Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Báo chí chúng ta còn có trách nhiệm phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân Tây Ninh đến với Đảng bộ, chính quyền tỉnh.

|
Thanh Niên - tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên (ST) |
(BTN) - Cách nay 88 năm, với nhận thức “Báo chí là người cổ động quần chúng, hướng dẫn quần chúng, tổ chức quần chúng”, ngay sau khi thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam - ngày 21.6.1925 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho ra đời tờ Báo Thanh Niên để làm phương tiện truyền bá tư tưởng, giáo dục lý tưởng cách mạng cho lớp thanh niên cách mạng đầu tiên ở nước ta. Sự ra đời của Báo Thanh Niên đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Dưới sự rèn luyện của Bác Hồ, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, báo chí cách mạng nước ta không ngừng phát triển lớn mạnh đến ngày nay.
Tại tỉnh ta, ngay sau cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945, khi quân đội thực dân Pháp tái xâm lược nước ta, quân dân Tây Ninh phải trực tiếp cầm súng chiến đấu giải phóng quê hương, đất nước. Đảng bộ, chính quyền cách mạng của tỉnh nhận thức được vai trò cần thiết của báo chí trong việc động viên, cổ vũ nhân dân hưởng ứng, tham gia kháng chiến, nên đã chỉ đạo cho Ban Tuyên truyền tỉnh cho xuất bản tờ báo cách mạng đầu tiên mang tên Báo Dân Quyền vào khoảng tháng 10 năm 1946. Từ đó đến nay, báo chí cách mạng ở Tây Ninh luôn duy trì hoạt động, liên tục xuất bản với tư cách là phương tiện thông tin tuyên truyền của lực lượng kháng chiến giải phóng đất nước; xây dựng và bảo vệ quê hương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh.
Có thể nói, với quá trình phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân 67 năm qua (1946 - 2013) báo chí tỉnh ta đã đi “từ không đến có”, từ thô sơ đến hiện đại. Ngày trước các thế hệ làm báo tiền bối với hai bàn tay trắng đã phải “in báo từ cục đất sét” với giấy, mực in phải mua bí mật, vận chuyển bí mật từ đô thành vào rừng sâu, qua biết bao gian nan khổ nhọc. Từ tờ giấy trắng trở thành bản in báo, rồi từ nơi làm báo đến tay quần chúng bạn đọc phải thấm biết bao mồ hôi, có khi cả máu và nước mắt. Một bản tin truyền đến người đọc có khi phải mất hàng tháng. Ngày nay, chúng ta làm báo công khai, hợp pháp, làm báo bằng mọi phương tiện hiện đại nhất, và các loại hình báo chí của chúng ta hiện nay không chỉ có tờ báo in xuất bản cách ngày, không chỉ có đài phát thanh, đài truyền hình phát sóng nhiều giờ trong ngày, mà có cả báo điện tử trên mạng thông tin toàn cầu, thông tin cập nhật rất nhanh và liên tục với sức lan toả rất mạnh mẽ.
Chúng ta khẳng định, Báo Tây Ninh của chúng ta là tờ báo của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Tây Ninh, trên măng-sét tờ báo ghi rõ là “Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh”. Do vậy, cũng như từ trước đến nay chúng ta đã làm, là nội dung thông tin tuyên truyền trên báo phải trung thành với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, phải phản ánh trung thực, khách quan, chính xác việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ấy trong từng giai đoạn, từng thời gian một cách chính xác nhất, nhanh chóng nhất. Đó là một công việc không dễ dàng trong điều kiện trình độ, khả năng, thực lực của báo chí chúng ta có giới hạn. Bởi lẽ yêu cầu công việc đòi hỏi người làm báo phải quán triệt sâu sắc, chính xác nội dung nhiệm vụ chính trị mới có thể tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến nhân dân mà không bị “khúc xạ”, “méo mó”, “thiếu sót”…
Đồng thời, báo chí chúng ta còn có trách nhiệm phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân Tây Ninh đến với Đảng bộ, chính quyền tỉnh. Việc này càng không dễ dàng nếu như chúng ta không đi sâu, đi sát trong quần chúng, tiếp cận thực tế từng cảnh ngộ, tình huống trong đời sống xã hội, cuộc sống nhân dân. Và quan trọng hơn, chẳng những phải tiếp cận, phải nắm được những cảnh ngộ, những tình huống đó, người làm báo còn phải nhận thức đúng đắn, phân tích chính xác với quan điểm cách mạng mới có thể phản ánh được một cách trung thực, khách quan, và có tính phản biện xã hội trong tác phẩm báo chí, để có thể đề xuất với Đảng, Nhà nước hướng giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc theo đúng quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Để có thể đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ kênh thông tin hai chiều giữa Đảng với dân, người làm báo phải tích cực, không ngừng rèn luyện để luôn giữ được “cái tâm” trong sáng, trung thực, nhiệt tình, nhân hậu; luôn cập nhật được “cái tầm” hiểu biết sâu rộng, khả năng phân tích, tổng hợp và diễn đạt thông tin về những vấn đề phức tạp một cách dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ như lời người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam đã dạy.
NGUYỄN TẤN HÙNG