BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm sâu sắc về một đời người

Cập nhật ngày: 25/12/2011 - 05:48

Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa

Được tin đau buồn, anh Ngô Quang Nghĩa – Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa đã ra đi! Là một người lính cũ, cùng đồng chí, đồng đội đã từng công tác và chiến đấu tại cơ quan Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam ở căn cứ địa Bắc Tây Ninh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xin bày tỏ lòng thương tiếc và biết ơn người thủ trưởng của những tháng năm thử thách ác liệt tại chiến trường mưa bom lửa đạn. Và cũng như Anh vẫn còn giữ “cái chất tốt bẩm sinh” Bí thư Đảng uỷ, Chánh Văn phòng Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã chia sẻ những nỗi niềm với chúng tôi từ ngày đất nước hoà bình, thống nhất đến nay.

Trong khát vọng không ngừng hoàn thiện con người, trí nhớ của chúng tôi không thể không giữ mãi những biểu hiện trong sáng của lớp người Công an tiền bối thuộc Đội cận vệ của Trung ương Cục miền Nam như: Phan Văn Đáng, Phạm Thái Bường, Cao Đăng Chiếm, Huỳnh Việt Thắng, Ngô Quang Nghĩa mà ngay từ buổi đầu Xứ uỷ Nam bộ đã chọn và giao nhiệm vụ thành lập Ban Bảo vệ an ninh – trật tự Xứ uỷ Nam bộ, rồi Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, tham mưu cho Trung ương Cục miền Nam chống lại các loại tình báo, gián điệp, phản động của đế quốc Mỹ và tay sai trong suốt cuộc chiến tranh cách mạng cho đến ngày đại thắng; đã rèn giũa và đưa kích thước của lớp người an ninh miền Nam đến tầm cỡ nhân văn; có thể sẽ còn phù hợp để dọn đường cho cao trào mới sáng loá “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa là một cây đại thụ trong số những cây đại thụ Công an của rừng Tây Ninh, một cây bút xuất sắc trong lĩnh vực tham mưu tổng hợp; một chiến sĩ với những cống hiến lớn lao trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ; Ngô Quang Nghĩa lúc nào cũng là người bình thường. Chính cái không ồn ào và khiêm nhường đó đã làm cho hình ảnh về ông lại càng cao đẹp hơn, được mọi người kính trọng. Tôi học và phấn đấu làm theo phẩm chất con  người ông là luôn cống hiến, luôn đặt mình ở ngoài vòng danh vọng “Vật chất lẫn bon chen đời thường”.

Đồng chí Ngô Quang Nghĩa là cán bộ lãnh đạo tự rèn giũa trở thành vị tướng chiến trường, luôn luôn toát lên sự hài hoà giữa phong cách ứng xử tế nhị, sự chỉ huy quyết đoán và trí tuệ linh hoạt; là người đi tiên phong, hướng dẫn và lãnh đạo. Ngay từ năm đầu của những năm 1960, Ngô Quang Nghĩa đã nhanh chóng trở thành thần tượng của thế hệ thanh niên Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam vì đã có sức hấp dẫn và thuyết phục chúng tôi trên bục giảng, lẫn cầm tay chỉ việc trong lao động, công tác, học tập, chiến đấu bảo vệ cơ quan.

Được làm việc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông suốt một chặng đường, tôi nghĩ ông là người hạnh phúc khi giữ được sự mến mộ của mọi người; đó là nhờ những dấu ấn sâu đậm ông để lại trong lòng mọi người rất gần gũi mà chân thật, từ lời nói đến cử chỉ giao thiệp hoà đồng v.v.. tất cả nhằm đạt mục tiêu xây dựng, động viên cùng nhau hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cách mạng trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh nào.

Đồng chí Huỳnh Minh Phụng, Ban tổ chức họp mặt, gắn kỷ niệm chương cho đồng chí Ngô Quang Nghĩa về dự họp mặt CLB Truyền thống Đoàn thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam lần thứ 5 năm 2005 tại CLB Làng Tôi, quận 2, TP.HCM

Giữa năm 1970, trong tình thế dã chiến bất lợi, ông chủ trì cuộc họp lãnh đạo và nêu chương trình giải quyết thông suốt. Nhưng khi về, tôi thấy cán bộ chiến sĩ đơn vị bệnh sốt rét, khó có thể đi tải gạo, liền trở lại gặp ông đề xuất hướng giải quyết có lợi cho đơn vị, nhưng vi phạm lệnh chung của chiến trường. Tôi đang nêu ý kiến thì ông sửng cồ phê phán gay gắt “không được, không được, bần cùng phải sanh đạo nghĩa, không được bần cùng rồi sanh đạo tặc là nghiêm cấm; làm lãnh đạo phải gương mẫu, động viên cấp dưới phải tuân thủ nghiêm túc lệnh cấp trên; không được lấy gạo tại kho dã chiến của quân giải phóng đã chuẩn bị khi chiến đấu xảy ra”. Khi phát biểu, trong thâm tâm tôi nghe ông phê phán, nhưng hy vọng ông thông cảm quân số đơn vị ít, quay ragono   (máy phát điện tay) nặng nhọc, lại bệnh sốt rét, sẽ chấp nhận cho lấy gạo của kho quân giải phóng gần đơn vị; nào ngờ!

Tôi trở lại đơn vị thì ít phút sau, có 3 – 4 đồng chí của đơn vị bạn đến, bảo thực hiện ý kiến của ông, đến giúp đỡ quay ragono thay cho các bệnh nhân bị bệnh sốt rét của đơn vị. Nếu không được ông cho người bổ sung kịp thời thì đơn vị tôi thiếu lương thực ngay trong trận càn lớn của Mỹ năm 1970. Tôi thầm cảm ơn ông vừa “nguyên tắc, vừa có tình có lý” trong cương vị lãnh đạo của mình.

Đối với tôi, những năm tháng gắn bó với ông trong chiến tranh cũng như trong hoà bình thật là quý giá và những kỷ niệm về ông mãi mãi ghi sâu trong ký ức tôi!

Đối với chúng ta, thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa như tinh hoa và khí phách tiêu biểu, một mẫu người nghiêm túc, thận trọng và gần gũi, luôn sống và làm việc theo chuẩn mực của tư tưởng đạo đức truyền thống: xả thân vì sự nghiệp, cần – kiệm – liêm – chính, kỷ cương.

Đồng chí Ngô Quang Nghĩa là một ngôi sao sáng. Con người giản dị, vui tính, dễ gần, trung thực; tuy được Nhà nước phong cấp hàm thiếu tướng và lãnh đạo Bộ Công an phân công giữ chức vụ một số trọng trách, nhưng ông không có kiểu cách của ông quan cách mạng. Nay đi xa, có lẽ ông không để lại được tiền bạc, của cải vật chất... mà chỉ để lại một tấm gương trong sạch cho các con ông. Và cho những đồng nghiệp một gia tài hết sức to lớn, đó là cuộc đời cán bộ Công an của ông. Xin vĩnh biệt Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa, anh Chín Nghĩa!

Đại tá HUỲNH MINH PHỤNG