài gởi dài quá, lại lộ bí mật. Về viết báo với tôi đi”. Sau đó vài tháng anh chính thức gia nhập vào đội ngũ những người viết báo của tỉnh nhà. Từ ngày về báo, anh là cây viết chủ lực, hầu như số nào cũng có bài viết của Phương Hùng, thậm chí có số báo, bài viết của anh chiếm gần hết. Ngoài viết bài, anh còn làm nhiệm vụ biên tập, làm ma-kết, dò bài, đi in báo... Đây là chuyện bình thường trong chiến tranh do người ít, nên ai cũng làm nhiều việc. Có lẽ nhờ vậy mà anh em chúng tôi, những người làm báo kháng chiến gần như biết tất cả các công đoạn làm báo, từ khi nắm thông tin ban đầu cho đến lúc sản phẩm báo chí ra đời.

Chiếc bàn viết từ mảnh thân xác máy bay Mỹ và quyển hồi ký Giã biệt chim rừng của nhà báo Phương Hùng

Suốt 10 năm, từ ngày rời Campuchia về Tây Ninh tham gia kháng chiến với nhiệm vụ viết báo, nhà báo Phương Hùng là phóng viên năng nổ, bám chiến trường, khi thì sống cùng đơn vị bộ đội, nhất là tiểu đoàn 14 chủ lực của tỉnh, lúc bám cơ sở thuộc các địa phương trong tỉnh với bao hiểm nguy, anh vẫn tích cực đi và viết, không ngần ngại hy sinh, gian khổ. Nhưng với bản chất là anh học sinh thành thị đi làm cách mạng, sinh hoạt cá nhân của anh đôi khi không phù hợp với sinh hoạt tập thể những người kháng chiến lúc bấy giờ. Sống ở rừng, ngoài công tác chuyên môn phải hoàn thành, yêu cầu mỗi thành viên còn phải tham gia các hoạt động như xây dựng cứ, lao động sản xuất cải thiện cuộc sống, tải gạo... thậm chí rỗi rảnh phải bù khú bên nhau một ít ly rượu, vài chung trà. Phương Hùng cũng tham gia lao động với tập thể nhưng chuyện bù khú ít khi nào anh có mặt nên dễ tạo một khoảng cách. Thậm chí có người định kiến, cho anh ỷ là nhà báo chỉ biết chúi mũi vào giấy, hợm mình hay chữ, lập dị, tự mãn, khinh thường, xa rời quần chúng. Lại có người so bì “Mình thấy thiệt thòi nên bỏ ruộng vườn đi làm cách mạng, vô đây thì cũng chân lấm tay bùn, cuốc đất sản xuất. Còn người có chữ nghĩa vẫn ngồi bàn viết, ăn trắng, mặc trơn...”. Có lẽ đau nhất trong cuộc đời làm cách mạng của anh Phương Hùng mà theo lời anh kể lại là: “Có lần, tôi đến Tà Y tìm tiểu đoàn 14 để phỏng vấn trận đánh ở Vàm Cỏ Đông, phá chiến thuật “hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ. Anh Mười Thước, chỉ huy bộ phận đi đánh nói, tôi là trung uý nguỵ, nhưng Đảng phân công tôi đến đây làm việc thì anh ấy trình bày...”.

Nhưng có người hiểu, thông cảm và tin dùng anh Phương Hùng. Đó là đồng chí Phan Văn (Tư Văn), người lãnh đạo cao nhất của cánh Tuyên huấn tỉnh lúc bấy giờ. Sau cú sốc đó, anh Phương Hùng đã về đơn vị gặp đồng chí Tư Văn xin chuyển công tác. Đồng chí Tư Văn thẳng thắn vừa trao đổi, vừa động viên. Cuối cùng ông kết luận: “Nếu là giặc thì nửa đêm nay âm thầm mang ba lô đi đi. Còn không thì hãy ở lại”. Trước sự tin tưởng của đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, thủ trưởng cao nhất của đơn vị, anh như được tiếp thêm sức mạnh, công tác tích cực hơn.

Đồng chí Tư Văn, được xem là vị lãnh đạo sâu sát, biết nhìn và sử dụng người nên đã phát huy được năng lực công tác của từng thành viên. Ở Ban Tuyên huấn tỉnh, cụ thể là tiểu ban Tuyên truyền, ngoài anh Phương Hùng không xác minh được lý lịch, còn có đồng chí Nguyễn Thế Ni- phóng viên ảnh Hồng Thế, cũng thuộc dạng cá biệt. Anh Hồng Thế không biết nể sợ ai, dù người đó ở vị trí công tác cao hơn, nên thường dễ bị cán bộ cấp trên nhận xét. Duy có đồng chí Tư Văn thông cảm, thường tìm gặp anh Hồng Thế tâm sự, đôi khi trao đổi và giao việc với sự chân tình và tin tưởng. Là người cao ngạo, chưa nễ phục ai nhưng nhà báo Hồng Thế luôn dành sự trân trọng, kính nễ khi nhắc về đồng chí Phan Văn. Với anh Phương Hùng cũng vậy, sự nể trọng càng cao hơn. Biết anh xa gia đình, không người thân thích, đồng chí Phan Văn rất quan tâm đến cuộc sống của anh. Thấy anh ăn mặc lôi thôi, đồng chí Tư Văn yêu cầu Văn phòng Ban Tuyên huấn sắm cho anh một bộ quần áo đàng hoàng. Khi biết văn phòng sắm cho anh bộ đồ “xèm xèm”, đồng chí Tư Văn đã phê phán đồng chí lãnh đạo Văn phòng Ban. Cả sinh mạng chính trị của Phương Hùng đều do đồng chí Tư Văn quyết định. Ông là người đứng ra bảo lãnh để Đảng xem xét kết nạp Đảng cho nhà báo Phương Hùng. Trong hồi ký của mình, Phương Hùng viết: “Sau kết nạp, có người bên giáo dục nói vui: Đêm qua có vì sao bỗng dưng sáng hẳn lên. Về sau mới biết, anh Tư Văn lúc đó đã là Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ đứng ra bảo lãnh mới giải quyết được, vì cái lý lịch mình không ai xác nhận, anh đặt bút ký, lấy sinh mạng chính trị của bản thân mà đóng dấu thừa nhận cuộc chiến đấu của tôi. Mình không biết phải nói sao...”.

Trước sự tin tưởng của lãnh đạo, Phương Hùng đã làm khá tốt ở mọi vị trí công tác, sẵn sàng đi và viết dù trước mặt là sự hy sinh, chết chóc. Từ một phóng viên Báo Giải Phóng trong kháng chiến, rồi Báo Tây Ninh, Báo Cao su Việt Nam, Báo của Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh, đến khi nghỉ hưu là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, anh Phương Hùng đã làm việc với tất cả sự đam mê, nhiệt tình. Cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng, anh vẫn giữ được phẩm chất của người Cộng sản- Sống cuộc đời thanh đạm của một hoạ sĩ yêu nghề, với căn nhà nhỏ chất đầy tranh, giá và cọ vẽ tại thành phố Hồ Chí Minh. Hôm chúng tôi đến viếng khi được tin anh qua đời, căn nhà thiếu cả chỗ ngồi cho 7 anh em chúng tôi từ Tây Ninh tới.

Đó là tính cách, là con người của anh- nhà báo Phương Hùng.

Trang Tú

Từ khóa:
Tin liên quan