BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9: Gặp gỡ những người “từ mùa thu ấy”…

Cập nhật ngày: 01/09/2012 - 05:07

(BTN)- Cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 và ngày Quốc khánh 2.9 diễn ra đã 67 năm, nhưng không khí hào hùng của ngày đất nước giành được độc lập vẫn còn âm vang đến hôm nay. Những người trực tiếp tham gia cuộc Cách mạng thời ấy, giờ còn rất ít và tuổi tác đều đã quá 80. Thật may, tại một ấp thuộc xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu chúng tôi đã gặp 2 nhân chứng, là những người trong cuộc ngày ấy.

Ông Mai Văn Hung (Tám Hung), SN 1928, tại làng Phước Hội, quận Châu Thành, nay là xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tuy tuổi cao nhưng còn rất khoẻ mạnh, minh mẫn, tuy có hơi nặng tai. Mọi việc diễn ra ngày ấy ông còn nhớ rất rõ. Ông Mai Văn Hung kể: Gia đình tôi phải trốn vào rừng ở để tránh sự ruồng bố, cướp bóc của giặc Pháp, rồi giặc Nhật và bọn tay sai theo giặc. Tôi được anh Nguyễn Minh Hoàng và anh Lê Văn Đón là cán bộ Việt Minh hoạt động bí mật tại địa phương vận động tham gia vào đội “Thanh niên tiền phong” của xã. Ngày 25.8.1945, tôi cùng hơn 100 thanh niên trong đội, tập trung đi bộ cùng nhiều người ở Phan, Phước Ninh, nhập chung với đoàn ở Chà Là đi ra thị xã Tây Ninh dự cuộc mít tinh biểu dương lực lượng, ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Những thanh niên tham gia mít tinh mang theo giáo mác tự chế tạo và gậy tầm vông, một số người cầm cờ đỏ sao vàng, tất cả hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Hồ Chí Minh; đả đảo quân phát xít, đế quốc sài lang.

Ông Mai Văn Hung và cháu nội tại gia đình.

Sau đó, cuộc mít tinh chuyển thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, rồi khi quân Pháp tái chiếm Tây Ninh, ông Mai Văn Hung tiếp tục tham gia kháng chiến tại địa phương, năm 1949 ông được kết nạp vào Đảng tại làng Phước Hội. Năm 1954, ông Mai Văn Hung được phân công ở lại hoạt động công khai, rồi bị địch ruồng bố gắt gao ông phải lánh về vùng Bến Củi. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Mai Văn Hung trở lại địa bàn Suối Đá, tham gia vào Uỷ ban nhân dân cách mạng xã, sau đó được bầu làm Uỷ viên thư ký UBND xã và đại biểu HĐND huyện. Năm 1992, ông Mai Văn Hung là đại biểu của tỉnh Tây Ninh được cử ra Hà Nội dự Đại hội Thanh tra toàn quốc. Người con gái út của ông hiện là Kiểm sát viên, đang công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Dương minh Châu.

Trong danh sách những cán bộ đầu tiên của Ban chấp hành Hội Phụ nữ tỉnh Tây Ninh từ năm 1948 có tên bà Trần Thị Thiệu, SN 1927. Bà Trần Thị Thiệu hiện nay còn rất khoẻ mạnh, minh mẫn, bà vẫn làm việc nhà giúp con cháu và đi lại thăm hỏi bà con trong địa phương. Bà Thiệu còn nhớ rất rõ những kỷ niệm, những sự việc diễn ra tại địa phương từ thời bà còn là một thiếu nữ. Lúc còn nhỏ bà Thiệu đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải ở với bà ngoại, khi bà Thiệu 16 tuổi cũng là lúc giặc Nhật tràn vào địa phương cướp bóc, hãm hiếp. Là phụ nữ, con gái lúc ấy đều phải trốn vào rừng. Sau khi chính quyền về tay nhân dân, bà Trần Thị Thiệu được ông Trần Kim Tấn, khi ấy là Giám đốc Quốc gia tự vệ Cuộc Tây Ninh (ngày nay là lực lượng Công an nhân dân) vận động bà đi làm Cách mạng. Bà được tổ chức bố trí đến vùng Cây Chò, xã Ninh Điền và nhờ “có chút chữ nghĩa” bà được giao làm công tác “bình dân học vụ”. Sau đó bà Thiệu được đi học và chuyển về công tác tại Hội Phụ nữ tỉnh Tân An. Nhân một lần bà Mỹ Lan - cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh Tây Ninh đến Tân An công tác gặp bà Thiệu, bà Lan xin cho bà Thiệu trở về quê nhà công tác. Năm 1948, bà Trần Thị Thiệu được bầu vào BCH Hội Phụ nữ tỉnh Tây Ninh. Cuối năm 1951, bà được điều động tăng cường về công tác tại Hội Phụ nữ huyện Dương Minh Châu và xây dựng gia đình, chồng bà là một cán bộ hoạt động bí mật nội thành.

Bà Trần Thị Thiệu và cháu ngoại tại gia đình.

Năm 1954, do bị giặc ruồng bố, bắt bớ, trả thù dã man, bà Thiệu phải đưa các con lánh nạn về vùng Xóm Hố (nay là phường 1, TX Tây Ninh), chồng bà Thiệu tiếp tục hoạt động bí mật, tới năm 1972 thì ông được điều ra miền Bắc công tác ở Bộ Điện và Than. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ông mới trở về đoàn tụ với gia đình. Bà Thiệu có 8 người con, tất cả đều được học hành, trưởng thành, đều tham gia công tác, người con gái út là Trần Mỹ Trang hiện đang là Chủ tịch UBND xã Suối Đá.

Những mẩu chuyện nhỏ của hai người, cùng sinh ra và lớn lên ở một ấp, cùng tham gia hoạt động Cách mạng từ những ngày mùa thu cách mạng trên quê hương Tây Ninh. Nay cả hai người đều trở về sinh sống tại quê hương, con cháu họ đều đã trưởng thành, những câu chuyện cách nay đã 67 năm vẫn còn nóng hổi tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, một lòng vì độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

KHẮC LUÂN